Đầu tiên tôi sẽ khảo sát, phân tích xem thử cái kiến thức “hàn lâm” của ông ta như thế nào! Thiền là gì và Minh Triết là gì! Và ông ta có hiểu Thiền là gì không? Có hiểu Minh Triết là gì không?
Đập ngay trước mắt ta là cụm từ “Thiền Minh Triết” mà ông đã dịch sang tiếng Anh là Enlightenment Meditation – xem thử có đúng với ngữ nguyên chăng?
Enlightenment: Khai sáng, giác ngộ.
– Nếu dịch “enlightenment” là “khai sáng” thì xuất xứ của nó ta được biết có từ “thời kỳ khai sáng” hay “thời đại khai sáng” mà người Anh gọi là “The Enlightenment” (Xem Wikipedia). Phong trào có tên là “Thời đại khai sáng” này xuất hiện ở châu Âu được đánh dấu niên đại từ năm 1648, hiệp ước Westphalie đến năm 1979, cách mạng Pháp – nhằm hạ bệ sự thống trị của tôn giáo trên mọi lãnh vực tín ngưỡng, tư tưởng, nhân sinh, xã hội, nhất là khoa học tự nhiên (natural science). Phong trào này người ta cho rằng, chính “lý trí và khoa học” chứ không phải tôn giáo (Thiên chúa giáo La Mã) làm cho nhân loại tiến bộ. Vậy “khai sáng” trong không-thời-gian và bối cảnh châu Âu thuở ấy có nghĩa là “lý trí khoa học” khai sáng (enlightenment) cho nhân loại qua những nghiên cứu về vật lý, sinh học, hóa học, cơ học, quang học, thiên văn học…
– Nếu dịch “enlightenment” là “giác ngộ” thì Tây phương thường dùng để chuyển tải khái niệm về sự giác ngộ của đức Phật (The Buddha’s Enlightenment). Và nếu là giác ngộ thì nó không thuộc phạm trù lý trí khoa học ở trên nữa, mà nó thuộc về trực giác tâm linh, tức là sự thấy biết chân lý, sự thật, pháp như thực tánh (sabhāva dhamma) ngay tức khắc, không qua trung gian của lý trí nhận thức hay suy luận (tưởng tri – sañjānāti hay thức tri – vijānāti). Nó thuộc lãnh vực của tuệ tri (pajānāti) hay liễu tri (ājānāti) mà học thức, trí năng của con người không bén mãng tới được.
Meditation:
– Tây phương thường dùng từ này để dịch chữ “Thiền” của Phật giáo. Có lẽ họ đã không có từ tương đương để chuyển tải chính xác nội dung của “Thiền”. Tại sao vậy?
Trong Tam Tạng kinh điển Pāḷi văn mà (hội) Pāḷi Test Society đã dịch ra tiếng Anh phổ biến từ thế ký 19-20, các nhà nghiên cứu người ta đã rất thận trọng khi dịch những thuật ngữ Phật học. Từ nào chuyển ngữ được thì họ tìm từ tiếng Anh tương đương, từ nào không chuyển ngữ được, họ dịch ý, nếu sợ bị lệch khái niệm thì họ giữ nguyên từ Pāḷi.
Ví dụ:
* Thiền định, samādhi: Người Anh họ dịch là suy ngẫm, là trầm tư, là gom tâm ý lại (concentration) hay là sự bình tĩnh, tự chủ (self-control); và phổ thông nhất là tập trung tư tưởng (meditation) vào một đối tượng. Thiền định, samādhi của Phật giáo được dịch là meditation thì tạm được. Tôi nói “tạm được” là vì suy gẫm, trầm tư, gom tâm ý lại, bình tĩnh, tự chủ hay tập trung tư tưởng đều không diễn đạt được trạng thái “buông xả” nhẹ nhàng “ly dục, ly ác pháp, đi vào định sơ thiền có tầm, có tứ” của chánh định nhà Phật. Còn nếu là dùng cho Thiền tuệ, minh sát tuệ thì ngữ nghĩa khái niệm đã sai lệch mất rồi.
*Thiền tuệ, tuệ quán hay minh sát tuệ: Chính là Thiền minh sát (vipassanā), tiếng Anh không có từ tương đương nên họ dịch ý bằng những cum từ “nhìn vào bên trong” (inward vision), “thấu hiểu bên trong” (insight), thấy biết bằng “trực giác, qua trực giác” (intuition). Hiện nay, do rất nhiều nhà sư Tây phương tu Thiền tuệ, minh sát, biết dịch sang một ngôn ngữ khác sợ khái niệm bị lệch lạc nên họ đã cẩn trọng giữ nguyên từ vipassanā – khi đề cập đến Thiền minh sát.
Vậy, nếu là Thiền Nguyên thủy (Theravāda), là Thiền có thời đức Phật thì ngài chỉ nói Định và Tuệ. Định thì phải tu “Thiền chỉ – Thiền vắng lặng” qua 40 đề mục về khái niệm (paññatti). Tuệ thì phải nội quán, minh sát ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi để thấy rõ tam tướng; tức là phải thấy thực, như chân như thực vô thường, khổ không, vô ngã; và đối tượng của nó phải là pháp như thực tánh (paramattha dhamma) không đi qua, không dính mắc nơi thế giới khái niệm. Đây chính là nội dung mà người Anh thận trọng dịch ý là “nhìn vào bên trong”, “thấu hiểu bên trong”, “bằng trực giác, qua trực giác” như trên. Tất cả các truyền thống Thiền như Thiền Đông độ, Thiền Zen Nhật Bản, Thiền các quốc độ Nam phương như Thái, Myanmar, Srilaṅkā… Thiền Trúc Lâm tam tổ – đều lấy Tứ niệm xứ, nói rõ là Thiền minh sát này làm sở y.
Do vậy, do liên hệ đề tài này, chúng ta phải bỏ công khảo sát thêm ba dòng Thiền khác nữa, đó là Thiền Đông độ của Trung Quốc, Thiền Zen của Nhật Bản và Thiền của Trúc Lâm Sơ tổ.
*Thiền Đông độ: Sơ tổ là Đạt Ma với tuyên ngôn “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.Và sự lãnh hội tâm chứng của lục tổ Huệ Năng qua bài kệ: “Bồ-đề bổn vô thụ. Minh kính diệc phi đài. Bản lai vô nhất vật. Hà xứ nhạ trần ai!”.
Do giới hạn trang viết nên chúng ta chỉ cần khảo sát hai tuyên ngôn này là biết rõ Thiền này là Thiền gì!
Đạt Ma nói, đại ý là: “Thiền của ta không y cứ trên văn tự, chữ nghĩa, nó là đường truyền riêng không lệ thuộc từ chương kinh giáo; chỉ cứ việc đi thẳng vào tâm người, nếu thấy rõ tánh thì tức khắc thành Phật”. Tuyên ngôn này rất rõ ràng, là đừng kiếm tìm nơi văn tự chữ nghĩa, kinh giáo nữa, mà hãy hạ thủ công phu tu tập nội quán, thấy rõ pháp thực tánh (sabhāva dhamma), tức là thành Phật.
“Trực chỉ nhân tâm” ấy như thế nào?
Huệ Khả thưa:
– Tâm con “không an” xin thầy “an tâm” cho con?
Tổ Đạt Ma mỉm cười (vì chắc là ngài nở nụ cười trong tâm):
– Đâu? Đâu nào? Tâm “không an” của ông đâu, đưa ra đây ta “an” cho!
Có lẽ Huệ Khả “lắng nghe” một hồi rồi thưa bạch:
– Con đã cố tìm rồi nhưng không thấy!
– Vậy là ta đã “an tâm” cho ông rồi đó!
Đúng thế! Vậy là tổ “đã an” rồi! An mà không an gì cả! Truyền tâm mà chẳng truyền cái tâm nào cả. Hóa ra, Đạt Ma dạy quán “tâm pháp” đó thôi! Tại sao? Vì khi Huệ Khả quay lại tìm kiếm tâm, quán tâm, lắng nghe tâm thì khi ấy chính ông ta đã khởi tuệ tri (pajānāti) để nhìn ngắm. Và ông ta đã “tuệ tri được cái tâm bất an” ấy, đã nhìn như thực nó, nhìn ngay cái bản lai diện mục của nó, không đánh giá, không phê phán, không thủ, không xả! Đây đúng là bản sao y gần như nguyên văn câu kệ Pāḷi trong kinh Tứ niệm xứ, đức Phật dạy về lắng nghe tâm, quán tâm, minh sát tâm: “Asamāhitaṃ vā cittaṃ asamāhitaṃ cittaṃ ti pajānāti (Tâm bất an, tuệ tri tâm bất an). Hoặc là: “Thấy như thực thấy, nghe như thực nghe… biết như thực biết…” nhan nhản trong các Nikāya. Cái “tâm bất an” ấy chính là cái đang là, đang hiện thực, đang hiện tiền, nó chính là cái thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko); nó chính là pháp như thực tánh (sabhāva dhamma). Rõ ràng là do nhờ căn trí cao, Huệ Khả tức khắc “ngộ” ra nên quỳ xuống sụp lạy. Vậy là ông ta được trao tâm ấn làm đệ nhị tổ Thiền Đông độ. (1)
Thật ra, đây chỉ là một cách “truyền tâm, quán tâm” mang cá tính, bản sắc Trung Quốc, nhưng cũng là vọng âm ngàn đời của minh sát vipassanā có được từ Thiền Nguyên thủy vậy.
Còn Huệ Năng thì ngài đề cập thẳng vào cái tánh của giác ngộ, bồ-đề (bodhi), cách nói khác của tánh không (Suññatā-Śūnyatā).Ở trong tánh không rốt ráo hay tuệ “thâm bát-nhã – gambhīrapaññā” (2) thì không tồn tại một chút gì của thế giới hữu vi (ly tứ cú, tuyệt bách phi) thì chỗ nào, vật nào ở đâu mà dính bụi bặm phiền não? Đây là tổ khơi mở lối vào thế giới thực tánh (paramattha dhamma) của tuệ giác bên kia bờ (đáo bỉ ngạn). Vậy, Thiền của tổ Huệ Năng cũng được “truyền đèn nối lửa” từ Đạt Ma, từ Thiền vipassanā Nguyên thủy.
*Thiền Zen Nhật Bản:
Nhật Bản tiếp thu Thiền Đông độ, dung hợp với tín ngưỡng cổ truyền cùng thần đạo dân tộc, vận dụng sáng tạo để biến ra Thiền Zen cho hợp với khẩu vị, hợp với bản sắc văn hóa của mình. Nhờ vậy, nó phát triển rất mạnh, đi sâu vào mọi sinh hoạt xã hội. Thật không ngạc nhiên gì, khi nơi “xứ sở hoa anh đào” này cái gì cũng Đạo cả, cái gì cũng Zen cả rất chi là rôm rả, xôm trò vậy. Nói chính xác hơn – Zen Nhật Bản đã “tận tình và tâm huyết” biến Thiền Đông độ thành “mỹ học Thiền”, thành “nghệ thuật Thiền” để phụng sự cho con dân xứ Mặt Trời.
Nhưng nếu ta thử hỏi, Thiền Zen của Nhật Bản là Định hay Tuệ? Thật ra, Zen là phát âm đọc trại của từ Jhāna mà ra. Nhưng Jhāna không mang nội dung Thiền định hay Thiền tuệ, nó cũng có nghĩa là Thiền nhưng là để chỉ các tầng Thiền, ví dụ sơ Thiền, nhị Thiền, Thiền chi (jhānaṅga)… Vậy, hóa ra, Thiền sư Suzukhi là thủ phạm sai lầm – đã dịch sai – bây giờ đã tràn lan khắp thế giới. Hay là ông ta đã cố ý chuyển ngữ sai, bởi lòng tự hào dân tộc để thầm nói rằng:“Thiền của Nhật Bản ta không phải là Định hay Tuệ của Phật Ấn Độ hay Phật Trung quốc – mà là Thiền của con cháu Thái Dương Thần Nữ!” Tuy nhiên, nói cho vui vậy thôi, chứ điều đó không quan trọng bằng nội dung mà nó chuyển tải. Suzuki là một vị Thiền sư cư sĩ, cũng là một nhà thơ Thiền – khi ông nói bằng hình tượng nghệ thuật: “Phải nắm bắt thực tại bằng bàn tay trần trụi, không mang găng tay!” Thực tại là pháp như thực tánh (sabhāva dhamma), bàn tay trần trụi là “tánh không”, không mang găng tay là rỗng không tất thảy mọi ý niệm, khái niệm dù danh hay vật. Thấy chưa, cốt tủy Thiền, qua Zen Nhật Bản cũng có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Đa phần trí thức Tây phương biết Thiền, phần nhiều là nhờ vị học giả uyên bác và thông thái này. Đọc bộ luận của Suzuki, Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch, ta thấy rõ nó cũng là bản sao của Thiền Đông Độ mà thôi. Nhưng mà nó mạnh mẽ hơn, có cá tính Nhật hơn.
