Thuở sau khi Phật Niết Bàn, tăng chúng và cư sĩ Phật tử chưa tạc tượng Phật để thờ cúng.
Việc tạo lập thờ phượng tượng Phật được đặc biệt cổ xúy kể từ khi có kinh điển Đại thừa.
Từ đó đến nay, việc tạo lập tượng Phật là sự thể hiện cụ thể niềm kính ngưỡng đối với Đức Phật và giáo pháp của ngài. Nhiều tượng Phật khổng lồ đã được tạo dựng ở Trung quốc, Afghanistan, Nhật Bản…
Việc tạo dựng tượng Phật, nhìn từ khía cạnh lý luận truyền thông (cùng với những hình thức như tranh vẽ lớn, áp phích, băng rôn…). Phía sau tượng Phật là nhiều nội dung gửi đến người nhìn thấy (người tiếp nhận). Đó là sự tôn kính, ngưỡng mộ đối với đức Phật, sự an lạc, giải thoát, sự hưng thịnh của Phật giáo…
Trong quá trình tạo dựng tượng Phật, do tượng Phật là đối tượng quy ngưỡng của toàn thể tín đồ Phật giáo, nên người tạo dựng luôn có ý thức về giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của tượng Phật. Vì vậy, tượng Phật luôn là những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Tượng Phật càng đẹp, người tạo dựng càng thỏa mãn lòng kính ngưỡng. Và đồng thời, tượng Phật càng đẹp, thì tác động của hình tượng đối với người nhìn thấy (đối tượng tiếp nhận, theo lý luận truyền thông) càng lớn.
Ngoài việc tạo dựng các tượng Phật vĩ đại, còn có thể ghi nhận hướng tạo dựng thật nhiều tượng Phật, tất nhiên là nhỏ, tạo nên phức hợp các tượng Phật.
Trong tinh thần như đối với việc tạo dựng tượng Phật, chúng ta thấy việc tạo dựng hình tượng chư vị Bồ tát và Tổ sư.
Một số tôn giáo cũng sử dụng hình tượng trong hoạt động tín ngưỡng. Thí dụ nổi bật hơn cả đạo Thiên Chúa với tượng “Đức Mẹ”.
Trong hoạt động truyền thông này, nội dung chính được bộc lộ ở hình thức tượng. Tức là cái mà người ta xem thấy cảm nhận bằng mắt.
Tuy nhiên, để tạo giá trị của pho tượng, chất liệu cũng được chú ý. Chúng ta thấy bên cạnh tượng Phật đá, có tượng đồng, tượng gỗ quý, rồi tượng vàng, tượng ngọc…
Chất liệu tượng Phật càng quý, người tạo dựng càng thỏa mãn hơn nữa sự kính ngưỡng, và điều đương nhiên, phước báu càng lớn. Cũng thông qua chất liệu của bức tượng, thông điệp về sự kính ngưỡng đó được truyền đến người chiêm bái bức tượng.
Hiệu quả của chất liệu là điều đáng được ghi nhận. Chiêm bái một tượng Phật bằng đồng, cảm giác giác chúng ta có khác với một pho tượng đá, hay một pho tượng thạch cao…
Nhưng thực ra, có trường hợp, người chiêm bái không thể cảm nhận chính xác về chất liệu của tượng Phật, mà phụ thuộc rất nhiều vào lời giới thiệu. Đây hoàn toàn là yếu tố tâm lý.
Trong đợt chiêm bái tượng Phật ngọc vừa rồi, quả thật, người viết, đứng xa pho tượng khoảng 3 – 4 mét, không thể cảm nhận được chất “ngọc” của pho tượng, mà phần nhiều chỉ cảm nhận thông qua hình thức pho tượng. Mà như vậy là phù hợp với lý luận truyền thông: sự tác động của những biểu tượng được thực hiện thông qua hình thức là chính.
Trong điều kiện kỹ thuật ngày nay, việc làm giả các chất liệu quý, để tạo hiệu ứng như pho tượng Phật được làm bằng chất liệu quý, nhưng với chi phí tiết kiệm hơn nhiều, là điều cần được ghi nhận trong việc tạo dựng tượng Phật.
Đề cập đến điều này, chúng tôi không hề có ý là chúng ta cần có sự tính toán kinh tế trong việc tạo dựng tượng Phật, hay cụ thể hơn, bớt đi kinh phí tạo dựng tượng Phật.
Đối với những tín đồ muốn thể hiện lòng kính ngưỡng đức Phật, cũng như muốn cúng dường Đức Phật bằng hình thức tạo dựng tượng Phật, thì luôn luôn là điều đáng khuyến khích.
Vấn đề mà chúng tôi muốn thảo luận là, cùng một kinh phí để tạo dựng một tượng Phật bằng chất liệu quý, chúng ta có thể sử dụng những chất liệu mà thời đại mang lại (thí dụ thay đồng bằng chất liệu xi măng cốt thép sơn giả đồng), để với một kinh phí nhất định, chúng ta có thể kiến tạo được số lượng tượng Phật nhiều hơn, có thể lên đến hàng chục lần, chẳng hạn?
Nếu nhìn từ góc độ lý luận truyền thông, thì biểu tượng như một thông điệp xuất hiện trong không gian càng nhiều càng tốt, số lần cảm nhận được lặp lại càng nhiều, hiệu quả càng cao.
Ngoài ra, số chi phí tiết kiệm đựơc có thể dùng vào những phương tiện để tôn cao giá trị tượng Phật, như đèn chiếu sáng về đêm. Ví dụ, so việc dựng một pho tượng đồng với dựng một pho tượng giả đồng, nhưng pho tượng đồng không được chiếu sáng về đêm, còn chi phí tiết kiệm từ pho tượng xi măng sơn giả đồng, được dùng vào chi phí chiếu sáng hàng đêm chẳng hạn.
Từ lý luận truyền thông, phương án thứ hai là hiệu quả hơn, vì nó tạo hiệu quả tác động mạnh hơn (biểu tượng được chiếu sáng trong trời đêm tạo hiệu quả chú ý, tác động cao hơn so với biểu tượng đó vào ban ngày) và mở rộng thời gian tác động của biểu tượng (khoảng 6g/ngày, ứng với thời gian ban đêm, vì đêm không chiếu sáng, thì không thể nhìn thấy biểu tượng).
Chúng tôi viết bài này khi đọc thấy tin đăng trước tiên trên báo Nhân Dân về việc dựng một pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng có kích thước lớn trên núi Yên Tử, tất nhiên, với chi phí rất cao.
Nhất trí với Phật sự nhiều công đức trên, chúng tôi chỉ muốn trình bày thêm một số ý kiến về việc tạo dựng tượng Phật từ góc độ lý luận truyền thông, để bạn đọc có thể bàn bạc, thảo luận, để cùng tìm hiểu xem, nên chăng tìm những giải pháp có hiệu quả tối ưu, với cùng một chi phí.
MT