Sau bài “Một bức ảnh, hai cách nhìn” của chúng tôi, có nhiều ý kiến tiếp tục trao đổi. Nhưng có một đặc điểm chung, là sự lẫm lẫn trong những ý kiến đó quá nhiều. Điều đó dẫn đến một hệ quả mặc nhiên, là từ sự lẫm lẫn, những nội dung bàn luận tiếp sau đó tất yếu không có giá trị. Vì vậy, chúng tôi định thôi không trao đổi nữa, sau khi đưa những thông tin mang tính chất tư liệu.
Tuy nhiên, vì mới đây lại có một bạn đọc viết ý kiến phản hồi tương đối dài, mà rất tiếc lại lầm lẫn nữa! Vì vậy, chúng tôi xin trở lại vấn đề một lần nữa trước khi thôi. Bàn luận trong sự lầm lẫn thì có ích lợi gì? Nhưng cũng cần chỉ ra những lầm lẫn, để thấy những nội dung đưa ra sau đó là vô giá trị do đâu, đáng tiếc từ chỗ nào.
1. LẦM… ẢNH!
Đây là đỉnh cao của việc lầm lẫn, đến mức khó tin, nhưng lạ thay đã xảy ra, một cách kỳ cục.
Quả thật tôi ngơ ngác khi bạn đọc nói đến một tấm ảnh có “bắt tay”. Thì ra bạn đọc đã lầm sang một bức ảnh khác, dường như là bức dùng để minh họa bài viết đăng trên trang tin Phattuvietnam.net. Bức này có cảnh bắt tay của một vị hòa thượng.
Thế là lầm to. Bức ảnh và những bức loại như thế mà tôi nói đến là chuyện cách đây đã gần 1 năm, hồi chuyện chúc tết năm trước. Còn bức bị lầm sang thì mới chụp đây. Địa điểm cũng khác. Những bức mà tôi nói đến ĐỀU LÀ SỰ KIỆN Ở CHÙA, LÃNH ĐẠO ĐẾN THĂM CHÙA, LỄ PHẬT, KÍNH TĂNG. Còn bức bạn đọc lầm sang không phải ở chùa, ở một nơi khác.
Hóa ra, bạn đọc lầm lẫn đến vậy. Người nói một đàng, kẻ nói một nẻo, không đâu vào đâu, kéo theo tên của vị hòa thượng trong bức ảnh dùng lầm. Thật là chuyện như đùa, đến hết biết.
Đến đây thì nên cười, mà không nên bàn nữa. Đã lầm đối tượng thì bàn làm gì. Không đâu vào đâu. Như một cuộc tấu hài. Ấy vậy mà, từ “bắt tay” đến phân tích “nụ cười”, rồi “cái nhìn ngước lên của hòa thượng thật tinh tế và sáng láng”. Câu chuyện, từ chỗ lầm ban đầu, đã đi lạc đề rất xa. Đã lầm thế, trách chi lạc đề, vô nghĩa, nhảm…
2. LẦM… VIỆC!
Việc chúng tôi nói đây là việc các vị lãnh đạo THĂM CHÙA, LỄ PHẬT, KÍNH TĂNG, TRỌNG THỊ PHẬT GIÁO. Một việc với chuẩn rất rõ ràng. Những chuẩn đó được liệt kê với yêu cầu phải có đủ (và/and, không phải hoặc/or).
Thế nhưng nhiều bạn đọc chỉ nói tới ảnh “chụp chung”. Hai việc hoàn toàn khác nhau! Tôi không đề cập đến những bức ảnh chụp chung, nếu không hội đủ các chuẩn ĐI CHÙA+ LỄ PHẬT+KÍNH TĂNG+ THỂ HIỆN SỰ TRỌNG THỊ PHẬT GIÁO.
Trong trường hợp này cũng quá đáng như trường hợp lầm ảnh kể trên, vì kết quả của nó vẫn là những bức ảnh khác nhau, chẳng liên hệ gì nhau, dẫn tới bàn luận sai lệch, lầm lẫn, không có giá trị gì hết.
3. LẦM VỀ VIỆC CHƯ TÔN ĐỨC KHÔNG THỰC HIỆN
Có lẽ có bạn đọc, do thấy tôi viết “Tôi không chắc kế hoạch truyền thông của tôi đạt kết quả, vì khả năng nó được thực hiện là nhỏ” nên phán ngay “Chư vị lãnh đạo Giáo hội cũng biết “thủ thuật” mà MT đã nêu, biết là MT cũng có tâm với đạo, nhưng các vị ấy không ứng dụng là vì họ thấy sai với Chánh pháp, sai với giới luật của đức Thế tôn” (phản hồi của Trúc Pháp Đăng).
Nói như thế cũng lầm lẫn như 2 trường hợp trên và người phản hồi không đi chùa, không thấy gì hết. Thực ra, tôi chỉ là người đề nghị cập nhật bằng những hình ảnh mới với những trường hợp cụ thể gần đây. Còn việc truyền thông như thế đã có cách đây 20 năm, được nhiều vị tôn đức hợp sức thực hiện bằng cách trao tặng, ở các chùa vẫn có những bức ảnh như thế. (Lầm như vậy rõ ràng là không tốt, có thể do không đi chùa hơn nữa việc truyền thông bằng hình ảnh có gì là sai với chánh pháp, sai với giới luật của đức Thế Tôn mà để nói về chư tôn đức như thế?).
Một bạn đọc khác thì ghi nhận ngược lại: “Điều này đâu có mới mẻ gì, cũng đâu có hiếm hoi” (phản hồi của bạn đọc Chánh Tín), nhưng lại nêu câu hỏi “sao anh không nhìn nhận sự hiển nhiên này”. Do kẻ lầm qua, người lầm lại, tôi không biết là hỏi ai, nên trả lời như thế nào. Còn việc chư tôn đức thực hiện hoạt động truyền thông như thế, là hiển nhiên rồi.
4. LẦM VÌ… KHÔNG NẮM LÝ LUẬN TRUYỀN THÔNG
Một số bạn đọc cho rằng tôi “lợi dụng”, cũng lầm to, vì hoạt động truyền thông là một hoạt động lấy lợi ích làm đầu, đâu cũng vậy cả. TRUYỀN THÔNG LÀ LOAN TRUYỀN NHỮNG NỘI DUNG CHỌN LỌC CÓ LỢI CHO PHÍA LOAN TIN. Có định nghĩa về truyền thông như thế. Trong truyền thông, không ai truyền thông những gì không có lợi cho mình. Như vậy, đã là truyền thông thì nói chuyện vụ lợi hay không vụ lợi là lầm với chuyện khác. Do lầm nên chuyện này cũng thành lạc đề.
5. TẠI SAO… LẦM?
Những chuyện lầm ảnh, lầm việc, lầm người, lầm thời điểm… như thế khiến chúng ta không thể nêu câu hỏi TẠI SAO? Theo tôi, là vì những người lầm chỉ thấy cái mình do lầm mà thấy trước khi tìm hiểu hiện thực, không tìm kiếm câu trả lời từ chính hiện thực. Nói cách khác là họ chấp. Cứ lướt sơ qua chuyện liên quan đến ảnh lãnh đạo đến thăm chùa, thì nghĩ ngay tới điều mình nghĩ, mình mặc cảm, chứ không tìm hiểu thấu đáo vấn đề.
Nói cách khác là cố chấp, định kiến, nên lầm, nên chấp theo những gì chủ quan mình nghĩ, mà không ra công tìm hiểu tường tận ngọn nguồn, phân biệt rõ ràng.
Nên có ý kiến mất công viết rất dài, nhưng khởi đầu đều là lầm lẫn, lại dẫn dắt thêm vào những lầm lẫn khác. Cứ thế lẫm lẫn chồng chất lầm lẫn.
Chuyện trong tháng lộn vào chuyện đã gần năm, việc lễ chùa với một loạt chuẩn miêu tả đầy đủ lầm lẫn với chụp ảnh chung, việc đã có gần 20 năm lại bảo việc chưa thực hiện lầm người trong ảnh, lầm cả ảnh cả người… Đủ kiểu lầm!
Đã lầm lẫn như thế thì không nên bàn luận nữa làm gì, vì càng bàn càng lầm. Xin đọc lại kỹ các bài viết của tôi và xin khép lại vấn đề ở đây.
Đôi khi, tôi cũng băn khoăn, không hiểu mình viết sao để một số bạn đọc lầm đến vậy. Nhưng nghĩ kỹ, có viết thêm thì cũng không làm rõ hơn được bao nhiêu. Mà lầm vẫn cứ lầm. Vì cái thành kiến, cố chấp, mặc cảm, chủ quan nặng quá. Nó khiến người ta chỉ thấy bao nhiêu đó thôi, từ trong người mình mà ra, không thể thấy chính xác được, không thể nhận diện “như thị” được.
MT