Được biết ngôi Tổ đường chùa Hải Lạng Trang trải qua thời gian 2 năm thi công, đến nay đã hoàn thành trong khu quần thể Di tich lịch sử Đền chùa Hải Lạng Trang. Đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với Sư thầy Trụ trì Thích Đàm Tân cùng các Phật tử và dân làng.
Đến chứng minh và tham dự buổi lễ có: TT.Thích Chân Quang (BRVT) – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang; cùng Chư tôn đại đức Tăng Ni trong BĐD huyện Nghĩa Hưng cũng như các Trụ xứ lân cận, đồng tham dự.
Về phía chính quyền có: ông Vũ Xuân Trường – Thường vụ huyện ủy – Chủ tịch UBMTTQ huyện Nghĩa Hưng; ông Đới Mạnh Tồn – Thường vụ huyện ủy – Trưởng Ban Dân Vận huyện Nghĩa Hưng; ông Đới Văn Quang – Chủ tịch HCTĐ huyện Nghĩa Hưng; ông Đới Văn Mậu – Phó phòng TTVH và Du Lịch huyện nghĩa Hưng; cùng tòan thể các vị đại diện các Phòng/ Ban trong huyện. Ngoài ra còn có các vị khách mời thuộc xã Nghĩa Thịnh là ông Trương Văn Tiệp – Phó Bí Thư Thường trực Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Thịnh; ông Trịnh Văn Luân – Phó Bi Thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh; ông Vũ Duy Cường – Chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa Thịnh cùng các vị trong Ban Thường Trực Đảng ủy, HĐND, UBND và Trưởng các Ban ngành đoàn thể trong xã cũng hiện diện trong buổi đại lễ này.
Mặt khác, BTC còn được đón tiếp ông Đới Văn Giang – Bí thư Chi bộ thôn Hải Lạng Trang; ông Nguyễn Văn Thiêm – Trưởng thôn Hải Lạng Trang cùng các vị đại diện các Ban ngành trong thôn và đông đảo Phật tử địa phương cũng như các tỉnh thành đến tham dự.
Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ chào mừng Đại lễ khánh thành ngôi Tổ đường chùa HẢI LẠNG TRANG do Đội Văn Nghệ đến từ chùa An Khánh (xã Yên Hưng) biểu diễn, bao gồm các thể loại: ca, hát chèo, múa, mang đậm tính dân tộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đới Văn Giang – Bí thư Chi bộ thôn Hải Lạng Trang ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Sư Thầy Trụ trì và các Phật tử gần xa đã góp công sức xây dựng ngôi Tổ đường hoàn thành như ngày hôm nay, nhằm phục vụ tốt cho mọi hoạt động sinh hoạt tu học, hoằng pháp của Chư Tăng Ni Phật tử và nhân dân Hải Lạng Trang. Nhân đây ông đánh giá tầm quan trọng của ngôi chùa đối với văn hóa tâm linh và tinh thần nhập thế của đạo Phật đem lại, đó là “Đạo Phật đã hòa nhập thấm nhuần vào nền văn minh Việt Nam tự nhiên và dễ dàng như nước thấm sâu vào đất. Đạo Phật đã lan tỏa từ thành thị đến các miền quê và trên lãnh thổ đất nước Việt Nam, đạo lý từ bi giác ngộ của đạo Phật đã ăn sâu vào nếp sống suy nghĩ của người dân Việt Nam trở thành những giá trị tinh thần vô giá cho dân tộc chúng ta. Nói đến đất nước Việt Nam và văn hóa Việt là người ta nghĩ ngay đến hình ảnh những ngôi chùa thân thương cổ kính với mái uốn cong vươn lên nền trời”.
Kế đến, ông Nguyễn Văn Thiêm – Trưởng thôn Hải Lạng Trang báo cáo tóm tắt tiến trình xây dựng. thôn Hải Lạng Trang.
Sau các nghi thức hành chánh, TT.Thích Chân Quang đã thuyết giảng bài Pháp thoại có tựa đề LẼ SỐNG CAO ĐẸP Ở ĐỜI dành cho các Phật tử về tham dự lễ.
Nội dung bài Pháp thoại này nhằm giúp người Phật tử phải xác định lại lẽ sống cho mình và dạy cho con cháu, không để mạch sống này đứt. Cứ truyền đời lẽ sống cao đẹp này để xây dựng quê hương ta thành đất nước giàu đẹp, thịnh vượng, đủ sức đóng góp vào cho cộng đồng thế giới những điều thanh bình tươi đẹp hơn.
Điều buồn nhất của con người là sống trên đời không biết để làm gì. Người nào qua tuổi trưởng thành (18 tuổi) mà không biết định hướng cho mình một lẽ sống, Không có lý tưởng sống, không có quan điểm sống, không có mục đích để phấn đấu thì cuộc sống này rất nguy hiểm, do họ rất dễ bị lôi kéo bởi những điều xấu, rất dễ bị lôi cuốn bởi những điều tội lỗi, vì từ 14 – 15 tuổi là bắt đầu bị bạn bè dẫn dắt vào những trò vui. Lớn lên đến hai mươi mấy có thể tự tung, tự tác, tự làm ra tiền được rồi mà vẫn chưa có lẽ sống thì cuộc sống trong suốt cuộc đời còn lại rất là nguy hiểm cho mình và cho mọi người xung quanh.
Đất nước ta sở dĩ giành được độc lập thống nhất, bởi vì có biết bao nhiêu lớp trẻ, thanh niên ở tuổi trẻ, tuổi xuân đã xác định được mục tiêu sống vì Tổ quốc nên ngày hôm nay ta có hòa bình. Có hòa bình rồi, đến lúc phải xây dựng đất nước nếu ta thiếu lớp người trẻ định hướng một mục tiêu sống vì quê hương, vì đất nước thì đất nước này cũng tàn lụi ngay. Những bậc cha anh – người đã đi qua cuộc chiến đấu – sức đã tàn, lực đã kiệt – không gánh vác mãi đất nước được.
Thế giới cũng vậy, nếu mà thiếu những con người sống có lẽ sống cao cả thì thế giới này cũng băng hoại, lụi tàn, đổ vỡ, tang tóc, chiến tranh, đen tối, tội lỗi. Do đó, chúng ta xác định cho mình một lẽ sống, một mục đích sống là điều hết sức quan trọng.
Mục đích sống đó thường là thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Thượng tọa đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh cho quan điểm này và nhấn mạnh “Cái lẻ sống và mục tiêu sống cao thượng cứ nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, nếu vì lý do nào đó bị gián đoạn như cha ông cầm súng lên đường bảo vệ quê hương rồi hy sinh nơi chiến trường. Ở nhà người mẹ dầm sương dãi nắng nuôi con, vất vả vì miếng cơm manh áo không có gì để dạy con, đứa con lớn lên, tuy là con của liệt sĩ nhưng có thể mất lý tưởng sống, và quê hương ta ngang đó đứt cái mạch sống. Ta gọi cái lẽ sống đó là mạch sống tâm linh dân tộc, nếu mạch sống đó đứt thì quê hương ta lung lay. Hiện nay trong tình trạng báo động đạo đức của lớp trẻ xuống cấp thì phải chăng đã có những giòng tộc hay gia đình nào đó mà mạch sống hay lý tưởng sống đã bị dán đoạn. Đó là một điều mà ta lo lắng.
Nếu những người trẻ lớn lên cảm thấy mình chưa có lẽ sống, chưa có lý tưởng, chưa có mục tiêu phấn đấu thì hãy nhanh chóng tìm cho mình lẽ sống cao đẹp, nếu không đời mình sẽ đi vào tăm tối, mình sống hại mình và hại người xung quanh, hoặc làm khổ mình, làm khổ người. Nên nhớ, lẽ sống của từng người gom lại thành sức sống của cả dân tộc, do đó chúng ta tự tìm cho mình một mạch sống cho tốt và dạy lại cho người sau là điều hết sức quan trọng.
Có những người khi lớn lên một chút không được truyền dạy một lẽ sống cao đẹp đã chọn nhầm mục tiêu sống là danh lợi. Thế là họ đi tìm sự hưởng thụ, ai rủ rê gì vui là thích, là chạy theo thì người này không có lý tưởng sống. Mục đích sống của họ chỉ là hưởng thụ tầm thường thì rất là nguy hiểm, xã hội sẽ đổ vỡ.
Có những người có trí tuệ, có tài năng, có tham vọng cũng đi tìm lẽ sống là lấy danh, lấy lợi, phấn đấu làm sao cho mình giàu sang, quyền quý, xem đó là lẽ sống của mình. Những người này vô tình cũng đóng góp được cho xã hội, đây là chủ nghĩa tư bản. Như Adam Smith đã nói “Con người ta sống vì mục đích tư lợi và trên con đường đi tìm tư lợi, vô tình người ta đóng góp cho cộng đồng”. Ngày hôm nay tư bản chủ nghĩa lĩnh hậu quả vì câu nói này, cứ đi tìm cái tư lợi rồi xã hội khủng hoảng.
Đối với quốc gia theo đuổi chủ nghĩa xã hội, câu nói đó không được xem là mực thước. Trong chủ nghĩa xã hội xác định việc chạy theo tư lợi là điều nguy hiểm mà phải chạy theo những điều công ích. Hai quan điểm trên ngược nhau, nên hôm nay trong nền kinh tế thị trường là hai bên đều nhìn nhận nhau một chút. Ví dụ ta chọn kinh tế thị trường là ta chấp nhận con người phải sống có tư lợi chứ không hoàn toàn sống vị tha được. Chỉ có thầy tu chân chính mới sống hoàn toàn vị tha, còn đa phần con người có một phần tư lợi và một phần cống hiến cho cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta chấp nhận tư lợi đến mức độ nào thì phải có giới hạn, không được vượt quá, vì vượt quá ta mất lý tưởng sống. Tư lợi gì rồi cũng trở thành đau khổ cả. Ban đầu thấy người đó cố gắng, nỗ lực phấn đấu, siêng năng nhưng sau trở thành tai họa cho cộng đồng.
Có người lấy cái hơn thua, được mất làm lẽ sống, cứ sống bằng ganh đua. Ví dụ bố dạy con phải phấn đấu bằng bạn bè hay hơn bạn bè. Câu nói đó nhằm khuyến khích con mình gắng học thôi nhưng không ngờ đứa bé đã mang câu nói đó theo suốt cuộc đời. Lớn lên lúc nào cũng nhìn ngó người xung quanh, ai hơn mình cái gì là khó chịu, phải làm sao vượt hơn người ta, lấy lẽ hơn thua, được mất làm lẽ sống. Cuộc sống như vậy đầy đau khổ.
Có người lấy danh dự làm lẽ sống, thà chết chứ không chịu nhục. Đây là quan điểm của võ sĩ đạo bên Nhật. Hoặc có những dòng tộc gia thế truyền đời, có ăn, có học, được người ta trọng vọng thì lấy cái danh dự đó truyền dạy mãi cho con cháu, nói con cháu làm gì thì làm không được làm nhục đến dòng họ, tổ tiên, gia đình, lúc nào cũng phải giữ kẽ, giữ bề, giữ thế. Đây là cái bệnh của các hoàng tộc. Có những hoàng tộc đã đi qua rồi và lịch sử đã phôi pha, đã sang một trang mới nhưng họ vẫn chấp cái nguồn gốc của dòng tộc mình mà giữ kẽ, giữ lề, giữ thói, nên không thể lao động cống hiến như mọi người được, vì vậy phúc cứ tụt dần, nghèo dần và khổ tâm vì cái danh dự hão như thế. Những lẽ sống như vậy làm cho người ta khổ.
Có những người lấy tín ngưỡng làm lẽ sống. Họ đặt niềm tin nơi một tôn giáo tin sống, tin chết, cống hiến hết cuộc đời mình để phụng sự cái tín ngưỡng đó. Họ có sự say đắm, cuồng nhiệt, tin tưởng đối với tín ngưỡng của mình. Mà vấn đề tín ngưỡng nhạy cảm quá, nên chính trị thế giới cũng phải nhường một bước, đặt ra tiêu chí tự do tín ngưỡng. Cả thế giới như vậy và Việt Nam ta cũng phải như vậy. Cả thế giới dè dặt với tín ngưỡng, vì có những tín ngưỡng không những họ chết mà còn giết người vì tín ngưỡng của họ. Họ tin có thần linh trên cao, họ sùng kính, phục vụ cho vị thần linh đó, đến mức độ ai ngược với sự sùng kính đó, họ giết người đó luôn. Do vì tín ngưỡng là điều quá nhạy cảm nên không ai dám mổ xẻ, không ai dám phân tích, nhưng ta mong rằng ngày nào đó trên thế giới các tín ngưỡng phải được đem mổ sẻ phân tích theo cái nhìn khoa học lại để bớt đi sự cuồng nhiệt quá đáng.
Có hạng người lấy tội phúc làm lẽ sống. Người này do tin tưởng nhân quả, biết rằng ai gieo nhân gì gặt quả nấy nên khi làm điều gì biết quả báo đến với mình sẽ ra sao và do đó cân nhắc trong mỗi việc làm. Nhờ cân nhắc tội phúc, biết sợ quả báo xấu, nghĩ đến quả báo lành mà sống nhường nhịn nhau, biết thương yêu giúp đỡ nhau. Nếu trên đời ai cũng lấy câu tội phúc làm lẽ sống như thế thì xã hội ta đẹp lên từng ngày.
Có người lấy lý tưởng phụng sự, cống hiến làm lẽ sống. Người này chợt nhận ra được một điều niềm vui trong cuộc đời không phải do thụ hưởng, không phải do vơ vét, thu về, mà chính là điều mình mang cho, chính là điều mình phụng sự, mình chấp nhận làm người thấp, người bé dâng cho người bát cơm, mang cho người ly nước, nhường chổ cho người khác ngồi, v.v… những việc làm thấy nhỏ như vậy nhưng đó là hạnh phúc. Ngược lại, có người cảm thấy hạnh phúc khi được người khác phục vụ.
Có một cách sống của con người là vui vì được phục vụ cho cộng đồng. Nếu thanh niên chúng ta ai cũng có lẽ sống này, đất nước ta vượt lên liền, vì cách phục vụ đây là một lẻ sống rất cao thượng. Sở dĩ có những người đi ra chiến trường bỏ mạng vì Tổ quốc là cũng do có lý tưởng sống đó. Đất nước ta có thể vượt lên vì lý tưởng sống này, bởi có những người thích cống hiến nhiều hơn thụ hưởng. Con người ta sống bằng tư lợi thì thế giới điêu tàn, nghèo đi. Vì vậy, khi chúng ta đã hiểu thì hãy chọn một lẽ sống “SỐNG ĐỂ PHỤNG SỰ, SỐNG ĐỂ CỐNG HIẾN”, cuộc đời cần những người này.
Một hạng người khác là chọn nội tâm bình an thanh tịnh làm lẽ sống. Họ biết rằng trong cuộc đời này, cái khổ đau là vì tâm người ta loạn động, suy nghĩ lung tung, hận thù, hơn thua, tham lam, câu mâu, ích kỷ, ganh tỵ. Cái hạnh phúc là vượt khỏi những tâm đó, con người ta sống được bình an thanh thản từ tình yêu thương tỏa ra, nên không bận lòng hơn thua, lo sợ.
*Người sống với tâm bình an thanh thản, không phải là người thụ động, lười biếng mà người đó tâm từ bi tự nó tỏa ra. Người càng yêu thương nhiều, càng phụng sự nhiều thì nội tâm lại được bình an. Còn người sống câu mâu, hơn thua tâm rất loạn động, kết quả là tuổi già, chết đau khổ, oằn oại.
*Người nào già sống vui vẻ, chết bình an, ta biết rằng họ có quá trình sống thanh thản trong nội tâm. Cái thanh thản tỏa được tình yêu thương ra mọi người. Đây chính là con đường mà Phật dạy. Ta hiểu thêm đạo Phật là vì có con người từ bi, tâm thanh tịnh như thế, khi hiểu sâu ta phát hiện ra tất cả mọi điều tốt đẹp đó bắt đầu từ một con người mà cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, ngồi dưới cội bồ đề, suốt 49 ngày nhập định, tìm được sự giác ngộ tuyết đối, mở ra chân lý cho loài người đến ngày hôm nay. Chân lý đó thử thách qua bao nhiêu thời đại vẫn đứng vững và sáng tỏ.
Nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 là Albert Einstein đã phải thốt lên câu “Nếu có một tôn giáo có thể dẫn đạo được loài người và đi trước khoa học thì đó là Phật giáo”. Chúng ta yên tâm đi theo Phật, ta vui mừng, hãnh diện vì đất nước ta đã có Phật giáo đồng hành với dân tộc suốt mấy nghìn năm qua. Bao nhiêu sự thăng trầm của lịch sử đều gắn liền với Phật giáo. Đi đúng con đường của đạo Phật là con đường của trí tuệ, vượt trước khoa học, không phải là con đường mê tín, đồng thời Thượng tọa dẫn chứng một số Kinh Phật để chứng minh đạo Phật đã đi trước và dẫn đạo được khoa học. Hôm nay ngồi dưới mái chùa đơn sơ, hiền hòa này, ta phải hiểu rằng ẩn chứa trong đó một nền minh triết tối thượng, soi sáng cho loài người.
Khi một người có lẽ sống cao đẹp thì lẽ sống sẽ dắt đường cho họ đi. Họ không còn sống tầm thường, hưởng thụ vào những trò vui vô nghĩa, mà phải rèn luyện phấn đấu để có đủ năng lực cống hiến cho đời. Khi người có lẽ sống, lúc còn bé thì hết sức siêng năng rèn luyện học tập cho giỏi giang. Đến lúc trưởng thành có cơ hội đứng ở vị trí nào thì cống hiến hết mình ở vị trí đó, không đòi bỏ vị trí đang có để leo lên vị trí cao hơn. Người công nhân thì làm một công nhân tốt, một người làm dân quân thì làm dân quân tốt, người làm cán bộ xã thì làm cán bộ xã cho tốt, không có lúc nào cũng mơ mộng leo lên, mà chỉ ước mơ phục vụ, phục vụ.
Nhiều khi ta bị nhầm, một tham vọng ngấm ngầm trong tâm, khiến ta cứ muốn leo lên, leo lên. Câu leo lên, leo lên là một thần chú tai hại, phá hủy tâm hồn, cuộc đời ta và cộng đồng ta. Ngược lại, câu phục vụ, cống hiến, cống hiến là câu thần chú tốt đẹp, làm cho tâm hồn ta được an vui, cộng đồng ta thanh bình hơn.
Bài Pháp thoại kết thúc trong niềm hân hoan hỷ lạc của những người con Phật, khi mọi người biết hướng đến một lẽ sống cao đẹp ở đời.
Tiếp đó, Sư thầy Thích Đàm Tân – Trụ trì chùa Hải Lạng Trang đón nhận những phần quà từ các vị khách mời gửi đến chúc mừng đại lễ khánh thành Tổ đường. Sau đó là nghi thức dâng hương cầu nguyện cho quốc thới dân an và hồi hướng bế mạc./.
Xin giới thiệu một số hình ảnh về đại lễ Khánh thành ngôi Tổ đường chùa Hải Lạng Trang – Nam Định: