Trang chủ Tin tức “Mắt thiêng” Yên Tử

“Mắt thiêng” Yên Tử

63

Từ lâu, chùa Đồng không chỉ mang ý nghĩa về kiến trúc mà xét trên phương diện tín ngưỡng lâu đời, nó có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Chính vì điều đó, hơn 3 vạn tăng ni, Phật tử và du khách thập phương đã nô nức kéo về khu di tích Yên Tử để chiêm ngưỡng kỷ lục Guinness VN mới, ngôi chùa bằng đồng lớn nhất của VN khánh thành hôm 30-1.








Đêm không ngủ trên độ cao 1.068 m








Bất chấp thời tiết khắc nghiệt (trưa nắng hanh, đêm lạnh buốt dưới 10oC), hết đoàn xe này đến đoàn xe khác nườm nượp kéo về Yên Tử từ ngày 29-1. Đáng kể nhất phải kể đến đoàn tăng ni, Phật tử chùa Phúc Khánh (Tây Sơn – Hà Nội) với 7 xe chở gần 400 Phật tử. Trước đó cả tuần, các dịch vụ du lịch đã sẵn sàng đón lượng khách tham quan đông chưa từng có.








Để tụng kinh trước khi khánh thành chùa Đồng, ngay chiều 29-1, một số tăng ni, Phật tử bắt đầu khởi hành lên núi. 18 giờ, một đoàn khoảng 100 người với áo mưa (dù trời không mưa), đèn pin bắt đầu xuất phát từ chùa Hoa Yên. Trong đoàn về lễ hội có những người đã đi Yên Tử hàng chục lần, nhiều du khách đến từ TPHCM và Việt kiều về quê ăn Tết.














Những chuyến đi xuyên màn đêm lên chùa Đồng. Ảnh: N.Quyết

Sư thầy Thích Nhất Đàn (chùa Vĩnh Nghiêm – TPHCM), sư thầy Minh Hậu (chùa Phúc Khánh – Tây Sơn) cùng các sư thầy khác hòa mình vào dòng người. Tiếng “Nam mô a di đà Phật” như vang vọng núi rừng Yên Tử. Tuổi già, đi bộ đất bằng có khi cũng chùn chân nhưng leo núi mà các cụ cứ thoăn thoắt. “Bí quyết” được truyền nhau: thở bằng mũi, ngậm kẹo gừng, đi bước một.








Vừa đi vừa nghỉ, 20 giờ đúng, đoàn lên đỉnh Non Thiên, nơi tọa lạc chùa Đồng. Tại đây đã có khoảng 200 người đợi sẵn từ bao giờ. Khói hương nghi ngút, tiếng cầu nguyện vang lên bầu trời ở độ cao 1.068 m. Đỉnh cao nhất của Yên Tử cũng là nơi gió lớn nhất.








Hơn 300 tăng ni, Phật tử đã có một đêm không ngủ trên đỉnh núi nơi tọa lạc chùa Đồng. Càng về đêm, trời càng rét thấu xương. Mọi người kéo bạt thành từng nhóm, ngồi dựa mấy chục người vào nhau lấy hơi ấm. Đến 1 – 2 giờ sáng, gió rét căm căm khiến nhiều người không chịu được, phải soi đèn pin quay xuống quán cách đó hơn 700 m để nghỉ. Một số người kiếm củi đốt thành hai đống lửa lớn ngồi hong tay chân cho tan giá. Các cụ tay chân run lập cập nhưng miệng không ngớt thành kính “Nam mô a di đà Phật”. Khó tưởng tượng được trong cái lạnh dưới 10oC, các cụ vẫn “trụ vững” đến khi mặt trời ló rạng đằng Đông.








Ngôi chùa kỷ lục








Tờ mờ sáng 30-1, đoàn người lại tiếp tục kéo lên chùa Đồng để chứng kiến giây phút được chờ mong suốt bao ngày qua: Nghi thức tôn giáo Hô thần nhập tượng- Khai quang yên vị, làm lễ khánh thành chùa Đồng. Hàng vạn người trầm trồ trước một công trình vừa quen, vừa lạ, sừng sững uy nghiêm trên chót vót đỉnh Yên Tử ngút ngàn mây gió. Tiếng tụng kinh, niệm phật vang cả góc trời.













Núi trong mây trắng









Sử sách ghi lại rằng Yên Tử còn có tên là Bạch Vân Sơn, bởi quanh năm đỉnh núi chìm trong mây trắng. Khu di tích này dài gần 20 km, từ chùa Bí Thượng đến chùa Đồng nằm trên đỉnh Yên Sơn, gắn liền với tên tuổi vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vị vua hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đã từ bỏ ngai vàng về tu hành ở chùa Yên Tử và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Suốt 1.000 năm tồn tại, Yên Tử nổi danh là đất tổ của Phật giáo VN, trong đó chứa đựng một di sản to lớn, đó là tư tưởng triết học Phật giáo của người Việt do vua Trần Nhân Tông sáng tạo.


Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí, cho biết vì ngôi chùa đặt trên độ cao trên 1.000 m nên Ban quản lý Dự án tôn tạo chùa Đồng khá “đau đầu” với nhiều phương án khác nhau. Sau khi cân nhắc, Ban Quản lý Dự án tôn tạo chùa Đồng lựa chọn Công ty TNHH Mỹ thuật Hà Nội là đơn vị thi công đúc chùa Đồng. Tuy nhiên, theo ông Sơn, khó khăn nhất là vận chuyển các chi tiết ngôi chùa lên đỉnh núi. Bởi vì trung bình mỗi chi tiết nặng 5 tạ, chi tiết nặng nhất gần 1,5 tấn. Ban Chỉ đạo đưa phương án đề nghị Bộ Quốc phòng giúp đưa lên bằng trực thăng nhưng không ổn do không có bãi đáp.

Phương án vận chuyển thủ công bằng cách khiêng vác cũng sớm bị loại bỏ vì ít ai có khả năng mang khối lượng gấp nhiều lần cơ thể leo núi dựng đứng trong mấy giờ đồng hồ. Ban Quản lý Dự án tôn tạo chùa Đồng đã phải “vời” Công ty TNHH Trường Thịnh TPHCM chuyên về vận chuyển trên không ra tay. Vấn đề được giải quyết: Một đường vận chuyển bằng ròng rọc nối từ mặt đất lên đỉnh núi. Sau 15 tháng thi công, công trình đã hoàn tất.








Tại buổi lễ, ông Võ Văn Tường- Thường trực Hội đồng Tư vấn Trung tâm Sách kỷ lục VN – đã trao bằng chứng nhận “Ngôi chùa bằng đồng lớn nhất VN”. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tường nói: “Tôi đã được chiêm ngưỡng nhiều ngôi chùa đồng ở Trung Quốc và một vài nước khác nhưng chưa có ngôi chùa đồng nào lại tọa lạc trên đỉnh núi cao và hiểm trở như Yên Tử. Trong giây phút nhận cúp kỷ lục, Tiến sĩ Phật học, Đại đức Thích Thanh Quyết chịu trách nhiệm quản lý dự án bày tỏ lòng tri ân đối với nhân dân cả nước đã đóng góp công sức tôn tạo chùa Đồng. Số tiền công đức nhân dân đóng góp lên tới hơn 10 tỉ đồng. Một nhà hảo tâm giấu tên đã ủng hộ hơn 1 tỉ đồng.








Nếu như chùa Đồng là một kỷ lục về mặt độc đáo cũng như kiến trúc thì sự kiên trì, bền bỉ chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của các công nhân ở đây cũng là một “kỳ tích”. Có những người ở trên đỉnh núi cả tháng, trong điều kiện giá rét và thiếu nước.