Dưới đây, xin trích giới thiệu một số nghiên cứu, nhận định về báo chí tôn giáo Mỹ của nhà nghiên cứu truyền thông người Nga X. A. Mikhailop, từ sách “Báo chí hiện đại nước ngoài: những quy tắc và nghịch lý”, nguyên bản do nhà xuất bản Mikhailop – Xanh Pê téc bua xuất bản 2002, nhà xuất bản Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam tổ chức dịch và xuất bản năm 2004, người dịch Đào Tấn An.
Đoạn trích dẫn tham khảo khá dài, nên những nhận xét của chúng tôi xin hẹn lại trong một bài khác. Đoạn trích dẫn có khá nhiều thông tin mà người hoạt động thông tin truyền thông tôn giáo sẽ thấy rất bổ ích. Thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam, là bộ phận của thông tin truyền thông tôn giáo nói chung, chắc chắn có tương lai phát triển theo quy luật chung của báo chí tôn giáo.
Nội dung chi tiết thông tin được trích dẫn, sách đã dẫn từ trang 265: “Báo chí tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến tâm trạng-tư tưởng của dân chúng. Nếu nói về nước Mỹ, thì báo chí tôn giáo có truyền thống đứng trên những lập trường cố hữu. Bản thân sách báo ở Mỹ cũng bắt đầu từ việc in ấn các cuốn sách có nội dung tôn giáo. Đầu thế kỷ XX, trên lãnh thổ nước Mỹ đã có 952 ấn phẩm định kỳ được xuất bản với nội dung đạo đức-tinh thần, nhưng chủ yếu với nội dung tôn giáo.
Mỹ là nước có nhiều tôn giáo. Tại đất nước này, trên thực tế, có tất cả các học thuyết tôn giáo hiện đang tồn tại trên thế giới. Người ta thường gắn hiện tượng này với sự thật là đa số dân cư nước này đều xuất thân từ những di dân hoặc là con cháu của các di dân đến đây từ nhiều quốc gia khác. Quyền tự do tín ngưỡng ở đây đã cho phép những di dân ấy gìn giữ tín ngưỡng của mình. Hơn 100 tín ngưỡng khác nhau, mỗi tín ngưỡng có chừng 50 nghìn tín đồ. Tổng cộng ở Mỹ có hơn 140 triệu tín đồ. Hàng chục tôn giáo nhỏ có tổng cộng khoảng 2 triệu tín đồ.
Những tôn giáo lớn nhất là đạo Tin Lành – khoảng 79 triệu tín đồ; Thiên chúa giáo La Mã – 52 triệu tín đồ; Do Thái giáo – 5,8 triệu tín đồ, chính thống giáo và các nhà thờ Thiên Chúa giáo phương Đông khác – 4 triệu tín đồ; các tín đồ Công giáo cổ – 1 triệu; Phật giáo – 100 nghìn tín đồ.
Nếu nói đến những dòng tôn giáo đông đảo trong số những dòng tôn giáo chính ấy thì giáo phái lớn nhất trong số các nhà thờ Tin Lành là giáo phái Tẩy lễ miền Nam – 14,3 triệu tín đồ. Đại bộ phận dân cư da đen đều tự coi mình thuộc Giáo phái Tẩy lễ quốc gia của Mỹ, có 5,5 triệu tín đồ. Với sự tham gia tích cực của Mactin Lutho Kinh, chiến sĩ đấu tranh cho các quyền của dân da đen, năm 1961 đã thành lập giáo phái Tẩy lễ quốc gia tiến bộ, với số lượng 1 triệu tín đồ. Giáo phái Lute ở Mỹ có 2,9 triệu tín đồ, giáo phái Lute ở Mitxuri có 2,6 triệu tín đồ, giáo phái Prexvito ở Mỹ có 3 triệu tín đồ. Giáo phái Chúa tái sinh ngày thứ bảy có 640 nghìn tín đồ.
Một số nhóm tôn giáo gồm những giáo phái khác nhau có ít tín đồ. Ví dụ, giáo phái Thiên chúa xionit tự do chỉ có 100 tín đồ. Giáo hội công giáo tự do chỉ có 200 tín đồ, giáo hội “Thân thể chúa Kito” có 1000 tín đồ, giáo hội Phúc Âm có khoảng 160 tín đồ, còn giáo hội khởi thủy Thượng đế sống, trụ cột và khẳng định chân lý, hay là giáo hội Thượng đế, gồm có 400 tín đồ là những người Do Thái da đen.
Những năm gần đây đã xuất hiện một xu hướng giảm tỷ lệ tín đồ đạo Tin Lành trong tổng số tín đồ các tôn giáo. Đồng thời, trước câu hỏi: “Các quý vị có tin vào Chúa không?” thì 90% người Mỹ trả lời là có tin. Người ta đến nhà thờ đều đặn. Ở tuổi càng cao thì chỉ số đến nhà thờ càng cao. Đối với độ tuổi 18-29 chỉ số ấy là 62%, tuổi 30-49 tỷ lệ là 69%, và tuổi 50 và trên 50 tuổi tỷ lệ ấy là 78%.
Những câu hỏi cụ thể hơn đã dẫn đến những kết quả như sau. Trong số những người Mỹ trưởng thành có 67% tin vào sự tồn tại của vương quốc Thượng đế, tức là họ không hoài nghi về sự tồn tại cuộc sống ở thế giới bên kia. 88% tín đồ cho rằng sau khi họ qua đời thì trước mắt họ họ sẽ mở ra cánh cổng của thiên đàng và họ sẽ được bước vào đó. Theo ý kiến của những người được hỏi, tôn giáo có ảnh hưởng tốt đẹp nhất đến sự hình thành nhân cách của đứa trẻ. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của 30% số đàn ông và 41% số phụ nữ.
Dĩ nhiên, tư tưởng tôn giáo cũng phải được phản ánh cả trong báo chí. Tất cả các tôn giáo chính đều có các tờ báo và tạp chí, các đài phát thanh và truyền hình của mình. Đương nhiên, hoạt động của những phương tiện ấy là nhằm duy trì và tái sinh tinh thần tôn giáo trong dân chúng, dưới mọi hình thức.
Tờ báo lớn nhất mà người ta chính thức đưa vào diện những tờ báo tôn giáo – đó là tờ Christian Science Monitor được thành lập năm 1908. Báo được “Hội Khoa học Thiên chúa giáo” xuất bản ở Boston. Theo truyền thống, những người lãnh đạo ấn phẩm này giữ vai trò quan trọng trong các giới chính trị – xã hội ở Mỹ. Ví dụ, một trong số các chủ biên của báo này ông Ecvin Kenhem, đồng thời là Chủ tịch Hội các chủ biên báo của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban tham vấn bên cạnh Tổng thống Mỹ về các vấn đề thông tin, Chủ tịch Phòng thương mại. Tờ báo này xuất bản với 3 ấn bản: ấn bản Đại Tây Dương, ấn bản Thái Bình Dương, vá ấn bản trung tâm. Tại Boston người ta chỉ bán ra một lượng nhỏ trong tổng số lượng phát hành. Tờ báo được phát hành trên toàn quốc, cũng như ở nước ngoài.
Mặc dù về phương diện hình thức, báo Christian Science Monitor là tờ báo tôn giáo, nhưng trên thực tế đó là một tờ báo mang tính chất hoàn toàn thế tục. Chỉ có một trang của báo này là thuần túy dành cho đề tài tôn giáo, nói chính xác hơn, dành để phục vụ các mục tiêu của “Hội Khoa học Thiên chúa giáo”.
Các cộng đồng tôn giáo có cơ sở tài chính khác nhau. Vì vậy, việc sở hữu chính thức các phương tiện thông tin đại chúng của họ cũng khác nhau. Ví dụ, giáo hội thống nhất Mun, có các chi nhánh của mình ở 130 nước trên thế giới, xuất bản tờ báo hằng ngày theo xu hướng cực hữu là tờ Washington Times. Tờ báo được thành lập bởi nhà truyền giáo nổi tiếng người Hàn Quốc Nun Xen Mơn vào năm 1982 và xuất bản ở Washington (quận liên bang Colombia) với số lượng phát hành 100 nghìn bản.
Những cộng đồng tôn giáo khác không có được những khả năng như vậy. Tuy nhiên, họ cũng cố gắng làm công việc kinh doanh báo chí.
Chẳng hạn, tại New York có xuất bản tuần san công giáo theo khuynh hướng cực hữu, tờ tuần san American. Nó có số lượng phát hành gần 38 nghìn bản. Ngoài ra đề tài tôn giáo, tuần san này còn đề cập đến những vấn đề chính trị – xã hội quan trọng nhất.
Nói đúng ra, có lẽ ở Mỹ không có nhu cầu xuất bản những tờ báo và tạp chí thuần túy mang tính chất tôn giáo, vì tất cả các ấn phẩm chính trị chung đã dành một vị trí to lớn cho chủ đề tôn giáo. Vì quy mô hoạt động của các ấn phẩm thuần túy tôn giáo là có giới hạn về một phương diện nào đó (những ấn phẩm ấy chỉ phục vụ các tín đồ, hơn thế nữa, chỉ phục vụ một giáo phái nào đó mà thôi), cho nên việc quảng bá các tư tưởng tôn giáo, cũng như các chủ thuyết chính trị – xã hội của giáo hội sẽ có hiệu quả nhất chính là thông qua các ấn phẩm thế tục.
Về cơ bản, những bài viết có liên quan ít nhiều đều tập trung trong những chuyên mục có trong tất cả các báo và tạp chí. Thông thường đó là những bài viết được soạn thảo bởi những chuyên gia có trình độ và kinh nghiệm về thần học. Đã có được quan hệ chặt chẽ với các phòng thông tin của các tổ chức tôn giáo khác nhau, với các đại diện của giới tăng ni. Những giáo lý tôn giáo cũng chứa đựng trong những bài vở mang tính chất phổ quát, đặc biệt trong những bài vở mang tính chất chính trị.
Mọi người đều biết “lòng kính chúa” của cựu Tổng thống Mỹ R. Rigan. Do ông này thường hay viện dẫn Kinh Thánh, một cách đúng chỗ cũng như không đúng chỗ, nên các nhà báo đã gọi ông Rigan là Giáo hoàng Roni I. Chẳng hạn, khi còn cầm quyền ông Rigan cho các nhà báo biết rằng trước khi ra lệnh cho các chiến hạm Mỹ mở đầu cuộc bắn phá Bayrut, ông ta đã đọc Kinh thánh, đặc biệt ông đã chăm chú đọc đoạn mô tả Acmahedon. Ông ta cũng chia sẻ những suy nghĩ này với một trong số những nhân vật lãnh đạo giới vận động hành lang thân Ixraen trong Nhà Trắng.
Tờ The New York Times viết như sau: “Khi một chính trị gia tuyên bố rằng Thượng đế chúc phúc cho bản cương lĩnh của ông ta thì điều đó trở nên đặc biệt nguy hiểm… nếu như có điều gì đó phi pháp trong hệ thống của Mỹ, thì đó là việc sử dụng phương pháp hùng biện tôn giáo để quảng cáo cho cương lĩnh chính trị”.
Hiện tượng thú vị trong hiện thực nước Mỹ có tên gọi “nhà thờ điện tử. Người sáng lập ra “nhà thờ điện tử” là chuyên gia về Phúc Âm trên đài truyền hình Rober Robectoxo. Ông này là người đầu tiên sử dụng trường quay truyền hình làm bệ thánh. Tuy nhiên, trên sóng đài truyền hình ông này tuyên bố trực tiếp với 800 nghìn khán giả truyền hình rằng nếu đến một thời điểm nhất định (có ghi chú đến ngày 1-4) mà ông ấy không quyên góp được 8 triệu đô la thì Chúa sẽ đưa ông về với Chúa. Để không trở thành nguyên nhân cái chết non của vị truyền giáo khả ái, người xem truyền hình đã phải móc túi của mình ra.
Lại có một nhà truyền giáo khác trên truyền hình, ông Gimi Xauhacto, đã xa hơn thế: ông ta kêu gọi hãy đóng góp không chỉ thông qua kênh truyền hình, mà còn thông qua các mạng máy tính cá nhân. Số tiền thu được mỗi ngày của Xauhacto là 400 nghìn đô la.
Sự phát triển như vũ bão của “nhà thờ điện tử” được mở đầu trong những năm 1970. Những nhân vật nổi tiếng được nhiều người biết đến là các nhà truyền giáo Gieri Pholuen, Gimi Becco, Rober Sulo. Thường thấy nhất là các nhà truyền giáo của “nhà thờ điện tử” thuộc vào cái gọi là giáo phái nền tảng cánh hữu. Công chúng nghe họ thuyết giảng là hàng triệu người Mỹ.
Tuy nhiên, trong những năm 1980 bản thân những nhà truyền giáo đã giáng một đòn chí tử vào uy tín của “nhà thờ điện tử”. Số là, việc chạy theo siêu lợi nhuận đã đẩy họ vào cuộc chiến sinh tử chống lại nhau. Nạn nhân đầu tiên là Gimi Becco. Một trong những câu chuyện “giật gân bất ngờ” trong đời tư của vị truyền giáo này là vụ tai tiếng với cô thư ký 21 tuổi thuộc giáo xứ ở Long Ailendo (New York) Giexica Han. Vụ việc này được giữ kín. Tuy nhiên, sau đó 7 năm Xauhacto nhận được từ các nhà báo những bằng chứng không thể bác bỏ được về tội lỗi của đồng sự ở Maiami. Becco đã phải bỏ ra 265.000 đô la để người đẹp và những nhân vật bảo trợ cô ta im lặng, song câu chuyện ấy vẫn bị lộ ra. Xauhacto đã đưa Becco xuống tận bùn đen và vạch ra kế hoạch chiếm “nhà thờ điện tử” của đối thủ cạnh tranh với mình. Thế nhưng, đến đây mục sư Macvin Gorman, người đã từng bị Xauhacto làm cho phá sản, đã thuê thám tử tư và tóm được kẻ xấu xa ấy với chính tội lỗi ấy. Vì Macvin Gorman cũng bị tố giác phạm tội không chung thủy, cho nên Xauhacto đã thử sám hối công khai và qua đó xin các giáo hữu tha thứ. Nhưng Pholuenlo đã gia nhập cuộc chiến. Ông này tìm cách chiếm lấy Hãng truyền hình PTL của Becco với số tiền thu hàng năm 129 triệu đô la. Tuần san Jim and Baket được chuyển tải trên truyền hình cáp đến 13 triệu hộ dân. Kết quả là Becco đã tuyên bố rằng Pholuenlo là kẻ thù ác độc nhất của ông ta, là kẻ đã cướp đi Hãng truyền hình PTL. Pholuenlo đã lập tức trả lời. Ông ta tuyên bố: “Ông Becco có trí nhớ tồi, hoặc ông ấy là con người không trung thực, hoặc là một bệnh nhân tâm thần”. Hơn thế nữa, ông ấy còn nói thêm rằng ông ta có những bằng chứng cho thấy Becco là một kẻ đồng tính luyến ái. Các nhà truyền giáo bị cơn lốc xì căng đan lôi cuốn nên đã không nhận ra rằng họ đã giáng đòn chí tử vào toàn bộ “nhà thờ điện tử” mà những khoản thu nhập của nó ở Mỹ đã giảm sút mạnh.
Khi đó các nhà truyền giáo Mỹ đã chuyển hoạt động của mình ra nước ngoài, đặc biệt là sang nước Nga.
Những nhân viên làm việc ở các ấn phẩm tôn giáo tập hợp thành các hội đoàn và các hiệp hội, trong đó có những hiệp hội mang tính chất nghề nghiệp. Chúng ta hãy lấy ví dụ về các nhà báo Công giáo. Họ là thành viên của Liên Hiệp Quốc tế báo chí Công giáo được thành lập năm 1935. Các thành viên của Liên hiệp quốc tế này là Liên đoàn quốc tế các nhà báo Công giáo (thành lập năm 1926), Ủy ban thường trực quốc tế các tổng biên tập báo chí Công giáo (được thành lập năm 1926), Hiệp hội các đại diện báo chí Công giáo (năm 1950) và những tổ chức khác. Hệ thống tôn ti thứ bậc chức sắc của giáo hội Công giáo đã tạo tiền đề cho việc lãnh đạo báo chí Công giáo được thực hiện từ Vatican. Ví dụ, tổ chức tăng lữ “Hành động của Công giáo đã thành lập, chỉ riêng ở Italia, những ấn phẩm sau đây: Quotidiano, L’Avenire d’Italia, Italia, Nuova Cittadino, Ordiner, Averine patono, Eco di Bergamo và những ấn phẩm khác. Các ấn phẩm công giáo tồn tại ở đa số các nước trên thế giới. Ở Anh có ấn phẩm Catholic Herald, ở Torinat và Tobago có ấn phẩm Catholic News, ở Ghana có ấn phẩm Catholic Standard, ở Hunggari có ấn phẩm Catolicutxo, ở Mỹ có ấn phẩm Catholic Dagest và những ấn phẩm khác.
Vào dịp Lễ Phục Sinh năm 1997 trên mạng Internet đã xuất hiện một trang đề cập giáo hội Công giáo. Đó là một điều giật gân. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có gần ba triệu người truy cập trang này của Vatican. Chuyên mục này trên mạng Internet có gì mà hấp dẫn “các cư dân của thế giới điện tử” đến như vậy? Trước hết, nhờ nội dung của trang thông tin này. Vatican đầy tiềm năng đã giới thiệu với những người sử dụng mạng internet về tiểu sử của ba vị giáo hoàng La Mã gần đây nhất, tất cả các thông điệp của giáo hoàng, các tài liệu lưu trữ của Vatican, phiên bản điện tử của các bảo tàng ở Vatican, kênh phát các chương trình của Đài Phát thanh Vatican, cũng như kinh bổn của giáo hội Công giáo La Mã. Các thông tin được chuyển tải bằng các thứ tiếng: Italia, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đức. Người ta đang chuẩn bị mở đầu “phần hướng dẫn” bằng tiếng Ả rập và tiếng Trung Quốc.
Trên mạng Internet có 3 máy tính phục vụ trang thông tin này của Vatican. Ba máy tính này mang tên của ba vị thánh. Máy “Rafail” chứa đựng toàn bộ khối lượng thông tin, máy “Gavril” thực hiện xử lý các thông điệp được gửi đến, còn máy “Mikhail” thì có nhiệm vụ vô hiệu hóa các virut máy tính.
Nhìn tổng thể thì báo chí tôn giáo là một lực lượng khá hùng hậu.
Sự phân hóa và chuyên biệt hóa báo chí cho phép nâng cao hiệu quả của các bài vở của báo chí, đài phát thanh và truyền hình, sử dụng các phương tiện hiện hữu với hiệu quả cao nhất.”
MT