Hòa thượng Bích Liên (1876-1950), xuất gia với hòa thượng Hoằng Thạc chùa Thạch Sơn, Quảng Ngãi được đặt pháp danh Chơn Giám, tự Đạo Quang, hiệu Trí Hải, thuộc dòng Chúc Thánh đời 40, khai sơn chùa Bích Liên nên thường được gọi hòa thượng Bích Liên. Ngài tuy xuất gia trễ nhưng là bậc anh hoa phát tiết văn tài lỗi lạc nên có đóng góp lớn trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo qua việc đảm trách tạp chí Từ Bi Âm và Tam Bảo Tạp Chí trong những năm 30 – 40 của thế kỷ trước.
Phần lớn những tác phẩm của ngài còn lưu tại Vĩnh Khánh đã đăng trọn vẹn trên TBA, một số khác chỉ được đăng một phần. Những tác phẩm này được ngài Chí Tâm sao chép có niên đại sớm hơn thời điểm xuất hiện trên báo, và chắc chắn nó phải được ngài Bích Liên viết sớm hơn thời điểm ngài Chí Tâm chép ít nhiều. Quy trình này cho thấy có thể ngài Bích Liên phiên dịch-sáng tác hoàn toàn bằng chữ Hán Nôm, ngay cả bài viết cho TBA. Có điều ta không hiểu vì sao ngài Chí Tâm lại chép tay những tác phẩm của ngài Bích Liên? Vì yêu thích, cần phổ biến, bạn yêu cầu hay vì chuẩn bị cho công việc khắc bản?.
Về những bài đăng báo trên TBA của ngài Bích Liên trong giai đoạn đầu, ta thấy chủ yếu là những kinh sám phổ thông được diễn ra quốc âm, đặc biệt là văn vần. Khuynh hướng diễn kinh ra văn vần và sáng tác những bài sám văn chữ Nôm trong giai đoạn này phổ biến nhiều ở Nam bộ với các tác giả Từ Phong, Từ Vân, Huệ Đăng,… Có thể ngài Bích Liên đã theo hướng chủ trương của ngài Khánh Hòa trong lần hội kiến và mời vào Nam làm việc trước năm 1930? Từ đó ngài đã gia tâm viết lách để chuẩn bị chất liệu cho sự ra đời của TBA. Những bài kinh sám diễn âm đó đã phù hợp và ảnh hưởng rộng rãi đến quần chúng trong giai đoạn chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng đồng loạt.
Về sau ngài cho đăng tải những bài có tính luận giải hơn, như bài Phúc biện cái hồn, Tại sao phải ăn chay, Luận mười hai pháp nhơn duyên, Đại thừa Duy thức luận; ngài cũng diễn những kinh luật quy mô hơn như kinh Thủ lăng nghiêm, luật Quy Sơn cảnh sách… Càng về sau, bài viết của ngài càng thưa dần trên TBA. Ngài đứng tên chánh chủ bút từ số 36 năm 1933 đến số 163 năm 1939 thì pháp sư Liên Tôn phó chủ bút lên thay làm chủ bút. Tờ báo cũng không còn chức danh phó chủ bút.
Các tài liệu viết về ngài Bích Liên đều cho rằng 10 năm cuối đời ngài quay về bổn tự để chuyên tâm vào công việc phiên dịch và trứ tác. Song chúng tôi chưa thấy tác phẩm nào còn lại đến hôm nay được ra đời vào thời điểm đó, tức trong khoảng 1940 – 1950. Một người tài hoa và nhiệt huyết như ngài Bích Liên lẽ nào im lặng suốt 10 năm? Do những vị sống gần thời ngài đến nay đã ngoài trăm tuổi, chúng tôi không khai thác được bao nhiêu tư liệu về ngài, nên vẫn còn rất nhiều nghi vấn đối với những năm cuối đời của ngài.
Ngoài ra, liễn đối cũng là một mảng sáng tác rất đặc biệt của ngài được ghi dấu ở hầu hết các tổ đình Bình Định. Mỗi cặp đối của ngài là một tác phẩm nghệ thuật, nó không chỉ để đọc mà còn để chiêm ngưỡng.
Chúng tôi dựa vào ba nguồn để thống kê tư liệu của ngài Bích Liên: 1. TBA – TBTC, 2. những bản chép tay/khắc in của hòa thượng Chí Tâm, 3. những liễn đối rải rác khắp các chùa ở Bình Định.
Được biết, theo tác giả Thích Đồng Bổn, chủ biên bộ Tiểu sử danh tăng Việt Nam, ngài Bích Liên để lại các tác phẩm: (Những bài đăng trong TBA), Liên tông thập niệm yếu lãm, Tịnh độ huyền cảnh, Tây song ký, Tích lạc văn, Quy Sơn cảnh sách, Mông sơn thí thực khoa nghi. Các bài viết khác về sau, khi dẫn ra số lượng các tác phẩm của hòa thượng Bích Liên cũng không nhiều hơn. Song, Tây song ký, Tịnh độ huyền cảnh ta chưa thấy mặt mũi bao giờ. Tích lạc văn không biết là tác phẩm nào, phải chăng là Biện lạc văn mà chúng tôi sưu tầm được?
