Trang chủ PGVN Nhân vật Mấy phác họa về Đại lão Tỷ kheo Phổ Tuệ

Mấy phác họa về Đại lão Tỷ kheo Phổ Tuệ

275

Chút duyên lành

Sau gần 40 năm bôn ba ở cõi trời Tây, đến đầu năm 2005, Cụ Nhất Hạnh đã trở về Tổ quốc, cùng hàng trăm đệ tử xuất gia và tại gia. Các hoạt động dày dặc, kéo dài trong nhiều tháng trên khắp đất nước của Đoàn đã làm cho tôi – một bác sĩ trẻ, vừa tốt nghiệp và xong nội trú, ổn định công tác tại một bệnh viện lớn ở Hà nội, đôi khi đọc 1 vài trang về Phật học – quan tâm, theo dõi.

Hơn nữa, có lẽ do phấn khích và sốt sắng mà một nữ đồng nghiệp, đã có tuổi, cùng ca trực đã chuyển cho tôi địa chỉ trang web có đưa tin chính thức về Đạo tràng Mai thôn –  cơ sở tôn giáo lớn nhất do Cụ Nhất Hạnh sáng lập. Vào trang đó, tôi đã có cái nhìn hệ thống về hoạt động của Cụ tại Quê hương yêu dấu.  Tuy nhiên 150 chữ trên đây chỉ là lời mở đầu để tôi nói đến một con người – một Đại lão Tỷ kheo duy nhất đang ở miền Bắc, trong số không nhiều – 6 vị, mà Cụ Nhất Hạnh đã đặc biệt nhắc đến với sự tin tưởng và kính trọng của một Thiền sư, trong mục 2 của “7 điểm đề nghị về chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo”, sau này được đăng lại trên Lá thư Làng Mai số 29/2006. Đó là Hoà thượng Thích Phổ Tuệ, mà sau này tìm hiểu ra tôi được biết, đương kim (10/2006) Trụ trì và là Phương trượng Viên Minh tự, tên nôm gọi là Chùa Giáng, tại xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Tỉnh Hà Tây, cách Trung tâm Hà nội khoảng 60 km về phía Nam, chếch Tây.

Tôi sở dĩ nhấn mạnh “chức danh” này vì Cụ liên tục và thực sự sống, tu hành tại đây đã gần 70 năm. Yếu tố thời gian ở đây, theo tôi là rất quan trọng. Và thêm 1 số chức danh phụ, cũng theo nghĩa thời gian, như Hạ chủ các trường Hạ của Hà Tây, Hiệu trưởng trường Cơ bản Phật học Hà Tây, Đại lão giáo thụ của Học viện Phật Giáo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Phó Ban Tăng sự, Phó Pháp chủ, kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh, năm nay vừa 90 tuổi.

Cụ Phổ Tuệ, 10/2006, Tại Thư phòng Chùa Giáng. Ảnh: Xuân Loan

Nội dung của tất cả những dòng trên đây là động cơ để tôi dành cả 1 ngày nghỉ để đi “xem” Đại lão Tỷ kheo này. Từ Hà Nội, theo quốc lộ số 1, xuôi về phương Nam khoảng hơn 40 km, đến Thị trấn Phú Xuyên, rẽ trái  khoảng 15 km thì tới Chùa. Hành trình đó trên 1 con đường rải đá cấp phối ghồ ghề, khó đi, khung cảnh bên đường đặc sắc Bắc bộ, đâu đó còn các phong cảnh đã tái hiện trong các truyện ngắn của Nam Cao. Nghĩa là nghèo, vắng vẻ, hơi gợi buồn, nhất là khi đông giá đang về. Nhìn xa xa, thi thoảng thấy cây đa, cây si cổ thụ, mái chùa, nhà thờ, ngọn tháp… dấu hiệu của một miền được giáo hoá từ lâu đời.

 Ngôi chùa & cái hồn của tâm linh

Tới Chùa Giáng, là một người quen ở nơi đô hội, tôi thực sự ngạc nhiên về sự hoang sơ, u tịch, đơn bạc của nó. Nhìn từ xa, thấy mấy ngọn tháp Phật, Tổ trang nghiêm bên mái chùa đỏ thắm và rêu phong, thấp thoáng sau luỹ tre già bao quanh khu Chùa khoảng hơn 2 mẫu Bắc bộ. Kiến trúc trong chùa, trừ Bảo Điện, Tổ đường, Bảo tháp là uy nghi trang nghiêm, còn lại nhà khách, khu Tăng chúng, bếp, trai đường, sân, lối đi, cổng… thì quá đơn giản, giống như những dãy quán chợ quê thời bao cấp, ẩn mình dưới bóng mát của những cây nhãn cổ thụ cao lớn, sum suê. Các khu ruộng quanh chùa trồng các loại rau cỏ, nghệ, sả để tu hạnh và góp phần trang trải sinh hoạt, nhưng trước tiền đường thì có 2 vạt ao trồng sen cúng Phật. Cảnh ấy được khắc họa phần nào trong bài Ngâm của Đại lão trụ trì:

Cảnh chùa Viên Minh

 

Ánh sáng Viên Minh ứng hiện đây

Bầu trời Quang Lãng phúc duyên đầy

Nguy nga cảnh Phật vuông khu đất

Sầm uất nhà Tăng rợp bóng cây

Hoằng hóa đạo vàng Kinh khắc giảng

Ghi công đức Tổ tháp đông tây

Sông Hồng mặc sức trào lên xuống

Gia cố cùng đê thắng cảnh này!

