– Con quên rồi à? Bữa trước khi ở dưới đó, các thầy đã chẳng bảo là 25 âm thì có lễ Khai Pháp an cư là gì. Mẹ đã chuẩn bị đầy đủ cả rồi, cúng dàng trường Hạ là quan trọng lắm, cả năm chỉ có 3 tháng này là chư Tăng ở miền Bắc cộng chúng tu tập mà thôi.
Đi nằm, tôi trằn trọc mãi chưa ngủ được. Tiết trời Hà Nội cuối tháng Năm âm lịch thật oi nồng nóng bức, vừa tắm xong mồ hôi đã nhễ nhại.
Tôi nghĩ: Mẹ đã hơn 60 tuổi rồi mà vẫn phát tâm đi làm Phật sự ở chùa xa. Mà chùa Ráng kể cũng độc đáo, xa xôi và hẻo lánh là thế mà có sức hấp dẫn kì lạ. Về đó thường xuyên đâu phải chỉ có mẹ con mình. Tổ Ráng cũng vậy, sinh năm 1916, tức là đã qua tuổi 92 rồi mà vẫn không ngừng nghỉ. Từ ngày theo mẹ thường xuyên về dưới đó đến nay đã được 3 năm, thế mà mình thấy Tổ vẫn luôn mới mẻ. Với Tổ, dường như thêm mãi vào mà vẫn không đầy, lấy mãi đi mà vẫn không vơi. Thân thuộc đấy mà xa lạ đấy. Kì thật!
4 giờ30, tôi cùng mẹ rời trung tâm Hà Nội bằng xe máy, với lỉnh kỉnh nào gạo, dầu ăn, bột ngọt, nấm khô và cả một chiếc quạt điện cồng kềnh. Trời mới tang tảng sáng, đèn phố còn lác đác, đường vắng hoe, trời mát dịu. Theo đường Giải Phóng, đến Pháp Vân thì chúng tôi rẽ lên đê sông Cái, qua Thanh Trì, Thường Tín rồi xuôi về Phú Xuyên.
Chùa Ráng – Viên Minh Pháp tự ở tận chót cuối của tỉnh Hà Tây. Nơi đó, một tiếng gà gáy, một tiếng chó sủa đêm thanh thì cả 3 tỉnh Hà Tây, Hà Nam và Hưng Yên đều nghe thấy.
Mẹ tôi bảo: nghe nói, Tổ Ráng tu hành khổ hạnh ở đó đã hơn 70 năm mà không chuyển rời đi nơi khác. Đó là một chốn Tổ lừng danh, gọi là Tổ đình Viên Minh của Sơn môn Đa Bảo. Trước đây, thời chiến tranh và bao cấp, ở đó khó khăn gian khổ, ma chướng vô cùng, nhưng Tổ vẫn một lòng không thoái chuyển, kiên trì mật hạnh, thâm hậu Phật điển, thuyết Pháp vô ngại. Nhiều Tổ đình lớn trong
Trời rạng dần, chạy xe xuôi theo đê sông Hồng, gió thổi mát rượi. Mặt đường nhẵn nhụi và vắng các loại xe lớn nên cầm lái khá nhàn. Dòng sông Cái đang mùa nước về, mênh mang, gợi cảm. Bên đường, từ trên đê nhìn xuống, thật bát ngát. Đồng lúa, bãi ngô đang thì con gái mơn mởn, tươi non, xanh mướt, mát mắt như lụa, trải rộng ngút ngàn. Tôi bỏ khẩu trang, hít một hơi thật sâu, căng lồng ngực, nhẹ cả người.
Thân tâm sảng khoái, tôi bảo mẹ: Hôm trước ở Quán Sứ, khi hỏi thăm về Tổ, Thầy Thanh Duệ có bảo con: “Tổ ở nơi sâu xa, chịu cái khổ không phải ai cũng chịu được, cho nên có cái có không phải ai cũng có được”. Con thấy, Tổ ở dưới này, riêng khí trời và cảnh vật đã là thiện duyên tu hành rồi. – Mẹ tôi bảo: mẹ cũng nghĩ như thế.
Cách chùa Ráng khoảng mươi cây số, mới gần 6 giờ sáng, nắng sớm mai vừa le lói, đã thấy trên đê từng tốp, từng đoàn Phật tử, tay xách, nách mang, vai gánh: nào bao, nào thúng, nào túi, nào hộp… Có cả cụ già lưng đã còng rồi mà còn đội trên đầu một bó củi kềnh càng, mặt mày hớn hở kéo về chùa Ráng.
Trong lòng tôi bỗng dội lên cảm xúc se sắt mà bi tráng: Tịnh thổ đâu có xa, cánh cửa đã mở ra rồi đấy thôi!
Cách chùa Ráng chừng 2 cây số thì con đê sông Cái chẽ làm hai: đê chính và đê bao. Đê chính ở vòng ngoài, áp sông, mặt rải đá, chạy suốt về Hưng Yên. Đê bao ở vòng trong, dường như bị quên lãng. Mặt đê bị cắt xẻ, thân đê lồi lõm, cỏ dại mọc kín các lối mòn, là nơi chăn thả trâu bò. Chịu khó men theo con đê bao ấy thì có một lối tới chùa Ráng.
