Một Phật tử cao tuổi còn cho biết HT trụ trì Thích Thiện Thông, tuổi sắp bát tuần, nhưng nằm trên giường bệnh vẫn ân cần nhắc nhở động viên anh em thợ sớm hoàn thành việc xây cất giảng đường khang trang cho Phật tử có nơi tu học. Công trình Phật sự mang tâm nguyện lợi tha của Hoà thượng có sức cổ vũ lớn lao, sách tấn Phật tử vùng sâu tu học. Với 26 ngày tu tập hạnh xuất gia trong năm, số lượng mỗi kỳ tham dự vẫn được duy trì trên 50 vị. Hầu hết là các Phật tử về hưu, các cụ bà trên 60 tuổi.
Trong số họ, ai cũng cảm nhận được niềm vui học pháp là phước báu vô biên nhưng mức độ lãnh thọ Phật pháp của mỗi người còn tuỳ thuộc căn cơ, sức tinh tấn và nghiệp duyên. Không ít Phật tử như bà Nguyễn Thị Thành ở ấp An Phú, xã Hội An Đông mủi lòng tâm sự: “Tôi nông dân nghèo, chữ nghĩa kém. Nghe pháp hiểu hổng tới, chỉ biết niệm Phật thôi!”. Mặc cảm của một vài Phật tử tương tự đã được TT.Thích Huệ Thành (Phó đại diện PGH.Nhè Bè, TP.HCM) giải toả trong bài thuyết giảng cuối năm tại đạo tràng Thiên Phước. Thượng toạ chỉ dẫn cụ thể tu phải tập mới thấy được niềm an vui và hiện hữu trong cuộc sống. Lau một cái bàn, cái ghế cho đồng đạo ngồi nghe pháp, thọ trai trong một ngày tu cũng là phước báu, là công đức của tuổi già.
Em Hồ Kim Bích ở thị trấn Lấp Vò, mỗi ngày dậy sớm làm bánh đi bỏ mối ở chợ Lấp Vò cho biết em không sao diễn tả được sự bình yên và an lạc trong một ngày được tu học như người xuất gia, nhất là những lúc đi kinh hành, ngồi thiền, niệm Phật, tâm ý không còn nghĩ chuyện đời hơn thua.
Em nói: “Phật pháp dạy em bỏ bớt tham sân si. Từ ngày tu Bát quan trai, em không nóng tính như trước. Những lời nói hay thái độ cư xử thiếu tế nhị làm mình buồn lòng, em cũng cố gắng bỏ qua. Ngày tu, em làm bánh ít lại vì đồng lời của thế gian sao bằng một ngày nghe pháp”. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh thì không giấu nổi niềm xúc động, vui mừng qua một năm cầu pháp. Bởi khi đủ duyên gặp đạo thì tâm tư, lối sống của chị hoàn toàn đổi khác.
Chị nói: “Khi nghe băng đĩa thuyết pháp của quý Thượng toạ giảng sư chùa Hoằng Pháp (TP.HCM), em chợt bừng tỉnh. Đời người vô thường, thân mình giả tạm sao lại bám víu, chìu theo cái tạm bợ đó? Từ đó, em đi nhiều chùa ở quê để dự khoá tu Bát quan trai như chùa Kiều Đàm, Linh Thứu, Kim Bửu… Em là thợ may. Hồi trước ham tiền, siêng may lắm! Bây giờ em ham tu, những mối khách quen của em mất dần vì đồ may không giao đúng hẹn. Trước đây em cũng là đứa con cưng ngã mạn, muốn gì được nấy. Giờ mỗi lần nghe kinh Vu Lan, em không sao cầm được nước mắt. Và mỗi lần tu Bát quan trai, em lại niệm Phật sám hối, hồi hướng công đức cho cha mẹ”.
Đạo tràng Bát quan trai chùa Thiên Phước trong ngày tổng kết một năm tu học của các Phật tử, chúng tôi còn thấy hai mẹ con chị Nguyễn Thị Lá ngồi co ro chờ đợi bên mái hiên. Hỏi ra mới biết chị là con ruột của bà Nguyễn Thị Hằng ở ấp An Phú, xã Hội An Đông. Được biết chị và đứa con gái 3 tuổi thức dậy từ 4 giờ sáng, lo cơm nước rồi bơi xuồng đưa bà ra chùa. Vượt gần 7km đường sông từ ngọn Mương Kinh, chị nói: “Mẹ em năm nay 75 tuổi, hay bị lên máu mà không chịu ở nhà. Vợ chồng em làm thuê cuốc mướn để đong gạo. Để bà vui, hôm qua em đã lo mượn xuồng hàng xóm. Em nghĩ nhờ biết tu, mẹ em hiền lắm, không sanh tật khó khăn khi về già”.