Nằm trong cùng một tiểu bang với thành phố Manali và Shimla, cũng với khí hậu mát mẻ và khép mình dưới rặng Himalaya hùng vĩ, Dharmashala đã trở thành nơi đến của khách du lịch thế giới.
Địa danh này đặc biệt nổi tiếng vì là nơi ở của đức Dalai Latma. Tương truyền, sau khi hoằng hoá khắp năm châu, đức Dalai Latma về cư ngụ tại nơi này, vì thế vào mùa du lịch, không chỉ là người theo đạo Phật châu Á, mà cả dân du lịch phương Tây đều đổ xô đến vùng này để tham quan và nghỉ dưỡng.
Con đường chính luôn nhộn nhịp du khách
Dharmashala được chia thành hai vùng chính: Upper Dharmashala và Lower Dharmashala. Ngày đầu tiên tôi tới Dharmshala vào lúc 3 giờ sáng. Xe tới bến, khách du lịch như tôi và khách Tây xuống, còn lại khách Ấn Độ đi tiếp. Sao lại xuống nơi này vì chưa phải là trung tâm trung tâm thành phố vì sao khách Ấn Độ lại không xuống? Tôi đánh liều đi cùng với nhóm Tây balô, cứ bốn người lên một chiếc taxi. Khách du lịch Tây balô tỏ ra rất chuyên nghiệp, đi đâu cũng cầm theo quyển sách Hướng dẫn du lịch toàn cầu (guide-book) nên có lẽ chẳng thể lạc đường được.
Chiếc taxi chở chúng tôi lên núi lòng vòng. Thành phố gì mà lại nằm heo hút trên núi thế, không chừng khách Tây lên núi để tham gia khoá tu thiền nào chăng? Nghe tôi hỏi, họ trả lời: Dharma Kok! Địa danh gì mà lạ hoắc, tốn khoảng nửa tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ôi trời, đó chỉ là một làng nhỏ nằm cheo leo trên sườn đồi cách con đường chính Mc LeodGnj khoảng 2km. Nơi này tập trung hai nhóm khách du lịch người Israel và Ý đợi trời sáng để thuê phòng.
Nhà cửa trên sườn đồi
Trời sáng, tôi từ giã những người “chỉ đường bất đắc dĩ” để xuống khu vực đông đúc hơn là Mc LeodGanj. Nơi đây mới đúng là nơi tôi muốn tới: là khu vực tập trung của người Tây Tạng và trung tâm du lịch chính của Dharmshala. Nếu tôi theo dân Ấn Độ ngồi tiếp trên xe thì sẽ đến khu Lower Dharmashala – nơi dân Ấn tập trung buôn bán và sinh sống.
Còn khu này – Upper Dharmashala – cũng sầm uất, đủ khách sạn, nhà hàng nhưng có đến hơn 70% dân Tây Tạng sinh sống, vì thế, khu vực này khá đậm nét văn hoá Tây Tạng. Nhà cửa nằm thoai thoải trên sườn đồi giống như Đà Lạt, kiến trúc xây dựng rập khuôn nhau theo phong cách Tây Tạng.
Nếu nhà của dân Ấn xây kiên cố và chắc chắn, không thanh thoát, dùng nhiều đá thì kiến trúc nhà Tây Tạng dùng nhiều gỗ và sơn phết nhiều màu. Nhìn bề ngoài, căn nhà nào cũng sặc sỡ sắc màu, mà đỏ và vàng là chủ đạo.
Ở Dharmashala, nếu muốn biết văn hoá Ấn Độ thì ngao du vùng Lower để thưởng thức món ăn truyền thống Ấn là bánh spagati, uống chai (hỗn hợp trà và sữa), ăn bằng tay không dùng đũa muỗng, trả giá bằng một nửa hoặc một phần ba và được mục kích vô số thứ được tôn thờ trong một cộng đồng nhỏ bé ấy. Còn lên vùng Upper, du khách có thể chiêm ngưỡng những ngôi chùa được xây dựng theo phong cách Phật giáo Tây Tạng đậm nét: mái dát vàng, cửa ô vuông, những hoa văn trang trí rường cột đầy màu đỏ và vàng chói mắt, cờ phướn giăng tứ phía.
Ở đó, không thiếu những cửa hàng bán vải tơ lụa truyền thống Tây Tạng đầy màu sắc, những của hàng bán đồ lưu niệm và tượng Phật theo phong cách Tây Tạng. Hàng chục cửa tiệm massage và dạy massage, dạy nấu ăn theo truyền thống Tây Tạng cũng tự khoe mình. Không giống như ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, massage ở nước này rất hiếm và chỉ có cánh đàn ông mới được mở tiệm và phục vụ cho khách.
Một ngôi chùa Tây Tạng
Người dân Tây Tạng rất thân thiện và nhiệt tình. Cùng một khu vực, nhưng nếu bạn vào nhà hàng do người Tây Tạng làm chủ thì sẽ được tiếp đón trọng thị, ân cần. Khi muốn đưa vật gì cho khách thì họ đều nghiêng mình, một tay đưa lên ngực một tay đưa đồ cho khách, giống như kiểu cách Hàn Quốc. Khi làm gì sai với khách, họ xin lỗi một cách chân thành, không phải một lần mà hai, ba lần xin lỗi. Mua sắm tại các cửa hàng của người Tây Tạng không cần phải trả giá vì hàng luôn được bán đúng giá.
Cửa hàng bán đồ lưu niệm
Hai ngày lang thang ở Upper Dharmshala cho tôi một phát hiện rằng người Tây Tạng buôn bán và biết cách làm du lịch giỏi như người Trung Quốc ven biển vậy. Nơi này còn có cả phòng chiếu phim mini do một anh chàng trai làm chủ.
Bên trên anh ta bán trái cây, còn tầng hầm thì kê ghế, trang bị đầu máy đọc DVD, máy chiếu màn ảnh rộng. Căn phòng chứa được 20 ghế, rộng khoảng 12m2. Với tấm vé như vé giữ xe giá 40 rupees (tương đương 15 ngàn đồng), tôi theo hai cặp người Mỹ xuống xem phim Người Nhện 3 – bộ phim đang có sức hút tại nhiều nơi.
Những du khách Mỹ đã ồ lên một cách kinh ngạc, cười mãi trong phòng chiếu bởi vì hình ảnh và âm thanh còn tệ hơn cả băng video đã mòn! Phim được giới thiệu là bản DVD rõ đẹp nhưng … Vậy mà một ngày anh chàng Tây Tạng ấy cũng bỏ túi được khá tiền của những người ghiền phim.
Để khám phá hết vẻ đẹp thiên nhiên của Hyamalaya chỉ có một cách là ăn và ở với nó. Những văn phòng du lịch ở đây đã thiết kế nhiều tour dài ngày để du khách có thể cắm trại trên đỉnh núi đầy tuyết Inderhara cao tới 4.300m, thời gian bốn ngày, hay đỉnh núi Dhauladhas cao 3.500m, hành trình bảy ngày.
Còn nếu ai yêu thích sự tĩnh lặng và thiền thì có thể tham gia các khoá thiền ngắn hạn hoặc dài hạn tại các trung tâm thiền do các nhà sư Tây Tạng hướng dẫn. Và khi ra về, để biết thêm về văn hoá Tây Tạng và Phật giáo Tây Tạng, người ta không quên ghé vào nhà sách để tìm cuốn sách ưng ý nhất về thiền. Chuỗi 12 nhà sách có mặt tại khu vực này luôn mở cửa chào đón du khách bốn phương.