Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Một thoáng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Một thoáng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

906
Chánh điện, thường được đặt ở vị trí trung tâm là kiến trúc của thiền viện
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm thấp thoáng trong mây, ẩn trên lưng núi cao, giữa rừng thông xanh tạo nên không gian thoáng sạch, thanh tịnh vô ngần.
Thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây bắc. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.
Thiền viện Tây Thiên nhìn từ phía ngoài cổng Tam quan. Tam Quan còn gọi là Tam giải thoát môn bao gồm Không, Vô tướng, Vô tác
Các ngôi thiền viện, cụ thể là thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, mang lối kiến trúc đặc trưng của thiền phái Trúc Lâm. Đây là một lối kiến trúc mới trong tổng thể kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Các hạng mục chính nằm trong vùng kiến trúc trung tâm bao gồm: Cổng Tam quan, Chánh điện, Tổ đường, Trai đường, lầu  chuông, lầu trống, Trù phòng (nhà bếp).
Chánh điện, thường được đặt ở vị trí trung tâm là kiến trúc của thiền viện
Chánh điện (hay còn gọi với cái tên Đại hùng bảo điện) là nơi thờ đức Phật – người khai sáng Phật pháp. Đây được coi là nơi linh thiêng nhất tại Thiền viện. Chánh điện có chiều cao 17 m, diện tích 675 m2 có thể dành cho 500 Phật tử, du khách ngồi thiền hoặc nghe giảng pháp. Các pho tượng được thờ trong Chánh điện của thiền viện tu theo thiền phái Trúc Lâm ngày nay là bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh. Hình tượng Đức Phật niêm hoa vi tiếu, bên phải và bên trái Đức Phật là tượng 2 vị Bồ tát, đó là Bồ tát Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ căn bản, phá bỏ phiền não, nghiệp chướng và Bồ tát Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh nguyện rộng lớn. Trên 2 trụ của chánh điện cũng có treo 2 đôi câu đối là “Phước đức sâu dày do gieo nhân đạt quả”, “Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần” và  “Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác”, “Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như”.
Quý thầy và Phật tử trang nghiêm hành lễ trong Chánh điện
Tổ đường (nhà tổ) được thiết kế nằm ngay phía sau Chánh điện. Tổ đường và Chánh điện được kết nối bởi hành lang 2 bên tái hiện đặc thù xây dựng công trình Phật giáo thời Lý – Trần từng rực rỡ về mọi phương diện trong sử Việt Nam. Đây là nơi thờ tượng tổ sư Khương Tăng Hội và Trúc Lâm tam Tổ (ở giữa là sơ tổ Trúc Lâm – Trần Nhân Tông, bên trái là Nhị tổ Pháp Loa và bên phải là Tam tổ Huyền Quang). Trong Nhà Tổ có hai câu đối: “Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn Phật”, “Tăng tăng tục diện lưu biến chính tông thiền”. Các bức tượng Phật ở Chánh điện và Tổ đường đều được làm từ đá sa thạch có độ bền lâu dài.
Các vị tổ sư trong tư thế ngồi kiết già, 2 tay kiết ấn thiền định
Bên trái tòa chính điện là Lầu Chuông, bên phải là Lầu Trống. Trống được làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, có đường kính lên đến 1,5m, dài 2m; chuông có trọng lượng 2 tấn.
Chuông trống được dùng trong lúc cử hành các buổi lễ tụng niệm hoặc đón rước chư tôn đức từ các nơi về.
Khu nhà ăn tại thiền viện gọi là Trai đường. Tại đây, việc thọ thực cũng được coi là một pháp tu. Trước giờ ăn sẽ có người gõ bảng báo hiệu cho toàn thiền viện. Chư tăng khất thực từ liêu phòng xuống trai đường. Sau khi lấy thức ăn, đại chúng sẽ tụng kinh, hồi hướng cho đàn-na-tín-thí và rồi cùng ăn trong yên lặng tỉnh thức. Trù Phòng (nhà bếp) thường được đặt ngay cạnh phía sau của Trai đường. Việc nấu nướng trong bếp do chư tăng thay phiên nhau đảm trách.
Trai đường nằm ở tầng 4 trong dãy nhà 5 tầng.
Bên cạnh những hạng mục chính thì tại thiền viện cũng có những hạng mục phụ phục vụ sinh hoạt như: Nhà khách – nơi đón tiếp khách và người có ý định tạm trú; Giảng đường (A và B) là nơi thuyết pháp của tăng ni, là nơi học tập và tham vấn Phật pháp của Phật tử; Nhà phát hành là nơi bán kinh sách, vật phẩm lưu niệm cho du khách thập phương ghé thăm thiền viện.
Giảng đường A với sức chứa lên đến cả nghìn Phật tử, thuận lợi cho việc  hành lễ và nghe pháp
Tăng đường hay còn gọi là liêu, là phòng ở của tăng chúng, cư sĩ nam.
Thiền thất là những nhà nhỏ được dựng lên riêng biệt, để giữ không gian thanh tịnh tu tập. Kiến trúc cửa Thiền thất không có gì đặc biệt, thường rất đơn giản, diện tích khoảng 16 m2, là nhà lá hoặc nhà mái tôn.
Về cơ bản Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nói riêng và các thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm nói chung có sự tương đồng về kiến trúc, bố cục sắp xếp sinh hoạt và tu học.
Nói về kiến trúc chùa, thiền viện không thể không kể đến các hoạ tiết trang trí. Trên nóc các lầu hay các cạnh của mái ta dễ dàng nhận thấy những hoa văn là hoa sen – biểu trưng cho sự giác ngộ giải thoát, vân mây – tượng trưng cho sự vô thường hay bánh xe Pháp, tất cả tạo nên những đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát. Các chi tiết trang trí, tạc tượng, câu đối, phù điêu, sân vườn, cây cảnh đều mang dấu ấn của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Tay nâng búp sen, là hình tượng được đặt trên chóp của lầu chuông và lầu trống
Một điểm đặc biệt tại thiền viện đó là những tiểu cảnh như đồi đất, tảng đá, hồ nước được bố trí một cách rất tự nhiên và gần gũi. Nhiều chòi nhà lá hay bàn đá cũng được sắp xếp khéo léo làm chỗ nghỉ chân cho du khách và Phật tử đến chiêm bái. Những khách du lịch lên đây sẽ được hít thở không khí trong lành, được gần gũi với tự nhiên.
Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm huyền ảo trong sương sớm
Hoạ tiết vân mây trên cạnh của lầu trống
Các tượng Phật được khéo léo bố trí trong không gian khuôn viên thiền viện tạo nên nét trang nghiêm thanh tịnh
Tiểu cảnh được sắp xếp tự nhiên, gần gũi
Thiền sư Thích Thanh Từ, Viện trưởng các Thiền viện Trúc Lâm, người có ảnh hưởng lớn nhất đến việc xây dựng các Thiền viện Trúc Lâm ở Việt Nam trong đó có Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đã nói: “Ngày nay, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được hình thành trên phế tích của nền chùa cổ có tên là Thiên Ân Thiền Tự. Đây cũng là nhân duyên của Thiền phái Trúc Lâm với chốn Tổ ở Tây Thiên. Ngoài chức năng trùng hưng lại một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Hùng Vương, góp phần tôn tạo cảnh quan cho khu di tích danh thắng Tây Thiên”.
Kiến trúc thiền viện là một kiến trúc tương đối khác biệt so với kiến trúc Phật giáo cổ của Việt Nam. Nét khác biệt ấy lại là sự hợp lý trong việc sắp đặt bố cục kiến trúc và quan niệm thờ cúng. Qua đây ta cũng nhận ra rằng thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nói riêng, các thiền viện Trúc lâm nói chung không chỉ là nơi tôn thờ tượng, nơi chư tăng ni tu tập hoằng dương Phật pháp, nơi lễ bái của Phật tử. Giờ đây, thiền viện đã trở thành thắng cảnh nhân tạo thu hút nhiều hơn người đến chiêm bái, góp phần làm thay đổi diện mạo kiến trúc Phật giáo Việt Nam đương đại, tạo nên nét nhấn trong mô hình kiến trúc tôn giáo hiện đại.

Tin, ảnh: Diệu Linh