Từ 8h00’ sáng ngày rằm, Phật tử từ các nơi đã tựu hội về khuôn viên chùa lễ Phật, thăm viếng Thượng toạ Trụ trì và có hơn 300 thiện nam tín nữ ghi danh xin Quy y Tam Bảo trở thành người Phật tử.
Đến 14h30’’, tại Chánh điện đã diễn ra buổi họp mặt thăm viếng giữa các vị Chư tôn đức Tăng có mối thâm giao ân nghĩa với Thượng toạ Trụ trì từ cái thưở ban sơ Thượng toạ mới xuất gia, với sự chứng kiến của Chư Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang và đông đảo Phật tử.
Vào giờ phút thiêng liêng đó, ĐĐ.Thích Thái Dĩnh – đại diện cho Đại chúng dâng lời tác bạch thật cảm động đối với những vị trưởng bối. Kế đến, mỗi vị Hoà thượng, Thượng toạ đang hiện diện, đều diễn tả một cung cách riêng về tâm tư tình cảm, cái nhìn của mình đối với sự thành công trên bước đường đạo nghiệp hoằng hoá của TT.Thích Chân Quang hiện nay. Thật là một quang cảnh sum hợp, tràn đầy tôn trọng thương yêu của tình Pháp lữ đồng hành, đã đem lại cho Đại chúng một sự thanh tịnh hiếm có và còn là một động lực tinh thần giúp cho hàng Tăng Ni Phật tử của Bổn tự, càng tinh tấn hơn trên bước đường tu cũng như phụng sự theo tấm gương đạo hạnh của Thầy mình.
Và đến với đêm vui Hội Trăng Rằm này, Thượng toạ cũng có vài lời đạo lý nhắc nhở chư Tăng Ni và Phật tử tu hành bằng bài Pháp thoại có tựa đề CÁI GÌ CŨNG TƯƠNG ĐỐI. Đây là tựa đề mà cũng là câu nói được đúc kết kinh nghiệm từ nhiều thế hệ, mỗi khi có cái gì đó không hay; không hoàn hảo, người ta thường nói “Thôi trên đời cái gì cũng tương đối”, thầm nhắc chúng ta đừng cầu toàn. Sống trên đời nếu ta chấp nhận cách nhìn đó thì chính mình sẽ bớt phiền não.
Trước khi đi vào nội dung bài Pháp thoại, Thượng toạ mạn đàm về ý nghĩa của 8 ngày tết trong năm như: tết nguyên đán; tết nguyên tiêu; tết thanh minh; tết đoan ngọ; tết trung nguyên; tết trung thu; tết cơm mới và tết táo quân.
Kế đến, Thượng tọa chứng minh cho thấy, cái hạnh phúc ở đời thật là xa vời. Người ta phải chấp nhận mọi cái tương đối, vừa chừng, được mặt này thì mất mặt kia. Như ta biết cõi người là cõi mà thiện ác lẫn lộn; kể cả ở cõi trời Dục giới, Chư thiên vẫn còn nhiều khuyết điểm; chỉ ở cõi trời Sắc giới Chư thiên mới rất ít khuyết điểm. Khi chứng A La Hán mới hết lầm lỗi, là bậc Vô lậu. Vì vậy ở cõi người, ta thấy con người là bất toàn. Khi đánh giá con người, ta phải đánh giá nhiều mặt, họ được mặt này mà dở mặt kia, không có ai hay hết mọi mặt. Với quan điểm sống như vậy, ta sẽ không đòi hỏi mọi người phải tốt như mình muốn, vì hiểu “Cuộc đời vốn là như thế! Con người vốn là như thế”.
Nói vậy không có nghĩa là chúng ta an phận rồi chấp nhận, vì nếu chúng ta chấp nhận người khác được mặt này, mất mặt kia, để yên; rồi chính ta cũng chấp nhận mình có ưu điểm mặt này nhưng dở mặt khác, đừng ai phiền trách tôi… nếu mà ta an phận chấp nhận như vậy thì mình không ráng tu, mình cứ lửng lơ giữa thiện và ác, ta cứ trầm luân sinh tử mãi. Hễ mặt nào thiện thì quả báo làm cho mình vui, mặt nào ác thì quả báo làm cho mình khổ. Do đó ta phải cố gắng phấn đấu để mình hoàn hảo dần, cho đến chứng Thánh vị A La Hán.
