Trang chủ PGVN Cửa thiền Mái ấm nơi cửa Thiền

Mái ấm nơi cửa Thiền

101

Chùa Mía có hệ thống tượng Phật cùng công trình kiến trúc được đánh giá là đặc biệt quan trọng của cả nước. Nơi đây cũng nằm trên địa phận làng Việt cổ Đường Lâm, là quê hương của hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Là người địa phương, ngay từ nhỏ, thầy Đàm Thanh thường được theo ông bà, bố mẹ lên chùa làm công quả.


Mỗi lần nghe những lời thỉnh kinh, giáo lý nhà Phật, được chứng kiến công việc của người tu hành, thầy thấy thật hợp với mình. Năm 17 tuổi thầy chính thức xuống tóc. Bố mẹ thầy mong con trở thành cô giáo, còn nhiều người nghĩ rằng thầy sẽ trở thành một nghệ sĩ, bởi giọng hát của cô bé Trịnh Thị Dung (tên tại gia) ngày đó đã nức tiếng trong vùng. Thầy Thanh bảo: “Đó là một căn duyên, không ai ủng hộ nhưng cũng không ai ngăn cản được con đường của mình”.


Khi đã trở thành một người xuất gia tu hành có vốn hiểu biết nhất định, gần 10 năm qua, thầy thường cùng Ban từ thiện Phật giáo Hà Tây đặt chân đến nhiều địa chỉ khó khăn để giúp đỡ, từ thiên tai, bệnh đau, hỗ trợ học sinh nghèo, xây nhà tình nghĩa, cấp xe lăn… Trong những chuyến đi ấy, hình ảnh các em nhỏ mồ côi, bị bỏ rơi để lại trong thầy nhiều trăn trở nhất. Thầy nhận thấy, những sinh linh bé nhỏ này dù có hỗ trợ vật chất bao nhiêu cũng chưa thể cảm nhận được, còn tình cảm thì thiếu thốn rất nhiều…


Thế rồi, một buổi sáng tinh mơ tháng 5-2002, thầy Đàm Thanh nhận được tin: “Có một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Mẹ cháu là một học sinh phổ thông và mới 16 tuổi. Các y tá đã đưa cháu vào nhà tạm chờ để chờ người nhận nuôi”. Bỏ dở buổi lễ chay, thầy Thanh bắt xe lên Hà Nội ngay. Khi làm thủ tục nhận nuôi đứa trẻ, có người nghi ngại: “Là người tu hành, liệu thầy có chăm sóc nổi?”. Thầy Thanh thâm trầm: “Phật tử sẽ làm hết sức mình có thể”. Mong đứa bé có một cuộc sống thanh bình, yên ấm, thầy đặt tên cho đứa bé là Bình Nhi.


Thấy sức mình có thể giúp đỡ được hơn và mong Bình Nhi có em, thầy Thanh lần lượt nhận thêm 4 em nhỏ có hoàn cảnh tương tự nữa về nuôi và đặt tên là Yến Nhi, Linh Nhi, Phương Nhi, Bảo Nhi. Chưa có kinh nghiệm nuôi trẻ, thầy lân la học hỏi những bà mẹ trong xóm. Chẳng bao lâu sau, khi nghe tiếng trẻ con khóc là thầy cảm nhận được ngay đứa bé khát sữa, nóng bức hay đòi bế. Có lần người nhà chùa xúc động thấy thầy Thanh rơi nước mắt khi Bình Nhi nghe tiếng ru trên đài phát thanh vẳng lại và ngủ thiếp đi. Mấy hôm sau thầy Thanh cũng học được cách ru con, các con ngủ ngon hơn nhưng bù lại mắt thầy thâm quầng, người xanh xao, gầy rộc.


Thương thầy Thanh, người dân xã Đường Lâm và các xã khác cũng đến giúp thầy một tay, từ bơ gạo, thức ăn trẻ nhỏ đến chăm nom hay giặt giũ. Rồi đến ngày bọn trẻ bập bẹ học nói, thầy Thanh kể: “Tôi cũng không biết để các em nhỏ xưng hô ra sao? Bởi nếu gọi mẹ với một người xuất gia thì nghe hơi nghịch lỗ tai”. Tuy nhiên, như một bản năng, những đứa trẻ cứ lần lượt bập bẹ gọi thầy là mẹ. Điều này lâu dần cũng không làm thầy cấn cá nữa.


