Trang chủ PGVN Cửa thiền Một nhà sư hết lòng vì người nghèo

Một nhà sư hết lòng vì người nghèo

91

Mở phòng mạch chăm sóc dân nghèo

 Trong nắng gió hao hanh giữa vùng đồi núi trơ trọi không dáng cây ngọn cỏ, đại đức Thích Thanh Phước bắt đầu câu chuyện cứu người bằng những khốn khó của một thời: "Năm 2000, khi dấn thân về đây, thầy liên tục đổ bệnh. Mà đâu chỉ riêng thầy, ngay cả bà con quanh vùng, nhất là trẻ em cũng nay đau mai yếu do phong thổ khắc nghiệt ngày nóng đêm lạnh. Bám trụ được một thời gian, thầy nhận thấy điều nghịch lý: Liên tục đau bệnh do cuộc sống bần lao và phong thổ khắc nghiệt nhưng bà con nơi đây chỉ biết cắn răng chịu đựng, trong khi cây thuốc ở địa phương có nhiều lại không được tận dụng".
 
Nhờ có thời gian theo học Đông y nên sư Phước nuôi quyết tâm mở phòng mạch giúp mình và cứu người. Ngày lại ngày sư khi lên non, lúc lầm lũi lặn lội quanh bờ biển tìm kiếm cỏ cây có vị thuốc về băm chặt, phơi khô phòng khi hữu sự. "Lúc đầu thầy chữa cho vài người quanh chùa, sau đó người này truyền tai người kia, cứ vậy mà lượng bệnh nhân đông dần lên. Phòng mạch của thầy ra đời từ lý do đơn giản như vậy".
 
Anh Lê Kim Dũng, một trong những người trợ duyên giúp sư Phước mở rộng quy mô phòng mạch chốn thiền môn, nhớ lại: "Thời gian đầu, mọi việc tu đạo, bốc thuốc, châm cứu chữa bệnh cho bà con đều diễn ra trong ngôi chùa gỗ xiêu vẹo. Biết thầy là người có tâm với bà con nghèo khó nên vợ chồng mình hợp sức với thầy bằng dãy nhà cấp 4, gian thờ Phật, gian làm nơi cư trú cho bệnh nhân nghèo nơi xa, gian làm nơi bốc thuốc kê đơn. Nhờ vậy mà sư Phước hăng say hơn với đạo tu hành cao cả".
 
Điểm tựa của những cảnh đời bất hạnh
 
Trong nắng gió hao hanh, sư Phước tất bật bắt mạch kê đơn, châm cứu hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Ông Nguyễn Văn Hiên, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc xã, cho biết: "Thấy thầy mát tay và có uy tín, xã đề nghị thầy giữ chức Chủ tịch Hội Đông y xã. Vì quyền lợi của bà con và bệnh nhân nghèo, sư Phước làm việc hết mình, có sư bà con nghèo ở địa phương đỡ khổ lắm!".
 
 

Sư Phước chuẩn bị châm cứu cho một bệnh nhân bị liệt chân.

 Hôm chúng tôi ghé thăm cũng là lúc một chiếc xe ca 50 chỗ chứa kín người từ thành phố Phan Thiết "trước đến thăm chùa, sau nhờ thầy bắt mạch kê đơn". Chị Trần Thị Minh, ở phường Phú Hài (Phan Thiết) đi cùng con trai 17 tuổi bị liệt chi, méo mặt do bị tai biến khi lặn biển, tâm sự: "Do không có điều kiện nên từ khi cháu gặp nạn, gia đình không dám đưa đến bệnh viện, mà cũng chẳng biết bấu víu vào ai. May nghe nhiều người mách nước thầy Phước cao tay nên tôi đưa cháu đến nhờ thầy chữa trị. Thầy chẩn đoán bệnh của cháu phải điều trị hơn 1 tháng. Ở đây mọi chuyện lưu trú, ăn ở hoàn toàn miễn phí".

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho bà con, sư Phước còn tích cực trong các hoạt động xã hội khác như giúp bệnh nhân nghèo mổ mắt, xây nhà cho dân, giúp đỡ, trợ cấp thường xuyên cho người bị nhiễm chất độc da cam, nhận đỡ đầu cho những trẻ em cơ nhỡ, tặng áo ấm, thuốc men cho đồng bào ở các vùng sâu vùng xa.
 
Nhờ tấm lòng cao cả của thầy mà hàng chục gia đình đã thoát khỏi kiếp sống màn trời chiếu đất, nhiều em thơ lại được cắp sách đến trường và hơn 200 bệnh nhân mù do các chứng bệnh về mắt ở Hàm Tân được thấy lại ánh sáng. Ông Hiên ngắn gọn: "Làm sao kể hết những việc thầy Phước đã làm vì bà con nghèo. Chỉ biết nơi đâu có người gặp khó khăn cần sẻ chia là thầy có mặt.
 

Thôn Kô Kiều có 200 hộ, là dân Quảng Trị vào lập nghiệp từ năm 1977. Cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn với hàng chục hộ sống trong những căn nhà tạm bợ. Không sống được trên đồng ruộng bạc màu, thanh niên toàn thôn phải đi mưu sinh xa xứ.

 

( Theo CAND Online )