Trang chủ Văn hóa Du lịch Một lần thăm Vương Đường Phật Giáo Nhật Bản

Một lần thăm Vương Đường Phật Giáo Nhật Bản

Vương Đường Phật Giáo Nhật Bản, được xem là một tự viện có các hạng mục công trình kiến trúc phá kỷ lục và để lại cho khách hành hương nhiều cảm xúc thiêng liêng và những ấn tượng khó phai.

519

Vương Đường Phật Giáo có tên chính xác là Niệm Phật Tông Tam Bảo Sơn Vô Lượng Thọ Tự, trực thuộc Dung Thông Niệm Phật Tông, tông phái lấy Đức Phật A Di Đà làm Đức Giáo Chủ. Tự viện tọa lạc ở trung tâm Nhật Bản với 200ha đất được vây bọc chung quanh bởi 8 ngọn núi, tượng trưng cho hoa sen 8 cánh. Theo huyền thoại, vùng đất này đã có thời được gọi là Thung lũng Mãng xà vương (Vua rắn – Mamushi-dani).

Một lần thăm Vương Đường Phật Giáo Nhật Bản - ảnh 1Khuôn viên Vương Đường Phật giáo

Hòa thượng Shinku Miyagawa – một giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của tông phái Niệm Phật Tông – kể rằng, trong một đêm nằm mộng, vào lúc tia sáng bình minh đầu tiên ló rạng, Hòa thượng Tiến sỹ Enshinjoh đã mơ thấy những con rắn bò ngổn ngang trên khắp mặt đất. Mãng xà vương đang nằm cuộn tròn lại, đột nhiên ngóc đầu dậy, uốn cong như cây cung, nói với ngài: “Kính bạch ngài, trong một thời gian dài, chúng con đã chờ đợi để có ngày hôm nay. Chúng con rất hoan hỷ dâng cúng vùng đất này cho ngài, vùng đất mà chúng con đã bảo vệ bằng sinh mệnh của chúng con. Xin ngài hoan hỷ sử dụng vùng đất này. Chúng con nguyện muôn kiếp hộ trì vùng đất này”. Sau đó, những con rắn dần dần biến mất. Ngài một mình đơn độc giữa cảnh muôn hoa cây cỏ xanh tươi và ánh sáng rực rỡ.Ở Nhật Bản, mãng xà vương chính là biểu tượng của sự bảo vệ chính pháp”. Khi giấc mộng ấy xuất hiện, Hòa thượng Tiến sỹ Enshijoh tin chắc rằng, đó là vùng đất duy nhất, xứng đáng để kiến tạo một trung tâm quy hướng tâm linh cho đạo Phật trên thế giới.

Giấc mộng của Hòa thượng Tiến Sỹ Enshinjoh đã trở thành hiện thực. Sau 7 năm xây dựng với lực lượng kiến trúc sư, kỹ sư, nghệ nhân,công nhân v.v… của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc làm việc miệt mài không kể ngày đêm. Đây một ngôi chùa Phật Giáo lớn nhất Nhật Bản, với nhiều công trình được sách kỷ lục thế giới UNESCO ghi nhận: đôi đèn bằng đá cao 12m trước chính điện, đỉnh chóp nóc chùa lớn nhất với 9m bề cao và 8,8m bề rộng.

Theo lịch đã được đăt từ trước, 10h sáng đoàn chúng tôi có mặt tại Vương Đường Phật Giáo. Đoàn được sự đón tiếp tận tình của Thầy Todavà các Phật tử của chùa ngay từ khi xuống xe.Sau khi được căn dặn về nội quy, quy định của Chùa, mỗi người được phát một gói giữ nhiệt cho cơ thể luôn được ấm rồiđược thầy Toyida hướng dẫn tuần tự đi vào thế giới Phật đà. Điểm đến  đầu tiên là chiếc cầu Chân Như dài 141m, bắc ngang qua Cảnh Nguyệt Trì- Hồ Cảnh Nguyệt đến cổng chính cao 35,7m, ngang 34,5m để đi vào Tịnh Độ Viên. Tại cổng chính là hai vị thần hộ pháp đứng chầu hai bên cổng nhắc nhở mọi người khi bước chân đến nơi tôn nghiêm hãy để tâm thanh tịnh, làm điều lành và tránh xa những điều ác.

Con đường hành hương từ cổng Tam Quan đến chánh điện dài 1,2km gồm 256 bậc cầu thang, mang một câu chuyện rất ý nghĩa về sự tích “Cá chép hóa rồng”, qua hình ảnh đó đề cao tinh thần Phật giáo: “Mỗi chúng sanh đều là có Phật tính, trải qua những khó khăn, trở ngại của cuộc đời dần hoàn thiện chính mình và có thể trở thành một vị Phật, giống như câu chuyện cá chép vượt vũ môn.

Dọc theo con đường dẫn đến chính điện, nép mình giữa vườn cây xinh tươi là điện thờ Thánh Đức thái tử có hình bát giác, đây được xem là ngôi đền bát giác lớn nhất thế giới.Thánh Đức Thái Tử là nhà chính trị, nhà cải cách, nhân vật Phật giáo lừng danh trong lịch sử Nhật Bản. Ông là người đã khởi xướng “tư tưởng gộp đạo” (ThầnPhậtNho) duy nhất trên thế giới,là người có công đưa Phật giáo phát triển sâu rộng khi mới thâm nhập vào Nhật Bản bằng cách xây dựng những ngôi chùa, tự viện lớn còn tồn tại cho đến ngày nay như Chùa Tứ Thiên Vương- Osaka, Chùa Pháp Long- Nara.

Một lần thăm Vương Đường Phật Giáo Nhật Bản - ảnh 2Điện Vàng (Golden Shrine) tại Chính Điện

Gần đó là một bảo tháp 5 tầng, cao 32,7m, kết cấu bằng gỗ với màu ngũ sắc được vẽ từ tay của 30 nghệ nhân Hàn Quốc, trong vòng hai năm mới hoàn thành.

Theo phong tục của Nhật Bản, khi vào làm lễ tại các chùa và đền, mọi người đều phải thực hiện nghi lễ tẩy tịnh. Trên đường vào chính điện là một giếng nước nhỏ, có đặt các gáo nước, người hành hương đều rửa tay, uống một ngụm nước để xua tan những cáu bẩn thế gian, làm cho thân tâm thanh tịnh trước khi vào tham bái.

Ngôi Chính Điện ấn tượng nhất nằm trên đỉnh đồi được trang trí những mẫu hoa văn chạm khắc tinh xảo, các tác phẩm khắc chạm mô phỏng theo kinh Vô Lượng Thọ gồm 108 vị Bồ tát và 1.008 hóa thân Đức Phật. Trước khi vào làm lễ, cả đoàn được nhà chùa phát cho tất, giày vải và chăn mỏng để khoác thêm và được giải thích rất tận tình rằng trong chùa rất lạnh, không ai được chủ quan. Đoàn chúng tôi được vào trong khu trung tâm, tụng kinh niệm Phật và chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật và được sư thầy giới thiệu và hướng dẫn làm lễ lần lượt từ Điện Quan Âm, Điện Thích Ca và Chính điện- Điện A Di Đà

Bên ngoài ngôi chùa là hai tháp chuông, mỗi tháp đều có quả chuông đồng lớn. Đại hồng chung, được xem là lớn nhất, nặng 50 tấn, bề dày 35cm. Đứng lặng im nghe tiếng chuông vang lên giữa núi rừng,cảm nhận sự cộng hưởng của âm ngấm vào tâm trí, hơi thở làm bay tan những tạp niệm, chỉ còn lại sự tĩnh lặng và an nhiên lạ thường.

Cảnh trí quanh chùa là những hoa viên hữu tình, rộng bát ngát. Đây là những hoa viên Nhật Bản đẹp nhất trên thế giới với nhiều giống cây hiếm quý. Trong đó có những cây cổ tùng 800 năm tuổi. Khu Công viên Ngũ Bách La Hán được trang trí 500 tượng đá A La Hán bằng kích cỡ người thật. Công viên này cũng có thể nói là độc nhất vô nhị hiện nay.

Năm 2008, đúng dịp lễ khánh thành Chùa, trên 300 đại biểu là các lãnh đạo Phật giáo, các nguyên thủ quốc gia, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học từ 32 quốc gia trên thế giới cùng với 12.000 Phật tử của Nhật Bản Niệm Phật Tông đã vân tập về Vương Đường Phật Giáo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáoThế giới lần thứ 5.

Ở Nhật Bản có khoảng 86.000 ngôi chùa, nhiều tông phái cho phép người xuất gia không ăn chay và được có gia đình; nhưng người xuất gia lại rất ít, rất nhiều ngôi chùa không có sư trụ trì. Vậy tại sao người Nhật lại xây ngôi Vương Đường Phật Giáo quy mô lớn như vậy? Đại đức Thích Đức Trí, chùa Hòa Lạc tại Kobe Nhật Bản cho biết: “Vương Đường Phật Giáo chính là dấu ấn đặc sắc về mặt văn hóa và kiến trúc ở thời đại ngày nay của Nhật Bản nói chung và Phật giáo thế giới nói chung. Được sự ủng hộ và tán thán của hơn 40 quốc gia, Vương Đường Phật Giáo được hình thành để lưu giữ giá trị học thuật, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật của Phật Giáo.”

Điều khiến cho chúng tôi thực sự cảm động là sự ân cần, chu đáo của sư thầy và các Phật tử của nhà Chùa, mọi người luôn để ý từng bước đi, sắc thái của từng thành viên trong đoàn, sẵn sàng giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh. Trước mỗi bậc thang, hay khu vực cần phải lưu ý đều có hai Phật tử luôn đứng dặn dò mọi người cẩn thận trong suốt hành trình gần 4 tiếng đồng hồ viếng thăm Chùa.

Rời khỏi ngôi Chùa với tinh thần an nhiên thư thái, chúng tôi nghĩ về quê hương- nơi có hàng ngàn ngôi Chùa cổ kính và những ngôi Chùa mới xây uy nghi, quy mô rộng lớn không thua kém gì Nhật Bản. Thật tuyệt vời nếu có được sự tổ chức sắp xếp chu đáo mang lại sự an lành, hoan hỉ và tâm thái ung dung cũng như sự đón tiếp niềm nở cho những người hành hương lễ Phật.

Phượng Hoàng