Tháng sáu
Ngày 07 tháng sáu
158. A II 8
Vị chói sáng tăng chúng
Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Bốn Pháp, Phẩm Bhandagana, Câu (VI) (7) Chói Sáng Tăng Chúng
– Có bốn hạng người này, này các tỷ kheo, thông minh, được huấn luyện, không sợ hãi, nghe nhiều, trì pháp, thực hành pháp, tùy pháp, chói sáng tăng chúng. Thế nào là bốn?
Tỷ kheo, này các tỷ kheo, thông minh, được huấn luyện, không sợ hãi, nghe nhiều, trì pháp, thực hành pháp, tùy pháp, chói sáng tăng chúng. Tỳ kheo ni, này các tỷ kheo, được huấn luyện, không sợ hãi, nghe nhiều, trì pháp, thực hành pháp, tùy pháp, chói sáng tăng chúng. Nam cư sĩ, này các tỷ kheo, thông minh, được huấn luyện, không sợ hãi, nghe nhiều, trì pháp, thực hành pháp, tùy pháp, chói sáng tăng chúng. Nữ cư sĩ, này các tỷ kheo, thông minh, được huấn luyện, không sợ hãi, nghe nhiều, trì pháp, thực hành pháp, tùy pháp, chói sáng tăng chúng.
Ai là người thông minh
Là người không sợ hãi
Lại là người nghe nhiều
Và cũng hạng trì pháp
Đối với chánh diệu pháp
Thực hành pháp tùy pháp
Người như vậy được gọi
Vị chói sáng tăng chúng
Vị tỷ kheo đủ giới
Tỷ kheo ni nghe nhiều
Bậc cư sĩ tín nam
Bậc cư sĩ tín nữ
Họ chói sáng tăng chúng
Là ánh sáng tăng chúng
Ngày 06 tháng sáu
159. M I 426
Điều Như Lai Trả Lời
Tăng Bộ Chi Kinh 63, Tiểu Kinh Malunkya
Tôn giả Malunkyaputta bạch Thế Tôn:
– Ở đây bạch Thế Tôn, trong khi độc trú tịnh cư, con khởi lên ý nghĩ như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, bỏ loại ra: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường; thế giới là hữu biên hay thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một hay sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.” Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy,nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta : “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn) của Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta :“Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.
Nếu Thế Tôn biết : “Thế giới là thường còn”, Thế Tôn hãy trả lời cho con : “Thế giới là thường còn”. Nếu Thế Tôn biết : “Thế giới là vô thường”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô thường”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “ Ta không biết, Ta không thấy.”
Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là hữu biên”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là hữu biên”. Nếu Thế Tôn biết, “Thế giới là vô biên”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô biên”. Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là hữu biên” hay “Thế giới là vô biên”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “ Ta không biết, Ta không thấy.”
Nếu Thế Tôn biết: “Sinh mạng này và thân này là một”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Sinh mạng này và thân này là một”. Nếu Thế Tôn biết: “Sinh mạng này và thân này là khác”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Sinh mạng này và thân này là khác”. Nếu Thế Tôn không biết: “Sinh mạng này và thân này là một” hay “Sinh mạng này và thân này là khác”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “ Ta không biết, Ta không thấy.”
Nếu Thế Tôn biết: “ Như Lai có tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “ Như Lai có tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn biết: “ Như Lai không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “ Như Lai không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “ Như Lai có tồn tại sau khi chết” hoặc “ Như Lai không tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “ Ta không biết, Ta không thấy.”
Nếu Thế Tôn biết : “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “ Như Lai có tồn tại sau khi chết và không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết:” Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “ Ta không biết, Ta không thấy.” Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “ Ta không biết, Ta không thấy.”
– Này Malunkyaputta, Ta có nói với ông: Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả lời cho ông: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường… Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?”
-Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Hay ông có nói với ta như sau: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời cho con: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường… Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?”
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Như vậy, này Malunkyaputta, Ta không nói với ông: “Hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả lời cho ông: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường… Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”; và ông cũng không nói với ta: “Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời cho con: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường… Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Sự tình là như vậy, thời này kẻ ngu kia, ông là ai? Và ông phủ nhận cái gì?
– Này Malunkyaputta, nếu có ai nói như sau: Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường… Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết,” thời nàyMalunkyaputta, người ấy sẽ chết và không được Như Lai trả lời.
– Này Malunkyaputta, ví như người bị bắn bởi một mũi tên, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người bắn tôi tên là gì? tộc tánh là gì?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là cao hay thấp, hay là người vừa tầm.” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là người da đen, da sẫm hay da vàng?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là người thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được cây cung bắn tôi thuộc loại cung thông thường hay thuộc loại cung nỏ?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được dây cung bắn tôi, dây cung ấy làm bằng dây leo, hay cây lau, hay bằng một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được cái tên bắn tôi thuộc loại cây lau này hay cây lau khác?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được mũi tên bắn tôi, mũi tên ấy có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được cây tên bắn tôi, cây tên ấy được cuốn (parikkhittam) bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa?” Người ấy có thể nói như sau: “ Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được cái tên bắn tôi thuộc loại tên nhọn, hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như kẽm gai.” Này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì.
Cũng vậy, này Malunkyaputta, ai nói như sau: “Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn hay thế giới là vô thường… Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và không được Như Lai trả lời.
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “ Sinh mạng này và thân này là một.” Này Malunkyaputta , hay dầu cho có quan điểm: “Sinh mạng này và thân này là khác”. Này Malunkyaputta, cho dẫu có quan điểm: “ Sinh mạng này và thân này là một” hay dầu cho có quan điểm: “Sinh mạng này và thân này là khác”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu bi, khổ ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “ Thế giới này là vô biên.” Này Malunkyaputta , hay dầu cho có quan điểm: “Thế giới này là vô biên”. Này Malunkyaputta, cho dẫu có quan điểm: “Thế giới này là vô biên” hay dầu cho có quan điểm: “Thế giới này là hữu biên”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu bi, khổ ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm: “ Như Lai không tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Như Lai có tồn tại sau khi chết” hay dầu cho có quan điểm “ Như Lai không tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu bi, khổ ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm: “Như Lai có tồn tại sau khi chết và không tồn tại sau khi chết”, dầu cho có quan điểm : “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu bi, khổ ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.
Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm:
“Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, dầu cho có quan điểm : “Như Lai có tồn tại sau khi chết và không tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu bi, khổ ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.
Do vậy, này Malunkyaputta, hãy trả lời là không thọ trì những gì ta không trả lời. Hãy trả lời là thọ trì những gì ta có trả lời. Và này Malunkyaputta, điều gì ta không trả lời? “Thế giới là thường còn” là điều ta không trả lời. “Thế giới là vô thường” là điều ta không trả lời. “Thế giới là hữu biên” là điều ta không trả lời, “Thế giới là vô biên” là điều ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này là một” là điều ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này là khác” là điều ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại sau khi chết” là điều ta không trả lời, “Như Lai không tồn tại sau khi chết” là điều ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết” là điều ta không trả lời. “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” là điều ta không trả lời.
Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết –bàn, cho nên điều ấy ta không trả lời.
Và này Malunkyaputta, điều gì Ta trả lời? “Đây là khổ” này Malunkyaputta, là điều Ta trả lời. “Đây là khổ tập” là điều Ta trả lời. “Đây là khổ diệt” là điều Ta trả lời. “Đây là con đường đưa đến khổ diệt” là điều Ta trả lời.
Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy ta trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết –bàn, cho nên điều ấy ta trả lời.
Ngày 09 tháng sáu
Trong đám người mê muội vẫn có người giữ mình cao thượng
Kinh Pháp Cú 58-59
Những người Phật tử trung kiên đang sống giữa đám chúng sinh mê muội, đã đem trí huệ soi sáng thế gian, như hoa sen thanh khiết mọc lên giữa đám bùn nhơ.
Người dịch: Đinh Sĩ Trang
Theo: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika