Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 04, 05, 06 tháng ba)

Mỗi ngày một câu Phật ngôn (Ngày 04, 05, 06 tháng ba)

130

Tháng ba 

Ngày 04  tháng ba


63.
D I 64

Thu thúc ngữ căn là giới hạnh của vị tỷ kheo trong luật

 

Trường Bộ Kinh 2, Kinh Sa Môn Quả, Câu 44

 

44. Tỷ kheo từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật,chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Như vậy là giới hạnh của vị tỷ kheo trong giới luật.

 

Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sinh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sinh chia rẽ ở những người kia. Như vậy tỷ kheo ấy sống hoà hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hoà hợp, hoan hỷ trong hoà hợp, thoải mái trong hoà hợp, hân hoan trong hoà hợp. Như vậy là giới hạnh của vị ấy  trong giới luật.

 

Vị ấy từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác. Vị ấy nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật. 

 

Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật. 

 

Ngày 05 tháng ba

 

64. Sn 98

 

Cửa vào bại vong

 

Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Một, Phẩm Rắn Uragavagga, Câu (IV) Kinh Bại Vong (Parabhava) (Sn 18) 

 

98. Ai với mẹ hay cha

Già yếu tuổi trẻ hết

Tuy giàu không giúp đỡ

Chính cửa vào bại vong 

 

Ngày 06 tháng ba

65 . A IV 219 

 

Như thế nào là người nam cư sĩ

 

Tăng Bộ Chi Kinh, Chương Tám Pháp, Phẩm Gia Ch, , Câu (V)(25) Thích Tử Mahanama

 

Một thời Đức Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthy, ở khu vườn Nigodha. Rồi Thích tử Mahanama đi đến Thế Tôn,sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Thích tử Mahanama bạch Thế Tôn:

 

          Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là người nam cư sĩ.

 

          Này Mahanama, khi nào quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, cho đến như vậy, này Mahanama, là người nam cư sĩ. 

 

2- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ giữ giới?

 

          Này Mahanama, khi nào người nam cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, cho đến như vậy, là người nam cư sĩ giữ giới.

 

3- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ thực hành, vì tự lợi chứ không vì lợi tha?

 

          Này Mahanama, khi nào người nam cư sĩ thành tựu lòng tin cho mình, không khích lệ người khác thành lòng tin; thành tựu giữ giới cho mình, không khích lệ người khác thành tựu  giữ giới, bố thí cho mình, không khích khích lệ người khác thành tựu giữ giới, bố thí; muốn tự mình đi đến yết kiến các tỷ kheo,  không khích lệ người khác đi đến yết kiến các tỷ kheo; chỉ tự mình muốn nghe diệu pháp, không khích lệ người khác nghe diệu pháp; tự mình thọ trì những pháp được nghe, không khích lệ người khác thọ trì những pháp được nghe; tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì, không khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết ý nghĩa, biết pháp, thực hiện tuỳ pháp, đúng Chánh pháp, không khích lệ người khác thực hiện tuỳ pháp, đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy này Mahanama, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi, không phải vì lợi tha.

 

4- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người nam cư sĩ thực hành, vừa tự lợi vừa  lợi tha?

 

          Này Mahanama, khi nào người nam cư sĩ tự mình thành tựu lòng tin và  khích lệ người khác thành tựu lòng tin; khi nào tự mình giữ giới và  khích lệ người khác giữ giới; khi nào tự mình bố thí và khích lệ người khác bố thí; khi nào tự mình muốn đi đến yết kiến các tỷ kheo  và khích lệ người khác đi đến yết kiến các tỷ kheo; khi nào tự mình muốn nghe diệu pháp và khích lệ người khác nghe diệu pháp; khi nào tự mình thọ trì những pháp được nghe và khích lệ người khác thọ trì những pháp được nghe; khi nào tự mình suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì và  khích lệ người khác suy nghĩ đến ý nghĩa các pháp đã thọ trì; sau khi tự mình biết ý nghĩa, biết pháp, thực hiện tuỳ pháp, đúng Chánh pháp, khích lệ người khác thực hiện tuỳ pháp, đúng Chánh pháp. Cho đến như vậy này Mahanama, là nam cư sĩ thực hành vì tự lợi và lợi tha.  

 

Nguyên tác: Daily Readings from the Buddha’s Words of Wisdom của Đại đức Shravasti Dhammika