Như đề cập trong bài “Tại sao báo chí, đặc biệt là dư luận lại dậy sóng và “lên đồng” với vụ việc ở chùa Ba Vàng?”, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến lý do dư luận dậy sóng về việc thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng, đó là hiệu ứng tâm lý của dư luận khi nói về luật nhân quả.
Nói về nhân quả không dễ, nhất là nói với người chưa tu học Phật pháp, đặc biệt vào thời điểm nhạy cảm, khi con người ta đối diện và chịu đựng quả xấu do nghiệp không tốt của mình (chúng sinh sợ quả).
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, nhân nào thì quả ấy, chẳng qua Phật tử Phạm Thị Yến – chùa Ba Vàng nói về nhân quả liên quan đến nữ sinh giao gà không đúng lúc mà thôi.
Nó nhạy cảm đến nỗi Group Nói về Nhân – Quả của Phật tử này trên Facebook đã phải chuyển thành nhóm kín, người ngoài không vào được.
Đáng lẽ ra thì báo chí và truyền thông không có quyền cắt cúp, soi mói vào những video clip mà Phật tử Yến chia sẻ Phật pháp, bởi Phật tử này chia sẻ với đồng đạo của mình, những người đang tu học Phật pháp, những người có hiểu biết nhất định về nhân – quả.
Họ sẽ chẳng thấy phản cảm, cũng chẳng thấy đó là dọa dẫm, nó chỉ củng cố niềm tin vào luật nhân quả của họ mà thôi.
Nay thì một tin sét đánh ngang tai vừa được loan tải rộng rãi: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên vừa khởi tố bắt tạm giam bà Trần Thị Hiền, mẹ nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên bị sát hại ở Điện Biên. Trần Thị Hiền bị khởi tố bắt tạm giam về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Bà này là một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy ở Điện Biên.
Đến lúc này, chúng ta chưa biết thực sự lý do nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị sát hại là gì, và vì cô gái chết rất thương tâm, nên chúng ta cầu nguyện cho cô được siêu thoát, và cũng một lần nữa nhìn lại luật nhân quả ở đây biểu hiện như thế nào.
Các cụ ta thường nói: phúc đức tại mẫu, đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Nghiệp thiện và ác của cha, mẹ có thể hóa giải hoặc tạo thêm nghiệp xấu cho con cái. Nếu người mẹ buôn bán ma túy, gây ra bất hạnh, làm tan nát bao nhiêu gia đình, thì cộng nghiệp do người mẹ gây ra cho người con là không thể tránh khỏi.
Một người bạn đã từng hỏi tôi: nói đời cha ăn mặn, đời con khát nước có gì đó “sai sai”, ai làm thì người đó chịu, sao cha làm ác lại bắt con gánh ác nghiệp.
Thoạt nhìn thì câu này có vẻ không đúng với luật nhân – quả, nhưng thực ra rất dễ giải thích theo Phật pháp.
Sau khi mạng chung (chết), chúng sinh tùy theo nghiệp lực thiện hay ác lúc sinh tiền đã tác tạo, mà tái sinh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Sáu cảnh giới luân hồi là thiên, nhân, a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, và địa ngục.
Sự kết thai của chúng sinh là do ba yếu tố hỗn hợp là tinh cha, huyết mẹ và thần thức, khi hội đủ các duyên, sẽ hình thành được thai bào.
Giả sử, một người A, khi còn sống đã tạo ra những nghiệp vô cùng ác, như hiếp dâm, cướp của, giết người, nhưng vì những kiếp trước đó vẫn còn phúc báu, nên sau khi chết nghiệp lực dẫn dắt A tiếp tục làm người trong đời này, nhưng sẽ phải chịu quả báo. A sẽ đầu thai vào nhà nào?
Do nghiệp lực dẫn dắt, A sẽ đầu thai vào nhà nào mà A có nhân duyên từ những kiếp trước, và/ hoặc tạo điều kiện, hoàn cảnh (cũng là duyên) để A trả nghiệp (nợ) trong kiếp này.
Giả sử A đầu thai làm con bà X. Khi bà X buôn bán ma túy thì nó tạo ra cái duyên để A trả nghiệp trong quá khứ, đó là mâu thuẫn giữa những kẻ buôn bán ma túy, trong đó có bà X (chưa đề cập đến trường hợp A cũng tham gia buôn bán ma túy).
Biệt nghiệp lực của A, cùng với duyên đã dẫn dắt A đầu thai làm con bà X, và phải chịu quả báo do biệt nghiệp của mình cùng với cộng nghiệp đến từ bà X, do A là con bà X.
Tất nhiên, nghiệp báo là chuyện bất khả tư nghì. Trên đây là một cách giải thích mang tính phổ thông. Nói như tác giả Thích Đồng Trí, “một hiện tượng xảy ra, có nhiều loại nguyên nhân khác nhau, có khi đó là kết quả từ những nguyên nhân của quá khứ, có khi nó là kết quả của nguyên nhân trong hiện tại, có khi đó là kết quả của quy luật tự nhiên, vật lý, sinh hóa…”, nhưng cuối cùng, luật nhân quả vẫn là một quy luật khách quan.
Phật tử Phạm Thị Yến cũng chỉ là người nhắc lại quy luật khách quan ấy mà thôi, trong phạm vi của những người đến với chùa Ba Vàng vì mục đích tu học. Cắt cúp lời của Phật tử Yến, rồi đặt trong phạm vi cộng đồng, xã hội để tạo sóng dư luận, chính là hành động bất nhân của báo chí.
Nay thì Phật tử Yến đã phần nào được giải oan.
Dân mạng bày tỏ “nợ Phật tử Phạm Thị Yến một lời xin lỗi”
Bà Hiền mất con là một quả báo, và bà này phải chịu quả báo lớn hơn nữa, từ tội ác do buôn bán ma túy gây ra.