*Thiền Trúc Lâm sơ tổ:
Trong một bài tiểu luận viết về vị vua này, tôi đã tóm thâu vào một đoạn văn khá dài: Người ta thường nói, Thiền Trúc Lâm Yên Tử là Thiền Việt Nam! Đây là dấu hiệu tốt, một ý thức độc lập, tự chủ muốn ly thoát cái bóng vĩ đại của đế quốc phương Bắc đã phủ trùm dân tộc ta thuộc mọi lãnh vực hơn ngàn năm qua. Tuy nhiên, cốt lõi Thiền, yếu tính Thiền, yếu chỉ Thiền là kiến tánh, thấy rõ thực tánh, liễu ngộ pháp thực tánh (sabhāva dhamma, (paramattha dhamma) thì Thiền Nguyên thủy, Thiền Đông độ, hay Zen đều giống nhau. Nếu nói là Thiền mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt thì nghe ổn hơn. Tôi nói “nghe ổn hơn” là vì điều ấy cũng chưa nói được gì, vì rằng, Phật giáo đến quốc độ nào đều mang bản sắc văn hóa bản địa của dân tộc ấy.
Ví dụ, Trung Quốc kết hợp Phật với Khổng Mạnh và Lão Trang; và sau khi Thiền Đông độ ra đời, sau Huệ Năng thì Thiền ấy trở thành Thiền phù hợp với khẩu vị, bản sắc văn hóa Trung Quốc. Nhật Bản thì kết hợp với văn hóa truyền thống và tín ngưỡng Thần đạo dân tộc mà biến thành Zen. Tây Tạng kết hợp với đạo Bon, tín ngưỡng thờ ma quỷ, huyền thuật mà thành Mật tông!
Ấy là sự thật trong lịch sử Phật giáo thế giới, không có gì là đặc thù, khu biệt và mới mẻ cả. Phải nói rằng, Trần Nhân Tông, sau khi tiếp thu trọn vẹn mọi nguồn, mọi tông phái Thiền học đương thời, ngài vận dụng thêm tư tưởng nhập thế tích cực hơn để đáp ứng với tình thế đất nước, huy động toàn bộ nhân dân không kể đạo đời, tăng tục cùng đoàn kết chống ngoại xâm, xây dựng đất nước thì khả dĩ hơn.
Tôi cũng nói “khả dĩ hơn”, vì thật ra, cái vận dụng nhập thế tích cực, đạo đời, tăng tục không có biên ranh thì đã có từ thời Lý Thánh Tông với Thiền phái Thảo Đường; và gần nhất là các Thiền sư cư sĩ như Ứng Thuận, như Tuệ Trung! Trần Nhân Tông chỉ là người tiếp lửa cho xu hướng Phật giáo nhập thế tích cực ấy!
