Trang chủ Văn học Tùy bút Một ngày tìm Phật

Một ngày tìm Phật

91

Tôi ấn tượng nhất phần 3 của quyển sách này, và hôm nay tôi đã đến với “ Trung Quốc xứ sở của Bồ Tát”  Cung Ung Hòa, nơi có Đức Phật Di Lặc tuyệt đẹp tại thủ đô Bắc Kinh. Đó là lời giới thiệu của BTV tại Trung Quốc đến với độc giả trang nhà thông qua bài viết sau, mong độc giả cùng chia sẻ.


 


 


 


Sáng nay trời trong và ấm hơn mọi khi một chút, ngoài kia cành cây vẫn còn xao xát chưa một nụ xanh trên cành, dẫu rằng trời đã vào xuân. Tôi quyết định đi Cung Ung Hòa, dù nơi đây tôi đã đến hai lần rồi, nhưng nói thật là tôi không thích đi lễ Phật ở đây, vì không thoải mái như ở Việt Nam, mỗi lần đi là phải mua vé, cảm giác thư thái nhẹ nhàng đi đâu mất hút, thay vào đó là cảm xúc “thị trường thương mại”.


 


Ung-Hoa-Cung-052.jpg


 


Đón xe từ trường đến chùa mất một tệ, còn nếu đi taxi thì khoảng 15 tệ, giải pháp tốt nhất đối với du học sinh là tiết kiệm nên tôi đã dùng phương tiện công cộng là xe bus – rẻ và thuận lợi trong cách nhìn của người dân ở đây. Thế là  tôi bắt đầu một ngày, một mình với chiếc ba lô xuôi ngược sau những giờ học căng thẳng.


 


Cho mình điểm tựa


 


Đã lâu rồi tôi không được lễ Phật, tôi thích cảnh sống yên tĩnh như không gian ở những ngôi chùa Việt Nam, bởi những lúc cuộc sống bị trù dập không còn lối thoát, khi ấy mình không còn là mình nữa thì tôi hay tìm đến cảnh yên tĩnh như thế để ngồi với Phật, tâm sự và trò chuyện với Ngài, để được sưởi ấm và cảm thông, vì có những việc, tôi không thể nói được với bất cứ ai, kể cả người thân của mình. Và mục đích đến Cung Ung Hòa hôm nay cũng thế, cho dù có mua vé vào cổng, tôi vẫn phải đến tìm Ngài, để được nghe tiếng vọng tâm hồn từ sự giao cảm muôn đời của thế giới tâm linh. Nhớ lại những giai thoại thiền của các Thiền sư Trung Quốc mà tôi đọc được, tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động, dường như cái tôi trong trái tim trai trẻ nơi tôi cũng giảm dần theo năm tháng hối hả và bon chen. Mải mê theo dòng suy nghĩ, tôi đã dến trạm dừng xe bus và đến cổng mua vé, song lần này, tôi không sốt ruột khi cầm tiền mua vé, vì cái cần của tôi là làm sao tìm gặp được Phật ở Cung Ung Hòa và Phật trong tâm của chính mình trong lần chiêm bái này.


 


Xứ người


 


Ở Trung Quốc các địa diểm du lịch nổi tiếng đều bán vé vào cổng, kể cả các chùa được xếp vào danh mục di tích văn hóa cũng như thế luôn. Điểm này khác với Hàn Quốc và một số nước xem Phật giáo là Quốc giáo không thu phí vé, nhưng theo tôi cách làm nào cũng có cái hay của nó trong khâu quản lý, bảo trì và nâng cấp di tích. Và điều quan trọng là nơi đó có làm cho du khách hay tín đồ Phật giáo cảm thấy thoải mái khi đến chiêm bái hay không!? Nhưng thật lòng mà nói, đến cửa Phật mà mua vé vào cổng không phải là thói quen của người Việt Nam. Theo chủ quan của tôi,  phải chăng đây là một trong những yếu tố nhỏ làm cho Phật giáo ở Bắc Kinh có một khoảng cách với giới trẻ Trung Quốc, khi một giảng viên đại học nhận định : “Giới trẻ ở đây không thích đi chùa, họ thích đi nhà thờ hơn” đó chỉ là nhìn nhận khách quan chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào về vấn đề này. Có lần tôi hỏi ngày Phật đản được tổ chức ngày nào, hầu như mọi người không quan tâm và có khi không biết chính xác. Trong khi đó các tình nguyện viên truyền giáo viên của Tin Lành, Thiên Chúa  ở đây thì rất trẻ và nhiệt tình, họ đến tận các trường đại học vận động và kêu gọi tham gia. Tại một số công viên ở trường tôi, thường có một vài nhóm nhỏ ngồi cầu nguyện, hay gặp một vài trường hợp đến hỏi tên làm quen, xin số điện thoại. Sau đó, họ chủ động liên lạc, nếu chưa vào đạo thì sẽ hẹn giờ rảnh đến nói chuyện và hướng dẫn. Những vấn đề trên và những cái đơn giản như đi chùa mua vé so với xứ mình đối với tôi không còn ngỡ ngàng như trước nữa.


 


Ung-Hoa-Cung-041-1.jpg


 


 


Người đến Trung Quốc đến Chùa lễ Phật đều phải tự mua hương theo sở thích của mình trước những quầy bán sẵn. Nơi để dâng hương được bày bên ngoài điện thờ khác hơn ở xứ mình. Người lễ Phật chỉ vọng vào điện Phật để khấn vái, còn khi lễ Phật thì mới chính thức vào bên trong. 


 


Ung-Hoa-Cung-023.jpg


 


 


Ung-Hoa-Cung-084.jpg


 


Nơi chiêm bái và mùi trầm hương


Đường vào Cung Ung Hòa với hai hàng cây to, mùa hè nó xanh rì trông rất đẹp, nhưng trong thời điểm tôi đi thì vẫn còn khô, trên cành cây còn vướng một chút rét của mùa đông sót lại.  Cung Ung Hòa “Đây là một cung điện hay một ngôi chùa ? Cả hai ! Thời nhà Thanh (1662-1911) có một vị hoàng tử tên là Dận Chân. Năm 1694 Dận Chân cho xây một cung điện. Về sau, năm 1723 Dận Chân lên ngôi thành nhà vua Thế Tôn Ung Chính, về trị vì tại Tử Cấm thành. Từ đó cung điện cũ của hoàng tử Dận Chân mang tên là Ung Hòa Cung và không ai được vào đó ở. Sau đó nhà vua Thế Tôn tặng cung Ung Hòa cho Phật giáo Tây Tạng, thời đó được gọi là Lạt-ma giáo. Lý do của sự hiến tặng đầy hào phóng đó là lòng nhiệt tâm tôn giáo trộn lẫn với tính toán chính trị”(1). Cung Ung Hòa gồm năm điện, có khoảng 500 tượng La Hán cổ, đặc biệt là tượng Bồ Tát Di lặc cao 18 mét được làm bằng gỗ có đường kính ba mét. Con đường vào điện chính của Bồ Tát Di Lặc phải đi qua các Điện trung gian, mỗi điện đều thể hiện nét kiến trúc độc đáo cũng như cách thờ cúng mang tính đặc trưng riêng. Được biết, Cung Ung Hòa trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mãi đến năm 1961 mới trở thành khu di tích trọng điểm của quốc gia, và năm 1981 mới đi vào hoạt động chính thức phục vụ du khách.


Ung-Hoa-Cung-231.jpg


Cung Ung Hòa nhuộm đỏ sắc màu cà sa Tây Tạng, có hơn 120 vị Tăng tu học với nhiều độ tuổi khác nhau, có những thầy còn rất trẻ, có những thầy rất già. Mỗi điện thờ đều có quý thầy hầu chuông, gõ những nhịp điệu khoan thai đi cùng với những lễ lạy của du khách thập phương. Tôi không mua nhang mà đem sẵn một ít nhang từ Việt Nam sang, mùi nhang quê hương nghe ấm áp lạ, vì loại nhang này tôi rất thích, tình cờ người bạn ở Hà nội tặng cho. Ở đây, thật đông người đi viếng, nhưng không ồn ào, có chăng là âm thanh vừa đủ nghe các đoàn khách nước ngoài trong tiếng loa của người phiên dịch, tôi chợt nhớ lần đi chùa Thầy ở Hà nội năm 2005, nhìn những hướng dẫn viên địa phương đón khách từ cổng chùa, nhiệt tình đến rôm rả !? Thấy mà thương quê mình…


Tìm hiểu lịch sử của Vương quốc Tây Tạng với nhiều biến động lịch sử trải qua nhiều đời Lạt Ma khác nhau, nhưng với thời điểm hiện nay, Cung Ung Hòa cũng vẫn là dấu ấn lịch sử của sự lĩnh đạo tài tình của các thời Lạt Ma, dẫu biết rằng trong đời sống tăng lữ không tránh khỏi quyền lực chính trị xen lẫn. Tôi cúi đầu lạy đức Di Lặc Bồ Tát, thấy mình nhỏ bé với chân Ngài trong cái uy nghiêm bao la rộng lượng của đại tượng được bày tôn tạo tôn nghiêm. Nghệ thuật khắc chạm sống động và thần sắc tuyệt mỹ tạo nên sự giao cảm giữa người trần tục đối với  bậc Bồ Tát trong thiên biến vạn hóa của các pháp duyên sinh. Hình ảnh Di Lặc Bồ Tát không chỉ bụng to, miệng cười hoan hỷ mà thể hiện ở chất bi tráng và hùng dũng oai phong  như chính đời sống rực lửa của Người Tây Tạng, oai dũng mà hiền từ trong nét mặt và cả những hoa văn trên y phục. Tôi hỏi người phụ nữ đi lễ Phật : Tai sao ở đây ngài Di Lặc, bụng lại không to?. Cô ấy trả lời theo quan sát bình thường : Vì thân cây thẳng dứng nên người điêu khắc không thể làm cho nó to và có bụng như các tượng Di lặc bình thường!? Câu trả lời nghe không hợp lý lắm!


trungquoc3.jpg


trungquoc2.jpg


Người trẻ đi Chùa


 


Khác với cách nhìn nhận của tôi ban đầu về người trẻ đối với đạo Phật, khi đến đây có nhiều người trẻ – họ thành kính với phương pháp hành lễ như một phật tử thuần thành Việt Nam, họ không chỉ là người Trung Quốc mà cả người nước ngoài. Thế mới thầy rằng, giới trẻ chẳng bao giờ thờ ơ với Phật giáo, quan trọng là người của Đạo Phật có đủ khả năng nhiếp chúng và tạo điều kiện cho họ đến với cửa Phật hay không!? Tôi ngồi ở một khoảng vắng của một góc điện thờ, chợt nhớ đến chùa quê da diết, nhớ tiếng chuông chùa ngân vang trong những phiên chợ sớm và cả lúc về chiều, nghe nhẹ nhàng, thanh thoát đến gần gũi. Ngó sang đại hồng chung ngoài sân tại Cung Ung Hòa, nơi đó để giá biểu cho mỗi lần gõ chuông cho du khách biết, tôi thấm thía làm sao cho đời sống công nghiệp xứ người : tiền và tiền.


trungquoc1.jpg


Hồng chung dành cho du khách du lịch


Ung-Hoa-Cung-152.jpg


Niềm vui được cúng dường Phật


Hít thở nhẹ, lắng lòng trong tiếng chuông bên trong điện Phật tôi lại trở về trong cái hạnh phúc giản đơn của người được gặp Phật hôm nay – hạnh phúc và bình an giữa muôn ngàn cách trở trong khoảng cách đến cuối cùng của bến bờ an lạc.


Mong ở quê hương mình


Đến Cung Ung Hòa lần này được vào Phòng lưu niệm, nói đúng hơn là “Viện bảo tàng mini” – nơi lưu giữ một số cổ vật của Phật giáo nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng mang tính lịch sử văn hóa, tôi lại ước mơ Phật giáo Việt Nam của mình bên cạnh những trăn trở suy tư về các vấn đề Văn Hóa, Giáo dục, Đời sống Tăng đoàn…thì cũng nên chú ý đến một vài điểm nhỏ của sự phát triển các giá trị ấy, vì tất cả các lĩnh vực trên đều rất cần có một nơi bảo lưu, gìn giữ và truyền bá chúng. Những lần online, tôi cố gắng tìm các trang diện tử có thông tin hoạt động Giáo hội … nhưng rất ít và rất ít.  Mạng thông tin trong nước về hoạt động Phật sự đưa ra nước ngoài đối với Phật tử chúng tôi còn hạn chế, nhưng nhu cầu “khát” thông tin của người tìm hiểu đạo Phật ngày càng cao, đó là điều trăn trở của những người hướng đến ngôi nhà chính pháp. Hơn nữa, những dịp du khách, hay phái đoàn Phật giáo bạn đến Việt nam tìm hiểu  Phật giáo, thì điểm đặc trưng của Văn Hóa Phật giáo Việt  thì tìm ở đâu!? Hay là phải đến từng ngôi chùa để giới thiệu với du khách. Có lần chung tôi bất thình lình bị một sinh viên hỏi : “Trái tim Bồ Tát Thích Quảng Đức giờ ở đâu, em muốn đến tìm hiểu và tham quan để viết tiểu luận”. Tôi ngớ người và hẹn bạn sinh viên ấy về xem lại và trả lời sau. Nói thế để thấy rằng, nhu cầu học tập và nghiên cứu Phật giáo ngày càng cao của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội rất cần sự quan tâm của Giáo hội, và thực hiện trong những điều kiện có thể làm được. Đây cũng là nỗi ưu tư của Chư tôn Đức Tăng Ni và Phật tử khắp từ rất lâu đối với sự phát triển Văn Hóa Phật giáo trong tương lai.


Ung-Hoa-Cung-215.jpg


Ung-Hoa-Cung-210.jpg


Lưu Học sinh tham quan


Ung-Hoa-Cung-207.jpg


Tương Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Phòng lưu niệm


Kết thúc một ngày, tôi về trường viết ngay bài này, trong lòng vẫn muốn đến vùng đất nhuộm đỏ sắc màu ca sa Tây Tạng – nhưng trước tiên tôi chuẩn bị cho chuyến đi một mình đến Ngũ đài sơn sắp tới. Hy vọng sẻ có nhiều điều thú vị.


Trần Cửu Long – Nhật Lê (Huế)


Chùm ảnh Cung Ung Hòa Tại Bắc kinh – Trung Quốc


(1). Trích Mùi Trầm Hương