Chúng tôi đến Luang Prabang vào một buổi chiều gần cuối tháng ba khi thành phố vẫn còn chìm trong sương khói.
Nằm nép mình bên hai dòng sông Mekong và Nậm Khan ở miền bắc nước Lào, Luang Prabang đã từng là kinh đô của các vương triều Lào kéo dài hơn 200 năm, bắt đầu từ thời vua Fa Ngum năm 1353.
Hiện nay Luang Prabang vẫn còn được xem là trung tâm Phật giáo quan trọng của Lào với rất nhiều quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hoá Phật giáo Nam truyền, được cơ quan văn hoá Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
Để đến được nơi đây chúng tôi phải mất khoảng tám tiếng đồng hồ để vượt hơn 200 cây số đường đèo quanh co từ thủ đô Vientiane, một đoạn đường đèo khá dài và nguy hiểm mà chỉ những người không biết mới dám đi, nhưng vẫn còn khá hơn đi bằng đường hàng không vì hãng máy bay Lào được xem là một hãng máy bay thiếu an toàn nhất trên thế giới.
Sau một đêm nghỉ ngơi, chúng tôi, theo lời của cô Ma Ni, hướng dẫn viên du lịch người Lào nói tiếng Việt của đoàn, đã thức dạy sớm để tham gia một nghi thức cúng dường thực phẩm cho các sư.
Trời còn tờ mờ sáng, hai chiếc xe tuk tuk đã đến đón chúng tôi tại khách sạn, đưa đến một địa điểm ven đường, nơi mà từng đoàn sư áo vàng sẽ đi khất thực vào lúc trời chưa sáng tỏ.
Một số người trong đoàn du lịch chúng tôi là Phật tử, đã hoà đồng cùng người dân bản xứ, sắp sẵn một số thực phẩm cúng dường gồm xôi, bánh, hoa trái và một số tiền, đứng hoặc ngồi lặng lẽ chờ đoàn sư đến như là một cách để thể hiện lòng tôn kính của mình với chư tăng, những người đang đại diện cho đạo Phật và thành phố sở tại.
Dù đã biết trước qua hình ảnh trên báo chí, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy choáng ngợp vì hình ảnh thật đang lung linh hiển hiện trước mắt.
Một đoàn nhà sư khoảng 100 người, khoác trên người y cà sa mầu cam rực rỡ và chiếc bình bát to, đang bước từng bước trên đôi chân trần, người này nối bước theo người kia, người tu trước đi trước, người tu sau đi sau và cuối cùng là các chú tiểu tuổi đời còn rất nhỏ.
Tất cả cứ lặng lẽ bước qua các tấm chiếu vuông của người dân trong thành phố đang chờ đợi để được cúng dường thức ăn.
Khi các sư đến, người Phật tử nâng giỏ xôi nhỏ lên ngang trán khấn nguyện đôi điều rồi bốc một ít dâng cúng sư, rồi một cái bánh gói bằng lá, một thỏi kẹo…
Trong nhóm Phật tử người Việt còn cúng dường mỗi sư một số tiền Lào nữa. Được hỏi tại sao lại cúng dường tiền vì hình như giới luật nguyên thuỷ không cho phép sư nhận tiền mà chỉ nhận thực phẩm, bất kỳ thứ nào, một người trả lời là do cô hướng dẫn viên du lịch bảo như vậy.
Nói về thực phẩm cúng dường, một vị cư sĩ người Lào đứng tuổi nói tiếng Việt một cách sành sõi cho chúng tôi biết “Thức ăn cúng của người dân cho đoàn sư khất thực phải được mua từ chợ mang về nấu nướng ở nhà, chứ không được mua vội mua vàng thức ăn bán sẵn ở hàng quán. Cũng không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Cả sư khất thực và người cúng dường đều thầm chúc phúc cho người thân hay cho tha nhân, chứ tuyệt nhiên không ai cầu chúc cho riêng mình”.
Vị cư sĩ này cũng cho chúng tôi biết thêm, khi về đế tu viện, đoàn sư khất thực tập hợp lại phân chia thức ăn thành bốn phần: một phần nhường lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người và cuối cùng còn lại là phần mình dùng.
Khi thọ dụng thức ăn, các vị sư xem như là việc uống thuốc để duy trì sự sống mà tu hành. Ai cho gì ăn nấy, không phân biệt thức ăn tốt xấu, ngon dở, chay mặn.
Khi ăn thường phải trộn chung các món ăn với nhau để không còn phân biệt món này với món khác, món ngon món dở và không phân biệt mùi vị. Mục đích để không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, mà chỉ cần ăn để nuôi sống xác thân mà tu hành giải thoát.
Truyền thống khất thực này đã có từ thời đức Phật và hiện vẫn còn tồn tại ở một số quốc gia theo truyền thống Phật Giáo Nam truyền.
Cúng dường cho các nhà sư đi khất thực dường như là một bổn phận thiêng liêng và cũng là niềm hạnh phúc của người Phật tử tại gia ở các xứ này.
Họ xem như một bổn phận hàng ngày, một bổn phận tự nguyện chân thành cần làm và nên làm vào mỗi buổi sáng sớm trước khi mặt trời ló dạng và trước các công việc khác trong ngày.
Nhìn những nhà sư áo vàng đi khất thực và những người dân Phật tử thành kính quỳ xuống dâng thức ăn cho sư, lòng tôi không khỏi dâng tràn niềm cảm xúc.
Khởi đầu một ngày sống như vậy thì thật khó mà làm điều gian, điều ác, khó mà nói những điều điêu ngoa xảo quyệt, khó mà tranh dành hơn thua trong ngày.
Hạnh phúc thay cho người dân xứ Lào, thanh bình thay cho quốc gia Lào.
Nhóm Phật tử người Việt từ California
Các cô thiếu nữ Phật tử Lào
Một chú bé Lào
Hai vợ chồng người Thuỵ Sĩ đang cúng dường