Phía tây dãy núi Yên Tử phần thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang là vùng đất hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp. Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa, Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đã và đang nhận được sự quan tâm của khách thập phương.
Sườn Tây Yên Tử có hàng loạt các di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, như: chùa Vĩnh Nghiêm, Suối Mỡ, Am Vãi, Hồ Bấc, khu sinh thái Đồng Thông…
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết: Nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của ngài và các đệ tử. Sau khi Phật hoàng nhập niết bàn, tổ đệ nhị Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang là hai đồ đệ của ngài đã theo con đường phía tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của phái Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng nhiều chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở mạn Bắc Giang.
Theo thông tin UBND tỉnh Bắc Giang cung cấp, các khảo sát, nghiên cứu qua nhiều năm đã chứng minh được mối liên hệ giữa chốn tổ Vĩnh Nghiêm với đỉnh thiêng Tây Yên Tử với hệ thống chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử – đó chính là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Song, theo chiều dài thời gian, nhiều chùa, tháp đã trở thành phế tích. UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Dự án “Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử”, tháng 3/2014, với mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa – tâm linh vô giá và đưa Tây Yên Tử trở thành một biểu tượng mới của du lịch Bắc Giang.
Dự án tuy mới hoàn thành giai đoạn một, với các hạng mục chính như: Khu hoàng thành, hệ thống cáp treo, chùa Hạ, chùa Thượng…, nhưng khách thập phương đã rất quan tâm. Vào thời điểm không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các công trình đã được kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng cả đường bộ và hệ thống cáp treo tạo thành sản phẩm du lịch tương đối hoàn chỉnh và kết nối với Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh). Tỉnh Bắc Giang cũng đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng Đề án “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”, dự kiến chiều dài khoảng 100 km, trải qua địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật hoàng. Sau khi hoàn thành, quần thể di tích sẽ trở thành vùng du lịch tâm linh, sinh thái lớn.