Trang chủ Diễn đàn Mấy ý kiến qua đại hội Phật giáo các tỉnh, thành hội...

Mấy ý kiến qua đại hội Phật giáo các tỉnh, thành hội phía Bắc

101

Đến nay, hầu hết các Ban Trị sự, Ban đại diện Phật giáo các tỉnh, thành phía Bắc đã tổ chức xong Đại hội và đã đạt được những thành công viên mãn: Việc chuẩn bị nội dung báo cáo tổng kết có chất lượng, chu đáo; phân công phân nhiệm rõ ràng trong tất cả các khâu từ lễ tân, nghi lễ, trang trí khánh tiết đến tổ chức điều hành Đại hội, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Trung ương Giáo hội với Ban Trị sự các tỉnh, thành phố, giữa giáo hội địa phương với các cấp chính quyền, Mặt trận và các cơ quan chức năng sở tại…


Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề (đã được một số bài viết đề cập trên trang web phattuvietnam.net), mà Ban trị sự các tỉnh thành cần rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII:


Một là, trong khâu lễ nghi trang trí cần thống nhất về ma-ket, nơi đặt tượng Phật, treo cờ Phật và các tiêu đề đại hội, tránh rườm rà; những nội dung tế nhị không cần thiết phải tranh luận, kể cả trang phục đại biểu dự hội nghị và khách mời vì nghi lễ ở từng vùng, miền khác nhau. Vì vậy, Ban Nghi lễ Trung ương của giáo hội cần có văn bản (hoặc in thành sách) hướng dẫn thống nhất cho toàn quốc, nhất là trong những dịp lễ cụ thể như lễ Phật đản, Vu lan, Hội nghị, Đại hội… về trang trí lễ nghi, đồng thời phải hướng dẫn cho Ban Trị sự các tỉnh, thành và ở các trường Phật học thực hiện.


Hai là, về quy trình chuẩn bị cho Đai hội cần có chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ của Trung ương giáo hội và định hướng nội dung báo cáo, công tác nhân sự và nghi lễ cần thiết; sau khi chuẩn bị cần thông qua lãnh đạo Trung ương giáo hội duyệt trước khi tiến hành Đại hội. Đồng thời phải có sự liên hệ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, mặt trận các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội, nơi ăn ở đón tiếp đại biểu… để tránh những sơ suất đáng tiếc như đã xảy ra một số trường hợp mạo danh Phật tử, phóng viên, Ban Tổ chức… vào tiếp xúc với các Hoà thượng, tăng ni và các vị quan chức… nhằm vụ lợi cá nhân.


Ba là, về thời gian Đại hội nên cân nhắc điều chỉnh hợp lý hơn. Hội nghị trù bị phải thảo luận kỹ để thống nhất chỉnh lý, bổ sung báo cáo tổng kết, tiêu chuẩn và định hướng nhân sự (giữa Trung ương giáo hội với địa phương và các cấp chính quyền), tránh tình trạng Đại hội kết thúc mµ vẫn còn dư luận, ý kiến khác nhau về nhân sự. Trong quá trình điều hành, nếu có chương trình văn nghệ cần có nội dung phù hợp, bố trí thời điểm và thời gian hợp lý.


Bốn là, về khách mời, nhất là các cấp chính quyền, Mặt trận, ban ngành chức năng, các phóng viên báo chí… cần có danh sách cụ thể, có phù hiệu do Ban Tổ chức cấp. Việc này phải có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan chức năng, tránh tình trạng mời Phật tử đến quá đông, gây mất trật tự hoặc quan khách được mời chính thức thì không ai đón tiếp… Trong quá trình chuẩn bị lễ nghi, Ban Tổ chức nhất thiết phải thực tập trước Đại hội chính thức để không lúng túng khi có sự cố xảy ra.


Năm là, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cần đánh giá rõ hơn những thành tựu tham gia các phong trào phát triển kinh tế – xã hội, từ thiện và các phong trào khác của tăng ni Phật tử ở địa phương, đồng thời cũng phải chỉ rõ những tồn tại  để xác định những việc cần làm trong nhiệm kỳ tới. Đây là một nội dung hết sức quan trọng, cần có  sự chỉ đạo của Giáo hội Trung ương và sự tham gia ý kiến của chính quyền, Mặt trận các cấp.


Trên đây là một vài suy nghĩ của người có trách nhiệm trong việc tổ chức, điều hành Đại hội Phật giáo các tỉnh thành phía Bắc nhiệm kỳ 2002 – 2007. Xin nêu lên để nghiên cứu, tham khảo.