– Đối với trang mạng Phật giáo, đặc biệt là Phattuvietnam.net, con có theo dõi các bài mới của chú Minh Thạnh, Tố Nhiên và các phản hồi xung quanh các bài viết đó. Con thấy được ý kiến của nhiều người là trái chiều, có ý kiến đồng ý, có ý kiến phản đối về các thức tổ chức Phật đản của Giáo hội năm nay…Tất cả những ý kiến đó đều tạo nên không khí “sôi động” và “nóng”.
– Đối với trang mạng xã hội facebook. Con mừng khôn xiết khi Quý thầy cô, các bạn trẻ và các CLB Thanh niên Phật tử, các nhóm học Phật pháp trên mạng xã hội này đã cùng nhau tạo ra những trang như thay đổi avatar là hình đức Phật, là cánh hoa Vô ưu, hay tạo ra những banner mang hình ảnh Đức Phật đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni;… Hoặc những lời chúc mừng ngày Phật đản… Tất cả những hành động đó tạo nên không khí “sôi động” và ý nghĩa
– Còn đối với thực tế, con thấy có nhiều chùa ở Hà Nội đang tất bật và khẩn trương chuẩn bị các thứ cần thiết cho ngày Phật đản từ văn nghệ, sân khấu đến việc bố trí cho Phật tử tắm Phật và thậm chí là bữa ăn chay dành cho Phật tử đến dự, những buổi phát quà từ thiện, đến thăm bệnh viện, người neo đơn … Tất cả đều tạo nên không khí “sôi động” và hào hứng.
Tựu trung lại, tất cả 3 cái con nêu ở trên đều tạo nên KHÔNG KHÍ sôi động trước mùa Phật đản năm nay. Để đạt được điều này là do mỗi cá nhân, mỗi chùa đã tự giác, tự lực và tự đoàn kết, thậm chí là TỰ TẠO để tạo nên những không khí đó.
Hiện nay, trên trang mạng facebook có rất nhiều bạn để avatar là hình Đức Phật đản sinh
Trước mùa Phật đản, con biết chư Tăng Ni, mỗi Phật tử đều mong có một mùa Phật đản thật sôi động, thật hoành tráng nhưng vẫn mang tính trang nghiêm của Phật giáo như nhiều độc giả đã comment trong bài viết trên các diễn đàn Phật giáo vừa qua.
Nhưng con thiết nghĩ rằng: Chúng ta chỉ đang ngồi trước máy tính, trước cửa chùa, trước cửa nhà để mong; để muốn, để hy vọng và để nhìn ra đường phố… Chứ chúng ta, có bao nhiêu chư Tăng Ni? Bao nhiêu Quý Sư trụ trì? Bao nhiêu Phật tử?… Thực sự bắt tay vào HÀNH ĐỘNG để biến những ước mơ, những mong muốn, những hy vọng đó thành hiện thực?
Mỗi năm, mỗi mùa Phật Đản đến có ba việc nổi cộm nhất luôn gây bức bối những ai có chút tấm lòng thiết tha với ngày đại lễ này. Đấy là: Lễ Đài chính – Diễu hành xe hoa và quan trọng nhất vẫn là chuyện treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử.
Mỗi chúng ta, ai cũng biết rằng: Sau hơn 2500 năm, Phật pháp truyền bá khắp nơi trên thế giới, giáo lý giác ngộ giải thoát này ban đầu theo đường bộ và đường biển, từ đó đặt chân đến muôn nơi. Đến đâu, với chân lý hài hòa đó đã kết hợp với văn hóa địa phương, hình thành nên sắc thái Phật giáo khác nhau, rồi tạo thành Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Nhật Bản v.v…Do điều kiện cách trở của không gian và thời gian như vậy, khi mà phương tiện giao thông bằng đi bộ và lấy sức người để chèo thuyền thì việc hội họp Tăng đoàn là điều không thể tưởng được, huống gì đến việc thực hiện.
Và theo yêu cầu cấp thiết của thời đại, phương tiện đi lại liên lạc đã phát triển hơn nhiều, nên để thống nhất tính đoàn kết của Nam truyền và Bắc truyền, hòa hợp tất cả các quốc gia Phật giáo, trao đổi phương pháp hành trì và kinh nghiệm tu tập, và buổi họp đầu tiên vào năm1950 đã hình thành lá cờ chung làm biểu tượng cho ý nghĩa này.
Vậy với những ý nghĩa to lớn của lá cờ Phật giáo, trước mùa Phật đản năm nay và trước những “hành động” trên thế giới ảo và những comment “dấu tên”.
Con tổng hợp thành ba vấn đề nổi bật sau:
1, Các chư Tăng Ni, trụ trì các chùa/tự viện đã bao giờ khuyến khích các cá nhân Phật tử và gia đình Phật tử ở chùa/tự viện treo cờ Phật giáo chưa? Đã thực sự “toàn tâm toàn ý” để chuẩn bị Lễ đài,…cho RIÊNG chùa/tự viện của mình để Kính mừng một Phật đản sôi động, long trọng và có thể hoành tráng chưa?
2, Các cá nhân Phật tử và gia đình Phật tử đã bao giờ tự giác và tự treo cờ Phật giáo cũng như tự trang trí ngôi nhà của mình như một Lễ đài nhỏ giống trong chùa vào mùa Đản sinh chưa?
3, Còn một vấn đề nữa, đó là việc in cờ Phật giáo. Trong lá cờ Phật giáo chính thống, con thấy không in hình Đức Phật lên cờ, nhưng tại sao các cờ nhỏ trang trí cho cho Phật đản, đặc biệt là cờ làm bằng chất liệu giấy lại in hình Đức Phật lên cờ? Như thế có còn thể hiện lòng kính trọng với Đức Phật khi mà lá cờ đó để ngoài mưa nắng hoặc bị rơi xuống đất hoặc bị rách nát?
Như phần đầu con có nói về KHÔNG KHÍ được gọi là sôi động; ý nghĩa; hào hứng; nóng hổi..Tất cả là do tự giác, tự lực và tự đoàn kết, thậm chí là TỰ TẠO mà tạo nên.
Chúng ta, từ người xuất gia đến tại gia, ai cũng hân hoan đón mừng ngày Đản sinh nhưng chúng ta đã thực sự “toàn tâm toàn ý” cho việc Kính mừng này chưa? Hay chỉ dừng lại việc MONG và MUỐN từ phía người này, người khác; từ phía cấp nọ cấp kia…?
Ngày diễn ra Phật đản theo truyền thống miền Bắc là bắt đầu từ ngày mùng 8/4 Âm lịch không còn nhiều. Nếu mỗi chúng ta, không tự bắt tay vào hành động thì con nghĩ rằng sẽ muộn mất.
Mỗi chùa con nghĩ từ bây giờ nên trang trí Lễ đài tổ chức, chuẩn bị tốt khâu tổ chức cần thiết. Theo đó, mỗi cá nhân và gia đình Phật tử cũng nên làm điều gì đó ý nghĩa nhất để cho điều mà chúng ta MONG và MUỐN sẽ thành hiện thực.
Chúng ta đã và đang mong muốn GHPG phải tổ chức thế này, thế khác cho hoành tráng, cho long trọng…nhưng con một lần nữa xin đặt lại 1 câu hỏi rằng: Bản thân mỗi chùa, mỗi cá nhân Phật tử đã làm điều gì để kính mừng Phật đản chưa? Đã trang trí lễ đài đối với chùa, đã treo cờ Phật giáo tại tư gia chưa? Hay vẫn chỉ mong ngón điều gì đó từ phía GHPG?
Lần thứ 2, con thiết nghĩ rằng: Khi chúng ta mong muốn thay đổi điều gì đó thì trước hết CÁI RIÊNG (mỗi chùa, mỗi Phật tử) hãy tự thay đổi, tự làm mới thì sẽ có một CÁI CHUNG (toàn cảnh về Phật đản ) mới mới được.
Một lần nữa, con muốn nói rằng: Lá cờ năm màu biểu hiện sự hài hòa, một màu sắc tổng hợp mà ai ai dù có tôn giáo hay không, khi nhìn ngắm đều cảm có chung một cảm giác an lành. Lá cờ đã vượt qua không gian thời gian, vượt qua ranh giới tôn giáo chủng tộc, đi vào tâm hồn của mọi người, không còn phân biệt anh là ai chị là ai, bức thông điệp tín, tấn, niệm, định và tuệ. Lá cờ được xây dựng trên tình yêu thương và sự hiểu biết, là con đường dẫn đến hạnh phúc an lạc tuyệt đối, nó không có đượm màu sắc của khói lửa binh đao do tác động của tham sân si. Một biểu tượng vô giá trên tất cả biểu tượng, một sự an bình trên tất cả sự an bình. Nên nhà nhà treo cờ, làng làng treo cờ v.v…
Đặc biệt đừng quên khởi phát ngọn cờ này trong trái tim chính mình!