Thế giới bày ra trước mắt ta sau mỗi bàn chân vươn xa hơn về phía trước. Vậy mà cứ ngoái về, VN như nằm chực sẵn đâu đó trong lòng, trước một cảnh sắc lạ lại vươn lên từ đáy lòng sâu thẳm của kẻ viễn du.
Đã đến bờ biển Mallorca, nơi tiếng ve sôi và rừng thông thơm mùi nhựa mới, quê hương lại gọi về nghe tiếng ve thành nội và hương thông đồi Từ Hiếu xứ Huế xa xăm. Nhưng tiếng ve xứ người sao hay bằng tiếng ve anh nghe suốt thời thơ ấu, mùi thông xứ người không thơm hơn mùi thông nuôi anh khôn lớn.
Qua những ngọn đèo vĩ đại nhất thế giới trên đỉnh Himalaya, người lữ khách đứng trong mây tưởng nhớ đèo Hải Vân cách hàng ngàn cây số. Ngọn đèo ấy bé thôi nhưng trong tâm tưởng người đi nó vĩ đại hơn tất cả đoạn đường trên thế gian vì đó là gian lao đầu tiên người đi vượt qua, vì đó là con đường tâm linh đầu tiên du khách từng chứng ngộ, vì những hơi sương phủ quanh co trên đèo ngày ấy đã khai mở tình yêu quê, yêu người cho tác giả.
Đi trên phố xá Paris trang hoàng rực rỡ mà đau đáu về cái quán cóc bán bia lề đường nơi Sài Gòn ồn ã, vì người lữ thứ tin rằng nơi ấy những số phận bình dân đã chia sẻ cho nhau nhiều hơn tất cả mọi nơi trên thế giới, đó là thế gian nghĩa tình thu nhỏ.
Ngồi trên chuyến bay rời đất nước cùng những số phận phải chia ly, tác giả đã mong ngay giây phút trở về, ừ, có ai bước dài hơn tình yêu quê hương đâu. Đi là để trông về rõ hơn, toàn diện hơn, “Nẻo đi đã chứa nẻo về bao la”…
Khác với những trang sách dịch triết học và tập truyện ngắn đầy vẻ tài hoa, ngôn ngữ trong tùy bút Nguyễn Tường Bách thô ráp và ít uyển chuyển hơn. Nhưng ma lực của ngôn ngữ bình dân cũng là sự cao tay của người viết. Mộng đời bất tuyệt, tựa sách nghe hơi cổ, nhưng có gã hoài cố hương nào mà không mang trong lòng nỗi hoài cổ chứ?