Chính điều quan trọng nhất, mấu chốt nhất, cốt tử nhất mà chưa ai đề cập là: Thiền nhập thế ấy có được từ một vị vua trẻ tuổi từng là một bậc anh hùng lãnh đạo hai cuộc chiến tranh tự vệ oanh liệt; một nhà chính trị, quân sự kiên cương nhưng thầm lặng; một nhà ngoại giao cứng mềm tùy nghi nhẫn xả; một người xây dựng đất nước có chiến lược, có tầm nhìn xa, trông rộng; lại là một nhà văn hóa cầm đuốc dẫn đạo tiên phong phục hồi, duy trì và phát huy ngôn ngữ Việt; một Thiền sư sơ tổ Trúc Lâm đại sĩ tầm vóc lớn lao; một nhà sư thọ trì 12 pháp đầu-đà khổ hạnh, một nhà thơ trong sáng và tịnh định hồn Thiền – mới chính thật là vô tiền, khoáng hậu! Trong lịch sử thế giới, ở đâu có sự tổng hợp, tương hòa, hỗn dung kỳ diệu, tối đại thượng thừa như thế chứ? Không, không có! Và chưa hề có!
Hành trạng của sơ tổ là vậy, còn Thiền của vị ấy, ta có thể khảo sát từ 4 câu kệ được đúc kết trong bài phú “Cư trần lạc đạo” sau đây:
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Châu báu trong nhà đừng kiếm nữa
Không tâm đối cảnh, hỏi chi Thiền”.
Ta có thể diễn giải 4 câu thơ ấy, đi theo dòng chảy của cốt tủy Thiền vipassanā:
“Ở đời vui đạo” là cách nói khác của “hiện pháp lạc trú”, tức là an lạc trong hiện tại bây giờ đây, ở đời này, ngay giây khắc này. Về phương pháp lạc trú, vui đạo thì Nikāya, A-hàm hay Hán tạng có cả một tủ kinh, ai muốn tham khảo thì có thể xem (2). Phải biết “tùy duyên” mà sống. Khi ăn uống, nằm ngồi, nói năng, hành động, suy nghĩ đều phải chánh niệm, tỉnh giác… đón nhận mọi việc đến và đi một cách “thuận pháp”, đừng cưỡng cầu, vọng tưởng trái với cái tự nhiên đang là, đang xảy ra, đang cụ thể, thiết thực diễn ra trong hiện tại (thiết thực hiện tại – sandiṭṭhiko).
Tứ niệm xứ dạy rằng, đi biết đi, ăn biết ăn, nằm biết nằm, ngủ biết ngủ, suy nghĩ biết suy nghĩ… Vì là một nhà thơ nên Hương Vân đầu-đà nói cho giản dị, khiến cho ai cũng có thể lãnh hội “tâm ấn” được: “Đói thì ăn, mệt thì ngủ”! Lưu ý cho, đây là câu kệ của vị Thiền sư nên xin ai đó đừng hiểu một cách dung tục để dịch câu ấy, đại lược là: “Hễ đói thì ăn, mệt ngủ ‘khì’!”; hoặc nghĩ rằng, tổ dạy “ăn no nằm ngủ” là Thiền – thì thật là oan cho chư Phật và chư tổ ba đời!
Tiếp nữa:“Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, chỉ có pháp hiện tại, tuệ quán chính là đây”; đừng rong ruổi Đông Tây Nam Bắc, đừng tìm kiếm ở đâu nữa, châu báu nó có sẵn trong nhà, trong tâm mình, tại đây và bây giờ đây! Hãy sống với hiện tại, hãy để tâm rỗng rang khi đối cảnh. Chỉ có tâm không, tuệ không mới thấy được pháp thực tánh, như thị tánh (sabhāva dhamma). Nếu sống được như vậy thì hỏi Thiền làm chi nữa! Đây chính là Tứ niệm xứ, là vipassanā rồi!
Nói tóm lại, khi Thiền Tứ niệm xứ sang Trung Quốc thì khái niệm, cách nói, sự vận dụng đã mang bản sắc, cá tính của dân Hoa Hạ, không tránh khỏi bàng bạc ở trong đó khói sương của tư tưởng Khổng, Lão. Đại Việt thuở ấy cũng vậy, Trần Nhân Tông đã từ bản sắc văn hóa, căn cơ của người Việt để nói cho người Việt sau khi đã bác lãm, kinh qua chư kinh, chư giáo cùng mọi Thiền, mọi lục. Ai muốn tham khảo, để chứng thực cho điều này thì hãy bỏ công khám phá cái vỉa quặng ẩn sâu trong bài phú “Cư trần lạc đạo” của ngài thì sẽ thấy và hiểu.
Đến đây, ta có thể kết luận mà không sợ áp đặt, là tất cả Thiền của mọi quốc độ, xưa cũng như nay đều được khởi xuất từ Thiền minh sát vipassanā cả thảy.
Còn đạo sư Duy Tuệ? Ta chưa vội đi vào nội dung cái gọi là “cẩm nang” của ông ta, nhưng cụm từ Thiền Minh Triết mà tác giả dịch là Enlightenment Meditation – thì nghĩa nó ra làm sao?
Như đã bàn ở trên, Thiền của ông ta là meditation, Thiền định, không phải Thiền tuệ vipassanā. Nếu là Định sâu, an trú vào các tầng Thiền thì chưa có Tuệ. Còn Minh Triết mà tác giả dịch là Enlightenment thì nó có nghĩa là “khai sáng” hay “giác ngộ”? Tác giả chữ nghĩa cũng có được vài thành, nên biết đâu ông ấy có dụng ý “ngạo mạn” dùng từ Enlightenment có nghĩa là “khai sáng” để khai sáng cho thế gian y như tuyên ngôn của lý trí khoa học thời phục hưng?
Nếu vậy là “đại loạn, đại ngông cuồng” rồi! Ông ta đã dùng công cụ của lý trí bất toàn đầy tham vọng cùng với những sở tri chắp vá, vay mượn nhiều nơi để khai sáng cho bao người?!
Còn nếu Enlightenment có nghĩa là giác ngộ thì Định (meditation-samādhi), an trú Định làm sao mà giác ngộ? Vậy thì tác giả đã sử dụng từ Minh Triết theo nghĩa nào – hay là ông ta “quay cóp” từ “Minh Triết” của hội “Minh Triết Việt” do Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai khởi xướng và cũng là giám đốc điều hành hội này trong hơn mười năm qua? Và đa phần trong đó là các bậc thức giả cha chú, trưởng thượng về tuổi tác cũng như về lãnh vực nghiên cứu, học thuật hàn lâm – hơn ông Duy Tuệ mấy cái đầu kia đấy!
Nếu vậy, do sự mù mờ về kiến thức, chắc ông ta cũng chưa hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của nó?
Thì ông Duy Tuệ hãy chịu khó nghe cho kỹ đây.
Tôi là người có viết bài tham luận cho hội “Minh Triết Việt” nhân đọc “Minh Triết phương Đông và Triết học phương Tây” của Triết gia Francois Jullien, người Pháp. (Bản Việt dịch – chủ biên: GS. Hoàng Ngọc Hiến, GS. Lê Hữu Khóa – NXB Đà Nẵng, 2004). Ở đó, tôi có đóng góp thêm ý kiến với vị triết gia khả kính này về Minh Triết của Phật. Và sau khi làm một cuộc so sánh, tỷ giảo, tôi đã chứng minh được, là Minh Triết của Phật cao siêu hơn Minh Triết của Khổng, Lão qua những tư tưởng khái niệm vô vị, vô vi, vô ý, vô cố, vô tất, vô ngã… là ở chỗ nào và như thế nào.
Cố học giả uyên bác Hoàng Ngọc Hiến rất “hứng thú” về bài viết có “tính phê phán rất nhẹ nhàng” ấy của tôi, lẫn cả “vỉa quặng” Minh Triết Phật và Minh Triết Việt mà tôi có nêu ra trong bài.
Trong hai lần ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng, đi cùng Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh với một số vị học giả, nhà nghiên cứu khác – cụ Hoàng Ngọc Hiến có nói với tôi rằng: “Triết gia Francois Jullien cũng biết vậy, biết những điều sư nói, nhưng thế giới tư tưởng Phật giáo mênh mông quá nên ông ta ‘chưa dám’ bước vào!”
Nói vậy chỉ để nhắc nhở ông Duy Tuệ, rằng là, không rõ ông có hiểu gì về Minh Triết của Phật không, mà dám cả gan sử dụng cụm từ “Thiền Minh Triết” làm nhãn hiệu để rao giảng đó đây, trong lúc triết gia nổi tiếng đương đại Francois Jullien, người Pháp kia cũng chưa dám bước vào?
