Em nghe chăng mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô…
(thơ Lưu Trọng Lư)
Do đó không chút chần chừ, tôi nhận lời qua đây đầu hạ.
Thay vào rừng cây thu vàng lá là những đồi cỏ hạ mướt xanh. Thầy Đăng Chánh ngồi trên xe cắt cỏ, chạy băng băng quanh ngọn đồi. Cỏ được cắt sát từng luồng. Dường như đây là một việc làm hấp dẫn, thầy miệt mài lái vòng vèo từ sáng sớm đến mười giờ đêm. Giờ này ở đây mới chỉ lờ mờ tối. Thầy Tuệ Mãn và Đăng Huy đang hì hục gõ đóng, lắp cửa cái thất nhỏ dành cho thầy trụ trì Đại Đăng sẽ về hướng dẫn khóa tu. Thầy tri sự Kiến Tấn vất vả tới lui, mua vật liệu bổ sung cho mấy mobilhome còn mới toe dành cho các thiền sinh tập tu, còn thầy tri khố Phổ Tế lo coi ngó kho thực phẩm vào giờ này còn hơi nghèo. Thầy nói: Phật tử đã đăng ký cúng dường nguyên tuần rồi, không lo gì hết. Năm thầy làm chúi mũi chúi lái mà còn thay phiên nhau nấu ăn. Giờ tụng kinh, có một Phật tử Mỹ đến, một thầy phải vào làm chủ lễ tụng tiếng Anh. Cứ nghe bài Bát Nhã… no eye, no ear, no nose, no tongue, no body… vui đáo để. Rồi ngồi thiền. Không biết thầy có sốt ruột không? Vất vả như thế chỉ vì một tuần tu!
Sáu mươi người tụ hội. Nhìn thời khóa sít sao mà ớn. Chơn Phúc le lưỡi:
– Ở nhà con ngồi có một tiếng, bây giờ đổi cái rụp thành năm giờ không biết có nổi không!
An Bình thì nói liên tu, bây giờ cấm nói suốt tuần chắc sẽ ách bụng, mới ngày đầu đã theo hỏi:
– Như con vậy khó tu lắm phải không Sư cô?
Nhưng rồi những thời tọa thiền, vì là lần đầu thử nghiệm, phương tiện còn thiếu thốn, trừ mấy thầy ra, mọi người không ai có tọa cụ, bồ đoàn thì có nhưng vì mới nên cứng quá bị chê, chỉ dùng những cái cũ cao thấp đủ kiểu vậy mà vẫn ngồi rất khí thế.
Có chú mới ngồi lần đầu, hỏi thăm cách nào để có thể kéo chân nọ lên đùi chân kia. Cứng ngắc! Thôi thì ngồi xếp bằng đỡ, về nhà mà tập! Có chú bị thương vì bị ngã khi trượt nước, treo tay lên ngồi. Cả thiền đường lặng trang. Nhìn người ngồi bất động, ai biết đâu họ đang vất vả thế nào! Hoặc đang rõ ràng với từng sát na Phật hiện hữu, hay đang nhìn từng sát na cấu uế rụng rơi, hoặc đang la cà ở một khung trời viễn mộng nào đó. Có khuôn mặt bình thản, có khuôn mặt đăm đăm, có khuôn mặt dường như không hiện diện. Cuối giờ chợt nghe những tiếng thở ra, tiếng xuýt xoa vì đôi chân tê dại, nghe tiếng chuông xả thiền như nghe chuông xá tội vong nhân.
Đến giờ kinh hành, xếp hàng một sau lưng quý thầy. Ngày đầu tiên, nhiều người đi tướng còn dáo dác ngó đông tây, có người hớn hở như đang reo lên trong lòng: “Ta bước bước đi, bước bước hoài trên quê hương dấu yêu này…”. Qua ngày thứ hai đã có người đi cà nhắc. Tuy không bỏ cuộc nhưng nhìn vẻ mặt cứ như mếu: ‘Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt’. Những ngày sau, đoàn người đi chậm hơn, dáng đi yên ổn hơn. Cứ theo chân quý thầy đi trên những con đường vòng vèo thơ mộng, giữa nội cỏ ngàn cây, giữa đồi cao trũng thấp, đi theo hàng người mà như chỉ một mình, hồn nhiên và tĩnh lặng. Tôi bỗng nhớ tịnh xá Kỳ Viên, nhớ bãi cỏ xanh, nhớ những tàng cây râm mát chung quanh nền hương thất của Phật, nơi độc nhất làm tôi rơi lệ khi tưởng tượng một thời rợp bóng y vàng ngày Phật còn tại thế.
