Múa rối chầu Thánh (còn gọi là múa rối cạn, múa rối ổi lỗi) là loại hình nghệ thuật độc đáo ở tỉnh Nam Định, diễn ra trong không gian linh thiêng, đậm nét văn hóa tâm linh.
Múa rối chầu Thánh được trình diễn ở lễ hội chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, vào đêm 20-23 tháng Giêng và lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, từ mùng 10-16/9 Âm lịch hằng năm.
Nằm ở trung tâm thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, chùa Đại Bi mang kiến trúc độc đáo theo lối truyền thống thuần Việt với những họa tiết rồng, phượng, nghê chầu, hoa lá thời Hậu Lê. Trong chùa, ngoài thờ Phật, thờ Thánh, có một nơi tôn nghiêm người dân thờ các đầu rối là đạo cụ để diễn rối chầu Thánh.
Các cụ cao niên ở thị trấn Nam Giang cũng không nhớ rõ loại hình nghệ thuật đặc biệt này có từ khi nào bởi những huyền tích liên quan đến múa rối chầu Thánh đã có từ lâu và được truyền từ đời này sang đời khác. Thánh được nhắc đến ở đây chính là Thiền sư Từ Đạo Hạnh (thời Lý) và chùa Đại Bi do Thiền sư về đây tu luyện dựng lên.
Theo các tài liệu lịch sử, Từ Đạo Hạnh là Thiền sư thời nhà Lý, được nhân dân cung kính gọi là Đức Thánh. Tương truyền, sau khi tu thành đạo pháp, Thiền sư Từ Đạo Hạnh đi khắp nơi giảng đạo, dạy học, hái thuốc chữa bệnh cho người dân nghèo…
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, 69 tuổi, Trùm trưởng hội rối chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang, nguồn gốc của trò múa rối chầu Thánh có nhiều huyền tích khác nhau, song tất cả đều hướng đến tưởng nhớ công đức của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh.
Có tích kể lại rằng khi Từ Đạo Hạnh về xứ Sơn Nam (các tỉnh phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay) đã giúp dân, giúp nước, có nhiều công trạng. Do đó khi ngài mất người dân vùng Nam Giang, tỉnh Nam Định, đã lập bàn thờ trong chùa và hằng năm vào dịp lễ hội chùa Đại Bi đều diễn rối chầu Thánh để tỏ lòng biết ơn công đức.
Tham gia diễn rối chầu Thánh chùa Đại Bi là phường rối của các thôn Giáp Ba, Giáp Tư và thôn Vân Chàng. Mỗi thôn có một phường rối, thay nhau biểu diễn trong các đêm hội.
Anh Trần Xuân Bình, Phó trùm trưởng phường rối thôn Giáp Ba cho biết, các thành viên trong phường rối chủ yếu là cha truyền con nối. Người được chọn vào phường phải có tâm thiện, am hiểu loại hình nghệ thuật này. Con rối là những đầu gỗ được gọi là Thánh tượng. Mỗi con rối mang một dáng vẻ, cảm xúc khác nhau.
Hiện tại, chùa Đại Bi có 12 đầu Thánh tượng; trong đó, 6 đầu Thánh tượng lớn (nặng từ 2,5-3kg) và 6 đầu Thánh tượng nhỏ (nặng từ 1,5-2kg). Các đầu Thánh tượng được làm bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, có tay cầm hình trụ tròn ở phía dưới.
Múa rối chầu Thánh là sự kết hợp hài hòa giữa lời hát và âm nhạc. Các bài hát múa có nội dung kể lại sự tích, ca ngợi tinh thần đoàn kết, một lòng vì đất nước, tinh thần chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, cầu cho đất nước bình an, nhân dân no đủ… Nhạc cụ phục vụ biểu diễn là các loại trống, mõ, thanh la, chuông đẩu, trong đó, thanh la có vị trí quan trọng nhất bởi giúp giữ nhịp cho lời hát.
Được xem là loại hình nghệ thuật mang tính thiêng nên các đầu rối được thờ phụng chu đáo. Trước khi biểu diễn, người dân phải làm lễ xin rước các đầu Thánh tượng. Tất cả những người tham gia biểu diễn đều phải mặc áo the, khăn xếp. Trước và trong thời gian diễn ra lễ hội nghệ nhân phải giữ mình, không làm điều ác…
Không gian diễn rối ở ngay trước ban thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Người dân căng một bức vải nền đỏ, trên có viền xanh thêu hình sóng nước và cầm các đầu Thánh tượng giơ lên trên tấm vải diễn liên tục suốt 3 đêm hội, thường từ 19 giờ đến 1-2 giờ ngày hôm sau.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho hay múa rối chầu Thánh còn được gọi là hội tu kì lệ, tức là răn đời bỏ điều ác, làm việc thiện. Đây là tích trò do Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sáng tạo và truyền dạy cho nhân dân, thể hiện sự từ bi bác ái. Đó chính là tư tưởng nhân văn cao đẹp của Phật giáo nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, hướng con người đến các giá trị chân-thiện-mỹ.
Múa rối chầu Thánh mang giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một. Dù các phường rối vẫn duy trì đủ số người tham gia nhưng tuổi các nghệ nhân ngày càng cao. Ngoài ra, trọng lượng các đầu rối nặng, yêu cầu nghệ nhân là những người trẻ nhưng hiện nay người trẻ nhất trong phường rối cũng đã ngoài 40 tuổi. Trong khi đó, các lời ca, hình thức biểu diễn rối cạn rất khó học, lớp trẻ nhiều khi không mặn mà nối nghiệp ông, cha.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định đang nghiên cứu, xây dựng hồ sơ phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể 2 lễ hội có diễn rối chầu Thánh của tỉnh để đưa vào danh mục đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với địa phương tổ chức sưu tầm tài liệu liên quan đến loại hình nghệ thuật này; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân bảo tồn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gìn giữ nghệ thuật múa rối chầu Thánh kết hợp với phát triển du lịch./.