Tháng tư
Ngày 25 tháng tư
115. Vin 301
Các tỳ khưu nên phục vụ lẫn nhau
Luật Tạng, Đại Phẩm II, Chương Y Phục, Tụng Phẩm Thứ Ba, Câu 166
[166] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy đã bị té vào đống phân và nước tiểu của mình. Khi ấy, trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ananda là sa môn hầu cận, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy té và đang nằm trên đống phân và nước tiểu của chính mình, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy và nói với vị tỳ khưu ấy điều này:
– Này tỳ khưu, ngươi bị bệnh gì?
– Bạch Thế Tôn, con bị kiết lỵ.
– Này tỳ khưu, ngươi không có người phục vụ?
– Bạch Thế Tôn, không có.
– Vì sao các vị tỳ khưu lại không phục vụ ngươi?
– Bạch Ngài, con là người không có làm gì cho các vị tỳ khưu, do đó các vị tỳ khưu không phục vụ cho con.
Khi ấy đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ananda rằng:
– Này Ananda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị tỳ khưu này.
– Bạch Ngài, xin vâng.
Rồi đại đức Ananda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước và đại đức Ananda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ vị tỳ khưu phần đầu còn đại đức Ananda nâng lên ở phần chân và đặt ở trên giường. Sau đó, đức Thế Tôn nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại rồi hỏi các tỳ khưu rằng:
– Này các tỳ khưu, có phải vị tỷ khưu trong trú xá ở đằng kia bị bệnh?
– Bạch Thế Tôn, thưa có.
– Này các tỷ khưu, vị ấy bị bệnh gì?
– Bạch Ngài, đại đức ấy bị kiết lỵ.
– Này các tỷ khưu, vị ấy có người phục vụ không?
– Bạch Thế Tôn, không có.
– Vì sao các tỳ khưu lại không phục vụ vị ấy?
– Bạch Ngài, vị tỳ khưu ấy là người không làm gì cho các tỳ khưu,do đó các tỳ khưu không phục vụ vị ấy.
– Này các tỳ khưu, các ngươi không có mẹ, không có cha là những người có thể phục vụ các ngươi. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không phục vụ lẫn nhau thì khi ấy lấy ai sẽ phục vị đây? Này các tỳ khưu, vị nào có thể phục vụ ta, vị ấy nên phục vụ những người bệnh.
Ngày 26 tháng tư
Hãy khéo điều khiển tâm mình
Kinh Pháp Cú, 302
Trong quá khứ, Như Lai ta cũng từng thả tâm theo dục lạc, tham ái và buông lung. Nhưng nay với chánh niệm, ta đã điều phục được tâm ta, như người nài giỏi điều phục một thớt voi.
Người dịch: Đinh Sĩ Trang
Ngày 27 tháng tư
117. Vsm IX 22
Đừng tự hại tâm ngươi
Thanh Tịnh Đạo, Chương IX, Câu 22
“Dù ngươi bị kẻ thù làm hại
Với những điều nó có thể làm
Thì đừng nên tự hại tâm ngươi
Vốn không thuộc quyền năng của nó
Đã từ thân cắt ái xuất gia
Sao không từ bỏ luôn sân hận?
Sân tâm phá tận ngay gốc rễ
Sân tâm phá tận ngay gốc rễ
Mọi giới được ngươi đã vun bồi
Thật rõ là ngu quá đi thôi
Khi giận vì lỗi lầm kẻ khác
Ấy chứng tỏ ngươi đang bắt chước
Chính hành vi lỗi lầm của người.
Nếu kẻ kia muốn xúc não ngươi
Mà làm nhiều hành vi khả ố
Thì chính ngươi đang chìu ý nó
Để cho cơn giận bùng lên
Cơn giận dữ chưa chắc hại ai
Nhưng chắc chắn hại ngươi trước nhất
Kẻ sân trước lên đường đau khổ
Người sân sau bén gót theo sau
Nếu như ngươi là người gây hấn
Khiến kẻ kia trả đũa lại ngươi
Thì hãy nên hạ ngay cơn giận
Vì chính ngươi đã tạo lỗi lầm
Các pháp chỉ kéo dài thoáng chốc
Vậy gây nhân đã chấm dứt rồi
Sao còn ôm lòng tức giận ai?
Ai làm hại, ai đang bị hại?”
Theo: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika