Đặt chân lên tầng cuối của Hoàng Hạc Lâu, nhìn sông Trường Giang sương khói mờ mịt phía xa và những con hạc bằng đồng đứng trầm ngâm dưới sân, chợt nhớ bài thơ:
Hạc vàng ai cỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ
còn bay…
(Ngô Tất Tố dịch)
Sau đó chúng tôi đến tham quan Đông Hồ với tổng diện tích cảnh quan 73km2, trong đó diện tích hồ chiếm 33km2, là một trong những hồ rộng nhất Trung Quốc. Hồ nằm trong một loạt khu sinh thái quốc gia, hàng năm có khoảng 2 triệu khách nội địa và quốc tế đến tham quan. Rải khắp mặt hồ là những đảo nhỏ được ví như những ngôi sao trên bầu trời hoặc như những quân cờ trên một bàn cờ. Quanh hồ có đến 34 ngọn đồi như: đồi Mosan, đồi Fengduo, đồi Chidi…, đặc biệt với khoảng 3 triệu cây xanh bao phủ khắp nơi, hồ được ví như “Mái nhà của tài nguyên xanh”. Hiện nay Đông Hồ được đầu tư nâng cấp thành hệ thống hoàn thiện của một khu du lịch dã ngoại.
Được xem là một trong những thắng cảnh đẹp, đồng thời là niềm tự hào của nhân dân Hồ Bắc, Đông Hồ với những hàng cây thẳng tắp, những lối đi nên thơ giữa lòng hồ vừa do bàn tay con người kiến tạo, vừa do thiên nhiên ban tặng đã tạo nên một nét đẹp kỳ vĩ.
Ngoài cảnh trí độc đáo, Đông Hồ còn mang đậm dấu ấn lịch sử lắm thăng trầm của đất nước Trung Hoa, tiêu biểu là ngôi tháp và tượng đài của Khuất Nguyên, một trong những danh nhân Trung Hoa, làm quan nước Sở thời Chiến Quốc, nổi tiếng thanh liêm, cương trực, vì bất đắc chí nên đã trầm mình tự vẫn trong dòng sông Mịch La, để lại cho đời sau niềm mến thương luyến tiếc qua câu nói bất hủ: “Tất cả đời đều đục, chỉ một mình ta trong. Tất cả mọi người đều say, chỉ mình ta tỉnh…”. Những dòng chữ khắc trên bia ký ngàn năm gợi cho thế nhân niềm cảm khái về tiết tháo một con người do thời thế đẩy đưa vào tử lộ.
Rời Vũ Hán, tôi đến Bắc Kinh bằng tàu hỏa. Hôm sau đến thăm Đại học Sư phạm Bắc Kinh, một trong những trường đại học nổi tiếng và có nhiều sinh viên nước ngoài đến học. Tăng Ni du học sinh Việt Nam ở đây ít hơn so với Vũ Hán (Hồ Bắc), Quảng Châu (Phúc Kiến), Côn Minh… cũng do học phí cao và đời sống đắt đỏ ở thủ đô đã khiến các Tăng Ni không ít ngần ngại.
Tôi được thầy Minh Thuận dẫn đi thăm Quảng trường Thiên An Môn, một công trình mà trước đây chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Chiếm một vị trí bề thế giữa lòng thủ đô, Thiên An Môn được xây dựng vào đời nhà Thanh (năm 1417) với diện tích khoảng 440.000m2. Giữa Quảng trường là bia tưởng niệm và Lăng Chủ tịch Mao Trạch Đông, dọc theo là Viện Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Đại lộ Trường An nằm giữa Thiên An Môn, nơi tổ chức các cuộc diễu hành lớn và quần thể khu hành chánh của Chính phủ Trung Quốc.
Trường Đại Học Sự Phạm Bắc Kinh
Mười lăm ngày ở Trung Quốc là thời gian rất ngắn để có thể cảm nhận về một đất nước to lớn gấp nhiều lần so với Việt
NÊN CÓ MỘT CHƯƠNG TRÌNH BẢO TRỢ TĂNG NI DU HỌC!
Tăng Ni đi du học hiện nay là một nhu cầu cần thiết nhằm trang bị kiến thức và mong được đem những sở học đó về phục vụ Phật giáo, quê hương. Theo chúng tôi biết, từ lâu chư tôn đức trong Giáo hội đã có kế hoạch bảo trợ Tăng Ni du học nhưng những dự kiến đó đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Những tâm sự, những tình cảm và ưu tư cần được chia sẻ thể hiện trên gương mặt mọi người như một sự gởi gắm tâm tình của lớp người trẻ.
Một chương trình bảo trợ Tăng Ni du học, tại sao không? Điều đó có thể xem như sự quan tâm, gắn kết, một tình thương san sẻ và sưởi ấm Tăng Ni sinh đang nỗ lực học tập ở xứ người. Đơn giản chỉ một cánh thiệp chúc Xuân, một gói quà nhỏ, một lá thư thăm hỏi… sẽ là sự trợ duyên vô cùng quý giá mà bất cứ người xa quê nào cũng đều mong đợi.