Trang chủ Bài nổi bật Muốn gì cứ làm rồi cũng buông xuống hết thôi

Muốn gì cứ làm rồi cũng buông xuống hết thôi

PTVN - "Cái bản ngã này cũng hay thật! Nó dụ dỗ mình làm đủ chuyện thật ra để cho mình học hỏi, và khi biết hết mọi nhân quả và sự thật rồi thì tự nhiên cũng sẽ buông xuống hết mà không cần chút nỗ lực nào".

477
"Cuộc đời vốn là để học ra, để thấy ra chứ không phải để đạt được bất kỳ điều gì."

Thầy nhắc lại một điều, rằng tất cả những gì Thầy nỗ lực chia sẻ là để cho mọi người thấy ra thôi, còn ai thấy ra đến đâu thì làm đến đó, muốn làm gì cứ làm, vì đã có nguyên lý rằng dù có làm gì thì cuối cùng cũng đều thấy ra sự thật giống nhau thôi.

Khi sinh ra trên cõi đời này ai cũng được cung cấp những khả năng như nhau, và ai cũng được quyền tự do chọn lựa. Muốn “chui vô lửa ngồi chơi” thì cứ làm, rồi thể nào một hồi “nóng” cũng chạy ra thôi, nguyên lý luôn là như vậy. Thầy nói để giúp mọi người thấy ra nguyên lý của đời sống, ai thấy ra được và buông xuống được thì người ấy tự do giải thoát, ai chưa thấy hết thì cứ làm những điều mình cho là đúng, những gì mình thích. Muốn làm gì cứ làm đi, nếu làm sai thì sẽ đụng khổ mà thấy ra. Ví như có người không muốn làm việc mà chỉ muốn đi ăn trộm, vậy thì cứ ăn trộm đi là biết liền.

Trong Trời Đất này mọi thứ đang vận hành khít khao trong nhân-quả của chính nó, nên ai làm gì thì sẽ học ra bài học tương ứng về đời sống chứ không có khả năng nào khác. Bổn phận của Thầy là nói ra sự thật để mọi người thấy ra, ai thấy ra tới đâu thì cứ làm tới đó, chứ Thầy không thể nào bắt mọi người làm giống y như Thầy. Khi một người muốn vào chùa Tu thì Thấy đồng ý ngay “Vô tu đi!”, tu một thời gian chán quá lại tới xin Thầy cho về nhà, Thầy cũng đồng ý ngay “Về đi”. Muốn làm gì thì cứ làm đi rồi tự mình ai cũng sẽ thấy ra.

Có câu chuyện Thượng Đế rất yêu thương con cái của mình, sinh ra đứa con nào liền cho vào cuộc đời để học hỏi rồi sau này trở về với Thượng Đế, nhưng lại âm thầm cho Quỷ Sa Tăng đi theo để dụ dỗ những đứa con làm đủ chuyện để qua đó học hỏi, nếu không những đứa con ấy học được chút đã mệt quá liền trốn học sao?

Vì vậy đừng có phân vân, cũng đừng sợ sai, vì có sai mới thấy ra thế nào là đúng. Như cô Phật Tử đang phân vân không biết tu xuất gia hay tại gia, Thầy bèn khuyên làm 2 cái thăm, rồi đứng trước bàn thờ Phật thành tâm xin Tam Bảo chỉ đường cho mình. Nếu cô ấy lấy được cái thăm ở lại chùa tu thì Thầy sẽ khuyên ở lại tu được lợi ích thế này thế kia để cô Phật tử vững vàng hơn mà chuyên tâm tu học. Còn nếu cô ấy lấy được cái thăm trở lại với đời sống gia đình thì Thầy lại khuyên rằng tu ngay trong đời sống cũng tốt lắm, cũng là để cho cô ấy nhất tâm không còn phân vân nghi ngờ mà trọn vẹn với bài học sắp tới.

Cuộc đời vốn là để học ra, để thấy ra chứ không phải để đạt được bất kỳ điều gì. Bài học cuộc đời thật là kỳ lạ mà cũng thật tuyệt vời như vậy đó. Chịu khổ chút đi nên Đức Phật mới nói nhẫn nại, thông cảm chút đi nên Ngài mới nói từ bi, bớt cố chấp chút đi nên mới nói hỷ xả. Đức Phật nói vậy là để mình chuyên tâm học hỏi mà thấy ra sự thật thôi, chứ không bắt buộc nhất định phải thế này hay thế kia để đạt được điều gì.

Yên tâm muốn làm gì cứ làm, và chịu khó học hỏi làm gì học nấy. Bảo đảm cuối cùng rồi cũng buông xuống hết! Lúc đó mới thấy ra rằng “Cái bản ngã này cũng hay thật! Nó dụ dỗ mình làm đủ chuyện thật ra để cho mình học hỏi, và khi biết hết mọi nhân quả và sự thật rồi thì tự nhiên cũng sẽ buông xuống hết mà không cần chút nỗ lực nào”.

Ngay nơi thực tại này đã đầy đủ hết rồi nên mình cần phải học được cách đọc thông tin từ những gì đang xảy ra. Tất cả nhưng thông tin cần thiết, những sự thật về đời sống đã có sẵn ngay nơi chính mình, chỉ vì mình không chịu trở về với chính mình để học cách đọc ra những thông tin ấy mà thôi…


Hoà thượng Viên Minh trả lời Hỏi & Đáp với các Phật tử.
Nguồn: YouTube Phật Pháp Vấn Đáp