Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Mổ xẻ cái gọi là Thiền Minh Triết của “đạo sư” Duy...

Mổ xẻ cái gọi là Thiền Minh Triết của “đạo sư” Duy Tuệ – Hồi thứ năm: Thiền Minh Triết là gì?

150

Rồi ông giảng:

“- Là phương pháp kích hoạt (activate) không gian tĩnh lặng vô tận của đầu óc để quan sát mọi dấu hiệu hay hiện tượng đang xảy ra và vận hành trong chính nó như các suy nghĩ, ý tưởng, đánh giá, suy luận, hơn thua, thèm thuồng, nhớ tưởng về chuyện đã qua, tưởng tượng chuyện sắp đến. Làm như vậy, sẽ lấy lại được bầu trời thanh bình dễ chịu và minh mẫn, ứng xử tự nhiên và thành công, phù hợp mọi hoàn cảnh mà đầu óc vẫn luôn gìn giữ được sự hồn nhiên.

Là thường xuyên nhận biết các cảm xúc (emotion) như lo lắng, bồn chồn, khó chịu, đau buồn, tức giận, thất vọng, tuyệt vọng… đang chạy trên cơ thể để qua đó chúng mất đi và đầu óc trở lại bình yên dễ chịu và tỉnh táo, sáng suốt trước mọi biến động của hoàn cảnh.

Là các phương pháp thực hành để dừng sự tin tưởng hay lòng chấp của mình vào ý nghĩ hay ý tưởng trong đầu óc. Khi đó, một không gian tỉnh thức vô tận sẽ mở ra và cho chúng ta mọi trí tuệ cần thiết để tồn tại trong niềm vui hòa bình và hạnh phúc thật sự! Kết quả của đời sống Minh Triết là đầu óc lúc nào cũng bình yên, an lạc và một tình yêu không bị bất cứ điều kiện nào của cuộc sống hình thức và ý tưởng chi phối. Tình yêu này sẽ dâng trào và là vẻ đẹp tuyệt hảo của con người! Tình yêu này cũng cho con người ấy hạnh phúc vô tận bởi sự chứng ngộ tình yêu chân thật, chứ không phải tình yêu theo ý nghĩ và thoả mãn ý nghĩ của mình.

Là bí quyết thưởng thức niềm vui và hạnh phúc bên trong tâm hồn. Mục đích chung nhất của Thiền Minh Triết là mở ra không gian vô tận trong đầu óc của mình”.

Quý vị đọc đi đọc lại xem. Đoạn văn này gồm hai phần. Phần một, nhân tu tập:

“Là kích hoạt (activate) không gian tĩnh lặng vô tận của đầu óc để quan sát mọi dấu hiệu hay hiện tượng đang xảy ra… ví dụ như suy nghĩ, ý tưởng, đánh giá, suy luận, hơn thua, thèm thuồng, nhớ tưởng về chuyện đã qua, tưởng tượng chuyện sắp đến. Là thường xuyên nhận biết các cảm xúc (emotion) như lo lắng, bồn chồn, khó chịu, đau buồn, tức giận, thất vọng, tuyệt vọng…”

Và phần hai, quả tu tập:

“Làm như vậy, sẽ lấy lại được bầu trời thanh bình dễ chịu và minh mẫn, ứng xử tự nhiên và thành công, phù hợp mọi hoàn cảnh mà đầu óc vẫn luôn gìn giữ được sự hồn nhiên. Khi đó, một không gian tỉnh thức vô tận sẽ mở ra và cho chúng ta mọi trí tuệ cần thiết để tồn tại trong niềm vui hoà bình và hạnh phúc thật sự! Kết quả của đời sống Minh Triết là đầu óc lúc nào cũng bình yên, an lạc và một tình yêu không bị bất cứ điều kiện nào của cuộc sống hình thức và ý tưởng chi phối. Tình yêu này sẽ dâng trào và là vẻ đẹp tuyệt hảo của con người! Tình yêu này cũng cho con người ấy hạnh phúc vô tận bởi sự chứng ngộ tình yêu chân thật, chứ không phải tình yêu theo ý nghĩ và thoả mãn ý nghĩ của mình”.

Đây là ông Duy Tuệ “thó” ngay Tứ niệm xứ của đức Phật mà làm của mình. Tứ niệm xứ là cả một đại dương, cái đầu óc vỏ hến của ông chỉ múc được mấy giọt rồi đem ra giảng nói.