Cho đến đỗi, từ thuở bình minh của triết học phương Tây, đối với Minh Triết (sagesse) chư vị triết gia cổ đại Hy Lạp cũng “kính nhi viễn chi” không dám bàn đến!
Họ chỉ biết cúi đầu, chấp tay cung kỉnh tôn vinh nó, vì “Minh Triết là của thần, con người chỉ có thể quý kính nó chứ không thể vươn tới nó được”. Từ sagesse (Minh Triết), tiếng Pháp thì Anh dịch là wisdom, Nga dịch là mudrost; rồi cũng từ đó, nội dung trường nghĩa được kiến lập từ “tư duy lý tính” mà chúng ta hiểu ngày nay là tuệ trí, duệ trí, tài trí, minh trí, trí thức, học thức, thông minh… không biết đã với tới cái sagesse kia chưa?
Những triết gia cổ đại Hy Lạp người ta rất là khiêm tốn dù sở học bác lãm, mênh mông; còn ông Duy Tuệ học hành “i-tờ-rít” gì mà dám cả gan mạo phong đạo sư để đi dạy Thiền Minh Triết khắp nơi trong nước, sang cả các quốc gia châu Âu, châu Mỹ?…
Còn Đông phương thì nói gì về Minh Triết? Tôi sẽ chỉ cho ông Duy Tuệ thấy luôn.
Nó có cũng đã từ lâu lắm! Dịch, Thi, Thư… chúng có bàng bạc, rải rác từ thời thượng cổ, sau Khổng Tử san định lại mà thành. Khổng nói lại trong Kinh Thi: “Ký minh thả triết” (sáng suốt, thấu đáo mọi việc); từ đó “dĩ bảo kỳ thân” (dùng để bảo vệ bản thân cho khỏi trái đạo). Trong Kinh Thư thì có “Duệ triết văn minh” (văn minh trí tuệ); “tri chi viết Minh Triết” (hiểu biết sự việc gọi là Minh Triết). Vậy cả Đông và Tây đều có cùng một trường nghĩa giống nhau về Minh Triết.
Tóm lại, Thiền và Minh Triết khi đã tra cứu tận ngọn nguồn, từ đó, chúng ta sẽ lần lượt mổ xẻ Thiền Minh Triết của vị “đạo sư” này ra sao! Trong cái “hồ lô” của ông ta đựng những gì! Ông ta có đi từ những Minh Triết mà chúng ta vừa khảo sát khi lập ngôn “Thiền Minh Triết”? Hay ông ta như mọi người phê phán hết chữ, hết lời – là không biết gì về Thiền, về Minh Triết lại đi dạy Thiền Minh Triết mạo danh đức đại sĩ Hương Vân đầu-đà?
Ai muốn biết cái uy lực và hiệu ứng đô-mi-nô của tiếp thị, quảng cáo, của truyền thông điện tử thời đại tin học ngày nay thì cứ đi lần theo cái địa chỉ email của [email protected] thì sẽ thấy cả một đống hỗn mang, một cái gì bất bình thường; người ta nói là còn bài bản hơn, xảo trí hơn, “quái chiêu” hơn hiện tượng Thanh Hải vô thượng sư nữa. Chúng ta hãy chịu khó bỏ chút thờ giờ vào trong mà xem một tí (tôi ghi nguyên văn):
“1- Sự phát triển của chương trình học và thực hành Thiền Minh Triết.
Các buổi thuyết giảng, chia sẻ trải nghiệm của Thiền Minh Triết do Đạo sư Duy Tuệ thuyết giảng nhiều năm qua với hàng trăm người nghe trực tuyến tại nhiều nước được cập nhật, đăng tải và chuyển thành bài viết, clip qua trang web: ww.daosuduytue.com ; www.duytue.com và ww.ungdungphathoc.vn với hàng trăm lượt đọc, lượt nghe mỗi ngày. Những bài viết, những bài giảng được biên tập và chuyển tới cộng đồng và bạn bè quốc tế qua nhiều đầu sách đã xuất bản và phát hành bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nauy và đang tiếp tục được chuyển ngữ sang tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Thái, tiếng Trung. Trang web www.duytue.com cũng đang được chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Pháp.
