Để rồi hối tiếc, để rồi dằn vặt mình vì bao năm qua đã vô tâm với mẹ, lúc muốn thốt lên lời “yêu mẹ” thì mẹ đã rời xa mất rồi…”
“Còn tôi, ngay mùa lễ Vu Lan đầu tiên trong đời đã phải cài lên áo một bông hồng màu trắng…
Bố tôi bảo, chính mẹ là người đã trao mạng sống cho tôi. Và tôi, chắc chắn sẽ không thể có mặt trên cõi đời này nếu như mẹ không cương quyết chọn cái chết để các bác sĩ cứu lấy tôi…
Nhiều bạn trẻ tìm đến chùa trong ngày lễ Vu Lan. |
Bố kể, thời ấy, mẹ tôi đẻ khó, y học lại chưa phát triển, các bác sĩ nói, ca phẫu thuật chỉ có thể cứu được một trong hai mạng sống, hoặc mẹ hoặc tôi. Thế nên, sau khi bàn bạc thì mọi người trong gia đình đều quyết định giữ lấy mạng sống của mẹ. Nhưng mẹ tôi nhất định không đồng ý… và thế là tôi được sinh ra…
Không có mẹ, tuổi thơ của tôi trôi qua một cách nhạt nhẽo. Đến khi ra cuộc đời, bao nhiêu những vất vả, xô bồ, khiến bước chân tôi trở nên mỏi mệt, tôi lại càng muốn có mẹ, muốn được chạy về gục đầu vào vai mẹ để được mẹ vỗ về, để tình yêu thương của mẹ sẽ giúp tôi mạnh mẽ hơn trên cuộc đời này. Nhưng mẹ tôi lại chỉ có thể ở trên trời cao để nhìn tôi còn tôi thì không thể nào đến với mẹ được.” – Chị Hoa (Phương Liệt – Hoàng Mai – Hà Nội) nghẹn ngào.
Tại chùa Bằng A (Hoàng Mai – Hà Nội), trong tiếng kinh da diết của ngày lễ Vu Lan, Huy (quê Ninh Bình) cũng nhạt nhòa dòng nước mắt:
Đã 49 ngày, kể từ ngày mẹ mất, Huy mới dám trở về bên nấm mồ của mẹ để mà sám hối, để mà tạ lỗi với người mẹ đã lam lũ tảo tân nuôi anh khôn lớn trưởng thành.
… và bật khóc nức nở trong tiếng kinh da diết của Đại lễ Vu Lan. (Nguồn ảnh: Chùa Bằng) |
Bố Huy mất sớm, một mình mẹ phải bươn trải để nuôi 3 đứa con. Cho dù cuộc sống có đói nghèo, khổ cực, nhưng chưa bao giờ mẹ để Huy và 2 em phải nghỉ học để mưu sinh. Rồi 18 tuổi, Huy thi đỗ vào đại học Xây dựng (Hà Nội). Mẹ Huy mừng đến rơi nước mắt. Bởi vì từ nay Huy đã có thể bước chân vào giảng đường đại học để sau này trở thành một kỹ sư xây dựng đúng như ý nguyện lúc bố Huy lâm chung.
Thế nhưng, từ khi lên nhập học, cuộc sống nơi phồn hoa đô thị với bao nhiêu những điều mới lạ đã nhanh chóng cuốn Huy vào vòng xoáy của những cuộc ăn chơi, những trận lô đề, cá độ, bóng bánh… Huy tiêu hết veo số tiền mà mẹ đã dành dụm để gửi lên, rồi Huy học bạn xấu đi cầm cố đồ đạc, đi vay nặng lãi để tiêu xài.
Đến lúc số tiền đã quá lớn, không thể chi trả, chủ nợ truy đuổi thì Huy bỏ trốn khỏi Hà Nội.
Mẹ Huy biết chuyện, giận con đến run người, nhưng lại thương con, lo con sẽ làm điều dại dột khi lâm vào bước đường cùng, nên cố gượng dậy, chạy đi vay mượn khắp nơi cho đủ số tiền mấy chục triệu mà Huy đang vay nặng lãi để cho con có thể tiếp tục đi học, thực hiện ước mơ của mình.
Nhưng mà cái sự ăn chơi dường như đã ngấm vào máu khiến Huy không thể thay đổi. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Huy bỏ bê học hành.
Người ta học 5 năm đại học, thì Huy học đến 8 năm vẫn chưa ra được trường. Mỗi ngày Huy chỉ vật vã với những khoản nợ, nợ tiền, nợ môn. Thế nên, như một cái vòng luẩn quẩn, càng bế tắc thì Huy càng lao vào những cuộc ăn chơi, nhậu nhẹt và số nợ lãi cũng ngày một tăng cao.
Đến khi chủ nợ thông báo, Huy đã nợ số tiền lên đến 150 triệu, Huy mới giật mình hoảng hốt. Lần này thì Huy trốn hẳn, tắt điện thoại và không liên lạc với bất cứ ai suốt 2 tháng liền.
Nhóm chủ nợ không thể tìm được Huy nên tìm về tận nhà Huy… Cơn sốc khiến mẹ Huy không chịu nổi, và … bà đã vĩnh viễn rời xa cõi đời khi không kịp nhìn mặt đứa con trai.
….Mùa lễ Vu Lan năm nay, Huy không dám về nhà mà đến chùa, cài lên áo mình một bông hoa màu trắng, rồi chắp tay thì thầm trong tiếng khóc nấc nghẹn: “Con xin lỗi mẹ. Mẹ ơi!”
Theo Vietnamnet.vn