Phần một, ông nói lung tung, lẫn lộn giữa những cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ, ý nghĩ, tưởng tượng nhưng đức Phật chỉ tóm gọn nơi minh sát “thọ” và “tâm” (thân, thọ, tâm, pháp). Thọ, cảm giác, cảm xúc là nó gồm tất thảy niềm vui, nỗi buồn, khổ và lạc, cả hoan lạc, thích thú, ưu tư, lo lắng, sợ hãi, thất vọng, tuyệt vọng... Tâm là gồm suy nghĩ, ý nghĩ, tưởng tượng, vọng tưởng, gồm cả tham lam, khao khát, nóng nảy, giận dữ, sân hận, si mê và cả khi không có tham, sân, si, nhẹ nhàng, thư thái, nhu nhuyến, mềm mại, tâm dục giới, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới…

Minh sát một cách khách quan, trung thực, như thực, không phê phán, không đồng hóa. Chúng như thế nào thì minh sát chúng như thế, đúng như thực tướng mà nó là.

Người tu tập minh sát không phải bỏ khổ tìm vui, không tránh bất an tìm an, không lìa thất vọng được hy vọng. Chúng chính là hai mặt của thực tại. Tu minh sát tuệ càng ngày càng trong sáng thì tâm như tấm kính trong suốt, không bụi bặm có thể phản ảnh trung thực những thọ, nhưng tâm đến và đi, sinh và diệt một cách rõ ràng. Những tham ưu ở đời sẽ không còn nữa, trí minh, tuệ minh được thường trực thắp sáng nên thấy rõ tam tướng. vô thường, vô ngã của tâm và pháp.

Còn ông Duy Tuệ nói sao? Ông bảo tu như thế, chỉ “quan sát thọ và tâm lẫn lộn” – mà khi đó, “một không gian tỉnh thức vô tận sẽ mở ra và cho chúng ta mọi trí tuệ cần thiết để tồn tại trong niềm vui hòa bình và hạnh phúc thật sự! Kết quả của đời sống Minh Triết là đầu óc lúc nào cũng bình yên, an lạc và một tình yêu không bị bất cứ điều kiện nào của cuộc sống hình thức và ý tưởng chi phối. Tình yêu này sẽ dâng trào và là vẻ đẹp tuyệt hảo của con người! Tình yêu này cũng cho con người ấy hạnh phúc vô tận bởi sự chứng ngộ tình yêu chân thật, chứ không phải tình yêu theo ý nghĩ và thoả mãn ý nghĩ của mình”.

Xin thưa ông “đạo sư dổm”, phát ngôn ấy của ông, mới mở tâm trí quan sát mà có được trí tuệ, có niềm vui hòa bình và hạnh phúc thật sự ư? Rồi còn tình yêu vô điều kiện xuất hiện? Rồi sẽ dâng trào và là vẻ đẹp tuyệt hảo gì đó nữa.

Minh sát như thực, đối tượng của nó là thế giới như thực tánh (paramattha-dhamma); nếu tu tập khắn khít, miên mật thì chân lý sẽ hiển lộ, càng thấy rõ vô thường, vô ngã – chứ làm gì có cái gọi là hạnh phúc, là tình yêu, làm gì có cái gọi là chứng ngộ tình yêu chân thật?

Lộ tẩy bán hàng giả rồi, ông bạn! Món hàng bên ngoài láng lẩy, bao bì nhãn mác trông ngon mắt nhưng bên trong là tâm địa xấu xa: Lấy bình an, hạnh phúc, tình yêu để câu nhử những người nhẹ dạ, thiển cận, tu ít mà được nhiều, mua ít mà lời to.

Thật khiếp! Tứ niệm xứ của đạo Phật là làm lắng dịu tham ưu ở đời, mọi khổ lạc, hỷ ưu đều được nhìn ngắm như thực tánh. Còn ông ta dụ dỗ, tu “vế” khổ-bất-an-tuyệt-vọng này để được “vế” kia là lạc-thanh-bình-và-hy vọng! Thế thì tôi phải bắt chước nhà thơ Trần Tế Xuơng:   

“- Phen này tôi quyết đi buôn ‘lạc’,

Quảng cáo dối gian cũng đắt hàng!”

Thêm câu nữa:

“- Đận rày, mồm mép trơn tru khiếp,

Hạnh phúc, tình yêu lắm kẻ thèm!”

Hóa ra cái gọi là Thiền Minh Triết của ông ta là vậy đó – chỉ cuổm một tí tẹo minh sát mà đã chứng đắc hạnh phúc vô biên! Rồi phương pháp tu tập tiếp theo cũng có hai trình độ, căn bản và chuyên sâu. Cái căn bản cũng được lặp lại – là để đầu óc bình yên; và chuyên sâu là nhận rõ bản chất của suy nghĩ, tư tưởng, ý tưởng, Cái này cũng lặp lại. Và ông ta không cho biết “bản chất của chúng là cái gì” – rồi lại được thưởng thức sự nhiệm mầu của tỉnh thức? Rồi lại còn tách ý nghĩ ra khỏi sự tỉnh thức đến 99% – để thăng hoa, để sáng tạo… gì gì đó nữa. Hay ông mù tịt bản chất của suy nghĩ, ý tưởng chúng cũng như dòng sông sát-na tư tưởng trôi chảy, cũng vô thực tính, vô ngã tính?

Điều tôi vừa nói chính là ở đoạn văn rườm rà, cũ mèm của ông nói và và viết sau đây:

“- Thiền ở trình độ căn bản là để giảm stress, để đầu óc bình yên vì thiếu vắng hoạt động của suy nghĩ”.

Giảm stress thì chẳng cần theo Thiền Minh Triết của ông. Bất cứ Thiền nào cũng đạt hiệu quả này khi thư giản, buông xả. Cả những khoa tâm bịnh học, thần kinh học – chẳng cần tu Thiền mà họ cũng làm được điều đó. Món hàng này người ta bán đầy ở chợ.

“Ở trình độ này là giai đoạn ranh giới của giai đoạn hai và giai đoạn ba của cuộc đời mà tôi đã nêu trên. Nó đang chuyển hóa từ khổ đau sang chấm dứt khổ đau và trở thành người sáng tạo, hạnh phúc và yêu thương”.

Nó mới chỉ giảm sự căng thẳng của cơ bắp, nó giãn ra, nó trả lại sự vận hành nhẹ nhàng tự nhiên cho khí huyết, nhịp tim, hơi thở (thân); và khi ấy, mọi áp lực tinh thần được lắng dịu xuống (tâm). Còn cái mà ông bảo “chấm dứt đau khổ, sáng tạo, hạnh phúc và yêu thương” là ông tưởng tượng đấy, ông bán hàng dổm đấy! Vì sao? Chưa thấy thực tướng, bản chất như thực của pháp thì làm sao chấm dứt đau khổ? Chưa chấm dứt đau khổ mà ông lại khêu gợi lòng tham, khát vọng hạnh phúc và yêu thương – có nghĩa là ông lấy lòng dục mà tu tập nên sẽ đạt “bản ngã dục” to lớn hơn mà thôi!

Tôi đã tận tình lấy chánh pháp của Phật nói cho ông nghe đó. Tu như vậy thì ông sẽ đi địa ngục rồi dẫn mọi người cùng đi xuống địa ngục với ông. Chìa khóa địa ngục thầy trò ông đang nắm trong tay đó, bằng vàng ròng nguyên chất đó!

“Còn ở trình độ sâu thẳm là đi vào nhận rõ bản chất của suy nghĩ, các ý tưởng, tư tưởng để có thể làm giảm sự tàn phá của nó đối với đời sống tinh thần cũng như thể chất của mình. Ở trình độ này, Thiền sinh sẽ thưởng thức những sự nhiệm mầu của tỉnh thức và gần như chủ động đến 99% tách ý nghĩ ra khỏi tỉnh thức. Ở giai đoạn 2, Thiền sinh sẽ tập sống đi vào giai đoạn ba của cuộc đời, giai đoạn thăng hoa tinh thần”.

“Nhận rõ bản chất của suy nghĩ, các ý tưởng, tư tưởng”. Đồng ý! Nhưng ông không nói cho người ta biết, lấy cái gì mà nhìn ngắm nó? Đầu óc, suy nghĩ ông đã chích thuốc tâm thần cho nó tê liệt rồi, ông đã vô hiệu hóa nó rồi; ông đã không cho nó thức ăn, nguyên liêu, đối tượng thì nó suy nghĩ về “cái gì”? “Cái gì”, đối tượng không có thì làm sao có ý tưởng, có tư tưởng? Đã thế, cái quả của việc nhìn ngắm ấy (không biết cái gì nhìn ngắm) , ông lại nói:

“Ở trình độ này, Thiền sinh sẽ thưởng thức những sự nhiệm mầu của tỉnh thức và gần như chủ động đến 99% tách ý nghĩ ra khỏi tỉnh thức”.

Đạo Phật dùng tuệ tâm sở, tuệ không, tuệ như thực tánh, chánh kiến, tỉnh thức, minh sát để nhìn ngắm – còn ông ta lại từ cái “vô tri” mà nhìn ngắm lại phát sanh “tỉnh thức”, sự nhiệm mầu của tỉnh thức! Hơn thế nữa, lại còn tách ý nghĩ ra khỏi tỉnh thức 99%! Lập ngôn này là điên đảo! Hay ông muốn bắt chước Lão Tử để tuyên bố: “Tri bất tri, thượng!” Câu này tôi không giải, cứ để cho ông suy nghĩ đến lỏng óc, một ngàn năm ông cũng không hiểu Lão Tử muốn gởi thông điệp gì!

Và cũng từ chỗ đó, chính là nền tảng sai lầm của ông, chỗ “bất tri” của ông! Từ sai lầm, từ tà kiến này mà lập ngôn, lập thuyết thì ông đã tung bóng tối tà kiến ấy di hại cho biết bao nhiêu “con chiên” ngây thơ của ông?!

Tại sao ông không chịu nhìn rõ bản chất “tà mị, vô tri, dối vạy, điên đảo, ma giáo” của chính ông? Đây là bản chất như thực đấy! Thấy rõ bản chất ấy thì ông cũng giác ngộ được kia mà!

Và đây là đề mục minh sát thiết thực, hiện tiền, cụ thể (saṅdiṭṭhiko) cho ông quán tâm đây: “Với tâm tà mị, vô tri, dối vạy, điên đảo, ma giáo – tuệ tri tâm tà mị, vô tri, dối vạy, điên đảo, ma giáo!”  Đây chính là đề mục “đang là” để ông tự cứu mình đó. Vì, khi vị ấy tuệ tri như vậy, sống quán tâm như vậy, vị ấy sẽ thấy tánh sanh khởi, tánh diệt tận, tánh sanh diệt trên tâm ấy; vị ấy phát sanh tuệ giác, tuệ minh; vị ấy sống không nương tựa (anissito), không còn chấp trước điều gì (na upādayati) ở trên đời này nữa! Chính tại chỗ này mới chuyển hóa mọi đau khổ, thưa ông!

Rồi ông còn tiếp tục dụ dỗ, muốn kéo chúng đệ tử về với mình. Đây là dã tâm thấy rõ:

“- Nhưng dù là phương pháp nào, việc gần gũi với tôi trong giai đoạn đầu là rất quan trọng, giống như quả trứng cần hơi nóng để trở thành con”.

Vậy là phải cần thầy “ấp trứng” cho đó!

Rồi những bài Thiền căn bản: Thiền ngồi, Thiền quan sát ý nghĩ, Thiền trong lúc làm việc, Thiền trong lúc đi bộ, thể thao hay khi đang dạo chơi, Thiền trong lúc đang nói chuyện công cộng. Chuẩn bị tinh thần, quần áo, địa điểm, thời gian, thời lượng… cũng đều là lượm lặt không tới nơi tới chốn nơi này và nơi khác. Đọc thấy mệt. Xưa như quả đất. Tôi không muốn ghi ra đây, sợ làm phiền thời gian của chư vị thức giả khả kính. Vì nó chỉ chứng tỏ là học trò hạng bét của các trường Thiền chân chính.

Chán cái ông này quá! Thôi kệ! tôi sẽ “tuệ tri tâm nóng nảy, tâm bực bội” khi viết những dòng này. Và cả mấy câu thơ này nữa:

“- Con cóc đáy giếng tà sư,

Nghiến răng, vỗ bụng kinh thư bằng trời!”

Lời thưa I Hồi thứ nhất I Hồi thứ hai I Hồi thứ ba I Hồi thứ tư I Hồi thứ năm I Hồi thứ sáu I Hồi thứ bảy