Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Món Quà Pháp Bảo

Món Quà Pháp Bảo

126
Sư lấy làm hoan hỷ hôm nay thấy hai Ông Bà có cơ hội đến viếng Wat Pah Pong và thăm con là một nhà sư đang tu học tại đây. Nhưng Sư cũng lấy làm tiếc vì không có quà tặng nào để biếu Ông Bà. Tại Pháp đã có nhiều vật quý giá, nhưng Giáo Pháp thì quả thật hiếm hoi. Sư đã có qua bên đó và đã nhìn thấy tận mắt rằng ở đó không có Giáo Pháp nào khả dĩ thật sự dẫn đến thanh bình an tĩnh. Chỉ có những sự vật không ngừng khuấy động tâm tư con người.
 
Pháp là một quốc gia phồn thịnh, có đời sống vật chất phong phú dồi dào và có nhiều quyến rũ đủ loại để kích thích giác quan: sắc, thinh, hương, vị, xúc. Tuy nhiên, người không thông hiểu Giáo Pháp sẽ bị rối loạn và lạc lối giữa dòng lôi cuốn mê ly ấy. Do vậy, hôm nay Sư thân tặng hai Ông Bà một ít Giáo Pháp để mang về quê nhà như một món quà của Wat Pah Pong và Wat Pah Nanachat.
 
Giáo Pháp là gì? Giáo Pháp là cái gì có thể cắt ngang và chận đứng, làm suy giảm dần dần và tận diệt những vấn đề phiền phức và những khó khăn của nhân loại. Ðó là cái được gọi là Giáo Pháp. Và đó là cái gì phải được nghiên cứu và học hỏi hằng ngày, xuyên qua suốt kiếp sống, để mỗi khi có một cảm xúc khởi phát chúng ta có thể đối phó và vượt qua một cách an toàn.
 
Tất cả chúng ta đều phải gặp những vấn đề khó khăn, dầu sống ở Thái Lan hay trong một quốc gia nào khác. Nếu ta không biết phương cách để giải quyết ắt phải chịu đau khổ và phiền muộn âu sầu. Phép mầu có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn của đời sống là trí tuệ, và muốn thành đạt trí tuệ phải rèn luyện, phát triển và trau giồi tâm.
 
Ðối tượng của pháp môn tu tập nầy không phải ở đâu xa lạ mà nằm ngay trong thân và tâm của ta. Dầu người Phương Tây hay người Thái cũng vậy, ai ai cũng đều có thân và tâm, sắc và danh. Thân tâm rối loạn có nghĩa là con người rối loạn. Thân tâm an lạc là con người an lạc.
 
Trong thực tế, cũng như nước mưa, bản chất thiên nhiên của tâm là trong sạch. Mặc dầu vậy, nếu ta nhỏ vào nước mưa trong trẻo một vài giọt màu, màu xanh chẳng hạn, nước sẽ trở nên xanh. Nếu nhỏ màu vàng, nước sẽ vàng. Phản ứng của tâm cũng dường thế ấy. Khi vài "giọt" cảm thọ thoải mái dễ chịu được "nhỏ" vào tâm, tâm sẽ thoải mái dễ chịu. Những thọ cảm bực bội khó chịu sẽ làm cho tâm bực bội khó chịu. Giống như nước có pha màu, tâm sẽ trở nên "lu mờ", không còn trong trẻo.
 
Pha lẫn màu vàng vào nước trong, nước sẽ vàng. Pha màu xanh, nước sẽ xanh. Nước đổi màu mỗi khi pha trộn với màu. Trong thực tế, bản chất thiên nhiên thật sự của nước, dầu xanh hay vàng, vốn là trong trẻo và sạch sẽ. Trạng thái thiên nhiên của tâm cũng vậy, sạch sẽ và trong trẻo, tinh khiết và an tĩnh. Những thọ cảm khác nhau làm cho tâm trở nên rối ren cuồng loạn; tâm bị lạc lối giữa mê hồn trận, trong những cơn buồn vui lẫn lộn của cuộc sống.
 
