Trang chủ Đời sống Ẩm thực chay “Món chay giả mặn” mang bản chất… gợi cảm

“Món chay giả mặn” mang bản chất… gợi cảm

113

Đặt tên “mỹ miều” để… nhử thực khách

Hiện nay ăn chay đã được xem như một cách để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như tim mạch, cao huyết áp, ung thư… nhưng nhiều người trong số đó đã quen ăn thịt, cá.

 

Mâm cỗ chay ở tại gia, hấp dẫn với các món ăn “giả mặn”

Vì vậy, để hút khách tới quán chay đòi hỏi công nghệ chế biến thực phẩm chay làm sao tạo ra những sản phẩm thực vật nhưng lại có hương vị của đạm động vật. Đồng thời, các món này cũng phải bắt mắt nhìn như các món mặn, để đánh lừa giác quan của những người muốn ăn chay nhưng lòng còn vương vấn mùi thịt, cá.

 Đại đức Thích Thanh Huân (Văn phòng I TƯ GHPG) cho hay: “Việc đặt tên món chay giả danh món mặn cũng là một bí quyết, thủ thuật rất hay của những nhà làm thương mại. Bí quyết đó nhằm đánh động được tính hiếu kỳ của con người”.

Theo thầy Thanh Huân thì, “gợi cảm” như vậy mới có thể lôi cuốn hấp dẫn người ăn chay. Cách đặt tên đó, ngoài việc đánh động thị hiếu tò mò của con người, còn có một tác dụng là làm cho người ta dần không gây thêm tội sát sinh hại vật nữa.

Hiện nay rất nhiều người có quan điểm hoặc sự hiểu biết chưa đúng về các món chay (cho rằng ăn chay như thế thì không đảm bảo – PV) cho nên việc tạo ra các sản phẩm chay bắt chước hình tướng của thực phẩm mặn sẽ tạo cho nhiều người có cảm giác đang ăn thức ăn mặn và họ dễ tiếp nhận đồ chay hơn.

“Con người vốn chìm đắm trong sắc dục, trong đó có ham ăn ham uống. Vì thế dù có ăn chay họ cũng chưa đoạn dứt được sự thèm muốn các món ăn mặn. Nhưng dù là món chay được làm theo hình dáng của thức ăn mặn thì đó vẫn là đồ chay, vẫn giảm thiểu được sự sát sinh” – Đại Đức Thích Thanh Huân nhấn mạnh.

Người tu không tự đặt tên “món chay giả mặn”

“Người tu đạo không phải là người đặt ra tên gọi của những thức ăn đó. Đây là lĩnh vực chuyên môn trong phạm vi thương mại. Ðã là thương mại, tất nhiên ai cũng muốn có lợi nhuận dù đó là bán thức ăn chay” – thầy Thanh Huân chia sẻ.

 

“Tên gọi chẳng qua cũng chỉ là một thủ thuật khai thác lòng thị hiếu hấp dẫn khẩu vị của con người”.

Theo lời Phật dạy, người Phật tử nên tránh những thứ dục nhiễm, những thứ có tính cách gợi cảm làm cho con người sinh tâm đắm nhiễm. Trong nhà Phật thường nêu ra hai thứ dục nhiễm: thiện nhiễm và ác nhiễm.

 Chúng ta cần phải tập cho mình những thói quen tốt, đó là thiện nghiệp. Thói quen ăn chay là một trong những thiện nghiệp mà người Phật tử cần phải phụng hành.

Theo thầy Thanh Huân, việc đặt tên món chay giả mặn, tuy mang tính thương mại nhưng vẫn là điều rất tốt. Trong một quốc gia nếu có được nhiều tiệm cơm chay và nhiều người ăn chay thì đó là một điều hạnh. Vì ít ra, cũng có nhiều người hướng thiện.

Trên thực tế, những người vào quán ăn chay hay tự tay làm đồ chay đâu phải tất cả là Phật tử. Có những người không phải là Phật tử nhưng họ thích ăn chay.

Còn người đặt tên “chay giả mặn” như thế cũng không có tội lỗi gì. Có thể nhờ vào sự gợi cảm bằng những tên gọi hấp dẫn đó mà nhiều người thích ăn chay. Khi ăn chay lâu ngày trở thành thói quen, từ đó họ sẽ phát tâm ăn chay trường luôn.

“Việc đặt tên món chay giả mặn như thế cũng là một cách hay để khêu gợi cảm giác thưởng thức háo ăn của con người. Và những thực khách thưởng thức ăn chay qua “nhãn hiệu” đồ mặn đó, nếu như có vọng tưởng nghĩ đến đồ mặn đi chăng nữa, cũng là điều tốt chớ không có gì là tội lỗi cả” – thầy Thanh Huân nhấn mạnh.

Bùi Hiền

Theo kienthuc.net.vn/channel/5423/201205/Mon-chay-gia-man-mang-ban-chat-goi-cam-1836136/

———————————————————————

Ghi chú: Vấn đề trên đây là người tại gia (người sản xuất ra đồ ăn và người ăn). Còn người xuất gia, khi ăn các "món chay giả mặn" sẽ như thế nào?