Niềm vui của chúng ta là Tết đến thì ngắm hoa mai trên cành thi nhau nở rộ, đi đâu, đến đâu cũng thấy màu vàng tươi thắm của những cánh hoa mai cười đón gió xuân. Hoa mai được tao nhân mặc khách ưa chuộng bởi nét đẹp cao quý, vương giả , hương của hoa mai nhẹ nhàng thoang thoảng không gay gắt như hoa huệ, hoa hồng. Xuân đến trăm hoa đua nở khoe sắc thắm, ngát mùi thơm nên có rất nhiều thi sĩ sáng tác những bài thơ, bài hát ca tụng mùa xuân, dẫu biết rằng mùa xuân hoa mai chỉ nở được 7 hoặc 9 ngày rồi lại cùng nhau rơi rụng một loạt tạo thành một tấm thảm xuân, một màu vàng rực rỡ.
Mỗi khi Xuân về bài thơ “Cáo thị tật chúng của Thiền sư Mãn Giác được nhắc nhở và ca tụng trong chốn thiền môn, vì bài thơ hay và mang nhiều ý nghĩa nhắc nhở đến cái suy tư, phong thái của một bậc chân tu giác ngộ khi đối diện với cái thành, trụ, hoại không của cuộc sống tạm bợ mong manh nầy:
Cáo Tật Thị Chúng
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Xuân đi, trăm hoa rụng
Xuân đến, trăm hoa khai
Đời thoáng ngang qua mắt
Tóc trên đầu bạc phai
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai.)
Những ngày Tết đón mừng một mùa Xuân, là cơ hội để chúng ta ôn cố và tri tân. Ngày đầu năm mừng tuổi cha mẹ, họ hàng, chúc tụng thầy tổ, huynh đệ, theo thông lệ của nhân gian. Đối với một người xuất gia thật ra ngày nào cũng là xuân bởi lẻ luôn nghĩ đến và báo đáp tứ ân trọng, trong đó có ân chúng sanh bao gồm Thầy, Tổ, cha mẹ và những nhân duyên ràng buộc xung quanh mình. Ân nào cũng thâm trọng đã có những bài hát ca tụng về tình mẹ, tình cha, tình thầy, tình bạn v…v.. Mùa xuân còn đẹp khi còn có mẹ, được ngồi bên cạnh mẹ, nhìn mẹ cười long lanh với đôi mắt già nua điểm hằn nhiều vết nhăn nheo cằn cỗi do cuộc đời trải bao vất vả lo lắng cho những người con của mình sinh ra. Ánh mắt trìu mến của mẹ, sự dắt dìu chăm sóc dưỡng nuôi, những kỷ niệm ngây ngô dại khờ của thời thơ ấu. Những năm sống bên cạnh hiền mẫu thân thương, rồi lìa xa mẹ để dấn thân vào con đường tu tập và học đạo. Tuy con đã rời xa vòng tay yêu thương của mẹ, nhưng trong suy nghĩ chắc chắn rằng mẹ vẫn hằng nhớ thương đứa con ngoan hiền đã xuất gia theo Phật, nối gót đức Như Lai, thực hành lời dạy của Phật. Có một bài hát ca tụng tình mẹ được mở đầu bằng bốn câu thơ trong mùa vu lan báo hiếu:
Mẹ là Phật là đại nguyện hóa thân
Mẹ là hoa hoa đẹp tuyệt trần
Mẹ là suối trong nguồn vô tận
Cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng…..
Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh của Phật. Con còn có mẹ là có một mùa xuân hạnh phúc. Với con câu thơ cuối của Thiền sư Mãn Giác trong bài thơ Cáo Thị Tật Chúng” đình tiền tạc dạ nhất chi mai – đêm qua sân trước một cành mai. Với con thì cánh mai đó chính là tình mẹ bởi vì lòng mẹ bao la như biển cả mênh mông không bờ không bến. Con chấp tay nguyện cầu cho mẹ hiền mãi sống an lành và tinh tấn tu tập trong ánh từ quang của mười phương chư Phật luôn là dòng suối ngọt ngào cho các con và các cháu của mẹ. Mẹ nhìn con mẹ cười, con nhìn mẹ con cười trong niềm vui của mẹ có con, trong niềm vui của con có mẹ vì còn mẹ là còn tất cả, còn một mùa xuân hạnh phúc trong cuộc đời tạm bợ nầy.
Tình mẹ bao la như biển hồ lai láng với những đứa con do mình sinh ra thì tình thầy trò cũng mênh mông như tình của mẹ. Với người xuất gia sống cuộc đời phạm hạnh không có những đứa con thế tục do mình tạo ra, nhưng có những người đệ tử xuất gia theo Thầy tu học. Tâm hiếu thảo và lòng biết ơn, sự thành đạt trên bước đường tu tập của những người đệ tử cũng là một niềm vui lớn lao đối với vị Thầy bổn sư của mình. Tinh thần tôn sư trọng đạo là một chất liệu dưỡng nuôi huệ mạng của người con Phật. Người thế gian có câu nói rằng: khi đã làm mẹ thì biết thương mẹ. Đối với người xuất gia thì cũng trong ý nghĩa: khi làm thầy thì biết thương thầy. Dẫu biết tất cả các thứ tình cảm đối đãi của thế gian là do nhân duyên huyển giả hợp thành nhưng còn kiếp sống nầy thì vẫn phải nương vào cái huyển đó để nhận ra cái thật.
Từ khi thọ Cụ Túc và thu nhận đệ tử để cùng hoằng hóa độ sanh, đến bây giờ tôi có được bảy vị đệ tử hiện giờ còn tiếp tục hạnh nguyện xuất gia. Người đệ tử lớn và đầu tiên là Hạnh Đạt, rồi đến Hạnh Tâm, Hạnh Nguyên, Hạnh Thông, Đức Niệm, Chú Đức Hoằng, Chú Đức Pháp ngoài ra còn có các vị về nương y chỉ tu học như thầy Quảng Ngọc, thầy Huyền Vân, thầy Vạn Thức, thầy Thị Nghĩa, chú Đức Lợi v.v… Tuy hiện giờ có vị đã đi nhận trụ trì, có vị vẫn đang còn ở bên cạnh nhưng tục lệ hằng năm đón mừng ngày tết tôi vẫn theo phong tục cổ truyền là lì xì ban thưởng cho những người đệ tử chút quà, chút lộc. Thật ra trong đó chẳng có là bao nhiêu nhưng nó vẫn dung chứa tất cả tâm tình thương yêu, bao dung, tha thứ, khuyến khích của một người Cha tinh thần, một người thầy dẫn đạo. Người đệ tử nào có mặt thì nhận phần lộc đó sau khi đón Giao thừa, còn không về họp mặt thầy trò được thì phần quà tôi vẫn để dành coi như đó là một chút lộc lưu lại cho đệ tử. Tình thầy trò cũng bao la như tình của mẹ, nguyện cầu cho những người đệ tử xuất gia của tôi luôn chân cứng đá mềm, bước đi vững chải thảnh thơi trên đường giác ngộ và tu tập với chí nguyện “duy tuệ thị nghiệp” trong ý nghĩa tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.
Xuân Giáp Ngọ 09.02.2014
Thích Nhuận Quang