Ðể Sư giải thích rõ thêm. Hiện giờ chúng ta đang ngồi tại khu rừng an tĩnh nầy. ở đây không có gió. Lá cây im lìm, không chao động. Khi có gió thoảng qua thì lá cây rung chuyển, phất phơ. Tâm cũng như chiếc lá. Khi tiếp nhận thọ cảm tâm cũng "rung chuyển và phất phơ" như lá, tùy thuộc và tương ứng với bản chất của loại thọ. Càng ít hiểu biết Giáo Pháp tâm càng liên tục theo đuổi những thọ cảm nhiều hơn. Nếu là cảm giác sung sướng, thọ lạc, tâm rơi vào trạng thái hạnh phúc. Nếu là đau đớn, thọ khổ, tâm sẽ bị lôi cuốn vào buồn khổ. Mãi mãi bị rối loạn! Trong cả hai trường hợp, đàng nào tâm cũng bị khuấy động.
 
Cuối cùng người ta bị loạn thần kinh. Tại sao? Bởi vì họ không hiểu biết! Họ chỉ chạy theo cảm xúc vui buồn tùy hứng và không biết phải làm thế nào để chăm sóc cái tâm của mình. Khi tâm không được ai trông nom chăm sóc thì nó giống như trẻ con không cha không mẹ, không được ai trông chừng dạy dỗ. Ðứa bé mồ côi không nơi nương tựa ắt phải sống trong tình trạng vô cùng bấp bênh, bất an toàn.
 
Cùng một thế ấy, nếu cái tâm không được giữ gìn chăm sóc, nếu nó không được rèn luyện thuần thục theo đường hướng của chánh kiến, thì rõ thật là phiền phức.
 
Phương pháp rèn luyện tâm mà Sư sẽ tặng cho quý vị hôm nay là kammatthàna. "Kamma" là hành động. "Thàna" là nền tảng. Trong Phật Giáo, đây là pháp làm cho tâm thanh bình, vắng lặng, phương pháp mà quý vị áp dụng để rèn luyện tâm. Với tâm được rèn luyện, quý vị sẽ quán chiếu thân.
 
Con người gồm có hai thành phần: thân là một, và phần kia là tâm. Chỉ có hai phần ấy. Phần mà chúng ta gọi là "thân" thì mắt thịt có thể thấy. Còn "tâm" thì không có hình tướng vật chất. Chỉ có thể thấy tâm được bằng "nội nhãn", hay "tâm nhãn", mắt của tâm. Cả hai thành phần nầy — thân và tâm — đều ở trong trạng thái luôn luôn biến chuyển, luôn luôn chao động.
 
Tâm là gì? Tâm không phải thật sự là "cái gì". Theo ngôn ngữ quy ước thông thường, tâm là cái gì cảm thọ hay tri giác. Cái gì cảm thọ và kinh nghiệm tất cả mọi cảm giác được gọi là tâm. Trong khi Sư đang ngỏ lời cùng quý vị, chính cái "tâm" của quý vị cảm nhận và hiểu biết những gì Sư nói. Âm thanh lọt vào tai, và quý vị biết Sư nói gì. Cái gì hiểu biết đó là "tâm".
 
Cái tâm ấy không có thực chất hay tự ngã. Nó không có hình thể. Nó chỉ kinh nghiệm những sinh hoạt tâm linh, thế thôi! Nếu chúng ta rèn luyện, dạy dỗ cho cái tâm ấy có được cái nhìn chân chánh (chánh kiến) nó sẽ không gặp khó khăn mà sẽ được thoải mái dễ chịu.
 
Tâm là tâm. Những đối tượng của tâm là đối tượng của tâm. Ðối tượng của tâm không phải là tâm. Tâm không phải là đối tượng của tâm. Nhằm hiểu biết rành rẽ cái tâm và những đối tượng của nó, ta nói rằng tâm là cái gì thọ nhận, và đối tượng của tâm là cái gì "thoạt nhiên nhảy vào" tâm.
 
Khi hai yếu tố — tâm và đối tượng của nó — tiếp xúc với nhau thì có thọ khởi sanh. Những thọ cảm nầy có thể tốt hay xấu, có thể lạnh, có thể nóng, đủ tất cả loại! Nếu không có trí tuệ để đối phó với những thọ cảm ấy tâm sẽ bị rối loạn.
 
Hành thiền là đường lối trau giồi tâm để có thể dùng tâm nầy làm căn bản cho trí tuệ khởi sanh. Nơi đây, hơi thở là nền tảng vật chất. Chúng ta gọi là Ànàpànasati, niệm hơi-thở-ra, thở-vào. Dùng hơi thở làm đối tượng của tâm, tức lấy hơi thở làm đề mục hành thiền, bởi vì dùng nó giản tiện nhất và cũng vì từ ngàn xưa hơi thở vẫn là trung tâm điểm của pháp hành thiền.
 
Khi có cơ hội tốt để ngồi thiền, chúng ta ngồi tréo hai chân lại, chân mặt đặt trên chân trái và tay mặt trên tay trái. Giữ lưng ngay thẳng và lập tâm tự nhủ, "Bây giờ ta sẽ buông bỏ, để cho tất cả những gánh nặng và những lo âu trôi qua". Ta không muốn điều gì sẽ gây phiền não lo âu. Trong hiện tại hãy để cho tất cả những băn khoăn lo ngại trôi qua.
 
Giờ đây hãy tập trung sự chú tâm vào hơi thở, rồi thở vào, thở ra. Trong khi nỗ lực ghi nhận và hay biết hơi thở, không nên cố ý làm cho nó dài ra hay ngắn lại. Cũng không nên làm cho nó mạnh hay yếu. Hãy để nó trôi chảy bình thường và tự nhiên. Sự chú niệm và tự hay biết mình, phát sanh trong tâm, sẽ biết hơi-thở-vào và hơi-thở-ra.
 
Hãy cứ tự nhiên thoải mái. Không suy tư điều gì. Không cần phải nghĩ đến việc nầy hay điều nọ. Chỉ có một việc phải làm là gom tâm chăm chú đặt trên hơi thở-vào và hơi-thở-ra. Không có gì khác phải làm, chỉ có bao nhiêu đó! Giữ tâm niệm vững chắc bám sát hơi-thở-vào và hơi-thở-ra, đúng ngay lúc nó xảy diễn. Khi thở vào, hơi thở bắt đầu từ chót mũi, xuống đến ngực, và chấm dứt nơi bụng. Khi thở ra thì ngược lại, bắt đầu nơi bụng, lên đến ngực và chấm dứt ở mũi. Hãy trau giồi tâm, hay biết hơi thở: 1. Tại chót mũi, 2. Ở ngực, 3. Nơi bụng. Rồi ngược lại: 1. Nơi bụng, 2. Ðến ngực và 3. Ở chót mũi.
 
Vững vàng an trụ tâm vào ba điểm ấy sẽ làm suy giảm những lo âu. Không nên suy tư đến bất luận gì khác! Hãy cứ giữ tâm ở hơi thở. Những ý nghĩ khác có thể khởi sanh. Tâm sẽ chụp lấy một đề tài nào khác và xao lãng. Không nên lo. Hãy kéo tâm về và cột chặt trở lại vào hơi thở vì hiện thời đó là đề mục của pháp hành. Có thể tâm vướng mắc trong tình trạng đang tìm hiểu hay xét đoán những cảm xúc của ta lúc bấy giờ, nhưng hãy cứ tiếp tục pháp hành, luôn luôn hay biết từ đoạn đầu, đoạn giữa, đến đoạn cuối cùng của hơi thở.
 
Ðến một lúc nào tâm sẽ luôn luôn hay biết hơi thở nơi ba điểm ấy. Khi thực hành như vậy trong một thời gian, tâm và thân sẽ quen thuộc với công trình tu tập nầy, không còn nghe mệt mỏi. Ta sẽ cảm nghe cơ thể nhẹ nhàng hơn và hơi thở sẽ trở nên ngày càng vi tế. Công phu chú niệm và tự hay biết mình sẽ canh phòng và bảo vệ tâm.
 
Chúng ta thực hành như vậy cho đến khi tâm vắng lặng và an lạc chỉ còn một. Một ở đây có nghĩa là tâm sẽ trọn vẹn và hoàn toàn an trụ vào hơi thở, sẽ bám chắc vào, không tách rời ra khỏi hơi thở. Tâm sẽ không vọng động, không rối loạn, mà ở trong trạng thái tự tại, nhàn lạc. Nó sẽ hiểu biết lúc khởi đầu, đoạn giữa và nơi chấm dứt hơi thở.
 
Ðến chừng ấy tâm thật an tĩnh, ta chỉ giữ chặt nó ở hơi thở-vào, thở-ra tại chót mũi, không còn theo dõi xuống bụng và trở lên mũi nữa. Chỉ an trụ vững chắc tâm ngay tại điểm mà hơi gió chạm vào mũi.
 
Hành như vậy được gọi là "lắng tâm", làm cho tâm trở nên vắng lặng, thoải mái dễ chịu và an lạc. Lúc ấy, khi trạng thái vắng lặng khởi sanh thì tâm dừng lại. Tâm dừng lại để chỉ an trụ vào một điểm duy nhất, hơi thở. Ðó là trau giồi, phát triển tâm thanh bình an lạc để trí tuệ có thể phát sanh.
 
Ðây là giai đoạn đầu tiên, xây đắp nền tảng cho pháp hành của chúng ta. Phải tận lực thực hành mỗi ngày, từng ngày một, bất luận ở đâu mà ta có thể hành. Dầu ở nhà, đi trên xe, nằm hoặc ngồi, phải giữ chánh niệm, hay biết và luôn luôn nhìn cái tâm của mình.
 
Ðó là pháp luyện tâm mà ta phải cố gắng thực hành trong tất cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, không phải chỉ lúc ngồi (tọa thiền) mà luôn cả khi đi, khi đứng và nằm. Ðiểm quan trọng là phải biết trạng thái tâm của mình trong mỗi khoảnh khắc. Muốn làm được vậy phải luôn luôn giữ chánh niệm, ghi nhận và hay biết. Tâm vui hay buồn? Tâm có vọng động không? Có an tĩnh không? Khi hiểu biết tâm như vậy nó sẽ trở nên vắng lặng. Tâm có vắng lặng trí tuệ mới phát sanh.
 
Với tâm vắng lặng nầy bây giờ ta hãy quán thân, đề mục hành thiền của mình. Quán chiếu từ đỉnh đầu xuống đến lòng bàn chân, và từ bàn chân trở lên đỉnh đầu. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Nhìn và thấy tóc, lông, móng, răng và da. Trong pháp hành nầy ta sẽ thấy rằng toàn thể thân mình được cấu thành do bốn nguyên tố: đất, nước, lửa và gió.
 
Những phần cứng và ở thể đặc của thân do nguyên tố đất cấu thành. Những thành phần lỏng do nguyên tố nước. Hơi, chạy lên xuống trong cơ thể do nguyên tố gió, và nhiệt độ của thân là do nguyên tố lửa.
 
Bốn nguyên tố ấy cấu hợp lại thành cái được gọi là "cơ thể con người". Tuy nhiên, khi phân chia thân nầy ra từng thành phần cấu tạo của nó thì chỉ còn lại bốn nguyên tố ấy. Chỉ có bốn nguyên tố ấy còn lại. Ðức Phật dạy rằng không có "chúng sanh" tự mình hiện hữu, không có con người, không có người Thái hay người Tây Phương, không có một cá nhân. Ðến mức cùng tột chỉ có bốn nguyên tố ấy. Chỉ có vậy thôi! Chúng ta giả định rằng có một người, một "chúng sanh", nhưng trong thực tế không có cái gì như vậy.
 
Dầu ta phân chia ra từng loại như đất, nước, lửa, gió hay hợp chung lại, và dán lên trên cái giả hợp ấy nhãn hiệu "con người", tất cả đều vô thường, phải chịu đau khổ, và vô ngã. Tất cả đều bấp bênh, không bền vững, bất ổn định, và ở trong trạng thái luôn luôn biến chuyển, không thể ngừng đổi thay, dầu trong một khoảnh khắc vi tế.
 
Thân của ta bất ổn định, hư hoại, và luôn luôn biến đổi. Tóc biến đổi, móng tay móng chân biến đổi, răng biến đổi, da biến đổi — mỗi mỗi đều biến đổi, tất cả đều hoàn toàn biến đổi.
 
Tâm của ta cũng vậy, cũng luôn luôn biến đổi. Nó không phải là tự ngã hay cái gì có thực chất. Nó không phải thật sự là "ta", cũng không phải là "chúng nó", mặc dầu tâm có thể nghĩ như vậy. Tâm có thể nghĩ đến tự sát. Tâm có thể nghĩ đến hạnh phúc, hay nghĩ đến đau khổ — nghĩ đủ chuyện. Nó không ổn định. Nếu ta không có trí tuệ và tin rằng cái tâm nầy là của mình, nó sẽ lừa dối và luôn luôn phỉnh gạt ta. Và chúng ta sẽ hạnh phúc và đau khổ, đau khổ và hạnh phúc, hết hạnh phúc đến đau khổ, hết đau khổ đến hạnh phúc, triền miên không cùng tận.
 
Tâm nầy bấp bênh, bất ổn định. Thân nầy bấp bênh, bất ổn định. Cả hai cấu hợp lại là nguồn cội của đau khổ. Cả hai cấu hợp lại không có tự ngã thường còn. Phật Giáo chỉ vạch sáng tỏ rằng cả hai không phải là một chúng sanh, không phải một người, không phải tự ngã, không phải là linh hồn trường cửu, không phải ta, không phải chúng nó — mà chỉ là những nguyên tố: đất, nước, lửa, gió. Chỉ là những nguyên tố!
 
Khi ta quán chiếu và thấy rõ rằng tất cả là vô thường, khổ và vô ngã ắt sẽ không còn bám níu vào một cái ta, một con người nam hay nữ. Cái tâm mà đã thấu triệt thông suốt như vậy sẽ hướng về trạng thái nhàm chán thế gian, về hạnh buông bỏ không luyến ái, hướng đến Niết Bàn. Tâm ấy sẽ thấy tất cả mọi sự vật là vô thường, khổ và vô ngã. Chừng ấy tâm dừng lại. Tâm là Giáo Pháp. Tham, sân, si sẽ suy giảm và biến dạng dần dần cho đến khi cuối cùng, chỉ còn có tâm — chỉ còn lại cái tâm thanh tịnh. Ðó là "pháp hành thiền".
 
Ðến đây Sư yêu cầu hai Ông Bà hãy nhận lãnh món quà Pháp Bảo mà Sư lấy làm hân hạnh trao tặng ngày hôm nay để đem về nghiên cứu học hỏi và quán tưởng hằng ngày. Xin Ông Bà hãy nhận quà tặng Giáo Pháp nầy của hai chùa, Wat Pah Pong và Wat Pah Nanachat, xem như một di sản tinh thần. Tất cả quý Sư ở đây, trong đó có con của hai Ông Bà, và tất cả quý vị Thiền Sư, trao tặng đến Ông Bà Giáo Pháp nầy để đem về Pháp quốc. Giáo Pháp nầy sẽ rọi sáng cho con đường dẫn đến trạng thái tâm an tĩnh, sẽ làm cho tâm trở nên vắng lặng, tự tại và không giao động. Thân Ông Bà có thể bị xáo trộn, nhưng tâm sẽ không bị. Những người khác trên thế gian có thể bị phiền lụy và rối ren, Ông Bà thì không. Mặc dầu trong xứ có thể bị hỗn loạn, nhưng Ông Bà sẽ không bị, bởi vì tâm của Ông Bà sẽ ở trong tình trạng đã có thấy, tâm là Giáo Pháp. Ðây là con đường chân chánh, là đường lối thích nghi.
 
Ngưỡng mong rằng trong tương lai Ông Bà sẽ còn nhớ Lời Dạy nầy.
 
Ngưỡng mong Ông Bà được an lành và hạnh phúc.
 
 
Theo: Những Lời Dạy Của Ngài Ajahn Chah
Chuyền ngữ từ Anh sang Việt: Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumanā Lê Thị Sương 
Nguồn: Buddha Sasana