Theo nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức Lễ Cưới tại chùa chính là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, người có bút hiệu là Đồ Nam Tử, ông sinh năm 1883 mất năm 1940, quê quán ở tỉnh Hải Dương. Cụ Đồ Nam Tử trước vốn là một nhà Nho, sau quy y theo Phật bằng tấm lòng nhiệt thành chuyên tâm phụng sự Phật pháp. Với mục tiêu chấn hưng Phật giáo nước nhà, ông cho rằng đạo Phật nên có những hành động dấn thân và hòa hợp vào quần chúng. Bắt nguồn từ tư tưởng đó, Cụ Đồ Nam Tử đã khởi xướng việc tổ chức Lễ Cưới tại chùa, và tin rằng điều đó sẽ mang đến những lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, đặc biệt là đời sống về đạo đức tâm linh.
Lễ Hằng Thuận đầu tiên được tổ chức tại chùa vào năm 1930, khi đó bác sỹ Phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám đã tổ chức Lễ Cưới cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành sánh duyên cùng ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, thuộc phố Sư Liễu Quán, TP. Huế ngày nay. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Lễ Cưới của bà Hoành và ông Tâm cho đến nay vẫn được xem là Lễ Cưới điển hình đầu tiên được tổ chức một cách long trọng tại chùa, nhưng trong suốt khoảng thời gian từ lúc khởi xướng cho đến năm 1971, các Lễ Cưới tại chùa chưa có tên gọi là Lễ Hằng Thuận.
Phải đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa (1907 – 1978) mới chính thức đặt tên cho Lễ Kết Hôn tại chùa là Lễ Hằng Thuận. Giải nghĩa theo tên gọi, thì “hằng” có nghĩa là thường xuyên, luôn luôn, còn “thuận” là hòa thuận, cùng đồng lòng hướng về những điều cao thượng, chân thiện mỹ trong đời sống.Chữ “Hằng Thuận” ghép lại với nhau mang ý nghĩa là cầu chúc cho đôi vợ chồng sẽ luôn luôn sống hòa thuận, tương kính nhường nhịn lẫn nhau, sẽ cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm bổn phận của người vợ, người chồng trong đời sống gia đình, vừa hiếu kính đối với ông bà cha mẹ, cũng như thương yêu chăm sóc con cái…
Trước khi tổ chức Lễ Hằng Thuận tại chùa Cô Dâu Chú Rể vẫn phải thực hiện các nghi thức Lễ Cưới truyền thống được tổ chức tại gia.
Lễ Hằng Thuận là nghi thức đặc biệt dành riêng cho Lễ Cưới của các Phật Tử sẽ được tổ chức trang nghiêm tại chùa. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một Đám Cưới như tuyên bố lý do, trao Nhẫn Cưới , nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức Hằng Thuận trong Ngày Cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan, tươi sáng trên tinh thần giác ngộ, giải thoát. Lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho Cô Dâu Chú Rể được đảnh lễ chư Phật, được Quy y Tam Bảo, được các chư Tăng đứng ra chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng, trang trọng ngay nơi chánh điện thì đó quả là một diễm phúc đối với đôi vợ chồng trẻ, đồng thời đôi trẻ còn được quý Thầy tận tình hướng dẫn về đạo lý vợ chồng trong đời sống Hôn Nhân như lời Đức Phật đã dạy.
Ngày nay, lễ hằng thuận diễn ra phổ biến tại các nước phương Tây, xin giới thiệu một số hình ảnh về lễ Hằng thuận được tổ chức theo nghi thức Phật giáo tại Đức.