Trang chủ Blog chùa Nam Định: Gần 3000 Phật tử tham dự khóa tu Một ngày...

Nam Định: Gần 3000 Phật tử tham dự khóa tu Một ngày an lạc tại chùa Linh Ứng

Sáng ngày 5/5, tại chùa Linh Ứng (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã diễn ra khóa tu một ngày an lạc với sự tham dự của gần 3000 Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc và nhân dân Phật tử thập phương.

70

Chứng minh khóa tu có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TW; Hòa thượng Thích Thanh Huỳnh – Ủy viên thường trực Ban nghi lễ TW, Trưởng Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Nam Định, Viện chủ chùa Linh Ứng; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Ban thường trực Ban Hoằng pháp TW; Thượng tọa Thích Tâm Thuần – Phó trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Ni trưởng Thích Đàm Bích – Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới huyện Hải Hậu, trụ trì chùa Linh Ứng cùng chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trên địa bàn huyện.

Trước khi bắt đầu ngày tu tập, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ đã phát biểu khai mạc, bày tỏ mong muốn “Thông qua Khóa tu này, quý Phật tử sẽ thực hiện tốt chương trình Khóa tu đã đề ra, để hồi hướng công đức cúng dàng kính mừng ngày đản sinh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Thông qua sự hành trì tu tập chúng ta sẽ làm thế nào để Đức Phật trong tâm của mỗi hành giả Pháp Hoa được sinh ra nhằm xây dựng một cõi Tịnh Độ nhân gian tràn đầy niềm tin, tình thương và tỉnh thức. Và cũng chính là góp phần vào thành quả Phật sự chung của Ban Hoằng pháp TW GHPGVN”.

Tại đây, Phật tử Pháp Thiện Thịnh – Trưởng Ban điều hành Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc đã báo cáo số lượng Phật tử tu học trong khóa tu lần này. Theo đó, có 2460 Phật tử thuộc 47 trong tổng số 61 Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc trở về cộng tu cùng Phật tử bản tự, nhân dân thập phương; tổng số lên tới gần 3000 người. Số lượng Phật tử tham dự khóa tu lần này đông hơn gấp ba lần so với khóa tu năm trước cả về số đạo tràng và số Phật tử. Trong đó, có sự hiện diện của những đạo tràng ở tỉnh xa như Thanh Hóa, Quảng Ninh,.v.v…

Lời báo cáo của Phật tử Pháp Thiện Thịnh đã khép lại lễ khai mạc khóa tu. Sau đó, toàn thể hội chúng chắp tay búp sen trang nghiêm, cung đón Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW quang lâm pháp tòa và có thời pháp thoại với chủ đề “Tứ chúng đồng tu trên tinh thần hòa hợp thanh tịnh như lời Đức Phật dạy”.

Trước khi vào bài giảng, Hòa thượng vô cùng hoan hỷ khi được nhìn thấy đông đảo Phật tử đã không ngại đường xá xa xôi ở khắp các tỉnh thành, cùng trở về tham dự khóa cộng tu lần này tại chùa Linh Ứng trong tinh thần hòa hợp, cùng nhau tinh tiến tu học. Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho một năm các khóa tu khu vực địa phương để tiến tới khóa Tổng tu của toàn Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc vào hạ tuần tháng 9 năm Giáp Thìn sắp tới tại chùa Tam Chúc – tỉnh Hà Nam.

Vì vậy, nhân dịp này, Hòa thượng đã giới thiệu về sự Hòa hợp mà Đức Phật luôn đề cao Trong Kinh điển Tam tạng thánh giáo nói chung, đó là: Hòa hợp khi hội họp, Hòa hợp khi làm việc và Hòa hợp khi giải tán.

Trong 3 ngôi báu Phật – Pháp – Tăng, Phật tức chính là Giác ngộ. Pháp là con đường đưa đến sự giác ngộ. Và Tăng là phạm hạnh, là hòa hợp. Vì vậy, tuy 2568 năm đã qua, từ ngày Đức Thế Tôn nhập Niết bàn cho đến ngày nay đã trên 25 thế kỷ, nhưng những giáo lý màu nhiệm của Ngài vẫn được hoằng truyền trên khắp thế gian, năm châu bốn biển. Đó là công lao của bậc Đại Đạo sư khai sáng và sự truyền thừa của các Thánh Đại Đệ tử Đức Phật, của Chư vị Tổ sư, Chư vị tiền bối để giáo pháp được sáng tỏ, lan truyền mãi mãi.

Qua đó, Hòa thượng nhấn mạnh “Hòa hợp là một phương pháp để cho mọi người sống tôn trọng nhau, không có sự chống đối cãi nhau. Hòa hợp mang lại sự kết nối tất cả mọi người với nhau. Tinh thần hòa hợp trong giáo lý Phật, cùng chung giá trị tư tưởng với văn hóa đoàn kết nghìn đời của người Việt thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ, ví như “Một cây làm chẳng lên non. Ba cây chụm lại lên hòn núi cao”.