Trong cuộc đời tu hành, chúng ta đều gửi gắm bao ước nguyện, không chỉ bản thân mình phấn đấu như thế và cũng mong cho mọi người được như vậy. Thậm chí ai tu nhanh hơn mình thì mình càng vui mừng. Thế gian này, cứ thêm một người làm Thánh là đỡ một người khổ và đỡ bao nhiêu người khổ, vì một người chứng Thánh là chung quanh đó, biết bao nhiêu người được nương tựa, tin cậy, có niềm tin mà tinh tấn tu tập. Vì vậy, thẳm sâu trong lòng ta, lúc nào cũng ước mơ sự hoàn hảo cho chính mình và cho mọi người.
Nhưng ước mơ khác với đòi hỏi. Đòi hỏi tức là ép người ta phải như vậy trong khi người ta chưa đủ sức được vậy, rồi thì mình trách móc, phiền giận, oán hờn, sinh ra phiền não…làm cho quan hệ giữa người với người xấu đi, không vui. Ngược lại, ước mơ thì khác, ước mơ tức là mong người ta tốt lên chứ không đòi hỏi họ phải tốt liền, vì thật sự không ai tốt ngay lập tức được.
Có những chuyện mà ông trời cũng bó tay. Câu nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, ý nói khi người ta quyết định quá thì số trời cũng chuyển. Có 2 trường hợp là chuyển thành xấu hoặc chuyển thành tốt. Bằng nhiều ví dụ, Thượng tọa làm rõ ý này theo hai chiều thuận nghịch và đưa ra một nhận xét “Nếu ta có một lý tưởng sống, một lập trường kiên định làm điều thiện, rồi cố gắng nỗ lực, vậy mà ta chuyển được số trời”. Trong những người ngồi đây, không ai bị hoàn cảnh bất hạnh thì cơ hội để ta phấn đấu còn rất nhiều, chỉ vì ta không phấn đấu, ta không cố gắng để vượt lên trên thân phận, cái hạn chế của chính mình nên đứng yên như vậy hoài.
Theo một số tín ngưỡng, họ cho rằng vị Thần thánh tối cao là có quyền làm ra tất cả, muốn làm gì cũng được, muốn trời nắng là nắng, muốn trời mưa là mưa…, nhưng trong đạo Phật không phải vậy. Trong đạo Phật tất cả chỉ là Luật Nhân Quả. Đức Phật có thần thông phủ trùm nhưng không bao giờ Ngài can thiệp vào định nghiệp của chúng sinh. Phật nói, Ta có tam bất năng, tức là có 3 điều Ngài không thể làm. Thứ nhất là không biết hết số lượng chúng sinh trong pháp giới vũ trụ. Thứ hai là chúng sinh nào không có duyên, Ngài không độ được. Thứ ba là định nghiệp của chúng sinh Phật không chuyển được.
Dân gian quan niệm ông trời “Tương đối”, vậy mà hay, còn một số tín ngưỡng khác cho ông trời toàn năng là không đúng. Ông trời không thể can thiệp từng chút vào con người, sự thật vẫn là ý chí của con người tạo thành nhân thành quả. Sự can thiệp của đấng ở trên cao đối với con người cũng chỉ tương đối mà thôi.
Luật Nhân Quả không cố định mà rất linh động, uyển chuyển. Vì có Luật Nhân Quả nên ta phấn đấu để thay đổi cuộc đời mình. Trong đường đi của nhân quả, có những cái cố định, có những cái không cố định, có điều bắt nguồn từ nhân quả xa xưa, nhưng có những cái nhân mới bắt đầu gieo. Vì Luật Nhân Quả không cố định, Thượng tọa khuyến khích mọi người cứ gieo những nhân mới, gieo những điều thiện mới để chuyển dòng nghiệp của chúng ta đi theo con đường tốt hơn, hạnh phúc và thánh thiện hơn.
Luật pháp xã hội cũng không cố định, có khi phải thay đổi đi tới những cái mới mang tính thời đại. Nếu cái gì cũng căn cứ theo luật, y theo luật, không khéo trở thành sự cố chấp – ác độc. Nên ta cần có điều gì đó cao hơn luật đó là lương tâm, trí tuệ của con người. Có bộ luật cao hơn cả luật là hiến pháp, vậy mà có lúc cũng phải thay đổi điều này, điều kia. Do đó, chúng ta thấy cái gì cũng tương đối là vậy.
Kinh điển các tôn giáo cũng phải xét lại. Những ai dám xét lại tôn giáo chính mình mới là loài người tiến bộ. Sở dĩ loài người ngày hôm nay không đoàn kết được, luôn chia rẽ xung đột, đạo này với đạo kia không vui, thậm chí thù ghét ám hại lẫn nhau vì có người không dám xét lại chính tôn giáo của mình. Nếu lúc nào đó, con người dám xét lại tôn giáo mình một cách bình đẳng thì ngày đó thế giới này bước sang một trang mới, con người biết đoàn kết, yêu thương, khách quan hơn. Còn ngày nào, con người cứ chấp tôn giáo mình là số một thì ngày đó loài người còn đau khổ, còn ly tan, phân tán, oán thù. Chúng ta cầu nguyện sao, có cái ngày mà các tôn giáo dám đem xét lại tôn giáo mình một cách khách quan để thế giới loài người được an vui hạnh phúc.
Có một số ngôi miếu, đền thờ các vị Thần hết trăm năm này đến trăm năm kia, nhưng xin nhớ thân này vô thường, riết rồi các vị Thần ấy hết linh vì đã đi đầu thai (không cố định), nên ai không biết mà mê tín, cứ đến đền đó cúng, cầu xin hết trăm năm này đến trăm năm kia là sai lầm vì vị Thần không còn ở đó nữa. Ta đừng để mình trở thành cực đoan, nghĩa là bảo vệ một niềm tin nào đó với thái độ hung dữ. Trái lại, khi ta bảo vệ điều gì thì nên bảo vệ một cách vừa hiền lành, vừa kiên quyết.
Khi chúng ta biết mọi việc trên đời cái gì cũng tương đối, nếu thấy điều gì khác với mình thì ta cũng nên bao dung, chấp nhận nhau để sống vui trên đời. Cái quan trọng không phải là giống nhau mà chính là thương nhau, vì khi thương nhau rồi, có khi là khác nhau, ta vẫn có thể thương nhau được.
Ta độ lượng trước những lỗi lầm. Con người ai cũng có lỗi. Trước lầm lỗi của con người, nếu ta có duyên thì lời nhắc nhở của mình sẽ khiến họ sửa sai. Còn như không có duyên, lời nhắc nhở của ta không hiệu quả, có khi còn làm họ ghét thêm. Trong cách sửa lỗi mọi người thì có khi ta phải cứng rắn, có khi nên mềm mỏng.
Điều cuối cùng, ta vui vẻ trước những sản phẩm không hoàn hảo. Sống như vậy sẽ nhẹ người và còn giúp được người khác.
Qua nội dung bài Pháp thoại, Thượng tọa liệt kê nhiều phương diện (ông trời, Phật, con người, luật pháp quốc gia, kinh điển, thần linh…), để cho thấy mọi việc trên đời đều tương đối, nhằm dẫn người nghe tới một triết lý sống. Tư tưởng cốt lõi của triết lý sống này “Với mình, khi mình tu thì lúc nào cũng cầu toàn, nghiêm khắc với chính mình để vươn tới vị trí một bậc Thánh Vô lậu. Còn với người khác thì bao dung, khuyến hóa, dạy dỗ bằng tình thương yêu”.
Đây là những lời dạy dễ nhớ, dễ làm, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe bởi phong cách diễn đạt chân thực, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề của người thuyết giảng. Từ sự cảm phục, ngưỡng mộ đã thôi thúc mọi người hướng tới Người, hướng tới cái chân, thiện, mỹ trong cuộc sống, trong sự tu hành, và trong việc làm Phật sự.
Đêm nay,dưới ánh trăng mờ ảo đang chiếu soi nhợt nhạt khắp một vùng rừng núi cô tịch vì cơn bão đang hoành hành, nhưng không gian chùa vẫn ấm cúng bởi tiếng vỗ tay của hàng nghìn người đang ngồi quây quần bên nhau ăn bánh, uống trà, xem văn nghệ cây nhà lá vườn với sự góp vui của những nghệ sĩ chuyên nghiệp như Doãn Minh, Điệp Văn, Lâm Ánh Ngọc, ngoài ra còn có nhóm ca sĩ nghiệp dư đến từ nhà Tăng Thiền Tôn Phật Quang, nhóm Phật tử công ty Văn hóa Pháp Quang, Phật tử đạo tràng Phật Thịnh và nhóm thiếu nhi đạo tràng Phật Đồng, Phật Thịnh qua các tiết mục đơn ca, hợp ca, múa nhịp điệu, múa kiếm, múa đao, múa lân, kịch vui.
Cùng với thời gian, chúng tôi hiểu rằng, vì một Trung thu ý nghĩa, chúng ta hãy tin tấn tu hành, làm sao đi đến chỗ giác ngộ sáng suốt như trăng rằm đêm Trung thu.
Dưới đây là hình ảnh của ngày hội Trung thu tại Thiền Tôn Phật Quang: