Ba sáu phố phường Hà Nội đối với tôi như một bản nhạc đẹp. Có khi là khúc ca cổ kính ngàn năm, có khi là khúc ca rộn rã của nhịp sống hiện đại. Những ngôi chùa Hà Nội chính là những nốt trầm của bản nhạc đất kinh kì ngàn năm văn hiến.
Chùa Láng – Hà Nội
Không biết từ bao giờ tôi trở nên thích đi chùa. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng từ mẹ tôi – một người sùng đạo Phật. Cứ vào ngày mồng một đầu tháng, mẹ lại chở tôi đi lễ chùa.
Những người đi lễ lặng lẽ chen vai nhau để cầu Thần, khấn Phật những ước nguyện của mình. Có những đĩa bày đồ lễ phải gồng mình lên để chen lấn, xô đẩy. Ở đây, cảm giác bon chen mỏi mệt của cuộc sống hàng ngày len lỏi vào ngôi chùa thiêng liêng theo những bước chân âm thầm, vội vã. Dường như người ta cũng phải đua nhau để thể hiện được lòng thành kính của mình.
Tôi lại thích được đi chùa vào những ngày thường, khi mà ngôi chùa trở lại với vẻ đẹp thanh tịnh vốn có như người ta vẫn thường cảm nhận được. Mỗi khi định đi chơi ở đâu trong Hà Nội, tôi và cô bạn thân lại nghĩ tới một ngôi chùa nào đó, mà không phải là nơi nào khác. Thực ra lí do cũng thật đơn giản. Đi xem phim, đi bơi thuyền…quả là xa xỉ đối với những đứa sinh viên sáng sáng chỉ xin bố mẹ đủ tiền xôi như bọn tôi.
Tới thăm nhiều chùa, tôi trở nên mê cảnh chùa lúc nào không hay. Tôi nhận ra rằng mình muốn đến chùa, đến không chỉ để thăm thú, để chơi mà còn để sống.
Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng mà tên tuổi đã trở thành biểu tượng của thủ đô như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc…còn rất nhiều ngôi chùa khác mang trong mình những nét đẹp rất riêng của Hà Nội.
Năm thứ nhất đại học, cô bạn tôi “rủ rê”: “Mày ơi, đi chùa Hà đi. Nghe nói cầu chuyện tình yêu ở chùa đó thiêng lắm”. Thế là tôi lóc cóc đạp xe theo bạn tới chùa Hà. Chùa tọa lạc trên một con đường nhỏ thuộc quận Cầu Giấy. Chúng tôi đến đó vào một buổi sáng đẹp trời. Nắng chớm vàng, không khí cất trong mình mùi hương nhẹ của hoa ngọc lan. Trên mái chùa cổ kính có phủ một lớp lá vàng như màu mơ. Có lẽ đó là tác phẩm của cơn mưa đêm qua. Khung cảnh thiên nhiên khiến tôi thấy sự tĩnh lặng và trầm mặc ùa vào từng tế bào nhỏ nhất của trái tim. Ở chốn cửa Phật, những suy nghĩ, toan tính thường nhật trong tâm trí ta như bị cuốn trôi, chỉ thấy một sự rỗng rang mênh mang.
Một đôi nam nữ gương mặt rạng ngời hạnh phúc đi vào chùa. Có lẽ họ là một đôi yêu nhau. Người con gái đi trước mang hương và hoa, người con trai mang đồ lễ bước đi theo nàng. Họ làm tôi nhớ tới những câu thơ trong bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu:“Em bước điềm nhiên không vướng chân./ Anh đi lững thững chẳng theo gần/ Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu/ Anh với em như một cặp vần”. Một tình yêu thanh lịch và kín đáo! Lòng tôi lại mơ tưởng tới ngày mình cũng được như thế.
Chúng tôi ngồi lại trên một chiếc ghế đá dưới gốc cây hoàng lan đang nở hoa vàng, xinh xắn và dịu dàng. Một chú mèo mướp đang nghịch ngợm với chiếc lá khô, một chú khác thì nằm cuộn tròn ngủ khì trên đống gỗ. Sao mà khung cảnh ngôi chùa gợi lên nhiều chất thơ! Bạn tôi bảo: “ Mày ơi, tao cảm thấy mình giống như Nga đợi Thanh “dưới bóng hoàng lan” đến thế?”.
Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự) nằm trên con đường cùng tên. Phải đi qua ba cổng và một khoảng đường nhỏ rợp bóng xoài mới vào được đến chùa. Nếu từ phía ngoài nhìn vào, chùa Láng dễ gây ấn tượng cho ta về một ngôi đình quê. Bởi cổng vào cao lớn, uy nghiêm và bởi khoảng đất trồng rau mướt xanh bên cạnh chùa.
Cũng vào một buổi sáng, tôi tới chùa Láng nhưng không phải cùng cô bạn thân như thường lệ mà cùng với một người bạn trai. Đi dưới bóng xoài xanh rợp màu thời gian, cậu ấy kể cho tôi nghe về lịch sử ngôi chùa, về hội Láng. Tôi tròn mắt ngạc nhiên bởi tôi tưởng cái đầu đeo kính của cậu ta chỉ chứa mấy công thức toán học khô khan. Cậu ta cười hiền: “Ấy đừng có nhầm”. Rồi nói tiếp: “Theo mình, cảnh chùa không chỉ đẹp bởi hương ngọc lan mà ấy ngửi thấy, hay bởi hồ súng mà chúng ta nhìn thấy ở trước chùa mà hơn hết là bởi lịch sử nó mang trong mình”. Cậu bạn của tôi nhớ vanh vách lịch sử khá nhiều ngôi chùa ở Hà Nội. Tìm hiểu về chùa Hà Nội trở thành một niềm đam mê của cậu ta, bên cạnh toán và… Game.
Từ đó, chúng tôi vẫn thường đi lễ chùa cùng nhau. Những câu chuyện của người bạn ấy đã làm mới lại những cảm xúc vốn có trong tôi về những ngôi chùa Hà Nội. Tôi thấy mình yêu những ngôi chùa Hà Nội một cách khác đi.
Mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố, mỗi ngôi chùa đều đã sống một cuộc đời riêng, chảy chung trong lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Tôi tin rằng mỗi viên ngói trên mái chùa rêu phong đều mang trong mình một câu chuyện. Chúng gợi lên trong lòng những người trẻ chúng ta hoài niệm về những kí ức của Hà Nội thân yêu mà mình chưa từng được trải qua. Để thấy mình yêu Hà Nội hơn, và muốn sống ý nghĩa hơn.