Thư mục về ngài Bích Liên được tác giả Lê Mạnh Thát công bố vào năm 2006 trong quyển Some experiences of the protection of the Buddhist culture in Viet Nam gồm 13 tác phẩm. Ngoài những tác phẩm được biết đến như trên, còn có: Tọa thiền chỉ quán hợp biên, Trùng tu Thập Tháp tự, Thăng tòa thuyết pháp tiên thân pháp ngữ quốc âm văn. Tác giả không mô tả thêm chi tiết gì nên ta chỉ biết đó là hai tác phẩm (chưa bao giờ thấy mặt) và một bài bi ký hiện còn tại Thập Tháp.
Các tác giả viết về ngài Bích Liên về sau cũng không cung cấp thêm được tác phẩm nào.
Từ những số liệu có được, chúng tôi tạm thời đưa ra một số thư tịch của hòa thượng Bích Liên tính đến thời điểm hiện nay.
TÁC PHẨM HÁN
1. Liên Tôn yếu lãm toàn tập (sách in)
2. Tịnh độ huyền cảnh (theo Lê Mạnh Thát; DTVN)
3. Tây song ký (theo Lê Mạnh Thát; DTVN)
4. Tích lạc văn (theo DTVN)
5. Tọa thiền chỉ quán hợp biên (theo Lê Mạnh Thát)
6. Trùng tu Thập Tháp tự (lưu trữ tại chùa Thập Tháp, Bình Định)
TÁC PHẨM NÔM
1. Mông sơn thí thực khoa diễn quốc âm (sách in)
2. Tịnh độ văn diễn âm/Tịnh nghiệp văn diễn âm (sách in, sách chép tay, có đăng TBA)
3. Kinh văn diễn âm toàn tập + Kinh văn diễn âm (sách chép tay, đăng gần đủ trên TBA)
4. Huệ Hương am + Vĩnh Khánh ca vịnh tập (hai bản khác tên cùng nội dung, chép tay, đăng TBA)
5. Trì tụng nghi thức (chép tay, một phần đăng trên TBA)
6. Đại thừa duy thức luận tập (chép tay, đăng trọn vẹn TBA)
7. Tiên Phật vấn đáp (chép tay, đăng trọn vẹn TBA)
8. Cổ thi từ văn diễn âm (chép tay, đăng một phần trên TBA)
9. Nguyên nhân thế giới bất bình tập (chép tay, đăng trọn vẹn trên TBTC)
10. Thăng tòa thuyết pháp tiên thân pháp ngữ quốc âm văn (theo Lê Mạnh Thát)
TÁC PHẨM QUỐC NGỮ
1. Bài chứng đạo ca diễn âm (TBA, 16 – 21)
2. Pháp trường kỳ thọ giái (TBA, 33 – 39)
3. Bàn về lý Tịnh độ (TBA, 35 – 40)
4. Luận duy thức (TBA, 44 – 65. Có văn bản Nôm)
5. Kinh Thủ lăng nghiêm (TBA, 54 – vài chục số)
6. Luật sa di diễn nghĩa (TBA, 57 – 82, văn xuôi)
7. Phật giáo nước Tàu + Phật giáo Tây Tạng (TBA, 105 – 111)
8. Tu hành sự lý vấn đáp/Phật học vấn đáp (TBTC, 2 – 8)
9. Nguyên nhân bất bình của hiện tượng thế giới (TBTC, 3 – 5. Có văn bản Nôm)
10. Tam bảo ca (184 câu song thất lục bát)
CÁC TÁC PHẨM CHƯA XÁC ĐỊNH
1. Điều lệ Hội Nam kì Nghiên cứu Phật học (Nôm)
2. Biện lạc văn (Hán, chép tay)
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRÊN BÁO
Trên TBA có các bài viết: Tiểu thuyết sám hối sanh về thiên đường (6), Phê bình (45), Pháp tịnh độ nay có hiện chứng (50 – 53), Tân thinh diễn tích Phật (53), Phật có pháp dễ tu dễ thành (55 – 57). Luận về sự đăng luật (65), Giải đáp hai điều khuyết nghi của ông Tâm Trai (68 – 69), Phúc biện cái hồn (85 – 86), Tại sao phải ăn chay (86), Luận mười hai pháp nhơn duyên. Trên Tam Bảo Tạp Chí có bài viết: Tin tức-mừng hay là lo (7). Đó là chưa kể đến những tác phẩm đã thất tán cũng như nhiều tác phẩm và bài viết với các bút hiệu khác, hoặc nhân danh tạp chí TBA và TBTC.
Thích Không Hạnh
(Trích Tư liệu Hán Nôm chùa Vĩnh Khánh – Đặc san Suối Nguồn 15)