Chuyến bay Bangkok – Yangon khởi hành khá sớm, do đã đặt vé trong chương trình khuyến mãi của Air Asia nên chi phí cho hành trình này chỉ mất 600Bth (tương đương với khoảng 300.000 VND) một người. Sau 2 tiếng cất cánh, chúng tôi đã có mặt ở sân bay Yangon (thường được gọi bằng một cái tên khác là Rangoon – và viết tắt là RGN), nhanh chóng làm thủ tục nhập cảnh do số lượng du khách nước ngoài tới đây không quá nhiều, và phần lớn là người Thái.
Sân bay Yangon có lẽ giống sân bay Nội Bài những năm cuối thế kỷ 20, nhỏ nhắn, hơi có vẻ cũ kỹ và khá giản đơn. Do đã có kinh nghiệm của những người đi trước truyền lại, chúng tôi đã liên hệ qua internet và đặt trước một chiếc xe đón tại sân bay với lịch trình lên thẳng Kyaiktiyo (Golden Rock) – một trong những niềm tự hào và là chốn linh thiêng bậc nhất của người dân Myanmar, cũng như chùa vàng Shwedagon ở thủ đô Yangon hay chùa vàng Mahamuni ở cố thành Mandalay vậy.
Golden Rock |
Kyaiktiyo (Golden Rock) được biết đến với cái tên Chùa Núi Vàng nằm trên một ngọn núi ở gần thị trấn Kyaikto, quận Thaton, trở nên linh thiêng và huyền bí bởi nhiều người tin rằng nơi đây lưu giữ một phần xá lợi – một sợi tóc của Đức Phật. Đây chính là lý do khiến cho Chùa Núi Vàng mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn lượt tín đồ từ khắp nơi đến thắp hương cầu nguyện và chiêm bái.
Kyaiktiyo nằm trên một ngọn núi cao chừng 1100m so với mặt nước biển, là một cụm kiến trúc khá bề thế và rộng lớn với nhiều hạng mục chùa, tháp nhỏ nằm rải rác, có bậc thang dắt lên đỉnh, mà tâm điểm chính là nơi đặt “tảng đá thiêng”.
Tảng đá thiêng này nằm cheo leo trên một tảng đá khác, sát ngay mép núi, thoạt nhìn có cảm giác đẩy tay là rơi bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nó đã nằm cực kỳ vững chãi qua bao năm tháng, trên đỉnh có đặt một tháp thờ cao khoảng 7,3m. Nhiều người tin rằng, do bên trong tháp thờ này đặt xá lợi tóc của Đức Phật nên đã giữ cho tảng đá thiêng đứng kiên gan với đất trời.
Tảng đá thiêng lung linh trong nắng sớm |
Rất nhiều phật tử đã đến và đi, họ đã mang tới hương hoa và cả những miếng lá vàng mỏng tang đến dát lên tảng đá để bày tỏ đức tin của mình với Phật tổ, biến “tảng đá thiêng” này thành một “tảng đá vàng” khổng lồ và lấp lánh. Chỉ có đàn ông mới được phép lại gần, chạm tay và dát vàng lên khối đá kỳ diệu này, phụ nữ hoàn toàn bị ngăn cấm vì người dân nơi đây cho rằng nếu để phụ nữ chạm tay vào tảng đá, thì tảng đá sẽ bị rơi xuống vực.
Đức tin |
Sau một chặng đường dài 180km từ thủ đô Yangon, băng qua những con đường khô cằn và đầy cát bụi, thỉnh thoảng lại nghe tiếng loa quyên tiền xây chùa của dân chúng, chúng tôi cũng tới được trạm dừng chân Kinpun nằm ở chân núi. Từ đây, du khách có hai lựa chọn để lên đỉnh Chùa Núi Vàng. Một là thực hiện một chuyến leo bộ mất chừng 4 – 6 giờ đồng hồ, vừa đi vừa khám phá núi rừng Kimmunsakhan vừa là dịp để thể hiện đức tin của bản thân.
Tuy nhiên, không có mấy ai lựa chọn cách thức này, cho dù là người mộ đạo thành kính cuồng nhiệt. Phần lớn mọi người đều có cùng một lựa chọn, đó là lên thùng xe tải – một dạng xe bus mà chính phủ sử dụng để vận tải người đến với “miền đất thánh”.
Những chiếc xe tải không có mui, trên thùng xe thường có khoảng 8 hàng ghế, gọi là ghế có lẽ cũng không đúng vì nó đơn giản chỉ là những mảnh gỗ dài nằm gác lên hai bên thùng xe, mỗi hàng gỗ ngồi được 7 người, đuôi xe có gắn một chiếc lồng sắt nhỏ dùng để chứa hành lý của du khách, người bản địa trả 1000 Kyat còn với khách nước ngoài là 1800 kyat/người.
Những chuyến xe đầy cảm xúc |
Hành trình trên chiếc xe tải địa phương này sẽ trở thành một trải nghiệm cực kỳ thú vị trong đời. Chúng tôi vừa thích thú, vừa hoảng sợ, giống như đang được chơi trò tàu lượn mạo hiểm ở công viên vậy. Người ngồi xếp bên nhau san sát, con đường leo núi dốc ngược và quanh co, chiếc xe chạy quen đường lắc giật khiến cả nhóm người trên xe cứ đổ ngang đổ dọc, vui vẻ và phấn khích vô cùng.
Do đường hẹp chỉ chạy được 1 chiều nên dọc con đường núi có những trạm dừng xe để tránh nhau. Khi có xe lên thì tất nhiên không thể có xe xuống. Tại mỗi trạm dừng chân thường có 4-5 chiếc xe tải cùng đỗ, cho thấy lượng người đi lại ở nơi này đông đúc như thế nào.
Một chuyến xe tải như vậy sẽ mất chừng từ 45 phút đến 1 giờ, cho đến khi bạn tới được trạm dừng chân gần nhất cách tảng đá thiêng 1 giờ leo bộ nữa. Chúng tôi thuê một cô bé người địa phương gánh đồ lên trên núi, 3000 kyat cho một gùi đồ khá lớn.
Thắp nến đêm trên chùa núi Vàng |
Hoạt động du lịch ở đây khá quy củ, dù có rất đông người bản địa muốn tìm việc làm và kiếm tiền. Phụ nữ và trẻ em thì nhận việc gánh đồ cho du khách, mỗi người có một thẻ làm việc, khi nhận đồ sẽ giao thẻ lại cho khách, rồi họ cần mẫn leo lên núi, du khách không cần để ý đến đồ đạc của mình đang ở đâu vì đã có tấm thẻ làm tin trong tay, lên đến đỉnh núi, tự khắc người mang đồ sẽ tìm ra bạn. Đàn ông và thanh niên thì cứ bốn người một kiệu, nhận kiệu người lên đỉnh núi thiêng với chi phí chừng 30-40 USD/người/1 chiều. Ngoài ra người nước ngoài phải trả phí tham quan là 6 USD/1 khách và trả 2 USD cho 1 máy chụp hình tại cửa kiểm soát trên đỉnh.
Người bản địa có nhiều lựa chọn về nhà nghỉ trên đỉnh Chùa Núi Vàng, thậm chí họ được phép nghỉ ngơi tại khu vực Chùa, nơi mà du khách không được phép đi giày dép, mặc quần soọc, váy ngắn để vào. Người nước ngoài chỉ có thể ở tại các khách sạn, nhà nghỉ nằm ngoài khu vực nhà Chùa, và với chi phí khá cao, từ 45-55 USD /1 phòng 2 – 3 người.
Khách sạn Kyaiktiyo gần cửa kiểm tra là một lựa chọn hợp lý hơn cả cho chúng tôi. Khách sạn nằm sát lưng núi nên có vọng cảnh ngắm hoàng hôn khá đẹp. Sau khi nhận phòng và cất đồ thì mặt trời bắt đầu xuống núi, chúng tôi vội vã leo lên đỉnh Chùa Núi vàng để đón hoàng hôn.