Ở đây, ngày bốn buổi, chúng tôi đi khi ngày tới, đi lúc chiều buông, hưởng trọn vẹn sớm bình minh chói lọi, chiều bảng lảng hoàng hôn. Nhìn rõ vầng trăng tỏ từ tròn đến khuyết, gần gũi chòm Liệp Hộ, Thần Nông, Đại Hùng… lấp lánh dưới trời đêm như ngay ở quê nhà.
Giờ kinh hành buổi trưa, khi tan hàng, tôi bước lên đồi cỏ trước mặt, nằm ngó trời cao. Mây bay trên đầu, từng đàn hải âu bay về trũng thấp xa xa, lòng tràn hạnh phúc. Những láp dáp hơn thua, những kèn cựa đúng sai, những lai rai phải quấy hàng ngày, giờ nhìn lại thật là ngớ ngẩn, trẻ con. Đúng là:
Thôi đem chuyện vặt nhân gian
Đổi ta một cõi an nhàn rừng sâu.
(Hưu tương tỏa mạt nhân gian sự
Hoán ngã nhất sanh lâm hạ nhàn).
Thấp thoáng bảy ngày qua mau. Mọi người đều hoan hỷ. Nguyên Nghĩa nói:
– Con cứ tưởng không theo nổi, ai dè…
Chơn Hạnh An:
– Đây là lần đầu tiên con sống trọn vẹn cho chính mình, không vướng mắc vào bất cứ thứ gì. Thật an lạc, hạnh phúc. Tốc độ đi đứng nói năng suy nghĩ cũng được giảm từ một trăm dặm xuống còn hai mươi dặm thôi.
Diệu Nghĩa nói:
– Con cũng đã dự nhiều khóa tu, nhưng khóa này là… nhất!
Nhuận Ngọc:
– Đúng vậy đó cô!
Huệ Hải tươi cười:
– Mấy buổi pháp thoại tuyệt vời luôn! Mọi người hỏi nhiều câu, mấy thầy trả lời ai cũng chịu hết.
Chơn An Thành thì nói:
– Con học được rất nhiều điều, Phật pháp thật tuyệt vời. Con thật may mắn. Con đã được thứ mà tiền bạc không thể mua được.
Đặc biệt có bà cô Chơn Nguyện Đại, 79 tuổi, từng ngồi xe lăn, bác sĩ đòi mổ thay đệm khớp gối, nhưng vì bị tiểu đường nên bà từ chối. Rồi bỏ xe lăn, tập chống gậy mà đi. Bây giờ chân cẳng bình thường, không bỏ một thời tu tập nào cả, làm nhiều người nhờ đó tinh tấn thêm lên. Cô Huệ Nghiêm 82 tuổi, hăng hái ghi tên đầu tiên, sợ rằng khóa sau không biết có còn để đi không, cô sốt sắng nhiệt tình phụ bếp, hành đường và có giọng nói trẻ hơn tuổi rất nhiều. Cả hai vị này rất mong quý thầy mau mau mở khóa tiếp để về tu.
Chú Tuệ Minh Thiện, thí chủ đầu tiên của thiền viện Chơn Tâm, có bộ ria đặc biệt, ngồi thiền vẻ mặt cứ như đang cười, tuyên bố rất an lạc, cả tuần không hề nghĩ đến công việc, nhà cửa, không nhớ computer, không điện thoại di động – bị cấm mà! Càng cảm động vì tình cảm đậm đà giữa những thiền sinh mới gặp gỡ lần đầu với nhau, coi nhau như anh em. Chú này lâu nay cũng khổ tâm vì phải chịu nhiều tăm tiếng khi thiền viện gặp khó khăn, nay lấy làm mãn nguyện. Té ra sự hồn nhiên có thể trở lại với bất cứ ai nếu buông bỏ mọi tính toan.
Cám ơn quý thầy, nhờ một niệm lành khởi lên, một khóa tu thành tựu. Mọi người thành thiện hữu và một vùng hẻo lánh hoang vu bỗng chốc thành Tịnh độ. Tôi chợt hiểu vì sao Phật dạy ngài Mục Liên phải nhờ sức chú nguyện của chư Tăng miên mật tu hành trong ba tháng hạ để độ mẹ mình thoát khỏi cảnh địa ngục.