 

Vào chùa, cảnh đơn bạc, người vắng hoe. Sau hồi sủa của bầy chó báo khách lạ, tôi bước vào sân chùa cất tiếng niệm Phật. Chốc lát, từ cửa hậu Bảo điện hiện ra một Cụ sư già, với cảm quan ban đầu thì đúng hơn là một Lão nông tri điền, người tầm thước, dáng thanh thoát, khô gầy, khắc khổ, nhưng tinh anh, vững chãi, thảnh thơi, siêu thoát, nhàn nhã.  Tôi thấy ít ai ở tuổi ngoài 90 mà còn được như thế. Được biết tôi ở xa đến, Cụ hỏi ngay: “Trưa nay bác có dùng cơm với nhà chùa không để tôi báo nhà bếp chuẩn bị”, và v.v, khi biết tôi muốn lên Chùa lễ Phật, Cụ đi thay áo lễ, rồi khoan thai mở cửa, bật điện dẫn khách lên chính điện, rồi thêm hương, đốt nến…kính cẩn, an lạc lạ thường.

Sau đó, được Cụ ban cho 1 thời Pháp. Thật Tố phác mà Uyên thâm. Điều Cụ nói ra không còn bóng dáng của tri thức sách vở mà như là kinh nghiệm đã trải qua. Không còn vòng vo, dền dứ mà chỉ thẳng vào vấn đề với những từ chuẩn tắc mà tự nhiên, âm lượng nhỏ nhẹ mà khúc triết. Khả năng dẫn sách nhanh nhạy, như lấy từ trong túi áo ra, biểu hiện 1 ký tính công phu rèn luyện (cũng có thể vì một lý do khác). Là một người theo chuyên môn thực chứng y khoa, tôi nhận ra rằng, khi Cụ cần suy nghĩ sâu một vấn đề gì đó, dường như tâm lực được hút vào trong, bề ngoài trông như cây khô, tượng mộc. Nhưng khi hồi lại để thuyết giảng thì tươi nhuận, tinh anh. Không biết các Thiền gia bảo sao, còn tôi thì thấy rằng đó là biểu hiện của một nội lực lớn. Sau này trao đổi với một vài vị có cơ duyên gần gũi Cụ ở đâu đó, vị thì bảo rằng Cụ là người ốm yếu, bợt bạt, vị thì bảo Cụ khoẻ mạnh, v.v. Tôi chỉ cười, có lẽ cũng do từ đó.

Vào những năm 1950, nếu Tỷ kheo tráng niên Phổ Tuệ cùng các tăng sinh đồng hương Hà-Nam-Ninh như Thanh Kiểm, Tâm Giác… xuất dương du học, thì có lẽ bây giờ vị Đại lão Tỷ kheo trong bài viết này cũng đã có học vị cao cấp trong các lĩnh vực khoa học hay tôn giáo. Nhưng xét cho cùng thì đó cũng chỉ là những con đường khác nhau và giống như ai đó đã nói, “mọi con đường đều đổ về Rô-ma”. Trong tôn giáo, và có lẽ cũng là trong cuộc sống, Giản dị và Lão thực gần với Đạo, gần với Người hơn. Và điều đó hoàn toàn có thể, nếu không muốn nói là chưa đủ để nói về vị Đại lão Tỷ kheo trong bài viết này.

Hạnh phúc đích thực ở ngoài đời, trong chừng mực nào đó, cũng giống như sự đạt Đạo của người tu hành, dường như không phụ thuộc quá nhiều, nếu không muốn nói cực đoan là hoàn toàn độc lập, với hoàn cảnh khách quan- phương tiện sống. Có lẽ thế mà các thánh nhân và vĩ nhân mà loài người được biết đến đều sống trong một điều kiện sở hữu vật chất rất tối thiểu và thành thực rất mực, dường như dại dột. Sau này, khi đã qua giai đoạn “sơ giao”, (thực ra nói như vậy là sai vì với Cụ, làm gì có mới cũ, thân sơ), đôi lúc Cụ thường ngâm nga câu thơ của ai đó:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người ở chốn lao xao.

Tại sao lại là thơ nhỉ? Và tại sao lại không phải là thơ nhỉ? Nhất là người trong chốn Thiền gia. Để kết thúc phần một của bài viết này, tôi xin mời độc giả thưởng thức lại bài thơ vui của Cụ viết hồi đầu Xuân 2006:

 

Nhà Chùa tết nhất nghĩ mà vui

Lộc Phật ban cho đủ mọi mùi

Giò thủ Lăng nghiêm, Viên giác bánh

Chè Balamật, Pháp hoa xôi

Kìa mâm Bảo tích, bày trăm vị

Nọ đũa Kim cương sắp bốn đôi

Chiếu giải luật nghi nhà trượng thất

Bạn cao Tăng đạo thỉnh lên ngồi

 

Mời bạn đọc ghé thăm phần tiếp theo: Trước tác và Tư tưởng của Đại lão Tỷ Kheo Phổ Tuệ.