Người gỡ chuông trên tảng đá vàng |
Có lẽ điều thú vị hơn cả với du khách khi tới Golden Rock là được làm hai việc: ngắm hoàng hôn và đón bình minh trên đỉnh Chùa Núi Vàng, cùng lúc trải nghiệm một đêm huyền bí, một sớm mai linh thiêng tại nơi mà đức tin của người theo đạo Phật hiển hiện trong từng cành cây ngọn cỏ, từng phiến đá lát đường và từng ngọn đèn dầu đốt lên trong đêm…
Trong ánh hoàng hôn, “tảng đá thiêng” trở nên lung linh và huyền ảo. Chiều xuống vạch một đường chân trời hồng rực phía xa xa, mặt trời từ từ tụt xuống, khuất mình giữa bảng lảng núi non và sương chiều. Đêm ập đến, phủ tấm áo đen lên vạn vật, nhưng không sao che được tảng đá thiêng đang rực lên trong ánh đèn vàng, xung quanh tiếng cầu nguyện rì rầm, mùi khói hương ngạt ngào hòa quyện.
Các phật tử cầu nguyện ban đêm |
4g sáng, đã nghe tiếng người lên đỉnh núi lao xao ngoài đường. Trời vẫn còn mịt mờ, sương giá lạnh khiến chúng tôi co mình run rẩy. Nhiều người ra đường mang theo cả chiếc chăn mỏng quấn quanh người như một tấm áo choàng. 4g sáng, cũng là giờ cầu kinh sớm của các nhà sư trên chùa Kyaiktiyo. Với khách du lịch đó là một trải nghiệm lý thú, còn với những người theo đạo Phật thì tin rằng cầu nguyện vào giờ đó, Phật tổ sẽ nghe thấu lời cầu xin.
Chúng tôi co ro chân trần trên nền đá lạnh. Gió thốc lên bốn phía xung quanh. Như những Phật tử thực thụ, cả nhóm ghé vào một gian nhà cầu nguyện với những bức tường kính trong veo nằm cạnh “tảng đá vàng”. Bên trong gian nhà được phân chia thành các khu vực đảnh lễ riêng cho nhà sư, đàn ông và phụ nữ. Trầm mặc và đầy đức tin, cùng hòa vào không khí thành kính của buổi lễ sớm, chúng tôi ngồi đó, với một tâm hồn thanh thản và bình an.
Bình minh Golden Rock |
Từ trong gian nhà nguyện nhìn ra ngoài bức tường kính, trời bắt đầu sáng dần lên, người đi lại cũng đông đúc và náo nhiệt hơn. Mặt trời đang bừng thức dậy, mang nắng mai gõ cửa từng gian nhà trên núi. Chờ đợi trong ánh sáng lờ mờ của bình minh khoảng chừng 30 phút, đường chân trời trở nên đẹp một cách khó tả, ở bên dưới, mây trắng ôm vào những đỉnh núi thấp hơn, vẽ nên một bức tranh thủy mặc đến mơ màng.
Rồi chỉ trong vòng 30 giây, khối cầu lửa nhô lên, nhanh đến kinh ngạc, vụt tỏa sáng chói chang giữa hừng đông… Một ngày mới đã bắt đầu trên Golden Rock, chiếc máy ảnh của tôi chỉ kịp bấm 5 bức hình… nhưng những gì mắt tôi đã thấy, tai tôi đã nghe, tim tôi đã cảm nhận… thật không một công cụ kỹ thuật nào có thể ghi lại và diễn tả được…
Tạm biệt chùa Núi Vàng, chào “tảng đá thiêng” vẫn đang sáng lên rạng rỡ trước ánh sáng ban mai của mặt trời, chúng tôi biết, mình đã may mắn hơn rất nhiều những người dân của đất nước này, vì đã có mặt tại đây, tại chốn đức tin vốn dĩ là mơ ước trong cả cuộc đời của rất nhiều người tôn thờ Đức Phật…