Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Mùa xuân, mùa hoằng pháp

Mùa xuân, mùa hoằng pháp

96

Trong truyền thông hiện đại, tổ chức “event” là một trong những khái niệm được quan tâm. “Sự kiện” là một khái niệm đã có từ lâu. Đó là những hoạt động nổi bật, khác thường so với những hoạt động thường xuyên hằng ngày.

Truyền thông hiện đại có thể khai thác, quảng bá, mở rộng hiệu quả của sự kiện bằng nhiều cách thức: trực tiếp truyền hình, mở trang web sự kiện…

Hoạt động của truyền thông hiện đại xung quanh đại lễ Vesak 2008 đã cho chúng ta thấy điều đó. Thành công của đại lễ một phần đã do truyền thông mang lại. Vì vậy, “sự kiện” và truyền thông có quan hệ mật thiết với nhau.

Khác với một sự kiện đột xuất như Vesak 2008, ở đây chúng ta tìm hiểu sự kiện thường kỳ trong năm dưới góc nhìn của truyền thông và trên cơ sở mang lại lợi ích cho hoạt động hoằng pháp.

Với cách nghĩ này thì trong năm, thời gian thuận lợi nhất cho việc hoằng pháp là mùa xuân.

Có thể đi đến kết luận như vậy vì mùa xuân là mùa khách thập phương đến chùa đông hơn cả. Quy tụ được một số đông đảo đối tượng tiếp nhận truyền thông vào một thời điểm nhất định kéo dài (hàng tháng), những người làm công việc hoằng pháp đã có thể xác định được mùa để tổ chức sự kiện. Thật lý tưởng, đó là mùa xuân!

Sau khi xác định mùa nói chung, chúng ta đi vào việc xác định giới hạn thời điểm cụ thể.

Theo chúng tôi, mùa xuân – mùa hoằng pháp đối với Phật giáo có thể bắt đầu từ thời điểm lễ Phật thành đạo, mồng 8 tháng chạp âm lịch, khi không khí giáp tết đang đến gần. Mọi người, mọi nhà nao nức, chộn rộn mừng xuân.

Cao điểm của mùa xuân – mùa hoằng pháp là tháng giêng, từ đêm giao thừa cho đến khoảng cuối tháng. Không cần thống kê hay điều tra xã hội học cũng dễ nhận thấy thời điểm này là thời điểm khách thập phương (Phật tử và những người không phải Phật tử) đến chùa lễ bái đông nhất trong năm.

Thời điểm kết thúc mùa xuân – mùa hoằng pháp có thể xác định vào cuối tháng 2, sau ngày vía đức Quán Thế Âm.

Xác định mùa xuân như trong giới hạn trên là mùa thuận lợi cho hoạt động hoằng pháp có nghĩa là, mọi hoạt động hoằng pháp đều nên tập trung thực hiện vào thời điểm này. Khi đó, những hoạt động hoằng pháp, nhờ vào hoàn cảnh thuận lợi, sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.

Tất nhiên, tổ chức những sự kiện vào lúc có đông người hiện diện hơn cả, thì cầm chắc kết quả thành công.

Các hoạt động hoằng pháp cụ thể, dưới góc nhìn của truyền thông, gồm có: thuyết pháp, phát hành kinh sách, đĩa thuyết pháp, văn hóa phẩm Phật giáo, các sinh hoạt giao lưu như tất niên, họp mặt đầu năm, văn nghệ Phật giáo, triển lãm mỹ thuật Phật giáo… Những hoạt động này nhằm mục tiêu giúp người Phật tử hiểu đạo Phật hơn, gắn bó hơn với cộng đồng Phật giáo, còn người chưa theo đạo Phật cũng hiểu hơn về đạo Phật và từ đó trở thành Phật tử.

Lâu nay, nhiều chùa chưa khai thác hết bối cảnh thuận lợi mà mùa xuân mang lại đối với hoạt động hoằng pháp.

Nhìn chung, các chùa chỉ trang hoàng, dọn dẹp, sơn phết rực rỡ hơn so với ngày thường để đón khách, như một tập quán chung của dân tộc. Hoạt động chính thường là khai Kinh Pháp Hoa, trong tinh thần kinh tụng cầu an. Còn các hoạt động khác như đã nói trên chỉ thấy ở một số chùa lớn.

Cá biệt, trong thời gian này một số chùa đẩy mạnh hoạt động xin xăm, bói toán, tổ chức cúng sao giải hạn trong tháng giêng.

Nhưng nếu không như thế, thì sẽ làm gì?

Từ quan điểm của truyền thông hiện đại, câu trả lời sẽ là làm “sự kiện”, bổ sung, mở rộng những sự kiện đã có.

Sự kiện là những hoạt động đặc biệt mà không có trong thường nhật. Khai tụng một bộ kinh lớn như Kinh Pháp Hoa cũng là sự kiện. Và còn có những sự kiện khác: thuyết pháp, tất niên, họp mặt mừng xuân… như đã trình bày ở trên

Chúng tôi xin đưa ra một kế hoạch phác thảo như sau cho các chùa nhỏ.

Nếu tăng ni tại chùa không thể tổ chức thuyết pháp thì thỉnh giảng sư từ các chùa khác. Lịch giảng pháp được bố trí sao cho tập trung vào thời điểm từ tết nguyên đán đến rằm, cũng có thể mở rộng đến hết tháng giêng.

Khách đến chùa đông đặc biệt là vào giao thừa, các ngày tết là thời điểm hết sự thuận lợi để quảng bá sự kiện được tổ chức sau đó.

Dưới góc nhìn của lý luận truyền thông, sự kiện không hẳn là hoạt động truyền thông, mà truyền thông nằm ở chỗ quảng bá sự kiện. Thực hiện tốt khâu quảng bá sự kiện quyết định thành công việc tổ chức sự kiện.

Cụ thể, chương trình thuyết pháp, tất niên, họp mặt mừng xuân… có thể phổ biến trong thời điểm khách đến chùa cao điểm này, bằng hình thức thư mời phát từng người, bảng chữ cỡ lớn. Với hình thức này, các chùa có thể mời khách trở lại chùa nhiều lần trong dịp đầu năm, thay vì chỉ một lần lễ Phật vào những ngày tết. Số khách nhận được thư mời đông có nghĩa là số người dự chắc chắn sẽ cao.

Ngoài thuyết giảng là hoạt động chính, các hoạt động nhiều màu sắc mang tính chất lễ hội cũng có thể triển khai như hoa đăng (theo mô hình chùa Hoằng Pháp, Tp.HCM), gồm những lồng đèn cỡ lớn bằng chất liệu Hiflex rất bắt mắt, có thể dùng lại nhiều lần, hay thắp nến cầu nguyện (đầu xuân là cầu an) theo hình thức đại lễ Vesak 2008, gồm tụng kinh, phục nguyện, có thể có thuyết pháp ngắn.

Cầu nguyện ban đêm với ánh nến lung linh huyền ảo tạo ra những tác động rất hiệu quả đối với tâm lý người dự.

Thuyết pháp qua hội nghị truyền hình, một hình thức truyền thông hiện đại mà chúng tôi đã có dịp đề xuất trên tập san Pháp luân, cũng rất thích hợp cho mùa xuân – mùa hoằng pháp. Các chùa có thể qua hội nghị truyền hình kết nối họp mặt đầu xuân với thầy tổ, huynh đệ trong cùng sơn môn, tổ đình, hệ phái. Một cuộc sum họp từ nhiều địa điểm cách xa nhau, mà nếu khéo tổ chức, có thể lên đến hàng chục ngàn người tham dự từ các đầu cầu truyền hình.

Những cuộc rước Phật cầu an trong cự ly ngắn cũng là một hình thức nghi lễ có thể tổ chức. Có thể coi đây là một kiểu xe hoa nhỏ, có thể kết hợp với đốt nến, trong hình thái một cuộc lễ di động. Mùa xuân rất dễ tạo không khí rộn ràng với múa lân, múa rồng, cờ lọng…

Trên đây chỉ là một số phác thảo, gợi ý. Nhưng hoằng pháp quan trọng nhất vẫn là hoạt động giảng pháp. Tập trung lịch giảng pháp vào thời điểm đông người đến chùa…, đương nhiên, hết sức lý tưởng để mời gọi cử tọa, số người nghe sẽ là đông nhất trong năm. Những vấn đề cơ bản của Phật học như thập thiện, tam quy, ngũ giới sẽ rất thích hợp để đưa những người đi chùa nhưng chưa quy y thâm nhập vào Phật giáo.