Thầy bảo: “Tôi vẫn rủ rỉ với bọn nhỏ “vì cha mẹ con hoàn cảnh khó khăn nên mẹ mới có phúc nuôi con”. Nhưng dù đã nghe đến hàng trăm lần như vậy, bọn trẻ vẫn chỉ biết một mình mẹ Đàm Thanh trên đời. Bất kỳ ai hỏi mẹ đâu, chúng đều chỉ “mẹ đây” một cách hồn nhiên. Thầy Thanh bảo “Điều tôi mong muốn cho các con là dìu dắt chúng đi qua quãng đời thơ ấu không may mắn và có được cơ hội học hành, trưởng thành như các bạn cùng trang lứa, trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước. Còn khi lớn lên, tôi không ngăn cản các con đi tìm mẹ của chúng. Tôi cũng để các con tự chọn con đường tương lai của mình, ai có thể theo tu hành thì ở lại, ai ra đời sống thì lại mang theo giáo lý nhà phật ra ngoài. Như vậy là mình đã “lời” nhiều rồi”.


Thấm thoắt đã mấy năm trôi qua, Bình Nhi (5 tuổi), Yến Nhi, Linh Nhi (4 tuổi) đã đến tuổi đi nhà trẻ. Vậy là sáng nào thầy Thanh cũng chở 3 con đến trường mẫu giáo Sơn Ca, ở trung tâm thành phố, cách chùa 4 cây số, chiều lại đón về, tất bật, lo lắng cho chúng. Ở nhà chỉ còn lại Phương Nhi (22 tháng) và Bảo Nhi (12 tháng).


Thầy Thanh dạy các con biết yêu thương, san sẻ với nhau như anh em một nhà. Tuy mỗi đứa một tính cách: Bình Nhi tính tình hiền thục, ra dáng chị cả; Yến Nhi rắn rỏi, mạnh mẽ; Linh Nhi mềm mại, nữ tính; Phương Nhi tinh nghịch, thông minh; Bảo Nhi xởi lởi, hồn nhiên… nhưng tất cả các em đều sống ngăn nắp, có ý thức tự lập từ bé, và đặc biệt mọi người chưa từng nghe thấy những đứa trẻ trong chùa cãi hay đánh nhau bao giờ. Thầy Thanh còn kể, từ ngày có các em, sư cụ Đàm Cẩn đã hơn 80 tuổi cũng trở nên nhanh nhẹn hơn và dành tất cả tình yêu thương cho chúng. Chỉ nghe thấy tiếng một đứa khóc là sư cụ để cả đấy chạy ra dỗ chúng. Lúc bọn trẻ còn bé, nhiều khi thấy nhà chùa vất vả quá, mấy người đã ngỏ ý tốt xin nhận các cháu về nuôi. Mỗi lần như vậy, sư cụ lại trả lời: “Dù có vất vả đến mấy, tôi cũng không bao giờ rời xa chúng”.


Cây bồ đề trước cổng chùa Mía đã trở thành cổ thụ, tỏa bóng lá sum sê. Tấm lòng từ bi của thầy Đàm Thanh, của sư cụ Đàm Cẩn cũng như bóng bồ đề kia tỏa mát, che chở, đem đến cho các em nhỏ một tuổi ấu thơ đủ đầy. Chia tay thầy Đàm Thanh nhưng đâu đây tôi vẫn nghe thấy lời thầy nói: “Tôi mong các con ra đời sẽ gặp được những người nhân hậu và những điều răn dạy của tuổi ấu thơ sống trong nếp chùa sẽ theo các con suốt cuộc đời. Tôi mong trên đời này không còn trẻ em thiệt thòi, không còn trẻ bị ruồng bỏ ngay sau tiếng khóc chào đời”.


Tôi thành kính chắp tay dưới chân tượng Phật, trên bức tường vàng dưới mái cong tôn nghiêm của ngôi chùa treo những bức trướng ghi lời răn của Phật “Dù xây chín ngọn phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Tôi nhận ra dường như cái tâm của mình đang sáng lên từ những gì mắt thấy tai nghe về tấm lòng, việc làm của sư thầy chùa Mía trên làng cổ Đường Lâm ngàn năm văn hiến.