Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Bài 2: Lỗ hổng trong quản lý cổ vật

[Mất trộm cổ vật – nỗi lo gìn giữ di sản ngàn năm] Bài 2: Lỗ hổng trong quản lý cổ vật

178
Chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội) bị đạo chích 3 lần lấy trộm tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng. Ảnh: Ngọc Tú

Các di tích trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay phần lớn đều thiếu người trông giữ, lại hạn chế về các biện pháp bảo vệ tối thiểu nên dù đóng cửa nhưng vẫn dễ bị kẻ gian đột nhập. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, tình trạng mất trộm hiện vật, cổ vật trong các di tích thời gian qua cho thấy công tác quản lý còn nhiều bất cập.


Người dân làm… lá chắn
Theo ghi nhận tại các di tích đã xảy ra sự việc mấy trộm cổ vật, hiện nay việc bảo vệ tài sản tại các di tích đang trong tình trạng “toàn bảo vệ bằng người”. Thực tế cho thấy, ở các đình làng, người cao tuổi là lực lượng chủ lực trông giữ. Họ ngủ tại di tích để bảo vệ an ninh, trong đó có nhiệm vụ trông cổ vật. “Ở các đình, ngủ canh là phòng xa thôi, chứ trộm rắp tâm vào thì cũng khó bảo vệ. Ở chùa cũng vậy, chùa vắng lại rộng, rất khó quản lý”, ông Trương Minh Tiến – nguyên Phó giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.

 

 

Sau vụ việc tại chùa Bối Khê, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã đi khảo sát ý kiến của người dân để tìm giải pháp bảo vệ ngồi chùa này. Chính những người thường xuyên ra vào, sinh sống xung quanh chùa nhận định, công tác an ninh tại đây rất kém. “Hiện nay, để hỗ trợ cho trụ trì, nhiều bà vãi đã đến chùa để ngủ cùng sư buổi tối. Nhưng nếu có kẻ trộm hung tợn, xăm trổ đầy người, gây áp lực mà lại có hung khí, có lẽ không ai dám lên tiếng” – một người dân tại xã Tam Hưng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng mất cổ vật, một số người dân cho rằng, chính quyền xã Tam Hưng nên xin phép cơ quan có thẩm quyền để gia cố, xây tường chùa cao hơn, nếu tốn kém có thể làm rào sắt. Họ cũng đề nghị, chính quyền địa phương tiếp tục cung cấp kinh phí để duy trì các đội tự quản, tuần tra ban đêm để kịp thời phát hiện những kẻ có dấu hiệu tình nghi; bố trí người có khả năng trông coi chùa vào ban đêm.
Tăng cường biện pháp bảo vệ cổ vật
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn TP Hà Nội nói riêng đã xảy ra nhiều vụ mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích. Đặc biệt, vào thời điểm TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, nhiều di tích xảy ra tình trạng mất trộm. Khách quan nhìn nhận, vào thời điểm xảy ra các vụ mất cắp, do các cấp chính quyền địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để chống dịch nên kẻ gian đã lợi dụng, thực hiện đánh cắp các hiện vật tại di tích.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Doãn Văn – Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội: Một số địa phương còn lơi là, buông lỏng quản lý, mất cảnh giác nên đã xảy ra tình trạng nêu trên. Thậm chí, một số địa phương khi xảy ra việc mất cắp hiện không kịp thời trình báo với cơ quan Công an, Sở VH&TT Hà Nội để có phương án điều tra, truy tìm các di vật đã mất, gây khó khăn cho cơ quan quản lý chuyên môn về di sản văn hóa. Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, có thể nói rằng, để xảy ra tình trạng mất cắp tại các di tích vừa qua, một phần do UBND các quận, huyện, thị xã chưa nghiêm túc thực hiện nội dung Quyết định số 48//2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND TP (ban hành kèm theo Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội) TP, thậm chí một số địa phương còn lơi lỏng, thiếu chỉ đạo, kiểm tra kịp thời.
Nhằm khắc phục tình trạng mất cắp di vật, hiện vật xảy ra trong thời gian vừa qua, Sở VH&TT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, cũng như hằng năm phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn công tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy – chữa cháy, tu bổ tôn tạo di tích… trên địa bàn TP nhằm giảm thiểu các tình trạng nêu trên. Song song với đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đồng bộ chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện Quyết định số 48 và văn bản số 2352/UBND-UBND ngày 11/6/2020 của UBND TP. Đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tại địa phương khi để xảy ra việc mất cắp di vật, hiện vật trên địa bàn rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Bên cạnh các giải pháp trên, theo các chuyên gia bảo tồn di sản, một trong những biện pháp để bảo vệ cổ vật là cần xử lý nghiêm các đường dây, đối tượng trộm cắp cổ vật. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các vụ trộm cắp cổ vật còn hiếm. PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: “Những vụ mất cổ vật cần đề nghị ngành công an tìm cho ra, xử cho nghiêm để răn đe. Cái dở là chúng ta ít bắt được trộm cắp cổ vật. Triệt để nhất là bắt được trùm và đường dây. Bắt được chính thức thì cần xử công khai để răn đe”.
Bên cạnh đó, sau vụ mất trộm hàng loạt cổ vật tại Thanh Oai, Sở VH&TT Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã có văn bản yêu cầu địa phương phối hợp với cơ quan công an điều tra, làm rõ. Một điều quan trọng nữa là kiểm kê, làm hồ sơ và đăng ký cho cổ vật, điều này giúp cho cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc nắm được thông tin cổ vật.
Hiện nay tại Hà Nội, một số địa phương đã triển khai tốt việc làm này. Đơn cử như tại huyện Gia Lâm, Trưởng phòng VH&TT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: “Huyện Gia Lâm đã xây dựng và hoàn thành Đề án Kiểm kê di vật, hiện vật tại 188/318 di tích. Đề án này được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2019 với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng”. Mỗi di tích được kiểm kê sẽ có một bộ sản phẩm gồm: Phiếu kiểm kê hiện vật, hồ sơ khoa học của di tích, mặt bằng hiện trạng của hiện vật và phần mềm quản lý. Mỗi bộ sản phẩm này được sao thành 4 bản, giao cho ban quản lý di tích, UBND xã, Phòng VH&TT và UBND huyện giữ.
Ngoài ra, một việc quan trọng khác là cần nâng cao ý thức bảo vệ cổ vật của cả địa phương, bao gồm cả chính quyền, cấp quản lý ở địa phương và cộng đồng dân cư. Bởi nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa hiểu biết thấu đáo trách nhiệm giữ gìn di sản. TS Phạm Quốc Quân – Ủy viên Hội đồng di sản quốc ra cho rằng, các Sở VH&TT cần có lớp đào tạo, tập huấn để chính quyền địa phương hiểu biết và thực thi trách nhiệm bảo vệ di tích chu đáo hơn. TS Trần Hậu Yên Thế đồng tình, bởi không gian di tích gần gũi cộng đồng nên càng phải tuyên truyền để dân nâng cao hiểu biết, có trách nhiệm với di sản.Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Bình – người sáng lập CLB đình Làng Việt nhận định: “Nhiều địa phương không đánh giá được hết giá trị của di tích. Nhiều di tích cái giá trị không giữ, đi giữ cái không giá trị. Ví dụ như chùa để toang hoang, không biết trong chùa hiện vật rất quý. Hiện tượng vừa qua ở Thanh Oai, kẻ trộm chỉ biết đồ đồng là quý, chúng không biết đồ khác còn ý nghĩa hơn. Đây là không phải trộm chuyên nghiệp về cổ vật, chỉ là trộm vặt, không phải chuyên gia săn lùng cổ vật”.
Nhìn chung, di vật, hiện vật tại di tích không thuộc về cá nhân mà thuộc về cộng đồng nên chính quyền địa phương và cộng đồng phải có trách nhiệm bảo vệ. Để bảo đảm an ninh ở khu vực các di tích, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác cần phân cấp mạnh hơn để chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính với sự an toàn và nguyên vẹn của di tích, di sản.
(còn nữa)

