Trang chủ PGVN Cửa thiền Một nhà sư hiến thận để cứu trẻ em

Một nhà sư hiến thận để cứu trẻ em

60

Quả thận của sư Thích Đạo Tín (chùa Vĩnh Ninh, thị trấn Lâm Thao, Phú Thọ) đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương ghép cho cháu Hiệp ngày 11/11. Sáng nay, khi nhà sư đến thăm cháu trước khi xuất viện, sắc mặt Hiệp đã hồng hào tươi sáng, không còn xanh nhợt như trước.


Hiệp bị suy thận và đã được ghép thận lần đầu vào năm 2004, người hiến là bố đẻ. Nhưng hơn một năm sau, tạng ghép đã có dấu hiệu hỏng do nhiễm virus. Tính mạng của cháu lại bị đe dọa vì bố không thể cho nữa, mẹ thì không phù hợp. Đang lúc thất vọng thì các bác sĩ “mách” cho một người sẵn sàng hiến thận, đó là nhà sư Thích Đạo Tín. Hôm sau, gia đình lập tức lên chùa “xin” và được đồng ý ngay.







Khi đăng ký hiến gan, nhà sư Thích Đạo Tín đã tính đến việc mình có thể chết sau mổ nên trong thư gửi Bệnh viện Nhi Trung ương, ông đề nghị nếu điều này xảy ra sẽ hiến tất cả các tạng như tim, mắt, thận… để cứu các cháu nhỏ, còn thi thể sẽ tặng Đại học Y Hà Nội.


Nhà sư cũng nói rõ không nhận tiền của bệnh nhân: “Nếu họ nhờ bệnh viện đưa tiền và dặn nói là tiền của bệnh viện giúp thày thì tôi không đồng ý dù là bao nhiêu”.


Điều kiện duy nhất của ông là cháu bé được chọn phải có ít nhất 50% khả năng sống và phát triển tốt.


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nhà sư trên đã liên hệ với bệnh viện để hiến tạng cách đây 4 năm, khi nghe tin cơ sở này chuẩn bị ghép gan. Tuy nhiên lúc đó cặp bệnh nhân cho ca mổ đầu tiên đã được xác nhận, và bệnh viện không đủ điều kiện thực hiện ngay ca nữa. Do đó, nhà sư bày tỏ nguyện vọng được hiến thận cho cháu nào cần. Bệnh viện đã giới thiệu cho một số bệnh nhân nhưng đến cháu Hiệp mới có sự phù hợp về mặt sinh học.


Giải thích về nghĩa cử của mình, nhà sư Thích Đạo Tín nói: “Được hiến tạng cứu người là tâm nguyện từ lâu của tôi. Tuy rằng chỉ một quả thận của tôi không thể giúp cho nhiều cháu, nhưng tôi hy vọng việc làm của mình như một tiếng chuông nhỏ đánh thức thiện tâm vốn có của con người, có thể đã mai một đi vì vòng xoáy của cuộc sống”.


Được hỏi về cảm xúc khi phần cơ thể mình đã góp phần cứu một sinh mạng, nhà sư nói: “Có gì đâu! Tôi không nghĩ rằng cháu bé hay gia đình cháu phải hàm ơn mình, vì theo quan điểm nhà Phật, những người nhận bố thí mới là ân nhân của người bố thí”.


Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam hiến thận sống hoàn toàn không vì tình cảm cá nhân. Những trường hợp khác đều là thân nhân của người bệnh.