“Áo tôi vàng ta cài hoa hồng thắm – màu trinh nguyên của mẹ từ bao giờ – Tôi không khóc khi tôi cài hoa trắng – vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười”. May mắn cho những ai được phép cài hoa màu hồng trên ngực áo trong dịp lễ Vu Lan, bởi người đó còn có mẹ trên đời. Cài hoa trên áo để nhớ đến đấng bậc sinh thành cũng chính là ý nghĩa sâu sắc nhất của Lễ Vu Lan. Nhưng giờ đây, người ta đã quen gọi và quen hiểu mùa lễ này theo cái tên: Tháng Xá tội vong nhân, nghĩa là nặng về vàng mã và nghĩa vụ với những linh hồn đã khuất. Chị Nguyễn Thu Hà, 35 Phan Đình Phùng nói về ngày lễ vong nhân: “Cả một năm mới có một ngày này để cúng, để sau này có xuống âm phủ có tội tình gì thì được xóa”. Còn theo chị Đỗ Mai Hương, Nguyễn Văn Cừ: “Con cái phải làm thế này về mặt tâm linh cho thanh thản”. Năm nào chùa Phúc Khánh cũng tổ chức Lễ Vu Lan theo đúng nghi lễ truyền thống của Phật Giáo. Tăng ni phật tử đến chùa để tâm hồn được thanh thản và còn là cơ hội để hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Lễ này. Tân Tỷ khiêu Thích Giác Như, chùa Phúc Khánh, nói: “Lễ Vu Lan báo ơn cha mẹ, không những cúng cho những người đã khuất mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại nhữncg việc mình đã làm với người còn sống…”. Trong kinh Vu Lan Báo hiếu – báo ân có dạy: Vì luôn nghĩ đến những đứa con thông minh, nhân đức mà cha mẹ quên mình dốt nát, tội lỗi. Vì nghĩ đến những đứa con sung sướng mà cha mẹ quên mình lam lũ, đọa đầy. Lòng cha mẹ đối với con như thế, nhưng đến khi đời con vinh hoa, thì cha mẹ đã già, đời con khôn lớn thì tinh hoa sự sống của cha mẹ đã truyền hết cho con và nhận lấy cái chết. Báo ơn, báo hiếu, trước hết là việc chăm sóc, phục dưỡng cha mẹ khi còn sống. Những người con luôn ghi nhớ tinh thần mùa Vu Lan ấy trong tâm trước khi được cài lên ngực bông hoa hồng thắm.