Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 16, 17 và 18 tháng...

Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 16, 17 và 18 tháng năm)

94

 Tháng năm  

Ngày 16 tháng năm 
 
136. Pmj 21 
 
Pháp Phật ví như linh dược 
 
(Chú Giải Tiểu Bộ – Như Quang lược dịch) 
 
Đức Phật ví như vị lương y tài giỏi có khả năng chữa lành mọi căn bệnh phiền não. Giáo Pháp ví như linh dược; và tăng chúng – là những người với các phiền não đã được chữa trị, ví như người đã được phục hồi sức khỏe nhờ phương linh dược đó. 
 
Ngày 17 tháng năm 
 
137. Miln 318
 
Những đặc tính của Niết bàn
 
Mi Tiến Vấn Đáp, câu số 173 
 
Một là hoa sen có đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Hai là, nước có hai đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Ba là, thuốc trị độc rắn có ba đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Bốn là, biển lớn có bốn đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Năm là, vật thực có năm đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Sáu là, hư không có mười đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Bảy là, ngọc ma ni có ba đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Tám là, chiên đàn có ba đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Chín là, sữa sappi (sữa chua, bơ lỏng) có ba đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
Mười là, đỉnh núi có năm đức tính tương tợ Niết bàn. 
 
          Hoa sen có một đức tính khả dĩ từ đó chúng ta hình dung ra Niết bàn. Đức tính ấy là gì? Ấy là hoa sen không dính nước, không thấm nước. Niết bàn cũng như hoa sen vậy, có đặc tính là, nước cấu uế, nước phiền não không dính được,không thấm vào đấy được! 
 
          Vâng, xin cho nghe tiếp hai đức tính của nước. 
 
          Khi trời nóng nực, nước giúp ta tắm rửa mát mẻ, đồng thời, tẩy sạch tất cả dơ dáy, bụi bặm. Cũng tương tự thế, Niết bàn làm lắng dịu hận tâm, sân tâm; làm mát mẻ tất cả sự bực tức,bực bội, nóng nảy, ngoài ra còn tẩy rửa tất cả tâm tư, ý niệm dơ dáy, bất tịnh, tâu đại vương. 
 
          Đúng là như vậy, thế cho ta nghe ba đức tính của thuốc độc trị rắn. 
 
          Vâng, điều thứ nhất, thuốc ấy uống vào là tan độc tính. Thứ hai, uống vào là hết bệnh. Thứ ba, uống vào là ngăn được sự chết. Tương tợ như thế, Niết bàn làm tiêu vong phiền não, thứ nữa là diệt tận khổ đau, chấm dứt tham, sân, si; cuối cùng là ngăn giữ cho chúng sanh khỏi rơi vào sanh già bệnh chết. 
 
          Điều thứ tư, bốn đức tính của biển lớn là như thế nào? 
 
          Thứ nhất, biển lớn luôn giữ gìn sự trong sạch của mình, không dung chứa những xác tử thi bất tịnh; cũng vậy, Niết bàn bao giờ cũng thanh khiết,không dung chứa bất cứ sự cấu uế, bất tịnh nào.
 
          Thứ hai, biển lớn rộng mênh mông; bao nhiêu con sông lớn ngày đêm tuôn chảy vào cũng không đầy. Tương tợ như thế, Niết bàn mênh mông không thấy mé bờ; nếu vô lượng chúng sanh đời này, đời kia vào an trú, không vì thế mà Niết bàn đầy hơn. 
 
          Thứ ba, biển lớn là nơi sinh sống của hàng trăm triệu thủy tộc, tha hồ cho chúng bơi lội, vẫy vùng. Tương như thế, Niết bàn là cảnh giới của vô lượng bậc Thánh nhân vô lậu cư trú, tha hồ sống đời hạnh phúc,an lạc chơn thường. 
 
          Thứ tư,biển là nơi chôn dấu, sinh trưởng của biết bao nhiêu loài, giống, loại quý báu. Không kể ngọc, kim cương, xà cừ, pha lê, trân châu… mà còn hương liệu, tinh chất được lấy ra từ các thảo mộc chưa có tên gọi. Tương như thế, Niết bàn là nơi hội tụ của mọi loài hương hoa thơm ngát được chiết ra từ các pháp thanh tịnh, biết bao trí đức, tuệ đức quý báu; vô lượng đức tính toàn mỹ, toàn thiện không đếm xiết được. 
 
–     Đại vương thấy thế nào? Bốn đức tính của biển có tương ưng, tương hợp với Niết bàn chăng? 
 
          Quả là vậy. Xin đại đức cho nghe tiếp năm đức tính của vật thực? 
 
   Thứ nhất,vật thực nuôi dưỡng sanh mạng chúng sanh, Niết bàn cũng nuôi dưỡng đời sống bất tử của chúng sanh không cho tiêu hoại bởi già và chết. 
 
    Thứ hai, vật thực cho chúng sanh sức lực và sức mạnh, Niết bàn cũng là nơi cho chúng sanh thần lực và năng lực. 
 
   Thứ ba, vật thực làm cho tươi sắc da,Niết bàn cũng làm tươi đẹp thêm màu sắc của giới. 
 
   Thứ tư vật thực dứt sự quằn quại, xót xa do đói, thì Niết bàn cũng chấm dứt tất cả sự thống khổ, sầu muộn do phiền não. 
 
   Thứ năm, vật thực giúp chúng sanh giải quyết sự đói them, thì Niết bàn cũng làm cho tất cả sự khao khát, tham muốn thảy đều yên lặng. 
 
          Ví dụ ấy thật sít sao! Đại đức cho nghe tiếp. 
 
          Vâng, bây giờ là mười đức tính của hư không. 
 
          Thứ nhất, hư không và Niết bàn đều không già. 
 
          Thứ hai, hư không và Niết bàn đều không chết. 
 
          Thứ ba, hư không và Niết bàn đều không rời đi, rớt đi. 
 
    Thứ tư, hư không và Niết bàn đều không tái sanh. 
 
    Thứ năm, hư không và Niết bàn không ai áp chế được. 
 
     Thứ sáu, hư không và Niết bàn không ai trộm cắp hoặc sở hữu được. 
 
     Thứ bảy, hư không và Niết bàn đều không có gì dính mắc được. 
 
    Thứ tám, hư không là nơi đi lại của chim, chư thiên, người và dạ xoa có thần thông; Niết bàn là nơi đi lại của bậc thánh. 
 
    Thứ chín, hư không và Niết bàn không có gì ngăn ngại. 
 
    Thứ mười, hư không và Niết bàn là nơi mênh mông không có chỗ cuối cùng. 
 
          Hay vậy thay! Xin cho nghe về ngọc ma ni. 
 
          Ngọc ma ni có ba đức tính: Một là ngọc ma ni và Niết bàn làm cho thànhtựu sở nguyện, hai là ngọc ma ni và Niết bàn làm cho hoan hỷ, ba là ngọc ma ni và Niết bàn làm cho an lạc. 
 
          Cho nghe thêm ba đức tính về chiên đàn đỏ. 
 
          Vâng, chiên đàn đỏ và Niết bàn có ba đức tính tương tợ nhau. Trước hết, nó là cái khó tầm cầu, khó được. thứ hai, có mùi thơm không gì sánh  bằng. Sau nữa, chiên đàn đỏ được thế gian ưa thích thì Niết bàn là nơi bậc thánh ưa thích. 
 
          Thế còn ba đức tính của bơ lỏng? 
 
          Đầu tiên, bơ có màu sắc đẹp thì Niết bàn có vô lượng đức tính đẹp. Tiếp đến, bơ lỏng có vị ngon đặc biệt thì Niết bàn cũng có vị ngon đặc biệt (ấy là tuệ hương, giải thoát hương…) 
 
          Bây giờ còn năm đức tính của núi nữa, đại đức? 
 
          Một là, đỉnh núi là điểm cao nhất, Niết bàn cũng là cõi cao nhất. Hai là, đỉnh núi không hề rung chuyển, lay động thì Niết bàn cũng thế. Ba là, đỉnh núi người lên một cách khó khăn, Niết bàn người đắc cũng rất khó khăn. Bốn là, trên đỉnh núi đá không cây gì mọc được, ở Niết bàn, tham, sân, si, phiền não cũng không mọc được. Năm là,đỉnh núi và Niết bàn đều xa lìa sự thương và ghét. 
 
Ngày 18 tháng năm 
 
138. Vin 13 
 
Ví dụ về gà con 
 
Luật Tạng, Bộ Phân Tích Giới Bốn,Chương Veranja, Tụng Phẩm Veranja, Câu 3 
 
[3] Cũng giống như con gà mái có được tám, hoặc mười hoặc mười hai quả trứng. Nếu con gà mái nằm lên trên chúng đúng cách, ủ nóng đều đúng cách, ấp đúng cách và trong số các con gà con mới nở ấy, con nào dùng móng vuốt chân hoặc mỏ phá vỡ vỏ trứng và nở ra an toàn trước tiên, thì điều nên nói về con gà con ấy là thế nào, lớn nhất hay nhỏ nhất? 
 
          Thưa ngài Gotama, nên gọi nó là “con lớn nhất” bởi vì nó lớn nhất trong bầy.
 
– Này Bà-la-môn, cũng tương tợ như thế trong số chúng sanh sống trong vô mình (ví như) đang ở trong quả trứng và bị trùm kín lại, ta là người duy nhất đã phá vỡ vỏ trứng vô minh và chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác vô thượng ở trên đời. Này Bà-la-môn, ta đây là người đứng đầu và cao cả nhất của thế gian.
 
Theo: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika