Thế là đã 17 năm rồi tôi rời mảnh đất thân yêu Việt Nam, để cùng gia đình định cư ở Canada, nơi đất khách quê người. Mặc dù tôi đã phù hợp và thích nghi với cuộc sống ở đây với bằng kỹ sư điện tử để đền bù một phần nào cho sự hy sinh của cha mẹ và cũng là bản tựa để sinh sống, nhưng mỗi lần xuân về thì lòng tôi cảm thấy như mất bình yên, nhiều đêm thao thức nhớ về ngày xa xưa ấy đón tết trên quê hương.
Dù đã vài lần về thăm quê hương, người thân yêu và bạn bè nhưng chẳng bao giờ may mắn rơi vào dịp Tết vì Việt Nam dùng lịch pháp theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Tây bên Canada. Vì chúng ta có quy luật nhuận một tháng của âm lịch trong vòng 3 năm nên ngày đầu năm của dịp Tết bên Việt Nam không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch.
Từng mùa xuân đến rồi xuân đi, tôi lại phải vỡ mộng hồi hương và ăn tết Việt trên đất khách. Tôi nhớ lại nhưng năm thơ ấu ở tuổi mới cấp sách đến trường, cứ cuối năm đến là lòng náo nức chờ mong đến ngày tết để được lì xì, được mua quần áo mới, được đi chơi … Ngày 30 tết là con cháu sum vầy đến nhà ông bà nội để ăn tất niên, mỗi người một việc, người thì nấu ăn, người thì chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên nào là dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài với không khí thật là đầm ấm. Sau một bữa ăn nhậu no nê là cả đại gia đình chúng tôi chơi nào là domino, lô tô, tiến lên, cát tê … để kiếm chút hên và có tiền xài lai rai trong ba ngày tết.
Ở tuổi 13, lần đầu tiên tôi đón tết Việt Nam trên xứ người, một cảm giác cô đơn lạc lõng và thêm một chút bỡ ngỡ vì chân ướt chân ráo trên đất khách. Tôi lại hồn nhiên vô tư hỏi mẹ tôi, mẹ ơi! Tết năm nay nhà mình ăn Tết không có mai vàng chắc là xui lắm, con nhớ ông ngoại vẫn hay nói, nếu hoa mai nở đúng vào lúc đón giao thừa hay nở vào sáng sớm ngày mùng một Tết thì điều đó có nghĩa là sự may mắn, thịnh vượng, và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó mà nhà mình ở bên đây làm gì có hoa mai.
Lúc đó mẹ tôi nước mắt hai hàng chảy dài nghẹn ngào chẳng nói được câu nào vì nhớ cha mẹ già bên quê nhà lần đầu tiên không được ăn Tết bên tất cả các con cháu. Cha mẹ tôi vẫn giữ văn hóa và phong tục ăn tất niên, cúng tổ tiên, chúc tết lì xì, nhưng tôi cảm thấy nó khô khan và nhạt nhẽo lắm chẳng giống như cái Tết trên quê nhà.
Thế rồi thời gian vẫn lặng lẽ trôi, 7 năm sau ở tuổi 20, gia đình tôi có dịp về thăm quê hương, nhưng nó không phải là mùa xuân như tôi mong muốn mà là mùa hè với cái nắng nóng gay gắt. Mùa hè năm ấy tôi tình cờ gặp lại một người bạn học năm xưa, vẫn mái tóc xõa ngang vai, vẫn nụ cười ấm áp, vẫn đôi mắt suy tư, như ngày nào nhưng không biết từ bao giờ cô ấy đã thu hút trái tim tôi và lần đầu tiên tôi đã lạc vào đường tình. Tôi đã được sống trong hạnh phúc với niềm tin và hy vọng 3 năm sau khi cả hai chúng tôi ra trường thì tôi sẽ trở về trong dịp tết với ý định ra giêng anh cưới em.
Nhưng dòng đời không như mình mong muốn, điểm học tôi không đạt để được ra trường và rồi lại phải thất hứa người ta. Năm tôi 24 tuổi, cô ấy đã không chờ được nữa và cất bước theo chồng. Một ngày tết Tây, lần đầu tiên tôi cảm thấy cô đơn và thất vọng, ngoài trời tuyết vẫn rơi trên những cành cây khô vơi cạn sức sống và tôi có cảm giác cô đơn đến tuyệt đỉnh. Một mình đi lang thang trên đường phố với cảnh vật yên tịnh như đã chết chìm sâu trong làn tuyết trắng băng giá.
Thế rồi lại một vài mùa xuân nữa trôi qua trên đất khách với tuổi đời chồng chất trên vai, tôi vấn cứ ước mơ có một ngày được đón Tết trên quê hương. Năm 2008, tôi lại có dịp về thăm quê hương, nhưng cũng vào mùa hè. Thời gian trôi qua như một giấc mơ, trong giấc mơ đó có cả niềm vui hạnh phúc cũng như những nỗi buồn, có những giây phút lãng mạn và giận hờn vu vơ. Chúng tôi đã có một cuộc hẹn hò, một giờ ngắm bình minh, một ngày rong chơi phiêu lãng trên khắp nẻo đường ở thành phố chìm đắm trong sường mù bên hồ Xuân Hương Đà Lạt. Chúng tôi chẳng hứa hẹn gì với nhau vì hứa nhiều sẽ thất hứa càng nhiều.
Đã thêm 3 cái Tết nữa trôi qua, vì cuộc sống, vì kinh tế, vì công việc, một lần nữa tôi lại phải đón tết Việt trên đất khách. Người ta vẫn thường ví, đàn ông thời hòa bình là người lính đấu tranh vì kinh tế, từng năm trôi qua tôi mới thấy thấm thía câu nói này vào sâu vào trí óc. Nhiều lúc tuyệt vọng đến tột đỉnh trong nỗi nhớ da diết, tôi có cảm giác như ngày về chỉ có trong mơ. Nhưng tôi vẫn nuôi một niềm tin và hy vọng sẽ có một ngày đẹp trời trong một mùa xuân nắng ấm tràn đầy sức sống, giấc mơ tương phùng đó sẽ trở thành sự thật để từ đó chúng tôi sẽ mãi mãi được ở bên nhau trong những mùa xuân yêu thương.
Ngày Về …
Trời xanh mây trắng nước phẳng lặng
Xuân đã về rồi có biết chăng
Nơi xa ngàn dặm người lữ khách
Nhớ về cố hương mơ ngày về.
Chiều nay một mình nơi xứ lạ
Tuyết trắng phủ đầy khắp lối về
Mơ đến một ngày mai nắng ấm
Mai vàng rực rỡ trên đường quê.
Có người con gái âm thầm đợi
Chẳng thấy ai kia quay trở về
Thổn thức bâng khuâng nàng tự hỏi
Chờ đến bao giờ mới tương phùng.
Ngoài kia cảnh vật khoe hương sắc
Lòng ta hiu quạnh nỗi cô đơn
Một mùa xuân nữa trên đất khách
Mơ về cố hương nhớ một người.