Chùa Ráng tựa lưng vào hai con đê ấy mà ngoảnh mặt về
Khuôn viên chùa hình chữ nhật vuông vức, rộng mấy mẫu Bắc bộ, được bao quanh bằng luỹ tre dày.
Mấy năm gần đây, nhà chùa phát quang hàng rào trước và sau chùa cho thoáng đãng, còn hai bên thì vẫn để luỹ tre dạn dày, đu đưa cùng năm tháng.
Chùa tọa lạc giữa cánh đồng, bốn phía không có làng mạc dân cư. Hai làng Mai Xá và Quang Lãng đều cách chùa một quãng đồng.
Đứng trên đê nhìn xuống, chùa Ráng trông như một ốc đảo nằm giữa hồ lúa, bảng lảng sương, bàng bạc dưới nắng sớm.
Ngày lễ, con đường rải đá gồ ghề, men theo bờ tre qua cổng chùa hình như nhỏ lại bởi dòng người đổ về mỗi lúc một đông.
Phật tử nơi đây có thói quen đến cổng chùa mới mặc áo lễ. Hình như họ ngại rằng, nếu mặc sẵn từ nhà thì sẽ bị bụi bẩn trên đường làm mất đi sự thành kính mà họ đã gom góp bấy nay.
Nép mình giữa luỹ tre, cổng chùa Ráng bình dị và đơn bạc như ngôi cổng của một xóm nhỏ. Cánh cổng gỗ sơn nâu đã cong vênh và bạc phếch vì nắng gió thời gian. Có khác chăng là ở đôi câu đối và hai dòng đại Hán tự trong ngoài. Ngoài nhìn vào thấy: “Viên minh quang cảnh”; trong nhìn ra thấy: “Đường quang thông đạt”.
6 giờ sáng, chúng tôi về đến chùa Ráng. Hai hàng cau bên lối cổng vào chùa đang mùa trổ hoa kết quả. Hương cau thoáng dịu ngọt, hoa như tấm rắc mỏng trên lối đi thoáng đãng giữa hai vạt ruộng vừa tra lạc, từng hàng từng hàng mầm xanh đang nhú.
Dắt xe vào tới cổng chùa, mang đồ vào cúng dàng trường Hạ xong, theo mẹ bước lên thềm nhà Tổ. Mẹ tôi cất tiếng niệm: Nam Mô A Di Đà Phật! Chốc lát, Tổ từ trong nhà Tổ bước ra, đầu trần, khoác tấm áo dài nâu sồng đã bạc màu, mắt hấp háy vì nắng, Tổ cất tiếng: A Di Đà Phật! – Mẹ tôi chắp tay cung kính: Lạy Tổ! Hôm nay trường Hạ khai Pháp, chúng con về lễ Phật, lễ Tổ và cúng dàng chư Tăng. Tổ có nhớ chúng con không ạ?
– Phật Tổ chứng minh công đức. Nhớ chứ, đều là Phật tử đến chùa Lễ Phật cả mà! Mời chư vị xuống nhà khách xơi nước, nghỉ ngơi – Tổ ngắn gọn.
Vào nhà khách, mẹ bảo tôi: Tổ chẳng nhớ riêng ai cả. Với Tổ, mọi người đều như nhau, chẳng có ai mới cũ, thân sơ gì đâu. Con đừng bận tâm.
Cùng mẹ sắp hoa quả lên chùa lễ Phật. Sau khi bái Phật, như mọi lần, mẹ nắm tay tôi đứng về một bên rồi bảo: con nhìn kỹ mà xem, Đại điện chùa Ráng tuy không đồ sộ nhưng thật là trang nghiêm và thanh tịnh. Mẹ về đây thường xuyên đã ba năm mà chưa từng thấy một lần nhang lạnh, hoa tàn bao giờ. Tượng pháp thì luôn được bao sái không một hạt bụi. Việc thờ phụng với Tổ luôn được săn sóc kỹ lưỡng. Đó là hạnh của người tu. Các bát hương ở đây đều được đặt sao cho hình rồng hướng vào trong chầu Phật. Chùa Ráng là nơi kiên trì theo đúng chính Pháp, không có nhà Mẫu riêng mà chỉ có một ban thờ Mẫu, nhưng cũng được đặt quay vào trong chầu Phật. Ở đây không có hầu bóng hay đốt vàng mã bao giờ, mà cũng chả có Phật tử nào mang vàng mã đến đây. Với Tổ, nơi đây chủ yếu là để tuyên dương chính Pháp. Bất kỳ một ai đến chùa này nếu muốn hỏi một điều gì về Phật Pháp thì, cho dù đang ốm hoặc đã muộn, Tổ cũng đón tiếp và giảng giải cho đến hết duyên mới thôi. Mẹ chưa thấy có Phật tử nào phàn nàn rằng, Tổ từ chối tiếp xúc hoặc từ chối thuyết pháp cho ai cả. Với Tổ, cầu Phật và Giáo hoá là những việc quan trọng nhất.
6 giờ 30, Phật tử đã đông đúc, mẹ tôi bảo: con đi vãn cảnh một chút rồi xem có việc gì làm được thì làm cùng với các sư bác, sư chú. Mẹ xuống bếp cùng với các già lo tiệc chay.
Tôi đi một vòng quanh chùa. Chùa Ráng có tới gần một chục cây nhãn và cây mít cổ thụ đã đến trên dưới 100 tuổi. Có lẽ do ở giữa cánh đồng nên cây nào cũng lực lưỡng vươn cao, ôm ấp và giao hoà với mái chùa cổ kính rêu phong và mái đao Tiền đường đỏ thắm mới được kiến tạo.
Nghe nói, những cây cây cổ thụ này còn đến hôm nay là nhờ sống sót. Thời trước, bom đạn và những chiếc lò gạch của hợp tác xã dựng sát nách chùa đã hun khói làm ngạt thở chúng, một số đã ra đi. Cụ đã phải cang cường, kiên trì “tranh biện” mới giữ được cơ ngơi này. Những người vô tâm “tàn sát” thuở ấy, nay đều đã trên dưới 80 tuổi. Mấy năm gần đây, cứ đến mùa thu, họ lại bảo nhau đến chấp tác ở chùa, xén tỉa bờ rào, chăm sóc cây cối. Mỗi lần gặp Tổ, họ “hãi” lắm. Họ bảo: không hiểu sao khi ấy mình u mê thế.
Chuyện xa xưa, Tổ không chấp mà thương lắm. Tổ bảo: Họ cũng chỉ là nạn nhân của chính mình mà thôi.
Ngôi tiền đường này mới được khánh thành năm 2006, do thập phương thanh tịnh cúng dàng, nên không thấy có bia bảng ghi công đức, như một bông sen đỏ khổng lồ vươn lên giữa nền xanh thắm của cây cối. Đây thực chất là một nhà giảng mà cũng là nhà truyền giới, bên trong thấy có thờ bảy vị Cổ Phật trên câu đương sát mái chùa. Không biết có bao nhiêu giới tử đã thụ giới từ đây mà đi ứng cơ khắp nơi.
Trước Tiền đường là ngôi tháp Cửu phẩm đồ sộ cao tới 15 mét, uy nghi tạc hình vào trời xanh và in bóng xuống mặt nước ao sen đôi bên tả hữu. Mùa Hạ này sen đang sung mãn.
Phía trước tháp Phật, cách đây mấy năm có dựng một cột cờ cao tới gần 20 mét. Vào những ngày lễ tết, cờ Phật lại được kéo lên, phần phật tung bay trước gió. Nghe nói đây là lá cờ Phật giáo Quốc tế, được cố Thượng tọa Tố Liên mang từ Đại hội Phật giáo Thế giới họp ở Tích Lan năm 1951 về, và đã được Tăng già Việt Nam chính thức công nhận là Phật kỳ. Nhưng không hiểu sao, ở một vài nơi, như ở chùa Quán Sứ – Trụ sở của Trung ương Giáo hội, trong những năm gần đây, Phật kỳ không được sử dụng(!).
Hình như có lần, Cụ đã không hài lòng về độ cao quá mức của cột cờ này, cao hơn cả tháp Phật. Nhưng rồi Cụ bảo: Thôi, việc đã rồi, cột cao là việc làm của người ta, còn việc kéo cờ đến mức nào thì là việc của mình.
Tâm mình không bị ngoại cảnh lôi kéo thì ai làm gì được.
Chếch về bên phải tháp Phật khoảng năm chục mét là hai ngôi tháp Tổ, cao ráo mà thanh thoát, rêu phong bên luỹ tre già, dãi dầu mưa nắng.
7 giờ sáng, nắng đã lên đến một con sào, Phật tử đã đen đặc. Tiếng niệm Phật râm ran, tiếng lạy Tổ ríu rít. Thấy tôi tần ngần đứng trước nhà Tổ, chân tay đang rỗi, Tổ bảo: Bác làm ơn giúp nhà chùa mang bình nước này ra phía trước, để đó cho khách thập phương uống. Nắng nóng thế này, nước uống cần hơn cơm đấy.
Tổ cầm chiếc ghế đẩu khoan thai đi trước, tôi khệ nệ bê thùng nước theo sau. Đến hông chùa, dưới bóng nhãn mát rượi, Tổ bảo: để đây thôi, kiếm thêm vài chiếc cốc nữa là ổn.
Rồi chỉ vào tôi, Tổ nói: ở nơi mát mẻ thế này, nếu có thêm chiếc chõng tre với vài cái ghế, bày thêm tích nước chè xanh và mấy lọ kẹo bột, kẹo vừng thì đã thành một ngôi quán nước, thú vị và phong lưu ra trò đấy.
Tôi giật mình, chẳng hiểu sao cả. Tổ đã gần trăm tuổi, là bậc Long tượng trong chốn Thiền môn, uy nghi, trác việt mà sao lại có ý tưởng mộc mạc, giản đơn và ngây thơ đến thế?
Chùa Ráng, nhân mùa An cư 2007
Ghi chép của Vũ Anh