Cùng hòa nhịp ấy, tôi đã không sao vơi tả đi nỗi niềm xúc động của một thanh niên, khi thấy các tỉnh thành đồng loạt tổ chức đại lễ Phật Đản năm ngoái với quy mô hoành tráng theo thông bạch của TWGHPGVN. Tôi nghĩ, đó cũng sẽ là chương trình tổ chức Phật Đản không chỉ là đầu tiên, mà còn hướng tới lễ Phật Đản cho những năm kế tiếp.
Nhưng tôi thật sự thất vọng khi cầm thông bạch hướng dẫn tổ chức đại lễ Phật Đản năm nay, 2007, là năm có nhiều họat động để chào mừng, đặc biệt là năm cuối của nhiệm kỳ V hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ VI của GHPGVN. Thông bạch không có gì thay đổi, cũng như năm ngoái mà lại không đề cập đến việc tổ chức xe hoa diễu hành đường phố… Lẽ ra, Thông bạch phải đề cập đến việc tổ chức Đại lễ Phật Đản năm nay thật sự quy mô, mới lạ, trang trọng.
Thực trạng lễ Phật Đản
Lễ Phật Đản nói chung quá buồn, vài thủ tục giới thiệu đại biểu, đọc Thông điệp Phật đản, Diễn văn Phật đản, vài tiết mục văn nghệ… rồi giải tán. Phần lễ thì sơ sài, chưa đậm sắc tâm linh, phần hội thì hầu như không có. (Thua xa lễ Giáng sinh của đạo Thiên Chúa).
Nhưng cũng đáng ghi nhận là lễ Phật đản năm 2006 vừa qua có xe hoa và một số hoạt động về hoa đăng đã làm không khí Phật đản đặc sắc hơn, nhưng cũng chỉ mới dừng lại tại đây, chưa thay đổi gì khác.
Thông bạch hướng dẫn chung chung, chưa chỉ đạo sâu sắc và đổi mới. Do đó, ở nhiều tỉnh thành, Ban Trị Sự chỉ phổ biến trong phiên họp qua loa, chưa đi sâu thực tế. Do chưa có sự thống nhất chỉ đạo kiên quyết và mạnh mẽ từ trên xuống cơ sở nên muốn tổ chức thế nào thì tổ chức.
Phật tử chưa nhận được thông bạch một cách rộng rãi của TWGH nên phần nhiều các Phật tử ở các chùa viện của các tỉnh thành không nhiệt tình hưởng ứng.
Các cấp chính quyền địa phương chưa ra sức giúp đỡ, tạo điều kiện để các Ban Trị Sự tỉnh hoàn thành trọng trách tổ chức lễ Phật Đản.
Đại lễ Phật Đản chưa thu hút được các tổ chức quảng bá du lịch, công ty du lịch cũng như các doanh nghiệp, các khu vui chơi giải trí……vào cuộc để giúp đỡ, đầu tư, để nâng lễ Phật Đản phát triển thành một lễ hội lớn.
Trong khi đó, không ở đâu xa tại sao lễ hội Quan Thế Âm tại núi Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam), hoặc lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, lễ hội Phật Giáo Huế… lại thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng vui hội, lại được các lãnh đạo chính quyền địa phương đó đứng ra hỗ trợ tổ chức, ngành du lịch đỡ đầu, quảng bá.
Hàng năm cứ vào mùa chuẩn bị Phật Đản là trên các phương tiện thông tin truyền thống Phật Giáo lại xuất hiện ý kiến đóng góp về tổ chức Phật Đản. Thế nhưng những ý kiến đóng góp chưa được các cấp lãnh đạo GHPGVN ghi nhận để nghiên cứu sáng tạo mới.
Một số Giải pháp
Cần tổ chức xe hoa, thuyền hoa diễu hành Phật Đản hàng năm, giúp nhiều người chưa biết Phật Pháp sẽ biết, đó cũng là dịp để hiển dương Phật Pháp
Phật Giáo Việt Nam nên có những buổi tuần hành đi bộ để hoằng dương chính pháp, để thu hút, khuyến khích nhiều người đến với Phật Giáo và biết rõ được ý nghĩa ngày trọng đại này, thông qua dịp lễ Phật Đản hay các dịp lễ hội khác của Phật Giáo.
Nên thiết lập những mô hình tổ chức lễ Phật Đản khác nhau, chùa này có thể tổ chức thi ngồi thiền dành cho Phật tử trẻ, chùa khác tổ chức sáng tác lồng đèn Phật Đản hoặc đố vui Phật Pháp, sáng tác bài hát mới cho Phật Giáo hoặc tạo dựng những hình ảnh mô hình cho các chùa, viện hay tọa đàm về lễ Phật Đản.
Nên tổ chức Đại lễ đồng loạt vào đêm 14/4. Nếu các chùa không đủ điều kiện tổ chức thì liên kết với các chùa, viện khác cùng tham gia tổ chức
Nên mở ra những buổi tọa đàm, hội thảo cấp TW về việc tổ chức lễ Phật Đản, mời cơ quan lãnh đạo nhà nước, và các Ban Trị Sự các tỉnh thành cũng như các tổ chức Phật Giáo ở nước ngoài đến tham dự và đóng góp ý kiến. giúp đỡ để lễ Phật Đản sớm trở thành một lễ hội Phật Giáo lớn trên thế giới.
Về việc treo cờ Phật Giáo và lồng đèn Phật Đản, nên có hướng dẫn chỉ đạo rõ hơn. Các chùa, viện nào có khả năng mạnh về kinh tế thì nên treo 50 cái hay chùa nào có điều kiện bình thường thì nên treo từ 10 – 50 cái chẳng hạn, còn chùa nào có kinh phí hạn hẹp thì treo 2 cái là có khả năng đủ rồi. Có như vậy đêm lễ Phật Đản mới có thể nhìn thấy lung linh huyền ảo, thơ mộng, tránh trường hợp chỉ có treo cờ, băng rôn thôi thì chưa đủ. Nên thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nên đề nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện giúp đỡ để lễ Phật Đản ngày càng phát triển mạnh hơn. Và cũng cần kiến nghị cho đồng bào Phật tử được nghỉ ngày Phật Đản. Nên đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp các cấp để sinh viên, học sinh có điều kiện tham gia lễ Phật Đản được thoải mái. Chẳng hạn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay lại rơi vào đúng lễ Phật Đản PL 2551, tức ngày 31/5/2007.
Nên sáng tạo ra những mô hình mới hấp dẫn trong ngày lễ Phật Đản để các chùa, viện, tư gia Phật tử tại khắp các tỉnh thành có thể trưng bày cúng dàng chư Phật trong ngày lễ Phật Đản. Các chùa, tự viện sẽ vận động Phật tử hưởng ứng. Phật Đản năm ngoái, chùa Phước Lâm, Vũng Tàu có một đạo tràng tu Bát Quan Trai 1 ngày do Thượng Tọa Thích Giác Hạnh tổ chức đã vận động cả đạo tràng cùng thỉnh đèn lồng Phật Đản về treo tại nhà. Toàn thể đạo tràng đồng tình ủng hộ, thỉnh lồng đèn về treo rất nhiều, rất hào hứng, tạo nên một không khí Phật đản lan toả rất rộng lớn. Như thế cho thấy, nếu phát động thì nhiều tín đồ Tăng ni, Phật tử sẽ hoan hỉ tham gia.
Cần liên kết với các tổ chức du lịch và những khu vui chơi giải trí để họ vào cuộc quảng bá đưa lễ Phật Đản tiến triển theo thời hội nhập. Phật Đản đã được UNESCO công nhận là một lễ hội tôn giáo thế giới, nên đề nghị Nhà nước cho các đài truyền hình, truyền thanh có những chương trình, tiết mục văn hóa văn nghệ về lễ Phật Đản để nhiều người, nhất là giới trẻ hiểu biết thêm về ý nghĩa ngày lễ trọng đại này.
Cần tạo ra những mô hình mới cho thanh niên như cắm trại, trò chơi dân gian, triển lãm ảnh, ẩm thực… về lễ Phật Đản. Có như vậy giới trẻ mới có cơ hội đến với Phật Giáo.
Cô Đỗ Thị Liễu (50 tuổi, tại 22 Phạm Thế Hiển – P.Thắng Tam, đang bán giò chả tại chợ mới Vũng Tàu): Ngày Phật Đản nên tổ chức diễu hành xe hoa và sớm có mô hình khuếch trương rầm rộ, mỗi năm phải khác nhau để khuyến hóa mọi người tham gia tu học, nhất là thanh niên hiện nay. Bác Tâm An Nguyễn Thị Nhàn (62 tuổi, tại 104/20 Xô Viết Nghệ Tĩnh – P.Thắng Tam, đang bán sạp khô la ghim tại chợ mới Vũng Tàu): Nên tổ chức diễu hành xe hoa để kỷ niệm ngày Đản Sanh và cần có nhiều mô hình để phật tử có thể trang trí tại nhà, qua đó nói lên tấm lòng người con Phật đối với ngày lễ Phật Đản, khởi động một chương trình cùng nhau tu học. Cô Trần Hồng Xuân (45 tuổi, tại 102/5/6 Lê Hồng Phong – P.4): Nên tổ chức diễu hành xe hoa ít nhiều gì cũng có 1 đến 2 chiếc để mọi người chưa biết đến Phật Pháp qua việc diễu hành này sẽ có một hướng đi đến với Đạo Phật cùng tham gia tu tập. Bên cạnh đó các chùa phải làm sao cho nhiều người nhìn thấy để phấn khởi khi đến với Phật Giáo, nhất là giới trẻ. Bác Diệu Hòa Nguyễn Thị Lan (60 tuổi, tại Nhà May Hồng Diễm đường Phan Chu Trinh – P. 2): Mỗi năm làm sao phải có diễu hành xe hoa chứ đừng để tổ chức 1 năm rầm rộ rồi năm sau không tổ chức thì không khí lễ Phật Đản sẽ càng bị đi xuống không thể đi lên để hội nhập với đất nước. Mỗi năm phải có nhiều hình thức sáng tạo cho lễ Phật Đản để nhằm làm sống lại một thời kỳ Phật Đản đã bị lãng quên bao năm. Cô Nguyễn Thị Hối (45 tuổi, ở 40, Đông Bắc Sân Bay – Phường Nguyễn An Ninh, đang là công nhân viên tại khách sạn Thái Bình Dương, đường Lê Lợi): Nên tổ chức xe hoa diễu hành vì nó phát động hoằng pháp cho những ai chưa một lần nào tìm hiểu Phật giáo sẽ có duyên đến Phật Giáo. không tổ chức xe hoa diễu hành thì không khí lễ Phật Đản sẽ buồn lắm, làm cho mọi người tin đồ Phật tử mất niềm vui và không hãnh diện được với các tôn giáo bạn. Nên có những mô hình sinh hoạt mới lạ khác trong lễ Phật Đản nhất là mô hình khuyến hóa thanh niên tự nguyện tìm đến học hỏi Phật Giáo. Anh Dương Thanh Sơn (30 tuổi, thợ máy công ty cổ phần Trung Hải – 203 Em Lê Văn Hiếu (lớp 12, Trường PTDL Lê Hồng Phong): ngày Phật đản nên tổ chức diễu hành xe hoa, vì có xe hoa thì mới tạo được một không khí sôi động, vui vẻ. Vì vậy, không thể thiếu xe hoa diễu hành được. Nếu thiếu nó coi như ngày lễ Phật Đản này mất đi tinh thần của một ngày hội lớn rồi. Nên làm sao cho người phật tử và học sinh, sinh viên có hướng tâm theo Phật được nghỉ một ngày để dự lễ Phật Đản, nên tạo dựng một sân chơi bổ ích về Phật Giáo nhằm giúp cho các thanh niên tiếp thu Phật Giáo một cách đúng đắn hơn, làm cho họ có một niềm tin vào lời Phật dạy, nếu họ đã tiếp nhận được thì sẽ giúp cho họ bình tâm và có thể áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống. Bạn Đường Ngọc Hòa (25 tuổi, ở 129/8 Võ Thị Sáu – P.2, là nhân viên phòng văn thư, bệnh viện Lê Lợi): Ngày lễ Phật Đản chúng con còn phải đi làm nên không thể tham gia được, đề xuất nhà nước cho phép tín đồ Phật tử được nghỉ một ngày, thì đây là một việc làm chúng con rất vui vì được nghỉ để dự lễ Phật Đản với một tâm thành của Phật tử trẻ chúng con hướng về Đức Từ Phụ Thích Ca. Nên tạo ra những mô hình để hướng đến Phật tử thanh niên, khuyến hóa một phong trào tu học trong giới trẻ qua những ngày hội Phật Đản này. Bạn Lê Thị Bích Lan (26 tuổi, ở tại 164 Bình Giã – P. 8): Phật Đản là một ngày để cho con gợi lên một niềm phấn khởi vui vẻ khi hiểu được nhiều lợi ích từ đạo Phật, mang đến cho con sự an lạc trong cuộc sống. Nên xây dựng nhiều mô hình, trò chơi dân gian, đố vui Phật Pháp có khen thưởng, chương trình ẩm thực chay, cắm trại cho giới trẻ, diễu hành xe hoa, thuyền hoa trên sông, biển. Ngoài ra, cần liên hệ với các khu vui chơi giải trí để họ giúp cho Phật Giáo chúng ta tuyên truyền về lễ Phật Đản; nếu có được một ngày lễ Phật Đản như thế thì giới trẻ càng ngày sẽ biết về lễ Phật Đản nhiều hơn và sẽ tự nguyện tìm đến Phật giáo.