Mỗi năm, vào mùa an kiết hạ, các vị Tỳ khiêu Tăng hay Tỳ khiêu Ni nói riêng hay Năm Chúng xuất gia: Tỳ Khiêu – Tỳ Khiêu Ni – Thức Xoa Ma Na – Sa Di – Sa Di Ni đều cùng vân tập một chỗ để kết túc an cư. Muốn ở lại an cư với nhau trong thời gian dài là 03 tháng thì pháp Hòa hợp chúng không thể thiếu. Nếu không sẽ có sự bất đồng, tranh cãi hơn thua và dẫn đến chia rẽ. Từ khi Đức Phật thành lập Tăng đoàn đến hiện nay, GHPGVN thành lập và phát triển cũng phải có sự hòa hợp. Hòa hợp để cùng nhau đồng lòng, quyết chí với sự tôn trọng – chia sẻ – cảm thông lẫn nhau.

Bởi vậy nên Phật tử cũng cần có sự hòa hợp. Nếu không có sự hòa hợp, tôn kính, sự phụng hành giáo pháp của Đức Thế Tôn làm kim chỉ nam thì Đạo tràng không thể đứng vững và phát triển được. Trong gia đình không có hòa hợp thì không có hạnh phúc, nhân dân không hòa hợp thì không bảo vệ và xây dựng được đất nước thanh bình hùng cường.

Qua đó, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về 6 phép hòa, với mong muốn các Phật tử Hãy tin tưởng Giáo hội, tin tưởng giáo pháp của Đức Thế Tôn. Đặc biệt, hãy thực tập trong phép hòa hợp, cùng lắng nghe, học hỏi tôn trọng lẫn nhau, tinh tiến tu tập để mang lại an lạc cho bản thân và cùng nhau kiến tạo một xã hội tốt đẹp.

Sau thời pháp thoại ý nghĩa của Hòa thượng ân sư, đại chúng đã cùng nhau nhất tâm trì tụng Kinh Phổ Môn cầu nguyện cho thế giới hòa bình, Phật pháp hưng long, chúng sinh an lạc.

Nghi thức cúng Quá Đường

Đầu giờ chiều, đại chúng trang nghiêm thành kính tiếp tục bước vào thời trì tụng kinh Phổ Môn.

Sau đó, đại chúng đã được cung đón Hòa thượng Thích Quảng Hà – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định quang lâm sách tấn các Phật tử tham dự trong ngày tu này. Hòa thượng chia sẻ với đại chúng về câu chuyện Hòa thượng Thích Trí Hải phát tâm tụng 1000 bộ kinh Pháp Hoa để cầu nguyện cho thế giới và đất nước Việt Nam được hòa bình, mưa thuận gió hòa. nhân dân an lạc. Nhưng Hòa thượng Thích Trí Hải tụng được 600 bộ, sau này, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã phát tâm tụng nốt 400 bộ còn lại để trọn đủ 1000 bộ.

Được biết, Hòa thượng Thích Trí Hải sinh ra tại Hải Hậu – Nam Định. Mảnh đất Nam Định là cửa biển sình lầy cách đây hàng nghìn năm, nhờ những hạt cát tinh túy của khắp miền Tổ quốc bồi đắp nên mảnh đất này nên sinh ra nhiều người tài cho đất nước nói chung và Phật giáo nói riêng. Mảnh đất này đã sinh ra các bậc Tổ sư như Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Đức đệ nhất Pháp Chủ GHPGVN, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Minh Thông. Hiện Nam Định là tỉnh có số lượng Tăng Ni lớn thứ 2, sau thành phố Hà Nội.

Qua đây, Hòa thượng Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Nam Định đã bày tỏ niềm hoan hỷ khi chùa Linh Ứng tuy tọa lạc trên mảnh đất với phần lớn là người Công giáo nhưng khóa tu lần này đã thu hút được gần 3000 Phật tử đạo tràng Pháp Hoa cùng nhân dân Phật tử địa phương. Đây là một con số ấn tượng tại một khóa tu tại chùa ở Hải Hậu nói riêng và Nam Định nói chung. Hòa thượng mong rằng các Phật tử hãy giữ tâm bồ đề kiên cố, cùng nhau hòa hợp trong tu học và phụng sự Tam Bảo, phụng sự nhân sinh, là người đệ tử thuần thành của Đức Thế Tôn và là người công dân có ích cho xã hội.

Trước khi khép lại ngày tu an lạc này, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã động viên, sách tấn hàng Phật tử hãy tự hào là hành giả Pháp Hoa, giữ lời nguyện thọ trì – quảng tuyên – lưu bố Pháp Hoa Kinh, nỗ lực học và tu, chuyển hóa ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý cho thanh tịnh, giữ gìn sự đoàn kết hòa hợp, cùng nhau xây dựng Đạo Pháp ngày càng phát triển hơn nữa.

Diệu Tường – Ban truyền thông ĐTPHMB