Cần giải pháp tổng thể

“Đình chùa miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, không có thành cao hào sâu nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. Chúng tôi đi điền dã, nghiên cứu nhiều di tích đều thấy lo lắng cho các cụ cao niên trông coi ở nhiều ngôi đình cổ trống trải. Các cụ đều có tâm đức với đình chùa nhưng tuổi cao sức yếu nên việc trông nom không dễ dàng. Một số ngôi đình cổ phải “sơ tán” bảo vật, đồ thờ tự thiêng cho an toàn, tuy thế tách đồ thiêng khỏi không gian di tích cũng là việc đáng buồn.Mỗi lần cổ vật bị mất, chúng tôi đều rất xót xa. Nhìn chung, hiện nay các di tích đều thiếu đi một người thực sự lo lắng, giữ gìn. Trong những cụm di tích, vấn đề bảo vệ hiện vật, di vật yếu nhất là ở các đình. Đình là chỗ ai cũng có thể ra vào. Theo tôi, nên có một phương án tổ chức hoạt động hợp lý. Ví dụ như xưa, đình là nơi họp của dân phòng, chính quyền thời phong kiến. Hiện nay, có thể tổ chức đình là nơi để khai báo tạm trú, tạm vắng ở các địa phương để chỗ đó luôn có người trực. Nhưng đình làng giờ chỉ để cho các cụ về hưu, mắt mờ chân chậm ra đấy, kẻ gian rất dễ lợi dụng. Có một đơn vị, bộ phận khai báo tạm trú, tạm vắng sẽ như một lực lượng túc trực cũng là một giải pháp để bảo vệ di tích. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt về tổng thể, chính quyền địa phương cần có cơ chế, chính sách, giải pháp tổng thể để làm sao ổn định xã hội, tăng cường các biệt pháp giáo dục để giải quyến tậng gốc vấn đề.” –  Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế


Tăng cường tuyên truyền

“Có những cổ vật không phải trưng bày, mà các cụ có két giữ cất vào đấy. Ai muốn xem phải có thủ tục, giấy tờ, phải có trưởng ban hộ tự, hoặc trưởng ban quản lý di tích đồng ý. Muốn xem ấn triện hay sắc phong thì phải mở két. Nhưng không phải cái gì cũng cất được, chẳng hạn như bát hương. Quan trọng nhất là phải tuyên truyền người dân và xử nặng. Chứ nói kiểu bát hương vài trăm nghìn xử hành chính thôi thì rồi sẽ lại bị ăn cắp tiếp. Có thể quy về độc bản, nghĩa là không thể định giá bằng kinh tế được. Chỉ trông vào luật Di sản thì khó, cần phải có cả chế tài luật Hình sự”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích. Với số lượng di tích đứng đầu cả nước như trên nên công tác quản lý đang đặt ra cho ngành văn hóa không ít những khó khăn, bất cập.” – TS Tạ Quốc Khánh – Viện Bảo tồn di tích


Vai trò của chính quyền địa phương”

Theo quy định phân cấp tại Quyết định số 48//2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 của UBND TP Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức quản lý Nhà nước đối với di tích thuộc danh mục kiểm kê trên địa bàn, đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định pháp luật có liên quan về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời, chỉ rõ sự phối hợp giữa Sở VH&TT và các cơ quan chức năng, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền. Như vậy, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP về công tác quản lý về di sản văn hóa, cũng như việc để xảy ra tình trạng mất cắp các di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn TP.” – Trưởng ban Quản lý di tích – danh thắng Hà Nội – TS Nguyễn Doãn Văn  (Lại Tấn thực hiện)


“Nếu tình trạng chảy máu cổ vật không sớm được ngăn chặn thì cổ vật Việt Nam dù có phong phú đến mấy, đa dạng đến mấy, rồi cũng bị mất hết. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như văn hóa, lịch sử của nước ta.

Bởi vì, những hiện vật bị trộm cắp đang trôi nổi trên thị trường hoặc thuộc sở hữu của một cá nhân nào đó phần lớn đều chưa được nghiên cứu, giám định. Ngay cả với những hiện vật đã được nghiên cứu, giám định vẫn cần được cất giữ để phục vụ quá trình nghiên cứu lâu dài của các thế hệ con cháu sau này, cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam. Một khi các hiện vật bị mất đi, quá trình nghiên cứu coi như phải dừng lại.” – PGS.TS Nguyễn Lân Cường