Bà vừa trở lại Việt Nam một ngày cuối tháng 2 năm 2008 để dự Lễ hội Phật giáo tại quê hương, xứ Huế mộng mơ và trước đó, đọc thơ mình tại Viện Goethe, Hà Nội.
Vẻ đẹp cố đô
Cái vẻ gày gò của một người phụ nữ vừa về từ một nước châu Âu lộ rõ trong chiếc áo dài tím Huế hơi rộng. Bà chọn một chiếc áo nút cài, theo phong cách của phụ nữ đầu thế kỷ 20.
Tóc xõa, mặt trang điểm nhẹ, trông Thái Kim Lan chẳng giống gì một vị tiến sĩ, mà có nét gì đó rất thơ, nhẹ nhàng, đằm thắm của vẻ đẹp cố đô. Bà hay cười, và mọi người khó nhận ra người đàn bà đó đã bước qua tuổi 60. Đây không phải là lần đầu tiên Thái Kim Lan trở lại nước Việt.
Bà trở lại xứ mình lâu rồi, từ những năm 80. Gần đây, bà về thường xuyên hơn để giảng dạy Phật giáo đúng chuyên môn được đào tạo ở Đức, cho những con người Việt Nam. Đầu Xuân Mậu Tý, Thái Kim Lan mang một món quà là tập thơ “Lạnh hơn xứ mình” về giới thiệu với các bạn đọc Việt.
Nhà TS. Thái Kim Lan tại Đức
Tập thơ này, mới được xuất bản tại Việt Nam cuối năm ngoái, nhưng được bạn đọc Đức biết đến từ cách đây khoảng hơn chục năm. Đêm thơ ngày 27/2, một mình Thái Kim Lan độc diễn thơ mình bằng hai thứ tiếng Đức – Việt. Cử chỉ của bà đầy nồng ấm khi nắm bàn tay ông bạn Đức, Viện trưởng Viện Goethe.
30 năm giảng dạy các sinh viên Đức, nói và sinh hoạt bằng tiếng Đức, nhưng khi đọc những câu thơ tả mưa xứ Huế, tả nỗi lòng người xa hương bằng thứ tiếng mẹ đẻ thì hầu như bà chẳng bao giờ bỏ qua những “biệt ngữ” “hỉ, chừ, hắn, ni” và không lẫn vào đâu được. Hơn chục bài thơ bà đọc đều lột tả những cảm xúc, những nỗi nhớ nhà của một người Việt xa xứ.
Thái Kim Lan và ông bạn Peter – Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội |
Một cuộc chơi thơ
Cô con gái của bà được sinh ra ở Đức có những 3 cái tên gọi: Tường Nhi là tên ở nhà, Minh Hạnh là tên Đạo Phật, và Mai Lan mới là tên thật. Mai Lan năm nay 26 tuổi, thông thạo cả 4 thứ tiếng Việt, Đức, Anh và Trung. Mai Lan đang theo học Thạc sĩ ngành Kinh tế học tại Anh, chứ không theo ngành Phật giáo như mẹ, nhưng cũng thường xuyên trở về Việt Nam theo một số hoạt động. Thái Kim Lan thú thực, bà mê con khủng khiếp.
Cứ đến cuối tuần, Tiến sĩ Thái Kim Lan lại hướng dẫn cho sinh viên Đức tập… thiền. Khi đó, các cô cậu tóc vàng, mắt xanh và mũi cao vẫn phải ăn chay đúng nghĩa và tập thở đúng cách. Có dịp, mỗi năm hai lần, các sinh viên lại được tập thiền trong một không gian ở xa thành phố bụi bặm và không khí thật an lành. Ở đó sinh viên thực sự thấm được tác dụng thiền của Á Đông và Triết học Phật giáo. Chính những lần đi xa đó, bà đã bật ra… thơ. Bà nói: “Tinh thần đạo Phật cho tôi giữ được bản sắc của mình và không thua ai về sức mạnh tinh thần”.
Thái Kim Lan sinh ở Huế. Năm 1965, chị qua Đức với học bổng của Viện trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) khóa đào tạo giáo sư Đức ngữ của Viện Goethe, tiếp tục học Khoa Triết và bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học tại Đại học Ludwig-Maximilian, Muenchen. Từ 30 năm nay, là giảng viên về Triết học và Phật giáo tại trường Đại học này. Bà là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Giao lưu Đức-Việt, có trụ sở tại Muenchen. Bà là tác giả của các nghiên cứu về Triết học Khai sáng Đức và Phật giáo, trong đó có: “I. Kant, Die restriktive Funktion der Sinnlichkeit in der Kritik der reinen Vernunft” (Luận án Triết học tại Đại học Ludwig-Maximilian, Muenchen); “Buddismus und Frieden” (trong tuyển tập “Die grossen Religionen”, Đại học Nurnberg); Tuyển tập văn học Đức-Việt về B. Brecht và Hermann Hesse (tuyển chọn, dịch và giới thiệu); Ngoài ra Thái Kim Lan còn là tác giả của nhiều tiểu luận về Triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tùy bút… |
Nữ giáo sư ngôn ngữ học người Đức, Irmgard Ackermann, đã nhận xét về Thái Kim Lan: “Chị không đơn giản chỉ là người chuyển tải tư tưởng Á Đông đến với nước Đức, Thái Kim Lan cũng không đơn thuần chỉ là người phiên dịch giữa các nền ngôn ngữ và văn hóa, mà thật ra chị đang tổng hợp những riêng tư, rất cá biệt nhưng đầy sáng tạo hướng đạo”.
Tập thơ “Lạnh hơn xứ mình” không phải là chuyện dịch thơ tiếng Đức sang tiếng Việt, mà là dòng sống hiện tại của Thái Kim Lan, một cuộc chơi chữ, chơi thơ. Các bài thơ bằng tiếng Việt, nội dung vẫn giống những bài thơ tiếng Đức, nhưng là một lần sáng tạo lại của bà.
“Lạnh hơn xứ mình” là cầu nối nền văn hóa hai nước mà Thái Kim Lan muốn vun xới, đồng thời là tình cảm, một niềm vui lớn của bà – một người Việt về với quê hương.
Ban ngày bà giảng dạy Triết học phương Đông – Phật giáo cho sinh viên Đức, tối bà quay về căn nhà được trang hoàng bằng tre Việt, bàn thờ Phật có nhang đèn như ở ta.
Không chỉ làm thơ, Thái Kim Lan còn là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tùy bút… bằng cả tiếng Việt và tiếng Đức. 10 bài thơ trong tập “Lạnh hơn xứ mình” của chị đã được trao Giải Nhất cho người nước ngoài sáng tác thơ bằng tiếng Đức của Viện “Tiếng Đức như là một ngoại ngữ”.