Trang chủ Đời sống Mùa xá tội vong nhân, người trần lại… "chia chác"

Mùa xá tội vong nhân, người trần lại… "chia chác"

116

Mùa xá tội trở thành… mùa “chia chác” lợi nhuận

 

Nguyễn Du từng nói đến các nạn nhân chết đói, chết trận và chết với nhiều hình thức oan khuất khác bằng một câu khái quát: “Buổi chiến trận mạng người như rác” (Văn chiêu hồn).

 

Với những khủng hoảng nhân đạo, nhân văn ấy, rất nhiều vong linh không có được bàn một thờ trong không gian ấm cúng của gia đình. Nhưng với triết lý “thương người như thể thương thân”, từ rất lâu đời trong tâm thức người Việt luôn hiện diện một “bàn thờ” để nhớ thương đến họ. Hàng năm “bàn thờ” ấy được thiết lập trong mùa Vu Lan và người Việt luôn dành sự trân trọng để hướng đến điều lành bằng tâm xá tội.

 

Mùa Vu Lan mang ý nghĩa báo đáp ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và xá tội cho những linh hồn oan khuất không nơi nương tựa. Đó là niềm tin và nếp sống đạo của dân tộc mà đa số người Việt còn giữ gìn được trước làn sóng vị kỷ, thực dụng đang xô đẩy trong từng ngõ ngách đời sống.

 

Nhưng hiện nay, không ít người nhầm lẫn cho rằng “xá tội vong nhân” chỉ bằng việc cúng thật nhiều vàng mã, tiền giả cho người đã khuất.

"Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy
về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?" Ảnh: VietNamNet

 

Nguy hiểm hơn cả chính là sự tấn công không thương tiếc từ bên trong động cơ về quyền lợi, rằng người đã khuất luôn đòi hỏi nhiều hơn những nhu cầu vật chất khi họ từng phải sống trong cảnh lang thang, đói khổ.

 

Vì thế, không ít người đã nghĩ ngay đến việc làm sao cho người chết có được sự hưởng thụ vật chất nhiều hơn mà ít quan tâm đến lòng chân thành cầu nguyện cho những vong hồn được sống trong tình thương ấm áp và sự nhớ tưởng của đồng loại.

 

Không ít người đã “hiện thực hoá” cảnh sống của người đã khuất bằng cách cấp thật nhiều “tiền vàng”, “đô-la”, “máy bay”, “xe hơi” và cả những “người giúp việc” cho họ với mong muốn họ sẽ phù hộ cho mình phát quan, phát tài, phát lộc.

 

Việc làm ấy vô tình trở thành sự “chia chác” lợi nhuận giữa kẻ còn người mất một cách đầy tham lam và vị kỷ, từ đó thói hợm hĩnh, rởm đời hình thành qua những hình thức có vẻ như “giàu bản sắc”.

 

Sự phá sản niềm tin

 

Vào những năm 1950 của thế kỷ trước, Hoà thượng Thích Tố Liên từng nói: “Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy tội vong hữu”.

Vì sao những lợi ích vật dục ngày càng biến tướng vào trong những giá trị tâm linh tốt đẹp đó của dân tộc? Vì họ đã hiểu sai về hành vi bố thí; họ nghĩ rằng sự phù trợ của người đã khuất có thể làm cho họ nhanh chóng được đổi đời. Và những người có quyền thế, hơn ai hết càng ra sức làm to đẹp mồ mả, từ đường của dòng họ mình.

 

Sống theo luật nhân quả là lối sống lành mạnh, không lệ thuộc vào sự ban phúc giáng họa viển vông. Và một đời sống tốt đẹp, hiền thiện chỉ được nhìn nhận bằng những thái độ ứng xử phù hợp với các giá trị khác nhau trong xã hội.

 

Bởi dù ở hoàn cảnh sống nào, con người đều cần đến tình thương, sự sẻ chia và lòng trắc ẩn, ở đó vật chất có thể đem lại một số giá trị, nhưng vĩnh viễn không thể thay thế được những giá trị tâm linh, tinh thần.

 

Sự phá sản niềm tin về nguồn gốc tổ tiên bằng liên hệ tiền bạc và mối tương quan nhân quả giữa kẻ còn người mất bị xem thường minh chứng cho một khoảng trống văn hoá ứng xử không thể lấp đầy khi người ta lấy sự ồn ào tìm kiếm lợi nhuận của chính mình để tô điểm cho nơi chốn của người đã khuất trở nên những “ngôi nhà” bạc tỉ hay những cuộc lễ đầy tốn kém nhằm khuếch trương thanh thế hơn là sự tỏ lòng hiếu đễ.

 

Tải sản do mồ hôi nước mắt của con người tạo ra đã trở nên quá hoang phí cho những “mục tiêu” phát quan, phát tài, phát lộc kiểu này. Thay vì nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, người ta biến tâm linh thành mảnh đất “bảo trợ” cho những tham vọng ích kỷ của riêng mình, riêng dòng họ mình.

 

Tâm tha thứ và lòng hướng thiện

 

Ý nghĩa của mùa Vu Lan là người chưa sống hiếu thảo thì trở nên hiếu thảo, người đầy đọa được tự do, người đói khổ được no ấm, người có tội được tha thứ, người oan ức được giải oan…

 

Và chiều sâu của những ý nghĩa ấy là tâm tha thứ và lòng hướng thiện. Dân tộc ta lúc đói no, khi chiến tranh hay hòa bình đều ý thức về việc ứng xử nhân nghĩa, vị tha độ lượng. Vì những trải nghiệm sống luôn cho chúng ta nhận thức được rằng hận thù luôn là những nguồn bất hòa trực tiếp tạo ra sự đau khổ về thể xác và tinh thần.

 

Nếu như mỗi người đều hướng đến điều thiện, đừng sống vì sự ích kỷ riêng của bản thân thì những giá trị tốt đẹp đó luôn hiện diện trong mọi ứng xử xã hội.

Tâm thức và linh hồn tổ tiên sẽ trở về đoàn tụ trong lễ mọn tâm thành,
nên rất cần mỗi người thiết lập một bàn thờ như thế.

 

Người Việt đã tô đậm tâm thức hướng thiện ấy bằng quan điểm “xá tội”. Xá tội cho người là bảo vệ sự bình yên cho mình. Bởi từ xưa đến nay, cảnh thiếu thốn, loạn lạc đều do sự bất công bằng và thiếu liêm khiết gây ra.

 

Khao khát tự do là sự buông bỏ hận thù và những hành vi tội lỗi. Khi tâm thức ấy giữa kẻ còn người mất tương ứng với nhau thì cánh cửa tự do giữa âm gian và trần thế mở ra, không cần phải đợi bất cứ “phán quan” nào xét hỏi. Một vị quan tham, một người sống bất nhân, bất nghĩa, không tin nhân quả làm sao có thể đứng ra làm chủ cho những cuộc lễ với ý nghĩa tha thứ và thanh tẩy tâm hồn.

 

Tâm thức và linh hồn tổ tiên sẽ trở về đoàn tụ trong lễ mọn tâm thành, nên rất cần mỗi người thiết lập một bàn thờ như thế. Và chỉ có tâm thành hướng thiện, lòng vị tha bao dung mới có thể sưởi ấm các linh hồn dân tộc. Ngày rằm tháng bảy từ bao đời nay đã trở thành ngày lễ trọng của đa số người Việt vì ngày lễ ấy đã, đang và sẽ giữ vững niềm tin cho dân tộc về một đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”.