Trang chủ Văn học Tùy bút Mùa chay dâng Mẹ

Mùa chay dâng Mẹ

78

Cuối hạ, khi những đợt lá vàng bắt đầu xao xác cho một mùa thu mới, khi con trăng treo lơ lửng trên cao đang chờ đợi ngày rằm tháng 7, lòng người cũng theo đó mà có những thay đổi lớn.

Vài bông hoa nhài thầm lặng nở trong đêm vắng, hương trầm phảng phất báo hiệu hội Vu Lan bồn đang đến, trong mỗi tấm lòng người con cũng gần hơn với sự thánh thiện và trong trẻo của một mùa báo hiếu!
 
Vu Lan bồn hay lễ Vu Lan là một lễ hội báo ân cha mẹ của Phật giáo truyền thống. Lễ hội này đã được truyền lại từ ngàn xưa với tấm gương hiếu tử tiêu biểu cho ngàn đời là Đức Mục Kiền Liên.

Thế rồi theo năm tháng, lễ Vu Lan không còn là đặc thù riêng của các Phật Tử mà chính sự thiêng liêng trong nghĩa vụ hiếu đạo của mỗi con người đã làm cho đại lễ này trở nên phổ biến ở tất cả mọi nơi.
 
Vào tháng 7, bên cạnh một Sài Gòn với nhịp sống gấp gáp và sôi động cũng song hành một Sài Gòn nhẹ nhàng mang ý nghĩa tâm linh hết sức sâu sắc. Các cửa chùa rộng mở, sau những giờ mưu sinh vất vả, nhiều Phật tử và cả những khách thập phương tìm đến cầu nguyện cho người thân đã khuất, cầu bình an cho gia đình, đất nước.

Đặc biệt, tục ăn chay trong mùa rằm tháng 7 luôn được ưu ái. Theo quan niệm dân gian, tháng 7 là tháng ăn chay để tích đức cho cả năm, không phân biệt món chay trong các nhà hàng cao cấp hay chỉ dưa muối đạm bạc ở các quán bình dân hoặc đơn thuần là bữa cơm nhẹ trong các miếu chùa, hương vị đặc biệt nhất chính là “vị tâm linh”!

Hương vị tuyệt vời này sẽ có được khi mâm cơm chay đầy đủ các thành viên trong gia đình như một lời chúc thọ mẹ cha, lời cầu mong sum họp hay đơn giản, là nỗi lòng thương nhớ về người thân đã khuất, niềm hiếu kính dành tặng đấng sinh thành!
 
Bên cạnh đó, mùa đại lễ Vu Lan cũng là mùa cúng “quảy” – mùa xá tội vong nhân. Với lễ này, người sống gửi chút lòng thành dành cho người đã khuất và những vong linh cô hồn vất vưởng không ai cúng giỗ.

Mâm “quảy” (hay mâm cỗ) luôn có gạo, muối, trái cây, vàng mã, ít tiền lẻ, cháo trắng… và bày cúng trước cửa nhà, thường vào buổi tối. Tục lễ này cũng xuất phát từ tấm lòng nhân ái và đời sống tâm linh phong phú của người Á Đông.
 
Vào đúng ngày rằm tháng 7, những bông hồng đỏ thắm cho những ai còn đủ đấng sinh thành và những nụ trắng cho những ai chẳng may có sự mất mát to lớn của cha hoặc mẹ, vẫn mãi làm xao xuyến và nhắc nhở con người: Không chỉ Vu Lan mới là mùa báo hiếu…