Các clip, bài giảng cũng được các Hiền Giả Minh Triết tuổi trẻ chia sẻ trên các mạng xã hội với hàng ngàn thành viên tham gia như Facebook, Tagged, Youtube…
1.Thiền Minh Triết đã được áp dụng tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
– Thiền Minh Triết áp dụng cho các Câu Lạc Bộ Trần Nhân Tông thuộc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam.
– Thiền Minh Triết đã phát thanh trên Đài tiếng nói Việt Nam 12 buổi liên tiếp trong chương trình CLB Người cao tuổi. Cẩm nang Thiền Minh Triết được Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam gửi tặng các CLB Người cao tuổi cấp huyện trên toàn quốc.
– Thiền Minh Triết được đưa vào áp dụng cho Trung tâm cai nghiện, Trung tâm hướng thiện, Trung tâm bảo trợ xã hội…
– Thiền Minh Triết được áp dụng trong Hội người mù Lâm Đồng, Hội người mù Khánh Hòa…
– Thiền Minh Triết được áp dụng cho tuổi trẻ qua các CLB Trần Nhân Tông Tuổi Trẻ Thăng Long và CLB Trần Nhân Tông Minh Triết Tuổi Trẻ Phía Nam, thuộc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam; qua Diễn đàn tuổi trẻ tiếp cận hành trang vào đời sống Minh Triết.
– Thiền Minh Triết được áp dụng cho viên chức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, người thành thị và nông thôn qua hệ thống nghe giảng online, sách, CD, VCD và DVD.
– Thiền Minh Triết được áp dụng trong (sic) các học giả, nhà trí thức qua các buổi Hội thảo do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam tổ chức.
– Thiền Minh Triết được áp dụng cho tăng ni, phật tử qua các buổi giảng trực tuyến của Đạo sư Duy Tuệ và qua hệ thống sách và ấn phẩm phát hành.
2. Thiền Minh Triết được áp dụng tại các nước: Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Úc Châu, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hoa Kì, C H Pháp, Thái Lan…
– Thiền Minh Triết được truyền tải qua hệ thống online và các cuộc thăm viếng của Đạo sư Duy Tuệ tại các nước.
– Tại Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch đã hình thành các hội Thiền lấy tên Trần Nhân Tông và hoạt động áp dụng Thiền Minh Triết hơn 6 năm nay. Tất cả các Hiền giả Minh Triết tại những nước này đều nhiệt tâm phát đại nguyện truyền bá Thiền Minh Triết đến cho mọi người, mọi nhà để góp phần xoa dịu nỗi đau của con người.
– Tại Úc Châu: Hội Thiền Trần Nhân Tông Minh Triết Úc Châu đã có giấy phép chính thức hoạt động vào tháng 11 năm 2009.
– Hiện nay, tại Hoa Kì đang chuận bị để ra đời Hội Thiền Minh Triết Trần Nhân Tông Hoa Kì.
– Chương trình cũng đang phát triển tại CH Pháp với một nhóm Hành giả Minh Triết trẻ trung, đầy năng lực và nhiệt huyết phát triển trong giới trẻ và từng lớp trí thức”.
Thật là kinh khiếp phải không chư vị thức giả? Tôi là tu sĩ, có tu học mấy phần, có chút nhẫn, chút xả mà cũng “rợn cả tóc gáy” những chiêu thức quỷ ma của tà đạo mượn danh chánh đạo thời nay – ở đây, ông ta mượn “vỏ Thiền” của Trần Nhân Tông:
Đành phải “hạ” một câu sáu tám nữa:
“Quái cuồng, quái quỷ, quái chiêu”
Là Thiền Minh Triết chợ chiều xúm mua”.
Lời thưa I Hồi thứ nhất I Hồi thứ hai I Hồi thứ ba I Hồi thứ tư I Hồi thứ năm I Hồi thứ sáu I Hồi thứ bảy