Sự thật, những “Sứ giả Như Lai” dấn thân vào đời giáo hóa đồ chúng, phụng sự nhân sinh là một việc rất khó, nhưng không vì có những chướng duyên mà người đệ tử Phật chùn bước, nhất là người làm nhiệm vụ hoằng pháp. Với Thượng toạ dù khó khăn đến đâu, Người cũng sống và hành xử xứng đáng với danh nghĩa người con họ Thích, người mặc pháp phục của Như Lai mà khơi dòng suối ngọt, đem tươi mát về nơi nắng hạn đồng khô cho cây lá được xanh tươi.
Được biết, chùa Thượng Thôn được xây dựng từ thế kỷ XVIII, trải qua phong sương mưa nắng, ngôi Tổ đường đã xuống cấp trầm trọng cần phải tu sửa lại. Mặc dù lòng tin tưởng Phật pháp rất nhiệt thành, lòng hảo tâm sẳn có nhưng phương tiện sinh sống của nhân dân Phật tử nơi đây không được dồi dào, đời sống còn nhiều khó khăn. Cho nên việc tu sửa ngôi nhà Tổ làm cho Sư thầy Trụ trì lo lắng. Tuy nhiên, với tâm nguyện ngôi Tổ đường sớm được tu sửa để Phật tử trong làng có nơi lễ bái, tu học và phát triển con đường đạo đức tâm linh, ngày 11/11/ Nhâm Thìn, nhà chùa cùng nhân dân tín đồ Phật tử đã đặt móng xây dựng lại ngôi Tổ đường với tổng diện tích là 115m2. Sau gần 5 tháng thi công đến nay công trình trùng tu đã được viên mãn và một số hạng mục cơ sở vật chất cũng được nâng cấp tu sửa. Tổng kinh phí trên 750 triệu đồng.
Trong buổi Lễ Lạc Thành, Sư thầy Thích Đàm Ninh nói lời cảm tạ các cấp chính quyền nhiệt tâm hỗ trợ, tạo mọi thuận duyên trong công việc trùng tu và tán dương công đức của các Phật tử xa gần, đã trợ duyên cho ngôi Tổ đường được hoàn thành trang nghiêm.
Sau phần nghi lễ khánh thành ngôi nhà Tổ, điều mà dân làng địa phương khao khát, chính là được nghe TT.Thích Chân Quang (BRVT) tuyên giảng giáo lý Phật dạy, giúp họ có được một đời sống tinh thần tốt đẹp hơn.
Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng toạ Giảng sư tản mạn về ý nghĩa tâm linh, tức là mỗi một dân tộc đều có tâm linh để giữ gìn cái hồn của dân tộc đó. Ví dụ các nước phương tây, các nước Ả rập đều có tôn giáo riêng của họ. Cũng vậy, phương đông cha ông ta đã sáng suốt chọn đạo Phật làm cái hồn của dân tộc suốt mấy nghìn năm qua, thông qua một đời sống tâm linh cực kỳ hợp lý và đạo đức.
Ta thấy những khi đất nước suy yếu thì dấu hiệu đầu tiên là đạo Phật suy yếu trước, hoặc là họ làm cho đạo Phật suy yếu trước rồi đất nước sẽ suy yếu theo. Ngày hôm nay, đất nước ta sau những cuộc chiến tranh tang thương, mất mát, ta giành được chủ quyền, thống nhất đất nước thì đạo Phật bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ. Khắp nơi trên đất nước của ta, các chùa được trùng tu, tái hiện, có những nơi được xây mới, những người xuất gia thì đông dần lên. Khi thấy đạo Phật được hồi sinh thì ta hiểu rằng đất nước cũng đang phát triển, bởi vì tinh thần, đạo lý của đạo Phật đã nằm trong trái tim của dân tộc ta, đã dẫn dắt đời sống của dân tộc qua mấy nghìn năm lịch sử. Người dân ta có đạo Phật để hướng về, tự nhiên sinh khí của dân tộc vượt lên, chỉ bởi trong đạo Phật có những đạo lý mà không ai có thể chối bỏ được. Ngày hôm nay không riêng Việt Nam, mà cả những nhà tri thức của thế giới, khi họ nghiên cứu về tôn giáo, về tín ngưỡng, họ đều ca ngợi đạo Phật là một tôn giáo đẹp, vì đó là tôn giáo yêu chuộng hòa bình nhất trên hành tinh này.
Điều thứ hai trong đạo Phật làm cho người ta yêu thích nữa là đạo lý Nhân quả. Ông bà mình hay nhắc nhở con cháu là “Gieo nhân gì gặt quả đó”; “Ở hiền gặp lành”, nếu ta làm khổ người khác, không chóng thì chầy cũng chuốc lấy khổ đau. Nếu ta giúp đỡ, yêu thương, tử tế với người thì không bao lâu cuộc đời mình cũng được sung sướng, hạnh phúc. Đó là sự công bằng mà không lệ thuộc thần linh, tức không lệ thuộc vào ai cả.
Luật nhân quả phủ trùm khắp vũ trụ, chi phối cuộc sống của con người. Vì ta không thấy, không biết nên nhiều khi mê mờ, để rồi trong đời lại gieo những hạt giống xấu xuống dòng nghiệp của mình, khiến ta chịu nhiều đau khổ. Còn nếu ai cũng biết, tin hiểu Luật Nhân Quả thì chúng ta khi làm điều gì đều cân nhắc xem quả báo sẽ như thế nào, không dám vì cái sân si của mình mà làm bừa. Nên ta thấy nhân quả công bằng cho tất cả mọi người.
Và chính chư Tăng Ni trong chùa nhắc cho ta đạo lý Nhân quả hàng ngày để nhớ mà thực hành. Đó là lý do tại sao một ngày vất vả với công việc đồng án; cơ quan, ta cứ phải đi chùa một cách tự giác. Ta thường đến chùa lễ Phật, tụng kinh, gặp chư Tăng Ni để thưa hỏi đạo lý. Mà người nào tự giác được thì đạo đức ngày càng sáng tỏ, ngược lại người không tự giác thì dần dần đạo lý trong tâm giảm sút, dễ thành hư hỏng. Còn khi lễ kính một bậc Thánh với lòng tôn kính thì điều thiện trong tâm lớn dần lên từ từ.
Khi hiểu nhân quả, có điều gì thắc mắc trong cuộc sống, ta có thể hỏi Tăng Ni để có câu trả lời. Nhờ vậy mỗi lần học hỏi ta sáng ra, khi trở về với gia đình rất cẩn thận từng lời ăn tiếng nói, chỉ làm điều lành mà thôi. Mặt khác, hiểu được nhân quả thì ta thích làm điều thiện, tuy lúc làm rất cực khổ, thiệt thòi, hao tốn nhưng ta có niềm tin những nhân lành mình gieo xuống sẽ trở thành trái ngọt về sau. Và khi biết nhân quả rồi thì cái của mình cũng là của người. “Vật” là vô thường; “Của” là tạm, vì vậy nếu giúp ai được điều gì thì cứ giúp. Ta phải xây dựng cộng đồng dân cư thành khu dân cư văn hóa, đó là dân cư sống tử tế với nhau. Còn cái gì của mình cứ bo bo cho mình, tưởng như vậy là không mất gì, kỳ thật ta mất rất nhiều vì không có phúc, nên đời này ta cứ nghèo, con ta không được hưởng đức của ta, không thành công lớn được. Muốn con thành công thì bố mẹ phải cống hiến rất nhiều.
Nghĩ về làng quê là nghĩ về cội nguồn, về văn hóa, tập quán mà nhiều đời tổ tiên ta vẫn dạy. Văn hóa làng quê là văn hóa cội nguồn. Trong làng quê có mái chùa, khi nghĩ về làng quê ta nghĩ tới ông bà, bố mẹ và cũng nghĩ tới tiếng chuông chùa. Nơi mái chùa ta được dạy đừng sát sinh, hãy sống yêu thương tử tế với nhau, ta được dạy Luật Nhân Quả Nghiệp Báo, tình dân tộc được hòa quyện vào. Người Việt Nam đi cùng trời cuối đất nhưng khi đến chùa nhìn mặt nhau là thấy yên tâm liền, vì đó là người đồng đạo, cùng thờ Đức Phật, cùng tin Luật Nhân Quả, nên lòng ai cũng cởi mở. Sự yên tâm, tin cậy khi đến chùa đã tạo thành sức mạnh đoàn kết của dân tộc lúc nào không hay, đây là điều rất đặc biệt. Nhân đây, Thượng toạ dẫn chứng vài câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt để minh chứng nhiều năm đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, tạo thành sức mạnh cho dân tộc.
Chúng ta hiểu điều này để xác định cho mình một lập trường là: Lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với tình yêu đạo tha thiết. Khi có được hai thứ tình cảm đó trong lòng rồi thì ta sống một cuộc đời vững chãi, có hướng đi, có niềm tin, có phúc lành. Con cháu ta sẽ thành người sống có ích, có phúc, đất nước này vì vậy mà bay lên. Để được tình cảm đó thì không phải tự nhiên mà có, thế hệ trước phải truyền dạy cho thế hệ sau. Đó là vốn quý của dân tộc ta. Mà muốn truyền dạy được thì trong lòng ta phải tràn đầy hai tình cảm này.
Lòng yêu nước là điều rất tự nhiên như hơi thở của cuộc sống. Người Việt Nam ta yêu nước thì bất cứ điều gì thiêng liêng gắn bó với mình đều dính với tình yêu nước. Ta không có đời sống riêng, không có tình cảm riêng, mà những gì ta yêu ta mến đều là quê hương ta, đất nước ta. Tình cảm này phải được hun đúc từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là đời sống cao thượng.
Mái chùa cho ta vô số điều đạo lý cao thượng. Ta không chỉ ăn, ngủ, đi làm rồi chờ chết. Chúng ta không chấp nhận một cuộc sống tầm thường như vậy. Có thể hoàn cảnh buộc ta phải làm lụng nhưng ta phải sống có lý tưởng, có đạo lý. Có thể cuộc sống ta còn nghèo, mái nhà đơn sơ nhưng tâm hồn ta phải cực kỳ phong phú, đó là nhân quả để làm người, làm Thánh. Tâm như thế nào thì quả báo kiếp sau như thế đó. Nếu nói ta nghèo nên tâm hồn đơn sơ thì kiếp sau tiếp tục nghèo. Còn như tâm hồn mình cao vút, đầy tình yêu thương nhân loại thì sau này ta vượt lên. Không bao giờ được để tâm hồn ta nghèo, đó là nhờ phật pháp. Chúng ta hãy vui mừng vì trong làng có một ngôi chùa được dựng lên, vì có người xuất gia giữ gìn ngôi Tam bảo, vì con cháu biết theo ta đến chùa tu hành. Ta yêu đất nước nên ta yêu đạo pháp và ta yêu đạo pháp nên ta yêu đất nước. Ta yêu đất nước nên ta yêu những chiến sĩ ngày đêm cầm súng bảo vệ đất nước; ta yêu đạo pháp nên ta yêu những người xuất gia, từ bỏ lạc thú cuộc đời mà giữ gìn Phật pháp và dân tộc này.
Trước khi kết thúc buổi Pháp thoại, Thượng toạ nhắc đi nhắc lại là chúng ta hãy xây dựng hai thứ tình cảm cao đẹp trong lòng mình, đó là tình yêu nước nồng nàn và lòng yêu quý Phật pháp thiết tha. Ta có điều này để sống và để chết, đừng bao giờ vắng hai điều này trong lòng. Và ta nuôi dưỡng, hun đúc để truyền dạy lại cho con cháu mình. Làm được như vậy, chúng ta tạo được nhân quả lành cho vô lượng kiếp sau.
Mọi người đều hoan hỷ khi nghe được một bài Pháp hữu ích như vậy. Có người mới nghe được bài Pháp này đầu tiên trong đời và nói rằng “Có nghe Phật pháp càng biết nhiều cái hay” và họ xin Quy y Tam bảo.
May mắn thay! giữa đêm đen tìm được ngọn đuốc soi đường, để những người dân vùng quê vốn chơn chất thuần thiện, rất tin vào đời sống tâm linh có một niềm tin chánh tín. Xóa những nếp nghĩ lạc hậu nhiều hủ tục mê tín dị đoan còn tồn tại, giúp họ trở thành những công dân, những Phật tử tốt biết làm điều thiện, biết cống hiến cho xã hội, đem hạnh phúc cho người chung quanh.
Sau đó, nhà chùa còn tổ chức Lễ Quy Y cho hơn 70 người tại địa phương phát tâm trở thành đệ tử Phật. Sư thầy Thích Đàm Ninh đã cung thỉnh TT Thích Chân Quang truyền giới cho các vị tân Phật tử. Trong buổi Lễ Quy Y, sau khi Thượng toạ niêm hương chú nguyện danh tánh của mỗi người, thầy Thích Khải Định và sư cô TN Liên Hiền, thay mặt Thầy Bổn Sư trình bày ý nghĩa, lợi ích của việc thọ trì tam quy, ngũ giới và 7 điều nguyện cho những người mới quy y nắm được những điều cơ bản mà tu tập hành trì./.
Dưới đây là những hình ảnh về toàn cảnh buổi thuyết Pháp của TT Thích Chân Quang và Lễ Quy Y diễn ra tại chùa Thôn Thượng – Nam Định: